Ngày Pháp luật Việt Nam
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh

Nâng cao kỹ năng, chất lượng hoạt động thực hành quyền công tố của Kiểm sát viên tại phiên tòa rút kinh nghiệm án hình sự

Thứ ba - 14/01/2020 02:42 1.122 0
Trong những năm qua, Viện KSND huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai đã phối hợp với Tòa án nhân dân huyện tổ chức xét xử nhiều vụ án hình sự theo yêu cầu cải cách tư pháp “Phiên tòa rút kinh nghiệm” nhằm nâng cao chất lượng THQCT của Kiểm sát viên.

Hầu hết các vụ án mà kiểm sát viên chọn làm phiên tòa rút kinh nghiệm đều có tính chất phức tạp, có sự tham gia của Luật sư, người bào chữa. Thông qua việc tổ chức các phiên tòa này đã giúp các Thẩm phán, Kiểm sát viên tích lũy thêm kinh nghiệm thực tiễn, đảm bảo các phiên tòa đều được diễn ra khách quan và đúng quy định của pháp luật, nâng cao kỹ năng tranh luận, thẩm vấn của Kiểm sát viên. Tất cả các phán quyết của Tòa án chủ yếu căn cứ vào kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa và trên cơ sở xem xét đầy đủ chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, Luật sư, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác. Đối với Kiểm sát viên, do có sự chuẩn bị tốt từ dự thảo luận tội, đề cương xét hỏi, nhất là đã phối hợp tốt với Tòa án về việc dự kiến các tình huống tranh tụng và các tình huống khác có thể xẩy ra tại phiên tòa. Do đó các vụ án đưa ra xét xử làm phiên tòa rút kinh nghiệm, đảm bảo 100% số vụ bảo vệ được Cáo trạng, không có vụ án nào Viện kiểm sát truy tố mà Tòa án tuyên không phạm tội hoặc phải hoãn phiên tòa để trả hồ sơ  điều tra bổ sung do thiếu chứng cứ hoặc vi phạm thủ tục tố tụng.

Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp đặt ra yêu cầu hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao, trong đó nội dung tranh luận của Kiểm sát viên với những người tham gia tố tụng tại phiên tòa xét xử án hình sự là bước đột phá của hoạt động tư pháp. Nhận thức được điều này, ngay từ đầu năm 2020, Viện kiểm sát nhân dân huyện Đak Pơ đã phối hợp với Tòa án nhân dân huyện tổ chức “phiên tòa rút kinh nghiệm” vụ án hình sự nhằm tiếp tục nâng cao kỹ năng đối đáp, tranh luận tại phiên tòa xét xử vụ án hình sự, coi việc “nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa” là khâu đột phá nhằm khẳng định vị thế, vai trò và hình ảnh của Viện kiểm sát, từng bước đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.


Phiên tòa rút kinh nghiệm xét xử lưu động

Nội dung phiên tòa xét xử rút kinh nghiệm vụ án điển hình năm 2020:

Khoảng 13 giờ 40 phút ngày 06/9/2019, sau khi ăn nhậu cùng một số người bạn, Lê Văn Tiến (SN: 1979) điều khiển xe mô tô chạy đến quán của ông Nguyễn Ngãi ở thôn Tân Hòa, xã Tân An, Đak Pơ để chơi bi da, tại đây giữa Lê Văn Tiến và anh Nguyễn Đình Tín (SN: 1968) xảy ra mâu thuẫn nên anh Tín dùng tay phải đấm 02 cái trúng vào gò má bên phải của Tiến, sau khi bị đánh, Lê Văn Tiến dùng tay phải đấm một cái trúng vào miệng anh Tín làm anh Tín bị ngã lưng trượt theo cạnh bàn bi da và đầu đập xuống nền nhà rồi nằm bất tỉnh, sau đó Tiến cùng mọi người xung quanh chở anh Tín đi cấp cứu nhưng do bị thương nặng nên đến khoảng 03 giờ sáng ngày 07/9/2019 thì anh Nguyễn Đình Tín tử vong. Tại phiên tòa, bị cáo Lê Văn Tiến đã thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình. Trên cơ sở đánh giá, phân tích tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và diễn biến tại phiên tòa. Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân huyện Đak Pơ đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo mức hình phạt phù hợp, được Hội đồng xét xử chấp nhận tuyên phạt bị cáo Lê Văn Tiến 05 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích” với tình tiết định khung “làm chết người” theo quy định tại điểm a, khoản 4 Điều 134 Bộ luật Hình sự.


Toàn cảnh phiên tòa rút kinh nghiệm
 
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số phiên tòa chưa đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần của Nghị quyết 49 của Bộ chính trị.  Để làm tốt công tác xét xử nói chung và nâng cao kỹ năng của các Kiểm sát viên trong thực hành quyền công tố tại phiên tòa rút kinh nghiệm hình sự cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

* Thứ nhất,về công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành: Trong công tác chỉ đạo, điều hành, lãnh đạo hai ngành cần quan tâm ngay từ việc chọn và phân công Thẩm phán, Kiểm sát viên tham gia giải quyết vụ án ngay từ đầu. Cần quan tâm đến công tác phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng mà đặc biệt là Tòa án như đối với một số vụ phức tạp, khó khăn trong việc đánh giá chứng cứ hoặc khác quan điểm về tội danh…Lãnh đạo hai ngành cần chỉ đạo Thẩm phán, Kiểm sát viên làm tốt công tác chuẩn bị xét xử. Đối với Kiểm sát viên cần chỉ đạo chuẩn bị tốt dự thảo luận tội, đề cương xét hỏi nhất là dự kiến tình huống. Đây là công tác chuẩn bị quan trọng nhất vì trong thực tế cho thấy dù công tác chuẩn bị có tốt đến đâu nhưng Thẩm phán và Kiểm sát viên không dự liệu được các tình huống có thể xẩy ra tại phiên tòa thì phiên tòa cũng khó hoàn thành tốt được. Đồng thời Lãnh đạo phải kiểm tra, duyệt lại việc chuẩn bị dự thảo luận tội, đề cương xét hỏi nhất là dự kiến tình huống.
 
Cần quan tâm đến sự chỉ đạo thống nhất giữa cấp trên với cấp dưới, đối với các vụ án phức tạp đang giải quyết cần quan tâm chỉ đạo ngay từ đầu để dự kiến các tình huống có thể diễn ra tại phiên tòa. Đây là một trong những giải pháp đang rất quan tâm trong quá trình chỉ đạo cũng như giải quyết những vụ án phức tạp nói chung và các vụ án tổ chức rút kinh nghiệm nói riêng.

Ngoài ra Lãnh đạo hai ngành cần quan tâm đến công tác rút kinh nghiệm sau phiên tòa. Đối với Kiểm sát viên thông qua các thông báo rút kinh nghiệm để tham mưu cho Lãnh đạo trong công tác đánh giá chứng cứ về công tác thực hành quyền công tố. Hoặc có điều kiện hai ngành cùng nhau tổ chức rút kinh nghiệm từng vụ án cụ thể. Còn nếu không có điều kiện thì hàng năm hai ngành Tòa án và Viện kiểm sát nên tổ chức Hội nghị rút kinh nghiệm về công tác xét xử và Hội nghị này nên mời ngành cấp trên tham dự.

* Thứ hai, đối với Kiểm sát viên: Kiểm sát viên cần phải nghiên cứu toàn diện hồ sơ, nắm chắc nội dung vụ án. Khi nghiên cứu có sự kiểm tra, đối chiếu các văn bản tố tụng, tài liệu chứng cứ hồ sơ vụ án. So sánh lời khai của bị can, người bị hại và những người có liên quan để tìm ra những điểm còn mâu thuẫn. Nghiên cứu kỹ những chứng cứ buộc tội, chững cứ gỡ tội và những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị cáo. Chuẩn bị tốt nội dung xét hỏi. Tích cực, chủ động tham gia xét hỏi công khai, làm rõ hành vi phạm tội của các bị cáo và các tình tiết khác của vụ án. Các câu hỏi đặt ra cần ngắn gọn, dể hiểu gắn với việc tháo gỡ, giải quyết những điểm mâu thuẫn trong lời khai của bị cáo.
Khi đối đáp tranh luận cần viện dẫn chứng cứ, các bút lục có trong hồ sơ đã được thẩm định công khai tại tòa nhằm nâng cao tính thuyết phục trong lập luận. Tranh luận vào trọng tâm của vụ án và các vấn đề cần phải giải quyết. (Cần chuẩn bị kỹ những vấn đề cần tranh luận và dự kiến những vấn đề cần tranh luận với luật sư, người bào chữa, bị cáo…).
         
Trong quá trình tranh tụng, Kiểm sát viên cần tập trung chú ý lắng nghe và ghi chép đầy đủ những điểm mấu chốt trong lời khai của bị cáo; ý kiến, quan điểm bảo chữa của người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác đưa ra. Từ đó, phân tích, tổng hợp đưa ra những lập luận sắc đáng, chính xác để đối đáp, bảo vệ đầy đủ, chặt chẽ quan điểm truy tố của Viện kiểm sát. Đồng thời dự kiến các tình huống phát sinh tại tòa để có ý kiến tranh luận linh hoạt và để giải quyết tốt vụ án, mặt khác còn thể hiện văn hoá ứng xử của Kiểm sát viên trong khi đối đáp, tranh luận tại phiên toà.

Bên cạnh đó, Kiểm sát viên luôn phải trau dồi các vấn đề về chuyên môn nghiệp vụ và không ngừng tiếp thu, tích lũy kinh nghiệm. Kiểm sát viên phải thường xuyên nghiên cứu, nắm vững các quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, các văn bản pháp luật và hướng dẫn thi hành, đặc biệt là các quy định mới của luật, nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức xã hội… để chủ động tranh tụng tại phiên tòa. Việc xét hỏi, luận tội, tranh luận ở phiên tòa thực hiện đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và hướng dẫn của Ngành.


Kiểm sát viên công bố cáo trạng tại phiên tòa rút kinh nghiệm

 
Thứ ba, tiếp tục phối hợp với Tòa án thực hiện tốt Quy chế phối hợp xét xử án hình sự rút kinh nghiệm, đảm bảo việc tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm theo hướng hiệu quả, thiết thực, tránh hình thức; chú trọng việc phân tích, đánh giá, nâng cao chất lượng rút kinh nghiệm và phổ biến, tuyên truyền sau phiên tòa.
 
Thứ tư, chú trọng và đổi mới cách thức tổ chức rút kinh nghiệm sau phiên tòa. Cần xác định đây là việc làm cần thiết và bắt buộc của quy trình tổ chức một phiên tòa rút kinh nghiệm và là cơ hội tốt nhất giúp cho cán bộ, Kiểm sát viên trau dồi kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ. Thành phần tham gia họp rút kinh nghiệm phải có lãnh đạo và các thành viên tham dự theo dõi phiên tòa. Nội dung rút kinh nghiệm bao gồm cả công tác kiểm sát điều tra, xây dựng hồ sơ vụ án đến công tác chuẩn bị xét xử và thực hành quyền công tố - kiểm sát xét xử tại phiên tòa. Đặc biệt là các kỹ năng của Kiểm sát viên tại phiên tòa như đọc cáo trạng, xét hỏi, trình bày luận tội, tranh luận đối đáp, việc thực hiện nhiệm vụ xét xử và tác phong, ứng xử, xử lý tình huống mới phát sinh tại phiên tòa. Lãnh đạo Viện cần kết luận nêu rõ những ưu điểm, tồn tại của Kiểm sát viênthực hành quyền công tố tại phiên tòa, những vấn đề cần rút kinh nghiệm chung về nghiệp vụ và cả về công tác tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm.

Qua công tác nâng cao chất lượng, hiệu quả phiên tòa rút kinh nghiệm, trình độ của Kiểm sát viên, Thẩm phán được thể hiện rõ nét nhất tại phiên tòa. Các phiên tòa rút kinh nghiêm đã thể hiện được tính nghiêm minh, tính dân chủ của nền tư pháp, mang lại niềm tin của nhân dân vào pháp luật. Kết quả đạt được qua mỗi phiên tòa rút kinh nghiệm là các kỹ năng, ứng xử, xử lý tình huống, kỹ năng tranh tụng, kiến thức pháp luật, chất lượng công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, năng lực kinh nghiệm thực tế của lãnh đạo, Kiểm sát viên trong Ngành được nâng lên rõ rệt, đã hạn chế oan, sai, hủy án và trả hồ sơ để điều tra bổ sung./.
 

Tác giả bài viết: Nguyễn Chí Linh

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyển đổi số
Hưởng ứng giải  Búa Liềm Vàng
Giải báo chí phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Công khai ngân sách
Mail công vụ
Thống Kê Truy Cập
  • Đang truy cập70
  • Hôm nay4,114
  • Tháng hiện tại154,453
  • Tổng lượt truy cập19,026,700
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây