Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh

Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng trong hoạt động yêu cầu điều tra của Viện kiểm sát nhân dân

Thứ ba - 27/12/2016 19:24 2.772 0
Đề ra “Yêu cầu điều tra” vừa là nhiệm vụ vừa là quyền hạn của Viện kiểm sát khi thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự.
Hoạt động này được quy định cụ thể tại Điều 37, khoản 2 Điều 112 Bộ luật tố tụng hình sự 2003; Thông tư 05/2005/TTLT-VKSTC-BCA-BQP của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng; Điều 19 Quy chế công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc điều tra các vụ án hình sự (Ban hành kèm theo Quyết định số 07/2008/QĐ-VKSTC ngày 2/1/2008 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Chỉ thị số 06/CT-VKSTCngày 06/12/2013 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao “Về tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm”; Điều 12 Thông tư liên tịch số 01/2010/TTLT ngày 27/8/2010 của VKSTC-BCA-TATC hướng dẫn quy định của BLTTHS về trả hồ sơ để điều tra bổ sung quy định về trách nhiệm của Viện kiểm sát, Kiểm sát viên trong việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
 
Thao tác nghiệp vụ này có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình điều tra vụ án hình sự, được bắt đầu từ khi cơ quan cảnh sát điều tra thụ lý giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm. Vì vậy, Kiểm sát viên cần xác định việc đề ra yêu cầu điều tra là một việc làm bắt buộc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra ở bất kỳ vụ án hình sự nào, không phân biệt tính chất vụ án, mức độ, hậu quả của tội phạm. Việc đề ra yêu cầu điều tra sát thực, có căn cứ chính xác sẽ góp phần rất quan trọng cho việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự được khách quan, kịp thời, đúng quy định của pháp luật, triệt tiêu được tình trạng oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm.

Tuy nhiên, qua công tác kiểm sát việc khởi tố, điều tra, xét xử một số vụ án hình sự ở địa phương, chúng tôi thấy rằng một số cán bộ,  Kiểm sát viên chưa nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng trong hoạt động này của Viện kiểm sát, từ đó có trường hợp làm yêu cầu điều tra để hợp thức hóa, chiếu lệ; nội dung một số yêu cầu điều tra không sát với nội dung vụ án mà còn mang tính chung chung, không rõ ràng. Cá biệt còn có tình trạng tự ý đặt ra những quy định không đúng luật như tự do soạn thảo văn bản không đúng theo biểu mẫu của ngành ..., từ đó làm cho hiệu lực văn bản pháp lý quan trọng này của Viện kiểm sát chưa cao, dẫn đến hoạt động điều tra của Điều tra viên còn lan man, thiếu định hướng, từ đó việc điều tra ở một số vụ án còn kéo dài hoặc hồ sơ phải trả đi trả lại để điều tra bổ sung, điều tra lại vì thiếu chứng cứ; vì vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng; vì lý do bị can, bị cáo phạm một tội khác, có đồng phạm khác. Điều này  gây  ra sự hoài nghi trong nhân dân, dẫn đến việc khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực tố tụng hình sự rất phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của ngành Kiểm sát nói chung và cán bộ, Kiểm sát viên nói riêng.

      Chúng tôi xin trao đổi cùng đồng nghiệp và bạn đọc một số nội dung và đề ra những giải pháp thiết thực hoạt động đề ra yêu cầu điều tra, phục vụ cho công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra vụ án hình sự, nhằm giải quyết thấu đáo thực trạng nêu trên, cụ thể như sau:

* Giải pháp thứ nhất: Cập nhật có hệ thống và kịp thời các văn bản pháp luật, nắm vững chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà Nước có liên quan.
        Ngoài việc phải nắm vững các quy định của pháp luật hình sự, tố tụng hình sự và các văn bản hướng dẫn; các quy chế nghiệp vụ của ngành, cán bộ Kiểm sát viên còn phải thường xuyên cập nhật các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; quy định của các cơ quan có thẩm quyền có liên quan đến hoạt động điều tra vụ án hình sự. Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án hình sự. Nắm vững và hiểu rõ các quy định của pháp luật về thao tác nghiệp vụ này mới giúp cho cán bộ, Kiểm sát viên nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao.

* Giải pháp thứ hai: Việc đề ra “Yêu cầu điều tra” phải gắn với công tác kiểm sát việc thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.
          Ở gia đoạn tiền khởi tố  Kiểm sát viên phải chủ động, tiếp nhận hồ sơ tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; Kiểm sát chặt chẽ việc lập hồ sơ của Điều tra viên. Nghiên cứu tỉ mỉ và thật thận trọng  các tài liệu, chứng cứ chứng minh có được thu thập bằng các biện pháp điều tra hợp pháp hay không, đồng thời phải kiểm tra tính xác thực của nguồn tin, từ đó đề ra yêu cầu xác minh nhằm làm rõ, cũng cố chứng cứ để xem xét xử lý được chính xác. Thực tiễn cho thấy nếu như thao tác nghiệp vụ này được thực hiện bài bản, đúng luật thì sẽ là tiền đề thuận lợi cho việc đề ra yêu cầu điều tra của Viện kiểm sát ở giai đoạn vụ án đã được khởi tố được sát thực.

Ví dụ 1: Ở vụ án xảy ra  ngày 20 tháng 9 năm 2014, tại xã Ia Mrơn,huyện Ia Pa. Do bức xúc vì bị H đánh nên D đã có hành vi rượt đuổi H chạy với khoảng cách trên 1,320km, tại cánh đồng thuộc Bôn Sô Ma Leng, xã Ia Mrơn, huyện Ia Pa, làm H bị suy hô hấp cấp, nhồi máu cơ tim, nhồi máu xuất huyết phổi do vận động gắng sức ngã sang chấn ngực + cơ địa nhiễm Hemosiderin phổi tự phát dẫn đến tử vong.

         Mặc dù trong  hồ sơ  chưa có tài liệu xác định mối quan hệ nhân quả giữa các dấu vết, vết thương này với cái chết của nạn nhân như thế nào, chưa điều tra làm rõ tiền sử bệnh lý của anh H và chưa xác minh làm rõ điều kiện thời tiết, khoảng thời gian anh H bị D và các đối tượng khác truy đuổi; thời điểm anh H bị tử vong … nhưng chỉ với nhận định ban đầu của bác sĩ pháp y và sự trao đổi thông tin với PC44, PC45 Công an tỉnh Gia Lai, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện đã có văn bản trao đổi với Viện kiểm sát với quan điểm “Không có dấu hiệu tội phạm xảy ra” nên sẽ không khởi tố vụ án hình sự. Căn cứ vào kết quả nghiên cứu thận trọng hồ sơ vụ việc, Kiểm sát viên đã đề ra “Yêu cầu xác minh ” với nội dung thu thập, làm rõ những vấn đề đã phân tích ở trên. Trước yêu cầu của Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra đã thực hiện nghiêm túc và vụ án đã được khởi tố để điều tra. Sau khi phê chuẩn các quyết định của cơ quan điều tra, Kiểm sát viên đã kịp thời ban hành văn bản “Yêu cầu điều tra”, yêu cầu cơ quan điều tra cũng cố chứng cứ buộc tội, gỡ tội các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ đối với bị can và các đối tượng khác để việc xử lý vụ án được khách quan, toàn diện, đúng pháp luật. Hiện vụ án đã được xét xử xong, không bị kháng cáo, kháng nghị.

* Giải pháp thứ ba: Chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật và nâng cao chất lượng trong việc đề ra “Yêu cầu điều tra”.
        Một bản yêu cầu điều tra có chất lượng phải đảm bảo cả về hình thức và nội dung. Hình thức văn bản được soạn thảo và ban hành theo mẫu quy định. Nội dung yêu cầu điều tra phải đảm bảo cụ thể, rõ ràng, đúng trọng tâm và cần thiết để làm rõ tất cả các chứng cứ buộc tội, gỡ tội và có tính khả thi cao. Muốn thực hiện được giải pháp này, trước tiên Kiểm sát viên phải căn cứ vào biểu mẫu của ngành để xây dựng bản “Yêu cầu điều tra”, không được tự ý thay đổi hình thức văn bản.
  Trước khi ban hành yêu cầu điều tra, Kiểm sát viên cần nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, xem xét các tài liệu chứng cứ đã được cơ quan điều tra thu thập đầy đủ hay chưa; có bảo đảm đúng trình tự thủ tục tố tụng không từ đó để xây dựng nội dung yêu cầu điều tra một cách sát thực nhất.  Nội dung yêu cầu điều tra phải được xây dựng dựa trên thông tin được phản ánh qua các tài liệu, chứng cứ đã được Cơ quan điều tra thu thập theo quy định của pháp luật, không được dựa trên suy diễn chủ quan. Chú ý tập trung vào việc yêu cầu thực hiện các biện pháp điều tra thu thập chứng cứ và thủ tục tố tụng của vụ án như : Khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi; thực nghiệm điều tra; khám xét dấu vết trên thân thể; trưng cầu giám định; giám định bổ sung; giám định lại; khám xét, thu giữ đồ vật tài sản; yêu cầu lấy lời khai người tham gia tố tụng, hỏi cung bị can về những nội dung cần chứng minh, làm rõ; yêu cầu tiến hành đối chất, nhận dạng...
Bên cạnh đó, nội dung “yêu cầu điều tra” phải làm rõ có hay không có hành vi phạm tội, thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội; người thực hiện hành vi phạm tội; có lỗi hay không có lỗi, do cố ý hay vô ý; có năng lực trách nhiệm hình sự hay không; mục đích, động cơ phạm tội; những tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can và những đặc điểm về nhân thân của bị can; tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra.
Chỉ yêu cầu tiến hành điều tra những tình tiết của vụ án chưa được điều tra hoặc đã được điều tra nhưng chưa rõ; chứng minh tính có căn cứ của những chứng cứ do Cơ quan điều tra đã thu thập; giải quyết các mâu thuẫn giữa các chứng cứ; định hướng điều tra cho sát đúng với nội dung luật định; xác định diện đối tượng cần làm rõ để khởi tố mở rộng điều tra vụ án.
Đối với vụ án có tính chất phức tạp, có nhiều bị can tham gia, có bị can không nhận tội, Kiểm sát viên phải đánh giá, phân hóa từng vấn đề cần chứng minh làm rõ. Trên cơ sở đó đề ra yêu cầu điều tra từng vấn đề liên quan tới từng bị can, chú trọng yêu cầu củng cố tài liệu chứng cứ vật chất, chứng cứ có tính khách quan và các biện pháp điều tra.
Yêu cầu điều tra phải được đề ra sớm ngay khi vụ án được khởi tố hoặc Viện kiểm sát phê chuẩn quyết định khởi tố bị can. Tuy nhiên, yêu cầu điều tra không chỉ được đề ra một lần mà trong quá trình điều tra vụ án, khi có các tình tiết mới phát sinh thì Kiểm sát viện phải kịp thời thay đổi, bổ sung nội dung yêu cầu điều tra để định hướng cho Điều tra viên thực hiện.
 
   Ví dụ 2: Ở vụ án S, phạm tội “ Gây rối trật tự công cộng” theo Điều 245 BLHS. Đây là vụ án phức tạp, cụ thể là khi vụ việc xảy ra, công an xã Ia Trôk, huyện Ia Pa sử dụng công cụ hỗ trợ (bình xịt hơi cay) trấn áp thì đã bị các đối tượng trong nhóm của S tổ chức quay clip tung lên mạng xã hội sau đó làm đơn tố cáo gửi nhiều ngành, nhiều cấp, tạo dư luận, gây sức ép với các cơ quan chức năng nhằm che lấp hành vi vi phạm pháp luật của mình. Do đây là vụ án Viện kiểm sát yêu cầu khở tố, vì vậy Kiểm sát viên đã xem xét thận trọng, tỉ mỉ việc thu thập chứng cứ buộc tội, gỡ tội và các tình tiết quan trọng khác của vụ án; xem xét những vấn đề thiếu sót trong hoạt động điều tra của Điều tra viên; những vấn đề quan trọng cần chứng minh mà cơ quan điều tra chưa thực hiện, từ đó đã đề ra những nội dung yêu cầu điều tra đúng đắn định hướng cho cơ quan điều tra thực hiện(3). Vụ án sau này được Tòa án đưa ra xét xử lưu động và áp dụng hình phạt tương xứng đối với bị cáo, được dư luận quần chúng nhân dân đồng tình ủng hộ.

* Giải pháp thứ tư: Tăng cường trách nhiệm trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành; chú trọng công tác đào tạo giáo dục đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên nhằm nâng cao năng lực, phẩm chất để thực hiện tốt công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử án hình sự.
       Đây là giải pháp then chốt, được đồng chí Viện trưởng VKSND tỉnh quan tâm hàng đầu, do đó, lãnh đạo đơn vị đã thường xuyên giáo dục chính trị tư tưởng cũng như  hướng dẫn kinh nghiệm trong thao tác nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên có bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng, có tinh  thần kiên quyết đấu tranh bảo vệ pháp chế; có phẩm chất đạo đức trong sáng, lương tâm, trách nhiệm, tận tụy, có tính thận trọng và tự giác cao đối với công việc được giao. Bên cạnh đó, lãnh đạo viện đã tăng cường công tác tự kiểm tra nội bộ trong đơn vị, nhằm phát hiện những sai sót để chấn chỉnh kịp thời, đảm bảo cho hoạt động “Yêu cầu điều tra” có chất lượng, đúng pháp luật. Đặc biệt phảituân thủ ý kiến chỉ đạo của đồng chí Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai trong việc ký ban hành văn bản yêu cầu điều tra(4),  nhằm bảo đảm cho việc điều tra, truy tố các vụ án hình sự  đúng theo quy định của pháp luật, hạn chế được trình trạng oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm.

* Giải pháp thứ năm: Tăng cường sự phối kết hợp giữa Viện kiểm sát với cơ quan điều tra.
 
Để phát huy được hiệu quả, hiệu lực hoạt động “yêu cầu điều tra” của Viện kiểm sát, thì không thể không nhắc đến vai trò của Cơ quan điều tra và Điều tra. Yêu cầu điều tra của Viện kiểm sát, có chất lượng đến bao nhiêu, nếu Điều tra viên, Cơ quan điều tra không thực hiện hoặc thực hiện không nghiêm túc thì văn bản yêu cầu điều tra cũng khó có thể phát huy hết hiểu quả. Do vậy, cần phải tăng cường sự phối kết hợp nhuần nhuyễn giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát; giữa Điều tra viên và Kiểm sát viên để có sự nhận thức chung đúng đắn về hoạt động “yêu cầu điều tra” của Viện kiểm sát cũng như trách nhiệm của việc thực hiện yêu cầu điều tra của cơ quan điều tra trên cơ sở thượng tôn pháp luật. Thực tiễn cho thấy, ở địa phương nào mà có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng nói chung và giữa Viện kiểm sát và cơ quan điều tra nói riêng thì ở nơi đó công tác điều tra, truy tố, xét các vụ án hình sự được thực hiện bài bản, đúng quy định của pháp luật, hạn chế được việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc điều tra lại và triệt tiêu được tình trạng oan sai, bỏ lọt tội phạm.

Ngoài các giải pháp trên, Lãnh đạo Viện kiểm sát cần thường xuyên quán triệt tầm quan trọng của hoạt động “Yêu cầu điều tra” của Viện kiểm sát cho toàn thể cán bộ, Kiểm sát viên để nâng cao trách nhiệm của Kiểm sát viên, Kiểm tra viên trong quá trình thực thi công vụ. Cần thiết phải có Quy chế phối hợp giữa Viện kiểm sát với cơ quan điều tra trong hoạt động đề ra “yêu cầu điều tra” và việc thực hiện yêu cầu này để làm cơ sở pháp lý cho Kiểm sát viên, Điều tra viên trong quá trình thực hiện chức trách của mình. Viện kiểm sát nhân cấp trên cần tổng hợp các dạng tồn tại, thiếu sót trong việc đề ra yêu cầu điều tra để rút kinh nghiệm chung; đồng thời sao gửi Một số bản yêu cầu điều tra có chất lượng, đảm bảo về nội dung và hình thức để các đơn vị cấp huyện làm mẫu thực hiện.

Qua triển khai thực hiện nghiêm túc các giải pháp nêu trên, chúng tôi thấy rằng, công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát giải quyết các vụ án hình sự tại địa phương đã đạt được những kết quả tích cực; cán bộ kiểm sát viên từng bước nêu cao tính tự giác, thận trọng trong công việc, chấp hành nghiêm quy định của pháp luật trong hoạt động đề ra “Yêu cầu điều tra”; chất lượng của văn bản “Yêu cầu điều tra” ở từng vụ án được nâng lên rõ rệt, có tính khả thi cao và được cơ quan điều tra thực hiên nghiêm túc.  Do vậy, trong thời gian qua đã hạn chế được tình trạng phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung, điều tra lại; quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, người bị hại được bảo đảm, không để xảy ra oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm, đáp ứng được tiến trình cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết 08, Nghị quyết 49 của Bộ chính trị và Chỉ thi 04/CT-VKSTC ngày 10/7/2015 của Viện trưởng VKSND tối cao.

 


Tác giả bài viết: Lê Ngọc Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 16 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyển đổi số
Hưởng ứng giải  Búa Liềm Vàng
Giải báo chí phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Công khai ngân sách
Mail công vụ
Thống Kê Truy Cập
  • Đang truy cập51
  • Hôm nay9,705
  • Tháng hiện tại809,098
  • Tổng lượt truy cập16,503,864
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây