Chào mừng 30/4
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh

Giải pháp tăng cường trách nhiệm công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, bảo đảm không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội

Thứ ba - 22/08/2017 05:25 1.430 0
Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 28/12/2016 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2017 đã chỉ thị toàn Ngành tập trung phấn đấu thực hiện 04 mục tiêu cơ bản và 04 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, gắn với phương châm: “Đoàn kết, đổi mới - Trách nhiệm, kỷ cương - Chất lượng, hiệu quả”.

         Theo đó, “Tăng cường trách nhiệm công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, bảo đảm không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội” là một trong những mục tiêu cơ bản, quan trọng, được Chỉ thị nhấn mạnh với 10 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai cũng xác định đây là mục tiêu cơ bản, xuyên suốt trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành, đồng thời đề ra nhiều nhóm giải pháp, chỉ tiêu cụ thể để thực hiện tốt công tác của Ngành trong năm 2017, cụ thể như sau:
 
          1. Nhóm giải pháp về quản lý, chỉ đạo, điều hành

         (1).  Ban cán sự Đảng và Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã quán triệt thực hiện kịp thời, nghiêm túc các chỉ thị, kết luận và nghị quyết của Đảng; nghị quyết của Quốc hội, các chỉ thị, kế hoạch, hướng dẫn công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, trọng tâm là tiếp tục thực hiện tốt các nghị quyết số 37, 63, 96, 111, 113 của Quốc hội về công tác tư pháp; 10 Chỉ thị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành trong năm 2016 và các Chỉ thị công tác, hướng dẫn nghiệp vụ năm 2017.

          (2). Xác định, chỉ đạo xây dựng kế hoạch, đề ra các giải pháp, phân công nhiệm vụ cụ thể để thực hiện tốt hai công tác đột phá trong năm 2017, nhằm nâng cao chất lượng công tác, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành, đó là:

- Tăng cường thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, bảo đảm không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội.
- Nâng cao chất lượng công tác kiểm sát, tham gia phiên tòa, phiên họp giải quyết các vụ, việc dân sự, vụ án hành chính, hạn chế thấp nhất việc hủy án, sửa án có trách nhiệm của Viện kiểm sát.

          (3). Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát; tích cực, chủ động và nhạy bén trong việc nắm bắt tình hình, kịp thời chỉ đạo giải quyết các vụ việc phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị địa phương.
         
         (4). Tổ chức giao ban trực tuyến định kỳ 01 tháng/01 lần và từng quý để rà soát, đánh giá, kiểm tra lại tiến độ thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác theo kế hoạch của từng đơn vị cấp huyện, cấp phòng. Qua đó, Lãnh đạo Viện KSND tỉnh kịp thời chỉ đạo các đơn vị có giải pháp khắc phục những mặt còn có hạn chế, yếu kém, nâng cao chất lượng công tác, đẩy nhanh tiến độ giải quyết công việc; đồng thời chỉ đạo sát sao đối với các vụ án, vụ việc phức tạp, có dấu hiệu oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm.

        (5). Tăng cường ứng dựng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo, điều hành; sử dụng tốt Hệ thống truyền hình Hội nghị trực tuyến, Trang thông tin điện tử, Hệ thống mạng nội bộ và thư điện tử công vụ để tập huấn, trao đổi thông tin, chuyển và nhận văn bản trong Ngành, đảm bảo nhanh chóng, chính xác và thực hành tiết kiệm.
        
          2. Nhóm giải pháp cụ thể về nghiệp vụ

          (1). Tăng cường trực tiếp kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố:
          - Đề ra chỉ tiêu năm 2017 phải trực tiếp kiểm sát 100% Cơ quan điều tra hai cấp, Viện kiểm sát tỉnh trực tiếp kiểm sát từ 02 đến 03 CQĐT Công an cấp huyện; tăng cường trực tiếp kiểm sát tại cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra và phối hợp với CQĐT trực tiếp kiểm sát 50% Công an cấp xã trên địa bàn. Theo đó, Viện kiểm sát hai cấp đã trực tiếp kiểm sát 10 cuộc/20 CQĐT hai cấp (đạt 50% kế hoạch); 07 cuộc/18 cơ quan Kiểm lâm; 02 cuộc/08 Đồn Biên phòng và 83 cuộc/222 Công an cấp xã (Đạt 75% kế hoạch) ([1]); yêu cầu CQĐT khởi tố 04 vụ và khởi tố 03 bị can (CQĐT đã khởi tố theo yêu cầu của VKS); đồng thời ban hành 123 Kiến nghị yêu cầu các cơ quan chức năng khắc phục vi phạm, chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội.   
          - Viện kiểm sát đã chủ động phối hợp với CQĐT, kết hợp trực tiếp kiểm sát để tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ và giải đáp khó khăn vướng mắc về nghiệp vụ tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm cho lực lượng Công an cấp xã, nhằm hạn chế oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm hoặc hành chính hóa, dân sự hóa quan hệ pháp luật hình sự, nâng cao tỷ lệ phát hiện, xử lý tội phạm ngay từ giai đoạn đầu và ngay tại cấp cơ sở. ([2])

          (2). Giải pháp tự đào tạo về nghiệp vụ:
          - Xây dựng 05 chuyên đề nghiệp vụ, tổ chức 05 Hội nghị trực tuyến để tập huấn, nâng cao trình độ, kỹ năng nghiệp vụ cho Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, chuyên viên 17 Viện kiểm sát cấp huyện và các phòng nghiệp vụ Viện KSND tỉnh.([3])
          - Tăng cường tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm để nâng cao kỹ năng tranh tụng, kỹ năng đối đáp, phát biểu ý kiến trong các phiên tòa giải quyết án dân sự, hành chính; đã tổ chức 45 phiên tòa rút kinh nghiệm án hình sự/41 Kiểm sát viên làm án hình sự (tăng 20 phiên tòa) và 24 phiên tòa rút kinh nghiệm án dân sự, hành chính/25 Kiểm sát viên làm án dân sự, hành chính (tăng 11 phiên tòa).
          - Nâng cao số lượng, chất lượng thông báo rút kinh nghiệm, hướng dẫn và trả lời thỉnh thị về nghiệp vụ cho Viện kiểm sát cấp huyện (đã ban hành 35 thông báo rút kinh nghiệm và 10 văn bản trả lời thỉnh thị, qua đó kịp thời giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho Viện kiểm sát cấp huyện)

          (3). Tổng hợp, thông báo phương pháp, cách làm hay, có hiệu quả trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành để Viện kiểm sát hai cấp nghiên cứu, tham khảo, vận dụng. ([4]) Cách làm này, đã được Viện kiểm sát nhân dân tối cao đánh giá là một trong những địa phương tích cực chủ động đề ra giải pháp thiết thực, có hiệu quả để thực hiện tốt Chỉ thị công tác năm 2017 của Viện trưởng Viện KSND tối cao, đồng thời thông báo trong toàn quốc để tham khảo (Thông báo số 104/TB-VKSTC ngày 28/4/2017 của Viện KSND tối cao).

          (4). Tích cực tổng kết công tác thực tiễn, nghiên cứu, phân tích, dự báo xu hướng tình hình tội phạm và vi phạm, làm rõ nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm và vi phạm pháp luật, nhất là những thiếu sót, sơ hở trong quản lý kinh tế, xã hội, ban hành 16 Kiến nghị với cơ quan, tổ chức hữu quan về các giải pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm (tăng 12 kiến nghị). ([5])  

          (5). Chỉ đạo thực hiện tốt các giải pháp để nâng cao số lượng, chất lượng công tác kháng nghị phúc thẩm án hình sự, dân sự theo tinh thần Chỉ thị số 08/CT-VKSTC và Chỉ thị số 10/CT-VKST cùng ngày 06/4/2016 của Viện trưởng Viện KSND tối cao, về tăng cường kháng nghị án hình sự, các vụ việc dân sự, vụ án hành chính. Qua đó, tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm án hình sự được chấp nhận đạt 89% (vượt 19% chỉ tiêu); tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm án dân sự được chấp nhận đạt 86% (vượt 6% chỉ tiêu).

          (6). Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của Viện trưởng Viện KSND tối cao về việc mỗi lãnh đạo Viện kiểm sát hai cấp phải trực tiếp thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử từ 02 đến 03 vụ án/năm. Theo đó, Lãnh đạo Viện kiểm sát hai cấp tỉnh Gia Lai đã trực tiếp thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử xong 93 vụ án hình sự và trực tiếp tham gia phiên tòa, phiên họp giải quyết xong 61 vụ, việc dân sự, vụ án hành chính (Đạt 85% chỉ tiêu về án hình sự và 140% chỉ tiêu nếu tính cả án hình sự, dân sự, hành chính).

          (7). Ngoài các chỉ tiêu chung của Ngành, chủ động đề ra chỉ tiêu riêng đối với ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai, để nâng cao chất lượng công tác, như: Thực hiện phúc cung để kiểm tra, củng cố chứng cứ 100% các vụ án hình sự trước khi quyết định truy tố và tham gia 100% các phiên tòa, phiên họp giải quyết vụ, việc dân sự, vụ án hành chính Viện kiểm sát phải tham gia theo quy định của pháp luật. Kết quả: đã trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra để củng cố chứng cứ trước khi quyết định việc truy tố (phúc cung bị can): 383 vụ/383 vụ đã truy tố (Đạt 100% kế hoạch đề ra); tham gia 304 phiên tòa, phiên họp – Đạt 100% số phiên tòa, phiên họp Viện kiểm sát phải tham gia theo quy định của pháp luật.   

          (8). Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và quản lý nội bộ về mọi mặt. Đã tiến hành 60 cuộc thanh tra công vụ, việc chấp hành kỷ luật công vụ, nội vụ (tăng 33 cuộc). Kiểm tra 04 lượt Viện kiểm sát cấp huyện. Qua đó, ban hành 06 thông báo, 04 Kết luận yêu cầu các đơn vị rút kinh nghiệm, chấn chỉnh, khắc phục một số tồn tại, thiếu sót, tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ và trật tự nội vụ trong Ngành.

           Qua việc chỉ đạo, tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp nêu trên, trong 6 tháng đầu năm 2017, ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành; hoàn thành đạt và vượt 61/77 chỉ tiêu nghiệp vụ, trong đó có 36/77 chỉ tiêu tăng cao hơn so với năm 2016. Làm tốt công tác chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội. Trong kỳ không có trường hợp Tòa án tuyên bị cáo không có tội hoặc đình chỉ điều tra do bị can không phạm tội. Viện KSND hai cấp đã tích cực, chủ động phát hiện nhiều sơ hở, thiếu sót, vi phạm trong hoạt động tư pháp cũng như trong quản lý Nhà nước và xã hội; kịp thời ban hành 409 văn bản (39 Kháng nghị, 104 Kiến nghị và 266 Kết luận) yêu cầu cơ quan chức năng chấn chỉnh, khắc phục vi phạm, phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm. Các kháng nghị, kiến nghị, kết luận của Viện kiểm sát bảo đảm có căn cứ, được các cơ quan tư pháp và cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp thu, thực hiện. Qua đó, tình hình chấp hành pháp luật trong hoạt động tư pháp tại địa phương có nhiều chuyển biến tích cực, cơ bản đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, bảo đảm quyền con người, quyền công dân; bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của công dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần quan trọng duy trì ổn định và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.


([1])  - Năm 2016: Trực tiếp kiểm sát 145 Công an xã/222 xã (Chiếm 65,3%); Phát hiện Công an xã giải quyết tin báo không đúng thẩm quyền, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, người phạm tội; đã yêu cầu chuyển đến CQĐT để khởi tố xử lý hình sự 06 vụ/01 bị can; qua KSĐT, VKS yêu cầu CQĐT khởi tố 08 bị can; hủy bỏ 01 Quyết định không khởi tố vụ án trái pháp luật và trực tiếp khởi tố 01 vụ án (CQĐT đã thực hiện theo yêu cầu của VKS)
       - 6 tháng đầu năm 2017: Trực tiếp kiểm sát 83 Công an xã/222 xã (Chiếm 37,4%); yêu cầu Công an cấp xã chuyển 12 tin đã giải quyết không đúng thẩm quyền (có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm) tới CQĐT và đã khởi tố xử lý hình sự 01 vụ/01 bị can; qua KSĐT, VKS yêu cầu CQĐT khởi tố 04 vụ và 03 bị can (đã khởi tố).
([2]) - Năm 2016: VKS đã phối hợp với CQĐT kết hợp trực tiếp kiểm sát để tập huấn nghiệp vụ 38 cuộc cho 71 lượt Công an viên và 123 cuộc kết hợp giải đáp khó khăn, vướng mắc về nghiệp vụ cho Công an cấp xã.
       - 6 tháng đầu năm 2017: VKS đã phối hợp với CQĐT kết hợp trực tiếp kiểm sát để tập huấn nghiệp vụ 14 cuộc cho 53 lượt Công an viên và 72 cuộc kết hợp giải đáp khó khăn, vướng mắc về nghiệp vụ cho Công an cấp xã.
([3])  Tập huấn 05 chuyên đề gồm: (1). Kỹ năng THQCT, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; (2). Kỹ năng THQCT, kiểm sát giải quyết các vụ án hình sự về kinh tế, sở hữu, tham nhũng, chức vụ; (3). Kỹ năng kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự; (4). Giải pháp nâng cao chất lượng công tác kiểm sát, tham gia phiên tòa, phiên họp giải quyết các vụ, việc dân sự, KDTM, LĐ, vụ án hành chính; (5). Kỹ năng nhận diện, phát hiện vi phạm, thực hiện quyền Kháng nghị, Kiến nghị, Yêu cầu và giải pháp nâng cao chất lượng công tác kiểm sát thi hành án dân sự.
([4])  Phương pháp, cách làm hay, đạt hiệu quả cao của Viện KSND huyện Krông Pa trong công tác trực tiếp kiểm sát việc tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm tại Công an cấp xã (Công văn số 172/VKS-VP ngày 07/3/2017) và Phương pháp, cách làm hay của Viện KSND thị xã An Khê trong công tác đề xuất, tham mưu cho cấp ủy Đảng, phối hợp với Ủy ban nhân dân thị xã tổ chức tập huấn cho 100% Ủy ban nhân dân các xã, phường về nghiệp vụ thi hành án treo, cải tạo không giam giữ (Công văn số 354/VKS-VP ngày 09/5/2017).
([5])  Viện kiểm sát kiến nghị tăng cường các biện pháp phòng, chống vi phạm pháp luật và các nhóm tội phạm về ma túy, trộm cắp tài sản và đánh bạc; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật có liên quan đến bạo lực gia đình; các biện pháp phòng ngừa vi phạm và tội phạm trong việc thực hiện các chính sách đối với sự nghiệp giáo dục; các giải pháp tăng cường trật tự, an toàn giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông...

Tác giả bài viết: Nguyễn Đình Quang - Viện trưởng VKSND tỉnh Gia Lai

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyển đổi số
Hưởng ứng giải  Búa Liềm Vàng
Giải báo chí phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Công khai ngân sách
Mail công vụ
Thống Kê Truy Cập
  • Đang truy cập313
  • Hôm nay9,153
  • Tháng hiện tại149,958
  • Tổng lượt truy cập16,678,880
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây