Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh

Thực tiễn thi hành Luật Thi hành án hình sự Một số khó khăn vướng mắc

Thứ tư - 22/07/2020 04:30 5.998 0
Luật Thi hành án hình sự (Luật THAHS) năm 2019 được Quốc hội Khóa XIV kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14/6/2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020.

Qua thời gian thực hiện từ góc độ hoạt động công tác kiểm sát thi hành án hình sự, thấy còn có vướng mắc bất cập cần được nghiên cứu xem xét sửa đổi bổ sung điều chỉnh để các cơ quan liên quan thống nhất áp dụng thực hiện; Cụ thể là:

          Quy định về thi hành án treo:
          Tại khoản 2 Điều 65 Bộ luật hình sự năm 2015 có quy định:
          "2. Trong thời gian thử thách, Tòa án giao người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó cư trú để giám sát, giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục người đó".
          Như vậy, đối với người được hưởng án treo thuộc dạng công chức, viên chức vẫn còn được làm việc thì khi tuyên trong bản án Tòa án đều giao người đó cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc để quản lý giám sát;
          Nhưng tại Chương V, Mục 1, từ Điều 84 đến Điều 93 Luật THAHS 2019 không có quy định nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức được giao giám sát giáo dục người được hưởng án treo, mà chỉ quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát giáo dục người được hưởng án treo;
          Tại khoản 1, Điều 94 Luật THAHS có quy định Về "trách nhiệm giám sát, giáo dục của cơ quan, tổ chức và gia đình" nhưng chỉ nói vẻn vẹn là: "Cơ quan, tổ chức có liên quan có trách nhiệm phối hợp với UBND cấp xã, đơn vị quân đội trong việc giám sát, giáo dục người được hưởng án treo" ở đây không phải là quy định cho cơ quan, tổ chức được giao giám sát giáo dục người được hưởng án treo.               
          Cùng với các nội dung Luật THAHS quy định như: thi hành quyết định thi hành án treo, nghĩa vụ của người được hưởng án treo, việc rút ngắn và thủ tục rút ngắn thời gian thử thách, việc kiểm điểm, giải quyết vắng mặt nơi cư trú, xử lý vi phạm đối với người được hưởng án treo chỉ liên quan đến Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát giáo dục mà không liên quan đến cơ quan, tổ chức được giao giám sát, giáo dục người được hưởng án treo.              
          Từ đó trong thực tiễn nhiều trường hợp người được hưởng án treo đã giao cho cơ quan tổ chức nơi người đó làm việc quản lý giám sát, Ủy ban xã không biết bởi không có quy định cụ thể nào về trách nhiệm của mình đối với trường hợp trên; Còn cơ quan tổ chức nơi người đó làm việc được giao quản lý giám sát thì không biết giám sát thế nào trách nhiệm quyền hạn ra sao? ai nhận xét, báo cáo cho ai không được luật quy định. Còn người được hưởng án treo thực hiện nghĩa vụ thế nào, vi phạm thì ai xử lý, nếu được xét rút ngắn thời gian thử thách thì ai làm Luật đều bỏ trống không quy định. Tóm lại việc quản lý, giám sát và thực hiện quyền và nghĩa vụ của người được hưởng án treo không thực hiện được, công tác thi hành án treo đối với người chấp hành án được giao cho cơ quan tổ chức nơi người đó làm việc không đạt hiệu quả.

          Theo chúng tôi đề xuất giải quyết vướng mắc:

          Phương án1: Xem xét sửa đổi Bộ luật hình sự năm 2015 theo hướng bỏ quy định tại Tại khoản 2 Điều 65 Bộ luật hình sự năm 2015, mà nên quy định giao những người được hưởng án treo cho Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội quản lý giám sát, không tách ra các đối tượng để giao cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc quản lý giám sát. (Phương án này khả thi dễ thực hiện nhất);
          Phương án 2: Sửa Luật thi hành án hình sự năm 2019 theo hướng:
           Bổ sung Điều luật quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan, tổ chức được giao quản lý giám sát người được hưởng án treo tại cơ quan đơn vị mình;
          Nếu vẫn thực hiện quy định  giao cho cơ quan tổ chức nơi người đó làm việc quản lý giám sát thì bổ sung quy định đầy đủ và rõ ràng: Trách nhiệm quyền hạn trong phối hợp của Ủy ban nhân dân cấp xã và cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc quản lý giám sát. (phương án này dài dòng phức tạp hơn nhiều và khó phân định).
          Thiết nghĩ các cơ quan tư pháp Trung ương, cơ quan xây dựng Luật cần quan tâm nghiên cứu đề nghị sửa đổi, bổ sung kịp thời các quy định của pháp Luật về thi hành án hình sự để thống nhất áp dụng ở địa phương, bảo đảm cho công tác thi hành án hình sự đạt hiệu quả, chất lượng tốt, góp phần trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Tác giả bài viết: Trịnh Xuân Thu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyển đổi số
Hưởng ứng giải  Búa Liềm Vàng
Giải báo chí phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Công khai ngân sách
Mail công vụ
Thống Kê Truy Cập
  • Đang truy cập43
  • Hôm nay9,533
  • Tháng hiện tại796,500
  • Tổng lượt truy cập16,491,266
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây