Thực hiện phương châm “Đoàn kết, đổi mới – Trách nhiệm, kỷ cương – Thực chất, hiệu quả” và 04 mục tiêu của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2021, đó là: “Thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về công tác tư pháp. Tiếp tục tăng cường trách nhiệm công tố và kiểm sát chặt chẽ các hoạt động tư pháp, thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm, đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Sắp xếp, kiện toàn và nâng chất đội ngũ công chức, đổi mới mạnh mẽ công tác đào tạo, bồi dưỡng, tăng cường công tác nghiên cứu khoa học kiểm sát. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường các nguồn lực bảo đảm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Ngoài 03 công tác đột phá mà Ngành kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai lựa chọn bao gồm:
(1). Tiếp tục nâng cao kỹ năng, chất lượng các hoạt động xét hỏi, tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa hình sự.
(2). Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của Ngành trong tiến trình cải cách tư pháp thời gian tới.
(3). Nâng cao chất lượng bài phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa xét xử vụ án dân sự.
Nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công tác kiểm sát thi hành án hình sự nói chung và bảo đảm thực hiện tốt công tác kiểm sát các Quyết định thi hành án hình sự nói riêng, bảo đảm 100% các quyết định thi hành án hình sự của Tòa án được kiểm sát chặt chẽ và đưa ra thi hành án kịp thời, đúng trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật. Kịp thời phát hiện những tồn tại, vi phạm của Tòa án trong việc ban hành các quyết định thi hành án hình sự và những vi phạm của các cơ quan hữu quan để ban hành kháng nghị, kiến nghị theo đúng quy định của pháp luật. Viện kiểm sát nhân dân huyện Đak Pơ xác định thêm công tác đột phá riêng của đơn vị trong năm 2021 là:
(4) Nâng cao chất lượng kiểm sát các Quyết định thi hành án hình sự, đảm bảo 100% các quyết định thi hành án hình sự của Tòa án đều được đưa ra thi hành án, kịp thời phát hiện những vi phạm của cơ quan hữu quan để ban hành kiến nghị, kháng nghị theo quy định của pháp luật.
Để thực hiện có hiệu quả, Viện kiểm sát nhân dân huyện Đak Pơ đã xây dựng Kế hoạch thực hiện công tác đột phá này cụ thể như sau:
* Yêu cầu: Các đồng chí Lãnh đạo, cán bộ được phân công nhiệm vụ kiểm sát thi hành án hình sự phải nhận thức sâu sắc nhiệm vụ, quyền hạn theo luật định, Chỉ thị, Quy chế nghiệp vụ của Ngành. Chủ động, tích cực nghiên cứu các quy định mới của pháp luật về công tác kiểm sát thi hành án hình sự để kịp thời phát hiện ra các tồn tại, vi phạm trong công tác thi hành án hình sự; tham mưu kịp thời, chính xác cho Lãnh đạo Viện trong việc kháng nghị, kiến nghị đối với các cơ quan hữu quan yêu cầu khắc phục vi phạm.
VKSND huyện Đak Pơ tổ chức Hội nghị cán bộ công chức, triển khai các giải pháp thực hiện 04 công tác đột phá trong năm 2021
* Các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện
- Thứ nhất, Kiểm sát 100% các quyết định về thi hành án hình sự của Tòa án, bảo đảm đúng thời hạn, thẩm quyền ra quyết định và cả nội dung của quyết định; kịp thời phát hiện sai sót của các quyết định thi hành án hình sự; yêu cầu hủy bỏ các quyết định hoãn, tạm đình chỉ, miễn chấp hành án không đúng quy định của pháp luật. Kiểm sát chặt chẽ các trường hợp Tòa án chậm ra quyết định thi hành án; Công an chậm áp giải, chậm ra quyết định truy nã và các trường hợp người bị kết án phạt tù đang tại ngoại, không tự nguyện thi hành án trốn ngoài xã hội, nắm chắc kết quả truy bắt đối tượng đi chấp hành án bảo đảm các bản án có hiệu lực pháp luật phải được thi hành.
- Thứ hai, Tổng hợp các tồn tại, vi phạm trong công tác thi hành án hình sự của Tòa án để ban hành ít nhất 01 văn bản kháng nghị hoặc kiến nghị yêu cầu Tòa án khắc phục vi phạm.
- Thứ ba, Phát huy vai trò, trách nhiệm của Lãnh đạo Viện trong công tác chỉ đạo, điều hành khâu công tác kiểm sát thi hành án hình sự, để khâu công tác này đạt được những kết quả nổi bật, góp phần vào thành tích chung của đơn vị.
- Thứ tư, Phối hợp với Tòa án nhân dân huyện tổ chức ký kết Quy chế phối hợp kiểm sát việc Tòa án giao, gửi bản án, quyết định; ra quyết định hoặc ủy thác ra quyết định thi hành án; gửi quyết định thi hành án hình sự theo Hướng dẫn số: 27/HD-VKSTC ngày 17/9/2020 của Viện KSND tối cao.
- Thứ năm, Định kỳ hằng tháng, Cán bộ đảm nhận khâu công tác kiểm sát thi hành án hình sự phối hợp cán bộ Tòa án để tiến hành rà soát việc ban hành các quyết định thi hành án hình sự; tránh trường hợp bản án đã có hiệu lực pháp luật mà Tòa án quên ra quyết định thi hành án, bảo đảm các bản án có hiệu lực pháp luật phải được thi hành.
- Thứ sáu, Định kỳ hằng tháng, Cán bộ đảm nhận khâu công tác kiểm sát thi hành án hình sự phối hợp cán bộ Cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền để rà soát việc tiếp nhận, tổ chức thi hành quyết định thi hành án hình sự, trong đó chú ý đến việc nhận quyết định thi hành án đối với những trường hợp người bị kết án phạt tù nhưng đang tại ngoại để đảm bảo 100% các quyết định thi hành án hình sự của Tòa án đều được đưa ra thi hành án đúng quy định pháp luật.
- Thứ bảy, Tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra việc thực hiện công tác thi hành án hình sự và kiểm sát thi hành án hình sự nhằm thực hiện tốt hoạt động gửi bản án, quyết định, ra quyết định thi hành án hình sự, ủy thác ra quyết định thi hành án hình sự và gửi quyết định thi hành án hình sự; không để xảy ra trường hợp án có hiệu lực pháp luật mà bỏ quên không được đưa ra thi hành
- Thứ tám, Phối hợp với Cơ quan Thi hành án hình sự Công an huyện tổ chức Hội nghị tập huấn Luật thi hành án hình sự năm 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành cho cán bộ Công an và UBND đảm nhiệm công tác thi hành án hình sự tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.
- Thứ chín, Định kỳ báo cáo tháng, sơ kết 06 tháng và báo cáo năm, đơn vị có trách nhiệm báo cáo, đánh giá kết quả triển khai thực hiện khâu công tác đột phá này về phòng 8 và Văn phòng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai.