1. Đặt vấn đề
- Cơ sở lý luận: Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân đều qui định Viện kiểm sát nhân dân có chức năng Kiểm sát hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân đối với các vụ, việc dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, hành chính, lao động và việc khác theo qui định của pháp luật (gọi chung là án dân sự). Các Chị thị công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kế hoạch công tác hàng năm đều nêu rõ chỉ tiêu kháng nghị trong lĩnh vực này.
- Cơ sở thực tiễn: Trong các năm 2017, 2018, 2019 Viện kiểm sát nhân dân huyện Ia Grai đã thực hiện tổng cộng 06 kháng nghị, 02 báo cáo kháng nghị đối với các bản án do Tòa án nhân dân huyện Ia Grai xét xử trong lĩnh vực dân sự. Kết quả được Viện kiểm sát tỉnh chấp nhận quan điểm 05 kháng nghị và 02 báo cáo kháng nghị (đạt 87,5%), không chấp nhận 01 kháng nghị (chiếm 12,5%). Như vậy, mặc dù đã làm tốt công tác kháng nghị phúc thẩm trong lĩnh vực dân sự nhưng vẫn có 01 kháng nghị chưa được Viện kiểm sát nhân dân tỉnh chấp nhận nên đòi hỏi cần tiếp tục thực hiện các giải pháp gắn với điều kiện thực tiễn của đơn vị để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác kháng nghị bản án, quyết định do Tòa án nhân dân huyện Ia Grai giải quyết trong thời gian tới. Qua đó góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết án của Tòa án nhân dân huyện, thể hiện tốt vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong lĩnh vực này, giảm bớt khiếu nại khiếu kiện vượt cấp, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị địa phương.
2. Thực trạng
Trong những năm qua (năm 2016 trở về trước), việc kháng nghị đối với bản án, quyết định trong lĩnh vực dân sự tại đơn vị chủ yếu được xem xét, thực hiện sau khi đã có bản án, quyết định của Tòa án gửi sang. Thiếu tính chủ động trong việc nghiên cứu hồ sơ, định hướng quan điểm giải quyết, dự kiến tình huống và kết quả xét xử nhằm đề ra hướng yêu cầu thu thập tài liệu, chứng cứ đảm bảo cho việc đưa ra quan điểm của Viện kiểm sát cũng như kháng nghị bản án, quyết định; một số vụ, việc còn chưa kịp thời nghiên cứu phát hiện vi phạm để kháng nghị ngang cấp mà phải báo cáo cấp trên để kháng nghị. Ngoài ra, trong hoạt động kiểm sát một số vụ, việc cụ thể thì Lãnh đạo, Kiểm sát viên được phân công còn bị động trong việc đăng ký báo cáo án trong tập thể lãnh đạo, tập thể đơn vị hoặc xin ý kiến của Phòng nghiệp vụ (Phòng 9) trước khi đề xuất hoặc đưa ra quan điểm của Viện kiểm sát tại phiên tòa. Những hạn chế trên đã ảnh hưởng đến chất và lượng của một số kháng nghị, cần thiết phải có giải pháp thiết thực, cụ thể để nâng cao hiệu quả công tác này hơn nữa.
3. Giải pháp
Điểm mấu chốt của giải pháp này là đưa ra các biện pháp cụ thể để tăng cường tính chủ động và trách nhiệm của Kiểm sát viên, Lãnh đạo đơn vị trong việc tiếp cận, nghiên cứu hồ sơ, đánh giá chứng cứ, thu thập tài liệu trước và sau khi xét xử vụ án dân sự, sau khi tham gia các phiên họp việc dân sự và các việc khác theo quy định của pháp luật, từ đó sớm có quan điểm định hướng trước xét xử và nhanh chóng đưa ra quan điểm kháng nghị hoặc không kháng nghị trong thời hạn luật định. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của Ngành thì giải pháp sáng kiến này được phân ra 02 trường hợp: Trường hợp Viện kiểm sát có tham gia phiên tòa, phiên họp và trường hợp Viện kiểm sát không tham gia phiên tòa, phiên họp.
Quy trình này được cụ thể hóa bằng 05 bước như sau:
3. 1. Đối với trường hợp Viện kiểm sát có tham gia phiên tòa, phiên họp
- Bước 1: Kiểm sát viên tiếp nhận hồ sơ, nghiên cứu, trích cứu đánh giá chứng cứ, trực tiếp trao đổi với Thẩm phán được phân công về những vấn đề mà Kiểm sát viên chưa thống nhất trong hồ sơ.
- Bước 2: Kiểm sát viên tổng hợp xây dựng báo cáo án trình Lãnh đạo phụ trách để:
+ Đánh giá tổng thể vụ, việc dân sự bằng hình thức báo cáo án theo mẫu của ngành, chú trọng nêu, phân tích các vấn đề mấu chốt vụ án.
+ Báo cáo các vấn đề chưa thống nhất với Thẩm phán dựa trên hồ sơ và kết quả trao đổi quan điểm với Thẩm phán.
+ Đề xuất việc ban hành Yêu cầu thu thập chứng cứ đối với những vấn đề cần bổ sung theo quan điểm của Kiểm sát viên.
+ Dự kiến các tình huống có thể phát sinh, diễn biến thay đổi tại phiên Tòa để chủ động việc xây dựng kế hoạch hỏi, nghiên cứu các quy định của pháp luật đề xuất hướng xử lý.
- Bước 3: Lãnh đạo phụ trách duyệt quan điểm:
+ Quyết định các vấn đề theo đề xuất của Kiểm sát viên, chú trọng các vấn đề còn quan điểm khác biệt giữa Kiểm sát viên và Thẩm phán. Xem xét việc Kiểm sát viên đề xuất việc ban hành Yêu cầu thu thập chứng cứ để quyết định việc ban hành.
+ Báo cáo họp tập thể lãnh đạo (hoặc toàn thể Lãnh đạo, Kiểm sát viên đơn vị) để duyệt án tập thể đối với những vấn đề phức tạp.
+ Chỉ đạo Kiểm sát viên báo cáo Phòng nghiệp vụ để xin ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn thêm đối với những vấn đề qua họp chưa đưa ra được quan điểm chính thức hoặc còn có ý kiến khác nhau trong tập thể lãnh đạo.
- Bước 4: Kiểm sát xét xử, kiểm sát bản án, quyết định sau phiên tòa, phiên họp:
+ Kiểm sát viên kiểm sát xét xử tại phiên tòa, phiên họp theo dõi chặt chẽ, ghi chép đầy đủ diễn biến; đặc biệt lưu ý là các tình huống phát sinh làm thay đổi bản chất vụ, việc. Đối chiếu với các tình huống dự kiến phát sinh để kịp thời đưa ra hướng xử lý phù hợp. Trường hợp đặc biệt có thể đề nghị chủ tọa tạm ngừng phiên tòa, phiên họp để báo cáo, xin ý kiến lãnh đạo trước khi đưa ra quan điểm của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án, vụ việc. Đối với những vấn đề Hội đồng xét xử chưa làm rõ hoặc thuộc phạm vi để Viện kiểm sát đưa ra quan điểm tại phiên tòa, phiên họp hoặc là căn cứ đưa ra quan điểm kháng nghị sau phiên tòa, phiên họp thì Kiểm sát viên tập trung xét hỏi làm rõ, yêu cầu Thư ký phản ánh đầy đủ trong biên bản. Kiểm sát biên bản phiên tòa ngay sau khi kết thúc.
+ Kiểm sát viên báo cáo kết quả xét xử vụ án, đặc biệt chú trọng đến các vấn đề có quan điểm khác nhau giữa Viện kiểm sát và Tòa án, các vấn đề mới phát sinh, thay đổi tại phiên tòa, phiên họp.
+ Tiến hành các biện pháp thu thập chứng cứ, xác minh theo quy của pháp luật để đảm bảo cho việc đưa ra quyết định (kháng nghị hoặc không kháng nghị).
+ Kiểm sát viên tổng hợp báo cáo bằng văn bản trong tập thể lãnh đạo Viện.
+ Căn cứ kết quả họp lãnh đạo Viện, đồng chí lãnh đạo được phân công phụ trách và Kiểm sát viên đăng ký báo cáo Phòng nghiệp vụ các vấn đề làm căn cứ kháng nghị, thống nhất đường lối kháng nghị.
- Bước 5: Ban hành kháng nghị và theo dõi việc kháng nghị:
+ Ban hành kháng nghị phúc thẩm đối với bản án, quyết định của Tòa án trong thời hạn luật định. Trường hợp vì lý do khách quan mà hết thời hạn kháng nghị của cấp sơ thẩm thì khẩn trương báo cáo Phòng nghiệp vụ đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tỉnh kháng nghị.
+ Phối hợp tốt với Phòng nghiệp vụ để theo dõi việc kháng nghị, bổ sung các tài liệu chứng cứ mới phát sinh (nếu có) để đảm bảo tính có căn cứ của kháng nghị đến thời điểm xét xử phúc thẩm.
3.2. Đối với trường hợp Viện kiểm sát không tham gia phiên tòa, phiên họp (theo quy định của pháp luật)
- Bước 1: Sau khi nhận được bản án, quyết định do Tòa án gửi đến, Kiểm sát viên cần rà soát, đối chiếu với các quy định của pháp luật. Khi có cơ sở phát sinh việc kháng nghị thì yêu cầu Tòa án chuyển hồ sơ vụ, việc để xem xét, trao đổi với Thẩm phán về các nội dung, tình tiết trong hồ sơ, kiểm tra lại căn cứ để xác định vụ, việc là cần thiết kháng nghị.
- Bước 2: Kiểm sát viên xây dựng hồ sơ kiểm sát, trích cứu, đánh giá chứng cứ do Tòa án thu thập. Trực tiếp tiến hành việc thu thập chứng cứ hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp chứng cứ để đảm báo căn cứ đưa ra quan điểm đề xuất.
- Bước 3: Kiểm sát viên kiểm sát bản án, quyết định, tổng hợp xây dựng báo cáo án trình Lãnh đạo phụ trách để:
+ Đánh giá tổng thể vụ, việc dân sự bằng hình thức báo cáo án theo mẫu của Ngành, chú trọng nêu, phân tích các vấn đề mấu chốt vụ án.
+ Báo cáo các vấn đề chưa thống nhất với Thẩm phán dựa trên hồ sơ và kết quả trao đổi quan điểm với Thẩm phán.
+ Báo cáo kết quả trong trường hợp tự mình thu thập tài liệu chứng cứ hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp chứng cứ.
+ Đề xuất quan điểm tổng hợp về đường lối kháng nghị hoặc không kháng nghị.
- Bước 4: Lãnh đạo phụ trách duyệt quan điểm:
+ Quyết định các vấn đề theo đề xuất của kiểm sát viên, chú trọng các vấn đề còn quan điểm khác biệt giữa Kiểm sát viên và Thẩm phán.
+ Báo cáo họp tập thể lãnh đạo (hoặc toàn thể Lãnh đạo, Kiểm sát viên đơn vị) để duyệt án tập thể đối với những vấn đề phức tạp.
+ Chỉ đạo Kiểm sát viên báo cáo Phòng nghiệp vụ để xin ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn thêm đối với những vấn đề qua họp chưa đưa ra được quan điểm chính thức hoặc còn có ý kiến khác nhau trong tập thể lãnh đạo.
+ Căn cứ kết quả họp lãnh đạo Viện, đồng chí lãnh đạo được phân công phụ trách và Kiểm sát viên đăng ký báo cáo Phòng nghiệp vụ các vấn đề làm căn cứ kháng nghị, thống nhất đường lối kháng nghị.
- Bước 5: Ban hành kháng nghị và theo dõi việc kháng nghị:
+ Ban hành kháng nghị phúc thẩm đối với bản án, quyết định của Tòa án trong thời hạn luật định. Trường hợp vì lý do khách quan mà hết thời hạn kháng nghị của cấp sơ thẩm thì khẩn trương báo cáo Phòng nghiệp vụ đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tỉnh kháng nghị.
+ Phối hợp tốt với Phòng nghiệp vụ để theo dõi việc kháng nghị, bổ sung các tài liệu chứng cứ mới phát sinh (nếu có) để đảm bảo tính có căn cứ của kháng nghị đến thời điểm xét xử phúc thẩm.
Qua đây, nhóm tác giả xin trao đổi với đồng nghiệp và ban đọc để cùng nghiên cứu, áp dụng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của kháng nghị đối với bản án, quyết định sơ thẩm do Tòa án nhân dân huyện ban hành. Hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp phải rút kháng nghị do không có đủ căn cứ, do không thống nhất quan điểm giữa Viện kiểm sát nhân dân huyện và Phòng nghiệp vụ; nâng cao tỉ lệ kháng nghị được Tòa án phúc thẩm chấp nhận, hạn chế thấp nhất các trường hợp Tòa phúc thẩm không chấp nhận./.