Thực hiện tốt nhiệm vụ này nhằm phát hiện những vi phạm trong hoạt động tư pháp, yêu cầu cơ quan vi phạm khắc phục bảo đảm cho hoạt động tư pháp được thực hiện nghiêm minh, công bằng, dân chủ và khách quan, bảo vệ quyền con người, các quyền và lợi ích chính đáng của Nhà nước, của các tổ chức và công dân đã được Hiến pháp và pháp luật ghi nhận; ngoài ra góp phần quan trọng trong việc khẳng định và nâng cao vị thế của Ngành Kiểm sát nhân dân trong hệ thống các cơ quan tư pháp. Trong những năm qua, công tác Kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu của Viện KSND huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Từ đầu năm 2020 đến nay, đơn vị đã ban hành tổng cộng 23 văn bản kháng nghị, kiến nghị, 03 văn bản yêu cầu các cơ quan hữu quan khắc phục và phòng ngừa vi phạm và tội phạm.
Kết quả từ đầu năm 2020 đến nay cụ thể như sau:
Công tác tiếp nhận, giải quyết nguồn tin tội phạm: Đơn vị đã ban hành 02 bản kiến nghị, yêu cầu khắc phục vi phạm trong công tác tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm đối với Công an xã Phú An và Hạt Kiểm lâm huyện; Tiến hành rà soát các vụ việc nổi trội, thường xuyên xảy ra trên địa bàn, ban hành 02 bản kiến nghị chủ tịch Ủu ban nhân dân huyện Đak Pơ trong việc phòng ngừa tội trộm cắp tài sản và tội phạm xâm hại tình dục trẻ em trên địa bàn huyện.
Kiểm sát viên báo cáo những vi phạm của các cơ quan tư pháp thông qua công tác kiểm sát Công tác kiểm sát hoạt động điều tra, kiểm sát xét xử án hình sự: Đơn vị đã ban hành 01 bản kiến nghị yêu cầu Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an huyện Đak Pơ khắc phục vi phạm pháp luật trong hoạt động điều tra; Ban hành 02 bản kiến nghị Tòa án khắc phục vi phạm pháp luật trong công tác xét xử án hình sự.
Công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự: Ban hành 03 bản kiến nghị riêng, yêu cầu Nhà tạm giữ khắc phục vi phạm trong công tác tạm giữ, tạm giam; ban hành 01 bản Kháng nghị yêu cầu Tòa án nhân dân huyện Đak Pơ hủy quyết định hoãn chấp hành hình phạt tù trái pháp luật, 06 bản kiến nghị, yêu cầu khắc phục vi phạm trong công tác thi hành án hình sự đối với Cơ quan THAHS huyện, Tòa án, UBND các xã Tân An, Cư An và Phú An.
Công tác kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự, hôn nhân và gia đình…: Đơn vị đã ban hành 02 bản kiến nghị yêu cầu Tòa án nhân dân huyện khắc phục vi phạm trong việc giải quyết các vụ án dân sự, kinh doanh, thương mai, lao động, hành chính và các việc khác theo quy định của pháp luật, 01 bản kiến nghị phòng ngừa vi phạm pháp luật đối với Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ.
Công tác kiểm sát thi hành án dân sự: Đã ban hành 02 bản kiến nghị yêu cầu Chi cục Thi hành án dân sự và Tòa án nhân dân huyện khắc phục vi phạm trong công tác thi hành án dân sự.
Công tác kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết đơn: Ban hành 03 băn bản yêu cầu tự kiểm tra trong công tác tiếp nhận, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo đối với Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an huyện Đak Pơ, Tòa án nhân dân huyện và Chi cục Thi hành án dân sự huyện.
Viện KSND huyện Đak Pơ đã thực hiện có hiệu quả quyền kháng nghị, kiến nghị và quyền yêu cầu trong công tác kiểm sát hoạt động tư pháp, các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác về cơ bản đã thực hiện nghiêm chỉnh các kháng nghị, kiến nghị và yêu cầu của Viện kiểm sát. Các bản kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu của Viện KSND huyện Đak Pơ đều được các cơ quan hưu quan chấp nhận khắc phục vi phạm.
Để đạt được hiệu quả quyền kháng nghị, kiến nghị và yêu cầu, đơn vị đã áp dụng thực hiện những giải pháp cụ thể như sau:
Thứ nhất, Tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt các quy định của pháp luật về quyền kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu của Viện kiểm sát, trong đó có: Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014, các Bộ Luật Tố tụng Hình sự, Tố tụng Dân sự, Luật Thi hành án hình sự… và các Chỉ thị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về nâng cao chất lượng công tác kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu.
Thứ hai, Lãnh đạo đơn vị tăng cường hơn nữa công tác chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện có hiệu quả việc phát hiện, tổng hợp vi phạm để ban hành kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu.
Thứ ba, để các bản kháng nghị, kiến nghị phát huy được hiệu lực, hiệu quả, đơn vị xác định các bản kháng nghị, kiến nghị phải đảm bảo quy tắc “chất lượng”. Nội dung các vi phạm được nêu trong kháng nghị, kiến nghị phải là các dạng vi phạm mới, không lặp lại nội dung các bản kháng nghị, kiến nghị trước đó (những vi phạm có tính chất nhỏ lẻ, lặp đi lặp lại chỉ nên ban hành kiến nghị tổng hợp chung).
Thứ tư, Văn bản kháng nghị, kiến nghị về hình thức phải ban hành đúng mẫu quy định của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Nội dung rõ ràng, phân tích, đánh giá vi phạm sát với viện dẫn văn bản pháp luật bị vi phạm. Nhận định phải chỉ rõ vi phạm vào điểm, khoản, điều của văn bản pháp luật nào; nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan, cá nhân. Kết luận nêu rõ yêu cầu cơ quan bị kháng nghị, kiến nghị sửa đổi, hủy bỏ để khắc phục vi phạm.
Thứ năm, Tăng cường số lượng, chất lượng kháng nghị, kiến nghị thông qua việc đề ra chỉ tiêu yêu cầu về số lượng cao hơn so với chỉ tiêu yêu cầu của VKSND tối cao vì đơn vị xác định hiệu lực hiệu quả của các kháng nghị, kiến nghị chính là sự tác động của chúng đối đối với các cơ quan tư pháp bị kháng nghị, kiến nghị.
Thứ sáu, Thực hiện theo dõi chặt chẽ về thời hạn và kết quả trả lời của cơ quan bị kháng nghị, kiến nghị; việc trả lời bị kéo dài hoặc không trả lời của cơ quan bị kháng nghị, kiến nghị thì tùy từng trường hợp lãnh đạo Viện áp dụng linh hoạt các biện pháp như trao đổi trực tiếp đối với người có thẩm quyền trả lời kháng nghị, kiến nghị; công văn gửi cơ quan bị kháng nghị, kiến nghị yêu cầu trả lời; báo cáo đến cấp có thẩm quyền là cơ quan chủ quản cơ quan bị kháng nghị, kiến nghị; đề nghị cấp trên trực tiếp hỗ trợ .. việc trả lời cho Viện kiểm sát của cơ quan bị kháng nghị là bắt buộc theo luật định (đồng ý hay không đồng ý vẫn phải trả lời).
Thứ bảy, Tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan tố tụng; đặc biệt là mối quan hệ giữa Viện KSND với các cơ quan tư pháp, cơ quan hữu quan trên địa bàn, kịp thời phát hiện vi phạm để thực hiện kháng nghị, kiến nghị.
Thứ tám, Tăng cường tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ năng tổng hợp vi phạm, ban hành kháng nghị, kiến nghị và yêu cầu cho Kiểm sát viên. Thường xuyên, kịp thời cập nhật, triển khai thực hiện các văn bản quy định mới về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong thực hiện quyền kiến nghị, kháng nghị và quyền yêu cầu. Tổ chức học tập, nghiên cứu thực hiện có hiệu quả để nâng cao trình độ, năng lực và kinh nghiệm cho cán bộ, Kiểm sát viên.
Thứ chín, Mỗi cán bộ, Kiểm sát viên phải tự ý thức trách nhiệm với nhiệm vụ được giao, tự nghiên cứu, học tập, đặc biệt là các quy định mới để nâng cao kỹ năng kiểm sát và trình độ nghiệp vụ và bản lĩnh nghề nghiệp để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác trong tình hình mới.