Thực tế, có nhiều vụ án, các chi phí tố tụng mà đương sự phải nộp cao hơn án phí mà họ phải chịu, nhất là trong các vụ án liên quan đến tranh chấp quyền sử dụng đất. Đối với án phí, hiện nay Nghị quyết 326/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định chi tiết và cụ thể cho từng loại tranh chấp và loại việc. Song các chi phí tố tụng khác (mục 2 Chương IX Bộ luật tố tụng dân sự) chưa có văn bản quy định cụ thể nên thực tiễn vẫn còn nhiều bất cập.
Tại các Điều 101, 155, 156, 157 và 158 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 có quy định về các trường hợp cần phải thực hiện việc thẩm định tại chỗ, nghĩa vụ nộp tạm ứng chi phí thẩm định tại chỗ và nghĩa vụ của các đương sự phải chịu chi phí thẩm định tại chỗ trong một số trường hợp cụ thể.
Tại Điều 155 có quy định: “Tiền tạm ứng chi phí thẩm định tại chỗ là số tiền mà Tòa án tạm tính để tiến hành việc thẩm định tại chỗ. Chi phí thẩm định tại chỗ làm số tiền cần thiết và hợp lý phải chi trả cho công việc thẩm định tại chỗ căn cứ vào quy định của pháp luật”.
Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa có văn bản pháp luật nào quy định về chi phí thẩm định tại chỗ trong tố tụng dân sự. Thực tế qua công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân gia định, kinh doanh thương mại ở địa phương cho thấy sự bất cập rõ rệt. Trong cùng địa phương, nhưng Tòa án mỗi huyện, thậm chí trong cùng một Tòa án huyện, các Thẩm phán khác nhau khi thực hiện việc thẩm định tại chỗ cũng đưa ra các mức chi phí cho hoạt động thẩm định tại chỗ khác nhau, mặc dù thời gian thực hiện việc thẩm định tại chỗ là tương đương nhau.
Bên cạnh đó, Bộ luật tố tụng dân sự cũng không có quy định trường hợp Tòa án tiến hành thẩm định tại chỗ nhiều lần cho một vụ án thì nghĩa vụ chịu chi phí thẩm định tại chỗ phải được xử lý như thế nào, ai là người phải chịu chi phí thẩm định tại chỗ. Nhiều vụ án, nhất là các vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất với diện tích rộng hoặc đất tranh chấp là đất đô thị, hình thể phần đất tranh chấp phức tạp, việc thẩm định tại chỗ, đo đạc thực tế và xác định vị trí tranh chấp khó khăn… thường bị đương sự khiếu nại về kết quả. Nhiều trường hợp Tòa án phải tiến hành lại việc thẩm định tại chỗ và kết quả lần sau có sự khác biệt với kết quả thẩm định tại chỗ lần trước. Trường hợp này, rõ ràng việc sai sót trong thẩm định tại chỗ và đo đạc thực tế không phải lỗi của đương sự mà thuộc về những người thực hiện. Song bộ luật tố tụng dân sự lại không có quy định về nghĩa vụ phải chịu chi phí thẩm định tại chỗ trong trường hợp phải thực hiện thẩm định tại chỗ lại do có sai sót.
Tương tự, đối với chi phí định giá tài sản, thẩm định giá tài sản trong tố tụng dân sự được quy định tại các Điều 104, 163, 164, 165 và 166 của Bộ luật tố tụng dân sự cũng chưa được quy định cụ thể về mức chi cho các thành viên trong hội đồng định giá dẫn đến chi phí cho hoạt động định giá tài sản trong mỗi vụ án dân sự có sự khác nhau và nhiều trường hợp chưa hợp lý, có sự tùy tiện của Thẩm phán. Nhiều vụ án, việc giải quyết của Tòa án kéo dài dẫn đến việc kết quả định giá đã thực hiện không còn phù hợp với giá tại thời điểm xét xử sơ thẩm nên phải thực hiện việc định giá lại. Rõ ràng trong trường hợp này, việc định giá lại không thuộc lỗi của đương sự. Bộ luật tố tụng dân sự không có quy định trong trường hợp này thì chi phí định giá và định giá lại được xử lý như thế nào, đương sự nào phải chịu và mức chi phí là bao nhiêu. Đó chỉ là chi phí định giá của một giai đoạn tố tụng là cấp sơ thẩm. Nhiều trường hợp, tại giai đoạn phúc thẩm, Tòa án tiếp tục thành lập hội đồng định giá để thực hiện việc định giá lại vì đương sự có khiếu nại, kháng cáo về kết quả định giá của Tòa án cấp sơ thẩm. Hoặc những vụ án bị cấp phúc thẩm hủy án để giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm thì việc định giá để lại căn cứ cho việc giải quyết vụ án khi Tòa án cấp sơ thẩm thụ lý lại vụ án cũng sẽ tiếp tục phát sinh những chi phí tố tụng mà đương sự phải chịu.
Với những quy định chưa rõ ràng, cụ thể và chưa quy định rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của đương sự như đã nêu trên đã tạo sự không thống nhất trong việc thực hiện giữa các Tòa án địa phương và tạo nên sự tùy tiện đối với Thẩm phán Tòa án. Đây cũng là vướng mắc trong quá trình kiểm sát đối với Viện kiểm sát hai cấp hiện nay.
Do đó, đề nghị Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao cần có sự thống nhất hướng dẫn để Tòa án và Viện kiểm sát địa phương thống nhất thực hiện.