Chào mừng 30/4
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh

Bài học về sự đoàn kết qua mẩu chuyện “Chiếc đồng hồ”

Thứ năm - 13/04/2023 23:11 5.450 0
Bác Hồ, vị cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam. Khi nhắc đến Bác, có lẽ chúng ta đang nhắc đến biểu tượng của tinh thần yêu nước, khí phách anh hùng và khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc của dân tộc Việt Nam.
Mỗi mẫu chuyện về Bác là mỗi bài học giúp chúng ta trưởng thành hơn. Học tập và làm theo theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người là một trong những việc làm cần thiết để tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, tác phong của mỗi cán bộ, đảng viên ngành Kiểm sát nhân dân.  

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, ở mỗi cơ quan, đơn vị sẽ có nhiều bộ phận, mỗi bộ phận cũng như mỗi cá nhân cần đặt nhiệm vụ chung của tập thể lên hàng đầu để tập thể ngày một phát triển. Tinh thần đoàn kết của tập thể sẽ tạo nên những giá trị thiết thực. Để làm được điều đó, Bác đã dạy chúng ta bài học về sự đoàn kết qua mẩu chuyện “Chiếc đồng hồ”.  Chuyện kể lại như sau:

Giữa mùa thu năm 1954, Bác đến thăm Hội nghị rút kinh nghiệm cải cách ruộng đất ở Hà Bắc. Tại hội nghị, được biết có lệnh của Trung ương rút bớt một số cán bộ đi học lớp tiếp quản thủ đô. Ai nấy cũng đều háo hức muốn đi, nhất là những người quê ở Hà Nội. Bao năm xa nhà, nhớ Thủ đô, nay được dịp về công tác, ai ai cũng có nguyện vọng được đề nghị cấp trên chiếu cố. Tư tưởng cán bộ dự hội nghị có nhiều phân tán. Ban lãnh đạo ít nhiều thấy khó xử. Lúc đó, Bác lên diễn đàn, giữa mùa thu nhưng trời vẫn còn nóng, mồ hôi ướt đẫm hai bên vai áo nâu của Bác, Bác hiền từ nhìn khắp hội trường và nói chuyện về tình hình thời sự. Khi nói đến nhiệm vụ của toàn Đảng trong lúc này, Bác bỗng rút trong túi áo giơ ra một chiếc đồng hồ quả quýt và hỏi các đồng chí cán bộ trong hội trường từng câu hỏi về chức năng của từng bộ phận trong chiếc đồng hồ. Ai cũng đồng thanh trả lời đúng hết các câu hỏi của Bác. Đến câu hỏi: 
- Trong cái đồng hồ, bộ phận nào là quan trọng?
Khi mọi người còn đang suy nghĩ thì Bác lại hỏi:
- Trong cái đồng hồ, bỏ một bộ phận đi có được không?
- Thưa không được ạ. 

Nghe mọi người trả lời, Bác bèn giơ cao chiếc đồng hồ lên và kết luận:       
- Các chú ạ, các bộ phận của một chiếc đồng hồ cũng ví như các cơ quan của một Nhà nước, như các nhiệm vụ của cách mạng. Đã là nhiệm vụ của cách mạng thì đều là quan trọng, điều cần phải làm. Các chú thử nghĩ xem: trong một chiếc đồng hồ mà anh kim đòi làm anh chữ số, anh máy lại đòi ra ngoài làm cái mặt đồng hồ… cứ tranh nhau chỗ đứng như thế thì còn là cái đồng hồ được không?      
Chỉ trong ít phút ngắn ngủi, câu chuyện chiếc đồng hồ của Bác đã khiến cho ai nấy đều thấm thía, tự đánh tan được những suy nghĩ riêng tư của mình. 

 
                                 Chủ tịch Hồ Chí Minh  (Ảnh Internet)
 
Cũng chiếc đồng hồ ấy, một dịp vào cuối năm 1954, Bác đến thăm một đơn vị pháo binh đóng ở Bạch Mai đang luyện tập để chuẩn bị cho cuộc duyệt binh đón mừng chiến thắng Điện Biên Phủ. Sau khi đi thăm nơi ăn, chốn ở của bộ đội, Bác đã dành một thời gian dài để nói chuyện với anh em. Bác lấy ở túi ra một chiếc đồng hồ quả quýt, âu yếm nhìn mọi người rồi chỉ vào từng chiếc kim, từng chữ số và hỏi anh em về tác dụng của từng bộ phận. Mọi người đều trả lời đúng cả. Song chưa ai hiểu tại sao Bác lại nói như vậy?
Bác vui vẻ nói tiếp: Đã bao nhiêu năm nay, chiếc kim đồng hồ vẫn chạy để chỉ cho ta biết giờ giấc, chữ số trên mặt vẫn đứng yên một chỗ, bộ máy vẫn hoạt động đều đặn bên trong. Tất cả đều nhịp nhàng làm việc theo sự phân công ấy, nếu hoán đổi vị trí từng bộ phận cho nhau thì có còn là chiếc đồng hồ nữa không!
         
Sau câu chuyện của Bác anh chị em đều hiểu ý Bác dạy: Việc gì cách mạng phân công phải yên tâm hoàn thành. Sau đó, Bác kết luận rằng mỗi một bộ phận có chức năng làm việc riêng, có thể người ngoài không thấy được nhưng đều có nhiệm vụ làm cho đồng hồ chạy và chỉ đúng giờ. Ngoài xã hội cũng vậy, sau khi học xong ra phục vụ các ngành, nghề đều ngang như nhau, không ai cao sang hơn ai.

        
Chiếc đồng hồ quả quýt còn là một hiện vật vô giá thể hiện tình cảm Quốc tế đối với Bác, đó là chiếc đồng hồ do Tổ chức Quốc tế “Cứu Tế đỏ” tặng và Bác luôn giữ nó trong mình, trong những năm tháng bị cầm tù gian khổ cho đến ngày  Việt Nam giành được độc lập.


       Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Nhà máy xe lửa Gia Lâm năm 1955

Qua mẩu chuyện về chiếc đồng hồ của Bác nhắc nhở chúng ta rằng: Đối với cơ quan, đơn vị chúng ta cũng giống như một chiếc đồng hồ. Mỗi cá nhân, mỗi phòng, ban là một bộ phận không thể thiếu. Tất cả đều có một nhiệm vụ riêng, dù lớn, dù nhỏ nhưng đó đều là một phần quan trọng trong một tập thể, mỗi nhiệm vụ như một mắt xích nối lại với nhau. Để tạo nên một mối nối thật sự vững chắc thì mỗi cá nhân - một mắc xích phải thật sự đoàn kết, nỗ lực, cố gắng phát huy khả năng của mình, hỗ trợ lẫn nhau để hoàn thành nhiệm vụ.
Từ một chiếc đồng hồ, Bác đã gợi lên trong mỗi cán bộ, đảng viên nhận thức về một bài học quý giá. Đó là hiện vật vô giá về tình đoàn kết trong mỗi đơn vị mà rộng hơn là tình đoàn kết trong một quốc gia. Đoàn kết để ổn định, để đổi mới và sáng tạo, để làm nên tất cả bỡi lẽ "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công, thành công, đại thành công".
        
Có lẽ, mỗi bài học mà Bác để lại là một bài học mà thế hệ trẻ ngành Kiểm sát nhân dân chúng ta vô cùng trân quý. Từ những bài học của Bác, tự bản thân mỗi người cần nhìn nhận và rút ra những kinh nghiệm quý báu để có thể trưởng thành hơn, đóng góp công sức nhỏ bé của mình để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đã giao phó. Mỗi công việc, mỗi vị trí đều sẽ mang đến những giá trị riêng đóng góp cho thành quả của tập thể để tập thể ngày một vững mạnh hơn, phát triển toàn diện hơn nữa./.

Tác giả bài viết: Võ Thị Mỹ Trang

Tổng số điểm của bài viết là: 14 trong 5 đánh giá

Xếp hạng: 2.8 - 5 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyển đổi số
Hưởng ứng giải  Búa Liềm Vàng
Giải báo chí phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Công khai ngân sách
Mail công vụ
Thống Kê Truy Cập
  • Đang truy cập212
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm211
  • Hôm nay23,523
  • Tháng hiện tại269,457
  • Tổng lượt truy cập16,798,379
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây