Ngày Pháp luật Việt Nam
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh

Đề xuất một số giải pháp nâng cao chất lượng truy tố của Viện kiểm sát

Thứ tư - 12/08/2020 08:30 3.315 0
Qua tìm hiểu và nghiên cứu các văn bản rút kinh nghiệm về việc truy tố thiếu căn cứ, sai tội danh, sai khung hình phạt bị Viện kiểm sát cấp trên hủy, thấy rằng nguyên nhân trong truy tố thiếu căn cứ, sai tội danh, sai khung hình phạt của Viện kiểm sát chủ yếu:
Khi quyết định truy tố (bằng bản cáo trạng hay bằng quyết định truy tố theo thủ tục rút gọn) chưa đảm bảo tất cả các vấn đề cần phải chứng minh trong vụ án hình sự quy định tại Điều 85 BLTTHS được giải quyết một cách triệt để dẫn đến khi quyết định truy tố không làm rõ được các hành vi phạm tội cụ thể của từng bị cáo mà Viện kiểm sát đã xác định trong Cáo trạng (kể cả hành vi không truy tố); Các chứng cứ mà Viện kiểm sát dùng làm căn cứ xác định tội phạm và người phạm tội rất mong manh; Những tình tiết định khung hình phạt, tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với bị can, tội danh và điều khoản mà Viện kiểm sát truy tố các bị can không đảm bảo; không làm rõ được mức độ thiệt hại và yêu cầu cụ thể về bồi thường thiệt hại (nếu có)….
Những nguyên nhân dẫn đến các vấn đề trên:

Việc áp dụng pháp luật còn chưa thống nhất do nhận thức về việc đánh giá, tổng hợp chứng cứ giữa các Cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng khác nhau.
Việc phân công án cho Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp có lúc chưa đúng với năng lực, sở trường của Kiểm sát viên và tương xứng với tính chất của vụ việc.
 
Một số vụ án, sự phối hợp giữa Điều tra viên, Kiểm sát viên và Thẩm phán chưa đúng hoặc chưa đầy đủ theo Thông tư liên tịch số 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP, ngày 22/12/2017 quy định phối hợp giữa các Cơ quan tiến hành tố tụng trong thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Khi thực hiện nhiệm vụ, có lúc Kiểm sát viên chưa quan tâm thực hiện triệt để quyền năng pháp lý được giao, nhất là quyền công tố chủ động, thực chất theo chủ trương của Ngành. Vẫn còn tình trạng xem nhẹ, chưa coi trọng hiệu quả của việc yêu cầu xác minh, yêu cầu điều tra của Viện kiểm sát, từ đó chất lượng hai văn bản này chưa đáp ứng yêu cầu làm rõ những vấn đề cần chứng minh trong vụ án. Ngoài ra, sự chủ động trong hoạt động kiểm sát điều tra, gắn chặt công tố với điều tra cồn hạn chế, việc thực hiện quyền yêu cầu bổ sung tài liệu, chứng cứ chưa rõ hoặc có mâu thuẫn còn chưa kịp thời.
Kỹ năng nghiệp vụ của Kiểm sát viên còn hạn chế do chưa thường xuyên nghiên cứu, cập nhật các văn bản liên quan đến lĩnh vực được phân công, nhất là các văn bản hướng dẫn các thao tác nghiệp vụ của Ngành, từ đó quá trình thực hiện nhiệm vụ bỏ qua hoặc thực hiện chưa đúng nhiều thao tác nghiệp vụ, chưa phát hiện, nhận diện đầy đủ các vi phạm, thiếu sót của Cơ quan điều tra, Điều tra viên trong điều tra giải quyết nguồn tin về tội phạm hoặc vụ án hình sự.
Từ những hạn chế và nguyên nhân nêu trên, để thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự, góp phần nâng cao chất lượng truy tố của Viện Kiểm sát cần quan tâm, thực hiện những vấn đề sau:

Một là, quyết định truy tố phải đảm bảo giải quyết một cách triệt các tiêu chí cần phải chứng minh tại Điều 85 BLTTHS, không vi phạm thủ tục tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố; không bị Tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung; Viện kiểm sát không rút toàn bộ quyết định truy tố; tại phiên tòa, Kiểm sát viên không rút một phần quyết định truy tố hoặc kết luận bị cáo về tội nhẹ hơn (ngoại trừ những trường hợp phát sinh tình tiết mới trong giai đoạn điều tra, truy tố không thể dự liệu được)…
Để thực hiện tốt các vấn đề trên cần đảm bảo các nội dung sau:
Thực hiện nghiêm chủ trương của Ngành về việc Viện kiểm sát phải thực hành quyền công tố sớm hơn, ngay từ giai đoạn tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Then chốt là nâng cao chất lượng yêu cầu xác minh, kết quả hoạt động này phải là tiền đề, cơ sở vững chắc để xem xét toàn diện, giải quyết đúng đắn vụ việc phát sinh.
Nâng cao chất lượng yêu cầu điều tra, chú trọng đề ra các yêu cầu điều tra khả thi, có căn cứ xác đáng để giải quyết vụ án triệt để, toàn diện nhất. Mà theo tác giả, yêu cầu điều tra cần lấy yêu cầu và kết quả xác minh làm cơ sở, tại yêu cầu điều tra cần đi vào những điểm trọng yếu hoặc mở rộng từ yêu cầu xác minh; từ đó làm rõ những vấn đề cần chứng minh trong vụ án hình sự. Kiểm sát viên phải hiểu rằng ban hành yêu cầu điều tra là thủ tục tố tụng thể hiện được tính pháp lý vững chắc về quan điểm của Viện kiểm sát, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra vụ án hình sự.
Nâng cao trách nhiệm của VKS trong việc kiểm sát hoạt động điều tra, nhất là trong việc ban hành các quyết định tố tụng như: Quyết định trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản...
Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, Kiểm sát viên phải thực hiện đầy đủ các thao tác nghiệp vụ, trọng tâm là báo cáo án, dự thảo luận tội,...theo đúng quy định của Quy chế công tác THQCT và KSXX các vụ án hình sự ban hành kèm theo Quyết định số 505/QĐ-VKSTC ngày 18/10/2017 của VKSND tối cao. Trong báo cáo án và bản luận tội phải làm rõ được các vấn đề: Làm rõ nguyên nhân, động cơ, mục đích của hành vi phạm tội, nhằm xác định hình thức lỗi của người phạm tội; Làm rõ cách thức, phương tiện, công cụ, thủ đoạn mà bị cáo đã sử dụng để thực hiện tội phạm; Hậu quả do hành vi phạm tội gây ra; căn cứ của việc khắc phục hậu quả; Làm sáng tỏ các mâu thuẫn của các chứng cứ có trong hồ sơ; mâu thuẫn giữa các lời khai với tài liệu, chứng cứ và giám định, định giá tài sản của các cơ quan quản lý chuyên ngành.
Trong quá trình THQCT tại phiên toà, Kiểm sát viên phải tập trung theo dõi diễn biến của phiên toà, chủ động tham gia xét hỏi nhằm làm rõ được vai trò, tính chất, mức độ phạm tội; cá thể hóa trách nhiệm hình sự của từng bị cáo. Khi tham gia xét hỏi phải phân loại các bị cáo và cần dự liệu các tình huống phát sinh để hoạt động thực hiện quyền công tố, kiểm sát xét xử không bị động.

Hai là, nâng cao vai trò người bào chữa và người tham gia tố tụng khác trong các giai đoạn tố tụng
Kiểm sát viên phải bảo đảm cho người bào chữa và người tham gia tố tụng khác tham gia các hoạt động điều tra như hỏi cung bị can, lấy lời khai những người tham gia tố tụng, thu thập, đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu …theo quy định tại Điều 73 BLTTHS. Từ đó, nâng cao tính thận trọng, tuân thủ pháp luật của những người tiến hành các hoạt động điều tra, truy tố, hạn chế vi phạm thủ tục tố tụng; tạo điều kiện để người bào chữa nghiên cứu hồ sơ, có mặt trong giai đoạn điều tra vụ án; tôn trọng và xem xét đầy đủ, kịp thời ý kiến của người bào chữa, người tham gia tố tụng khác theo quy định của pháp luật, nhằm bảo đảm việc điều tra, thu thập chứng cứ khách quan, toàn diện và đúng pháp luật.
Ba là, tiếp tục nâng cao vai trò chủ động, trách nhiệm của lãnh đạo trong quan hệ phối hợp giải quyết các vụ án hình sự.
Tăng cường ký kết, thực hiện nghiêm quy chế phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, trên cơ sở tôn trọng chức năng, nhiệm vụ của mỗi ngành theo quy định của pháp luật và vận dụng triệt để các quy định của Thông tư liên tịch như: Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 19/10/2018, Thông tư liên tịch số 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP ngày 22/12/2017 để thống nhất đường lối giải quyết, hạn chế các trường hợp truy tố thiếu căn cứ, sai tội danh, sai khung hình phạt của Viện Kiểm sát. Bên cạnh đó, Lãnh đạo đơn vị luôn theo dõi chặt chẽ các vụ án và có hướng chỉ đạo kịp thời; nhất là đối với các vụ án phức tạp, có  nhiều quan điểm khác nhau, chủ động họp liên ngành để cùng nhau tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thống nhất quan điểm xử lý vụ án nhằm đảm bảo vụ án được khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, tránh bỏ lọt tội phạm hay oan sai.

Như trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, Lãnh đạo Viện yêu cầu Kiểm sát viên phối hợp chặt chẽ với Thẩm phán được phân công thường xuyên có sự trao đổi nghiệp vụ, nhằm tháo gỡ, khắc phục những thiếu sót có thể xảy ra. Với các vụ án chuyển Tòa án để chuẩn bị xét xử có nhiều quan điểm khác nhau trong áp dụng điều khoản tại Cáo trạng thì Thẩm phán và Kiểm sát viên chủ động trao đổi, thống nhất về quan điểm và áp dụng điều luật. Nếu quá trình nghiên cứu thấy tài liệu, chứng cứ chưa đầy đủ hoặc có quan điểm đánh giá khác (chưa đến mức phải trả hồ sơ điều tra bổ sung) phải báo cáo lãnh đạo đơn vị để họp liên ngành cùng tháo gỡ.

Quá trình xét xử, lãnh đạo đơn vị phải phối hợp với lãnh đạo Tòa án dự kiến các tình huống có thể phát sinh, cách xử lý tình huống; cùng tham gia theo dõi phiên tòa để phối hợp chỉ đạo việc xét hỏi, tranh luận, điều hành phiên tòa.

Đồng thời lãnh đạo đơn vị phải tăng cường phối kết hợp giữa ba ngành tố tụng, giữa cấp trên và cấp dưới để nhanh chóng giải quyết những khó khăn, vướng mắc, hạn chế việc thiếu nhất quán về quan điểm giữa cấp trên và cấp dưới và giữa các ngành tư pháp trong quá trình giải quyết vụ án nghiêm trọng, phức tạp./.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Tường Vi

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyển đổi số
Hưởng ứng giải  Búa Liềm Vàng
Giải báo chí phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Công khai ngân sách
Mail công vụ
Thống Kê Truy Cập
  • Đang truy cập71
  • Hôm nay3,106
  • Tháng hiện tại153,445
  • Tổng lượt truy cập19,025,692
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây