Trong đó, điều 2 Luật quy định:
“Điều 2. Quyền được thông tin về pháp luật và trách nhiệm tìm hiểu, học tập pháp luật của công dân
1. Công dân có quyền được thông tin về pháp luật và có trách nhiệm chủ động tìm hiểu, học tập pháp luật.
2. Nhà nước bảo đảm, tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền được thông tin về pháp luật.”
Như vậy, có thể thấy rằng pháp luật là nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh từ đời sống nhân dân và phục vụ và bảo vệ quyền lợi cho nhân dân. Do đó, pháp luật chỉ đạt hiệu quả và mục đích của nó khi công dân hiểu và biết thông tin về pháp luật, nhận thức được quyền và nghĩa vụ của mình khi tham gia các quan hệ xã hội.
Vì vậy, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc đưa pháp luật vào cuộc sống, nâng cao kiến thức và hiểu biết pháp luật cho cán bộ, nhân dân và góp phần ngăn ngừa, hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật do thiếu kiến thức về pháp luật.Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân cũng đã nêu rõ “Trước yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cần được tăng cường thường xuyên, liên tục và ở tầm cao hơn, nhằm làm cho cán bộ và nhân dân hiểu biết và chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, thông qua đó mà kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật”
Chư Prông là một huyện biên giới có địa bàn rộng, phân bố khô tập trung, là nơi tập trung sinh sống của nhiều thành phần người đồng bào dân tộc thiểu số, trong những năm qua tình hình tội phạm có dấu hiệu tăng và ngày càng có tính chất nghiêm trọng. Để góp phần ngăn ngừa tội phạm xảy ra, ngoài việc thực hiện công tác chuyên môn nghiệp vụ của ngành thì cũng cần chú trọng đến công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật, phục vụ nhiệm vụ chính trị tại địa phương.
Tác giả nhận thấy việc tổ chức phiên tòa giả định đựa trên nội dung vụ án có thật xảy tại địa phương đó sẽ giúp cho người dân có những nhận thức, điều chỉnh hành vi phù hợp khi tham gia vào các quan hệ xã hội. Vì đây là một hình thức tổ chức tuyên truyền trực quan, sinh động, phù hợp,tác động trực tiếp đến đối tượng tuyên truyền nhờ yếu tố "người thật, việc thật". Tại các địa phương như Viện kiểm sát nhân dân huyện Đức Cơ , Kông Cho… vừa qua đã tổ chức thành công phiên tòa giả định cũng đã cho thấy hiệu quả tuyên truyền mà nó mang lại. Bản thân tôi cũng đã từng tham gia nhiều phiên tòa giả định tại các chiến dịch tình nguyện khi đang còn là sinh viên. Việc tổ chức như vậy đã tại ra hiệu quả cao về mặt nhân thức pháp luật trong nhân dân.
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật như đã nêu ở trên, tác giả đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua việc tổ chức phiên tòa giả định, cụ thể như sau:
Về thực trạng công tác phổ biên, giáo dục pháp luật: Trong thời gian qua, công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật được thực hiện chủ yếu thông qua việc viết bài về các hoạt động của đơn vị của cán bộ là thành viên của Tổ tuyên truyền VKS tỉnh Gia Lai đăng trên các trang thông tin điện tử của ngành và của địa phương. Bên cạnh đó, đơn vị đã thực hiện phối hợp cùng các cơ quan ban ngành tại địa phương tham gia các hoạt động như đối thoại công dân hoặc phối hợp với Chi hội Luật sư VKS tỉnh Gia Lai tổ chức các hoạt động trợ giúp pháp lý cho bà con nhân dân tại đơn vị làng phụ trách.
Công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật tại đơn vị thông qua các hoạt động cụ thể như sau: Việc viết bài tuyên truyền được thực hiện thường xuyên, kịp thời, nội dung bài viết xoay quanh các hoạt động của đơn vị về việc thực hiện công tác nghiệp vụ hoặc các công tác phối hợp liên ngành. Trong những năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được Lãnh đạo đơn vị quan tâm sâu sắc. Việc phối hợp với cơ quan chức năng tại địa phương được thực hiện đầy đủ như việc cùng cấp ủy địa phương tham gia buổi đối thoại công dân tại xã Ia Tôr, hỗ trợ tư vấn về trợ giúp pháp lý cho bà con nhân dân tại làng Ó, xã Ia Tôr.
Những hoạt động trên đã góp phần đưa pháp luật đến gần hơn với cuộc sống của người dân, giúp người dân hiểu rõ khi tham gia vào các quan hệ pháp luật, họ có quyền gì và nghĩa vụ như thế nào.
Về một số khó khăn, vướng mắc: Thực tế cho thấy, những hoạt động phục vụ cho công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của đơn vị chủ động tổ chức không nhiều, chủ yếu là công tác phối hợp với các cơ quan ban ngành tại địa phương.
Bên cạnh đó, các bài viết tuyên truyền đăng tải trên các trang thông tin điện tử phần nào cũng chỉ đáp ứng được một bộ phận người dân có điều kiện tiếp xúc với công nghệ thông tin, còn người dân sinh sống vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn không được tiếp xúc với những thông tin trên.
Từ những hạn chế và khó khăn vướng mắc nêu trên, để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cần tăng cường việc phối hợp tổ chức “Phiên tòa giả định” - là hình thức tuyên truyền có tính phối hợp liên kết cao giữa các cơ quan, đơn vị, tổ chức xã hội...
Về yêu cầu cần thiết: Để tổ chức được một phiên tòa giả định cần có sự phối hợp của các lực lượng Công an – Viện kiểm sát – Tòa án, lực lượng đoàn thanh niên, bảo vệ an ninh trật tự tại địa bàn dự kiến sẽ tổ chức. Ngoài ra, đòi hỏi phải có sự quan tâm tạo điều kiện, phối hợp chỉ đạo tích cực của Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan.
Phiên tòa giả định không yêu cầu phải diễn ra đúng tuần tự, cụ thể từng thủ tục mà trong trường hợp cần thiết giản lược một số trình tự, thủ tục về tố tụng, nhấn mạnh yếu tố tuyên truyền phổ biến và giáo dục pháp luật cho phù hợp với đối tượng tuyên truyền.
Nhấn mạnh đến mô hình “Phiên tòa giả định” vào công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho tại những địa bàn thường xuyên xảy ra các loại tội phạm điển hình, hướng tới đối tượng là thanh thiếu niên.
Các diễn viên tham gia nhấn mạnh đến các yếu tố tâm lý nhân vật, các mối quan hệ gia đình khi diễn ra phiên tòa để tạo hiệu ứng cảm xúc cho người xem.
Quy trình thực hiện một phiên tòa giả định cơ bản như sau:
Bước 1: Chuẩn bị kịch bản
Phối hợp với Tòa án để lựa chọn vụ án, cung cấp bản án. Từ đó, xây dựng kịch bản theo trình tự, diễn biến phiên tòa và nội dung cần tuyên truyền. Ví dụ mục đích tuyên truyền truyền cho đối tượng thanh thiếu niên tại trường học cần lựa chọn những vụ án về giao thông, tuyên truyền cho các xã có tình trạng ly hôn tăng lựa chọn vụ án về hôn nhân gia đình, tại địa bàn xã có tỉ lệ tội phạm trộm cắp xảy ra nhiều thì lựa chọn vụ án về tội phạm về sở hữu….
Sau khi xây dựng kịch bản thì xây dựng nội dung lời thoại cho từng vai diễn, phân vai và tập diễn xuất.
Cần chú ý: tùy theo tình huống của từng câu chuyện, có thể lồng ghép đưa thêm một số quy định pháp luật liên quan vào "Phiên tòa", như vấn đề trách nhiệm liên đới giữa các bị cáo về bồi thường thiệt hại; trách nhiệm của cha mẹ, người giám hộ đối với người chưa thành niên trong một số trường hợp được pháp luật quy định...; trách nhiệm của nhà trường, gia đình và xã hội. Nhấn mạng đến vai trò của các Hội thẩm và xây dựng Bản luận tội của VKS có nội dung tuyên truyền hiệu quả.
Bước 2: Tổ chức diễn
+ Bài trí không gian phiên tòa: việc bố trí không gian phiên tòa thực hiện theo Thông tư 01/TT-TANDTC ngày 28/7/2017 của Tòa án Nhân dân tối cao.
+ Chuẩn bị trang phục, âm thanh, bàn ghế phiên tòa
Trang phục của Thẩm phán, Thư ký, Hội thẩm, Luật sư, Kiểm sát viên, Công an…cần đúng chuẩn để bảo đảm tính nghiêm túc chất lượng chuyên môn của hoạt động.
Chuẩn bị điều kiện về âm thanh, bàn ghế đẩy đủ, chất lượng.
Chọn người phân vai, đóng vai, tập diễn xuất, song cũng cần chú ý đến tư cách cá nhân, ngoại hình, chất giọng, độ tuổi…
+ Chuẩn bị nội dung tuyên truyền pháp luật tại "Phiên tòa giả định"
Trước khi khai mạc phiên tòa. Trong khoảng thời gian này, một người dẫn chương trình lên thông tin về tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật đang diễn biến phức tạp tại địa phương, ngoài ra giới thiệu về câu chuyện mà phiên tòa sắp bắt đầu.
Trong quá trình nghị án. Đây là khoảng thời gian cần có mang tính thủ tục làm cho "Phiên tòa giả định" giống như phiên tòa thật.
Người dẫn chương trình của sự kiện đặt ra các câu hỏi để làm rõ hơn một số nội dung pháp luật mà "Phiên tòa giả định" đã đề cập hoặc dự đoán kết quả phiên tòa như:
+ Sẽ được tuyên vô tội/ có tội?
+ Sẽ được lượng hình như thế nào/ căn cứ Điều nào/Khoản nào/mục nào?
+ Vì sao dẫn đến phạm tội? Học sinh phạm tội có thể bị đuổi học không?
+ Làm thế nào để tránh xa việc vi phạm pháp luật, việc phạm tội như các đương sự trong vụ án trên?
Sau đó, người dẫn chương trình nên có những lời khuyên, nhắc nhở đối với người xem-là đối tượng thanh thiếu niên về nâng cao nhận thức về cũng như ý thức chấp hành pháp luật…
Sau khi Tòa tuyên án có thể đặt một số câu hỏi cho người xem, về việc đánh giá kết quả xét xử cũng như tuyên truyền về quyền kháng cáo của bị cáo
+ Anh/chị thấy kết quả xét xử trên của Tòa án thế nào, có thấu tình đạt lý hay không? Hình phạt có thỏa đáng hay không?
+ Cần phải làm gì để tránh những vi phạm xảy ra như trên?
Bước 3: Kết thúc hoạt động, tổ chức rút kinh nghiêm: Cần đánh giá, rút kinh nghiệm chung.
Về ưu điểm:
+ Việc tổ chức phiên tòa giả định, xây dựng kich bản 1 lần nhưng có thể sử dụng nhiều, lặp lại tại các địa phương khác nhau.
+ Có thể lồng ghép chương trình tình nguyện khác với phiên tòa giả định tại các địa bàn xã vùng sâu, vùng xa.
+ Thu hút rất nhiều người tham gia.
Về hạn chế: Các cán bộ, kiểm sát viên tại đơn vị, cũng như đoàn viên chi đoàn các cơ quan khác khó tập hợp do phải kiêm nhiệm nhiều công việc, quỹ thời gian hạn chế nên việc tổ chức phiên tòa giả định khó có thể thực hiện thường xuyên tại địa phương.
Về lợi ích thu được khi áp dụng mô hình tổ chức phiên tòa giả định trên: Tạo được sự nhận thức đúng đắn của người dân về các quy định của pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội mà họ tham gia hàng ngày như an toàn giao thông đường bộ, quan hệ sở hữu tài sản…. cũng như việc giới thiệu vị trí, vai trò của Viện kiểm sát tại các phiên tòa xét xử một cách trực quan, sinh động nhất. Để qua đó, góp phần vào công tác phòng ngừa tội phạm.