Chào mừng 30/4
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh

Tăng cường thực thi quyền bầu cử, ứng cử, tham gia quản lý nhà nước và xã hội của công dân

Thứ năm - 15/04/2021 22:51 1.880 0
Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân là một trong những quyền chính trị cơ bản của công dân đã được Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ghi nhận. Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ được tiến hành trong cả nước vào ngày 23-5-2021. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của toàn Đảng, toàn dân ta. Cùng với thành công của đại hội Đảng các cấp, tổ chức tốt cuộc bầu cử lần này là dịp để tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân. Chính vì vậy, tham gia bầu cử vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm vẻ vang của công dân.


Nguồn: Tuyên giáo Trung ương

Trong những năm qua, chúng ta đã tổ chức thành công 14 cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và các địa phương cũng đã tổ chức thành công rất nhiều cuộc bầu cử HĐND các cấp. Thông qua bầu cử, Nhân dân trực tiếp bỏ phiếu bầu người đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình, thay mặt mình thực hiện quyền lực nhà nước; góp phần thiết lập bộ máy nhà nước để tiến hành các hoạt động quản lý xã hội.
Nhà nước ta là Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Nhân dân tổ chức ra Nhà nước bằng cách bầu ra các cơ quan quyền lực Nhà nước. Thông qua bầu cử, Nhân dân trực tiếp bỏ phiếu bầu người đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình, để thay mặt mình thực hiện quyền lực Nhà nước; góp phần thiết lập ra bộ máy Nhà nước để tiến hành các hoạt động quản lý xã hội. Nhằm thể chế hóa quy định trên, Hiến pháp 2013 đã quy định quyền bầu cử, ứng cử, quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội của người dân được nêu rõ tại  Điều 27 “Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định”; Điều 28 1. Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước.
2.
Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân” và Điều 29 “Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân”. Thể hiện tầm quan trọng của quyền biểu quyết nói riêng và quyền của người dân được bày tỏ chính kiến, tham gia đóng góp ý kiến đối với Nhà nước. Các quy định trên của Hiến pháp đã tạo khuôn khổ pháp lý vững chắc bảo đảm cho công dân được thực sự tham gia quản lý Nhà nước và xã hội.
Ngoài ra, quyền bầu cử, ứng cử và tham gia quản lý Nhà nước và xã hội còn được quy định tại nhiều văn bản luật như Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Thanh tra... và các văn bản khác có liên quan. Đặc biệt, theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND; Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Tổ chức chính quyền địa phương, việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND cũng đã mở rộng đối tượng cử tri là người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND cấp tỉnh nơi người đó đang bị tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc. Như vậy, chỉ những người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người đang phải chấp hành hình phạt tù và người mất năng lực hành vi dân sự thì mới không được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND.

Nhìn chung, các cuộc bầu cử đã trải qua luôn bảo đảm quyền, nghĩa vụ công dân, bảo đảm tính Đảng, tính dân chủ; được tổ chức quy củ, chặt chẽ, đúng luật; đại biểu được bầu phát huy được vai trò, sứ mệnh của mình... Tiêu biểu gần đây nhất như cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội Khóa XIV vào năm 2016 đã đạt kết quả tốt đẹp, cả nước có hơn 67 triệu cử tri với tỉ lệ trên 99% đã tham gia bỏ phiếu, bầu được 496 ĐBQH khóa XIV; 3.908 đại biểu HĐND cấp tỉnh; 25.181 đại biểu HĐND cấp huyện và 292.306 đại biểu HĐND cấp xã với cơ cấu, thành phần cơ bản phù hợp như dự kiến[1].

Tuy nhiên, trong quá trình bầu cử còn phát sinh tồn tại, hạn chế nhất định, có nơi phải hủy bỏ kết quả bầu cử và tiến hành bầu cử lại; có địa phương bầu chưa đủ 2/3 số lượng đại biểu HĐND cấp xã, phải tiến hành bầu thêm; vẫn có người đã trúng cử nhưng không đủ tư cách đại biểu… Để bầu cử thực sự là ngày hội của toàn dân, tập trung được trí tuệ và tinh thần trách nhiệm của cả dân tộc và những người trúng cử thực sự xứng đáng với sự ủy thác quyền lực của Nhân dân, cần lưu ý một số vấn đề sau:

Thứ nhất, quyền bầu cử phải được thể hiện đầy đủ trên cả ba phương diện: quyền giới thiệu người ứng cử, quyền tham gia hoạt động bầu cử và quyền bỏ phiếu. Do đó, việc hoàn thiện pháp luật về bầu cử ở Việt Nam cần theo hướng mở rộng phạm vi lựa chọn của cử tri bằng việc tăng đáng kể số người ứng cử cho mỗi đơn vị bầu cử so với hiện nay.

Thứ hai, quy định cụ thể trình tự, thủ tục tự ứng cử để tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền này một cách tự do, bình đẳng là phù hợp với xu thế chung của các nước trên thế giới trong điều kiện hội nhập và tăng cường dân chủ ở nước ta.

Thứ ba, căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội để tạo điều kiện tốt nhất trong việc thực hiện quyền bầu cử đại biểu Quốc hội đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài có mặt tại Việt Nam trong thời gian bầu cử; người Việt Nam đi học tập, công tác, lao động ở nước ngoài; những người bị tạm giữ, tạm giam…

Thứ , chính quyền các cấp, các cơ quan tham gia công tác bầu cử, các cấp ủy đảng tập trung hướng dẫn việc thực hiện các văn bản pháp luật về bầu cử, tổ chức hội nghị tập huấn nội dung văn bản; cấp phát kinh phí cho các đơn vị trực tiếp thực hiện công tác bầu cử. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia hưởng ứng các cuộc bầu cử trên cơ sở nhận thức đầy đủ vai trò, trách nhiệm cũng như quyền và lợi ích của người dân trong công tác bầu cử. Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền về bầu cử, tăng cường biên soạn phát hành tài liệu pháp luật về bầu cử và sử dụng các kênh thông tin như: phát thanh, truyền hình, báo chí, hội nghị, tuyên truyền viên ở Trung ương và địa phương phục vụ cho công tác bầu cử.

Thứ năm, các ban, ngành, đoàn thể, ủy ban bầu cử, đơn vị bầu cử, tổ bầu cử, tiểu ban bầu cử... thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về lập danh sách cử tri, danh sách ứng cử viên, hiệp thương, giới thiệu người ứng cử; tuyên truyền, vận động bầu cử; trình tự bầu cử; kiểm phiếu; giải quyết khiếu nại, tố cáo về bầu cử; lựa chọn những cá nhân tiêu biểu có năng lực, phẩm chất trung thực tham gia vào ủy ban bầu cử, ban bầu cử, tổ bầu cử... đảm bảo kết quả bầu cử là kết quả chính xác, phản ánh đúng thực tế. Mặt khác, cần tăng cường kiểm soát quyền lực trong tổ chức bầu cử, trong đó cần có thiết chế trong việc kiểm tra, giám sát của cả Nhà nước và xã hội đảm bảo tính khách quan, chính xác của kết quả bầu cử bằng việc huy động sự tham gia của cử tri vào công tác kiểm phiếu và bố trí bàn bỏ phiếu kín và có sự ngăn cách giữa các cử tri tham gia bỏ phiếu.

Thứ sáu, đối với cử tri, cần nâng cao nhận thức về quyền và thực hiện quyền chính trị của mình; chủ động tìm hiểu các quy định pháp luật về công tác bầu cử, các thông tin về danh sách cử tri, danh sách đại biểu ứng cử, tiểu sử tóm tắt các đại biểu ứng cử. Trong quá trình triển khai cuộc bầu cử, người dân cần có ý kiến đóng góp, kiến nghị kịp thời để các cơ quan xem xét khắc phục, đảm bảo tính “phổ thông”, “bình đẳng” của việc bầu cử. Tham gia tích cực vào việc bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, tuyệt đối không nhờ người khác gạch phiếu và bỏ phiếu hộ, cùng các thiết chế xã hội tăng cường giám sát việc bầu cử...

Thứ bảy, thực hiện việc vận động bầu cử đúng theo các quy định pháp luật về bầu cử đặc biệt là về cách thức, trách nhiệm, thời gian, số lượng các cuộc tiếp xúc; cần nghiên cứu sửa đổi Luật bầu cử theo đó đưa ra các chế tài cụ thể để xử lý vi phạm những hành vi bị cấm trong vận động bầu cử.

Cuối cùng, các bước tiến hành công tác bầu cử cần nghiên cứu quy định chặt chẽ, cụ thể hơn sự tham gia sâu rộng và trực tiếp hơn của cử tri và nhân dân ngay từ bước lựa chọn, giới thiệu người ứng cử qua các bước hiệp thương, bảo đảm được các yêu cầu dân chủ, đúng luật, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả; là nơi để Nhân dân gửi gắm mọi niềm tin, ủy thác cho đại biểu thay mình thực hiện quyền lực nhà nước.

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, diễn ra sau thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, gắn liền với công tác cán bộ, liên quan đến trách nhiệm của các cấp, các ngành; là nơi để cử tri phát huy quyền và nghĩa vụ của công dân, lựa chọn bầu ra những người tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của mình trong cơ quan quyền lực nhà nước ở Trung ương và địa phương, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Chính vì vậy, một lần nữa có thể khẳng định tham gia bầu cử vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm vẻ vang của công dân và đây xứng đáng là ngày hội của toàn dân ta./.
 

[1] Báo cáo tổng kết công tác bầu cử ĐBQH khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021

Tác giả bài viết: Trịnh Thị Xây

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyển đổi số
Hưởng ứng giải  Búa Liềm Vàng
Giải báo chí phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Công khai ngân sách
Mail công vụ
Thống Kê Truy Cập
  • Đang truy cập72
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm71
  • Hôm nay19,656
  • Tháng hiện tại320,086
  • Tổng lượt truy cập16,849,008
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây