Hơn ai hết, Người hiểu và đồng cảm với thân phận của người phụ nữ. Bác kính yêu từng trao tặng cho chị em phụ nữ Việt Nam tám chữ vàng “Anh hùng – Bất khuất – Trung hậu – Đảm đang”, đến nay các tư tưởng quan điểm của Bác đối với phụ nữ Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị, những tình cảm mà Bác dành phụ nữ Việt Nam được thể hiện thông qua nhiều những mẫu chuyện, và mẫu chuyện nhỏ “Cán bộ nữ phải tự học tập nâng cao trình độ” sẽ cho chúng ta hiểu rõ hơn về Bác.
Bức trướng thêu 8 chữ vàng mà Đảng, Chính phủ, Bác Hồ tặng phụ nữ miền Nam (Nguồn: sưu tầm internet).
Câu chuyện được Trích từ lời kể bà Hà Thị Quế Nguyên Hội trưởng Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam:
Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ I được tổ chức sau Đại hội Công đoàn toàn quốc và tôi được phân công là Trưởng ban Ban Tổ chức Đại hội. Bác đã đến cơ quan Phụ vận Trung ương để nghe báo cáo về tình hình chuẩn bị Đại hội. Bác dặn dò phải rút kinh nghiệm Đại hội Công đoàn để tổ chức mọi mặt cho tốt hơn nữa… Bác đã góp ý với Đoàn Phụ nữ Trung ương: Các cô phải nói lên được tinh thần yêu nước của phụ nữ các tầng lớp, nói lên công lao của phụ nữ nông dân cần cù lao động sản xuất sao huy động được nhiều hơn nữa sự đóng góp của phụ nữ cả nước cho cuộc kháng chiến chống Pháp. Đi đôi với động viên, các cô phải chăm lo quyền lợi thiết thực cho phụ nữ. Chỉ có phụ nữ mới chăm lo được cho phụ nữ. Các chú ấy không lo được cho các cô đâu…
Từ khi hòa bình, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức Đại hội lần thứ II và lần thứ III và hai lần này tôi vẫn là Trưởng ban Ban Tổ chức Đại hội. Trong công tác phụ vận, tôi đã ghi nhận nhiều lời dạy của Bác. Bác nói về mục tiêu phấn đấu của người nữ cán bộ Hội. Bác có những ý kiến cụ thể: “Các cô phải chống phong kiến, chống mê tín dị đoan và hủ tục lạc hậu. Góp phần giải quyết nạn mù chữ, nạn thất nghiệp cho phụ nữ. Các cô đừng tự ti, đừng hay khóc. Cách mạng là phải đấu tranh, đưa nước mắt ra không giải quyết được gì đâu. Hội Phụ nữ là tổ chức đấu tranh cho quyền lợi của chị em. Cuộc sống của họ phải gắn với Hội, Hội phải lo cho họ. Các cô phải đi vào quần chúng phụ nữ để thấy họ đang gặp khó khăn gì, họ được cái gì và chưa được cái gì. Từ đó nghĩ cách học tập nâng cao trình độ, không dựa vào người khác được đâu. Đảng chỉ giúp một phần mà bản thân mình phải gỡ là chính”.
Qua câu chuyện chúng ta có thể thấy, trong cuộc đời mình Bác luôn động viên phụ nữ phải nâng cao tinh thần làm chủ, cố gắng học tập và phấn đấu; phải xoá bỏ tư tưởng bảo thủ, tự ti; phải phát triển chí khí tự cường, tự lập; phải nỗ lực vượt qua định kiến giới, vượt lên chính mình để “tự giải phóng cho mình”. Đồng thời, phải không ngừng học tập để nâng cao trình độ về mọi mặt và làm tròn bổn phận của một người mẹ, người vợ trong gia đình để trở thành người phụ nữ “giỏi việc nước, đảm việc nhà”.
Đại biểu phụ nữ các dân tộc Tây Bắc được gặp Bác Hồ (1959) - Ảnh sưu tầm Internet
Trước khi “vĩnh viễn ánh mặt trời” để về với Mác - Lênin, Bác đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta một bản Di chúc lịch sử. Trong đó Người vẫn đau đáu một nỗi niềm: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc, kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên”.”…
Thấm nhuần những tư tưởng, tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho phụ nữ Việt Nam, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách để bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để chị em vươn lên khẳng định mình. Cụ thể: năm 1981, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW). Ngày 12/7/1993, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW về “Đổi mới và tăng cường công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới”; “phụ nữ cần kết hợp hài hoà công việc gia đình với công tác xã hội”…Quan điểm ấy tiếp tục được thể hiện trong Chỉ thị số 37-CT/TW của Ban Bí thư ngày 16/5/1994 về công tác cán bộ nữ; được cụ thể hoá trong "Chiến lược quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam” do Chính phủ công bố ngày 4/10/1997. Ngày 29/6/2006, Quốc hội khoá XI, kỳ họp thứ 10 đã thông qua Luật Bình đẳng giới. Hiến pháp năm 2013 Điều 23 ghi rõ: “công dân nam nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội. Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới”. Những văn bản pháp lý có ý nghĩa quan trọng trong đời sống chính trị, xã hội đã góp phần tạo được môi trường, điều kiện thuận lợi để phụ nữ ngày càng khẳng định vị thế, vai trò và có nhiều cơ hội đóng góp cho gia đình, cộng đồng, xã hội.
Đơn cử: “lần đầu tiên kể từ khi đất nước thực hiện công cuộc đổi mới, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội đạt trên 30%”. Phụ nữ ngày càng ý thức được trách nhiệm và quyền công dân, phát huy quyền làm chủ, tham gia tích cực trong xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Trong bối cảnh thiên tai và dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, phụ nữ cả nước đã phát huy cao độ trách nhiệm công dân, tham gia trên mọi mặt trận góp phần thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, ổn định cuộc sống…
Hay trong cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” được triển khai đồng bộ, toàn diện, đã đóng góp đáng kể vào kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đáng chú ý, có 13 triệu gia đình hội viên Hội phụ nữ đạt tiêu chí “5 không, 3 sạch”, gần 17 nghìn công trình, phần việc giữ gìn, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu được triển khai rộng khắp, làm thay đổi bộ mặt nông thôn và khẳng định vai trò của tổ chức hội ở cơ sở”.
Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, phụ nữ Việt Nam đã có những cống hiến, đóng góp to lớn, góp phần xây dựng và bảo vệ non sông gấm vóc của Tổ quốc, tạo dựng nên truyền thống vẻ vang: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Trong thời kỳ đổi mới đất nước, chính những đóng góp to lớn của phụ nữ Việt Nam đang góp phần vào khẳng định “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế” như bây giờ. Phụ nữ Việt Nam luôn có ý thức giữ gìn, phát huy truyền thống của dân tộc, chủ động, sáng tạo hưởng ứng các phong trào thi đua của đất nước và của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, chăm lo, vun đắp hạnh phúc gia đình, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Phụ nữ càng ngày càng có vai trò, vị thế quan trọng, tham gia tích cực trong các lĩnh vực của đời sống xã hội… để không phụ lòng tin yêu và sự kỳ vọng của Bác, đồng thời, góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước của cả dân tộc, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng./.
Di chúc Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 12, NXB Chính trị quốc gia, tr. 510
Báo cáo tại Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII (10/3/2022) https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/hoat-ong-cua-lanh-ao-ang-nha-nuoc/-/2018/825089/dai-hoi-dai-bieu-phu-nu-toan-quoc-lan-thu-xiii%2C-nhiem-ky-2022---2027.aspx