Cải cách tư pháp đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện, chặt chẽ của Đảng; giữ vững ổn định chính trị; phải tiến hành đồng bộ với đổi mới lập pháp và cải cách hành chính; gắn bó, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong điều kiện mở rộng hội nhập quốc tế; xây dựng nền tư pháp trong sạch, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc. Một trong những nội dung trọng tâm của công cuộc cải cách tư pháp ở nước ta là cải cách hệ thống tổ chức và hoạt động của cơ quan Viện kiểm sát nhân dân (VKSND), bảo đảm tốt hơn các điều kiện để VKSND thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp. Từ những yêu cầu trên, tập thể lãnh đạo VKSND huyện Kông Chro nói chung và đồng chí Lê Ngọc Phước Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai nói riêng luôn trăn trở làm sao để chủ động trong đấu tranh phòng, chống tội phạm; ngăn ngừa vi phạm pháp luật; góp phần bảo vệ Pháp chế XHCN, giữ vững an ninh trật tự xã hội trên địa bàn huyện.
Năm 2019, thực hiện phương châm "Đoàn kết, đổi mới – Trách nhiệm, kỷ cương –Thực chất, hiệu quả" và 5 mục tiêu của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, tập thể lãnh đạo Viện đã bám sát nhiệm vụ trọng tâm của Ngành và nhiệm vụ chính trị của cấp ủy địa phương, chỉ đạo thực hiện tốt các khâu đột phá do Viện kiểm sát nhân dân tỉnh và đơn vị xác định. Trong đó, đơn vị đã đề ra các giải pháp nhằm tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong xử lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tại địa phương đạt kết quả tốt, cụ thể là trong thời gian qua, VKSND huyện Kông Chro đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Tư pháp và các cơ quan hữu quan trong công tác đấu tranh phòng chống vi phạm, tội phạm. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của từng ngành và các quy định của pháp luật, Viện kiểm sát và các cơ quan Tư pháp, các đơn vị có liên quan đã thực hiện tốt các quy chế phối hợp liên ngành như Quy chế phối hợp liên ngành trong công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; Quy chế phối hợp trong trong công tác tạm giữ, tạm giam và Thi hành án hình sự; Quy chế phối hợp trong giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình, hành chính, KDTM, lao động và các việc khác theo quy định của pháp luật; Quy chế phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện; Quy chế phối hợp với Mặt trận tổ quốc Việt Nam huyện. Nhờ có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan với VKSND nên việc giải quyết các vụ án, vụ việc tại địa phương có sự đồng thuận và đạt hiệu quả cao, từ đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành, đồng thời khẳng định được vai trò, vị trí của VKSND trong hệ thống chính trị nói chung và trong hệ thống các cơ quan tư pháp nói riêng.
VKSND huyện Kông Chro ký kết quy chế phối hợp với UBND huyện và ngành hữu quan Nổi bật trong năm 2019, đơn vị đã chủ động cập nhật và ứng dụng tốt công nghệ thông tin vào công tác chuyên môn (đặc biệt là phần mềm quản lý tố giác, tin báo tội phạm và án hình sự và phần mềm quản lý án dân sự do đơn vị xây dựng được Viện KSND tỉnh thông báo cách làm hay và triển khai áp dụng trong toàn ngành KSND tỉnh Gia Lai) đồng thời nghiên cứu xây dựng và đề xuất ký kết được 02 Quy chế phối hợp công tác với Ủy ban nhân dân huyện, Tòa án nhân dân huyện. Trong các Quy chế đã quy định nhiều vấn đề quan trọng như trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan, ban ngành trực thuộc Ủy ban, cung cấp kịp thời các tài liệu chứng cứ cho VKS để phục vụ cho công tác Kiểm sát ở tất cả các lĩnh vực hình sự, dân sự, hành chính; Trách nhiệm phối hợp trong giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình, KDTM, lao động, hành chính và các việc khác theo quy định của pháp luật. Mặt khác các Quy chế cũng đã quy định rõ trách nhiệm kiến nghị, trả lời việc thực hiện kiến nghị của VKS trong việc phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm; việc hỗ trợ một phần kinh phí hàng năm cho VKS…
Phải nói rằng, đây là những cẩm nang pháp lý để VKS thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của Pháp luật. Đơn cử như trong việc phối hợp với UBND huyện, năm 2019 Viện kiểm sát đã tiến hành xác minh điều kiện thi hành án của 8/66 trường hợp Chi cục THADS xác định chưa có điều kiện thi hành THA. Từ kết quả xác minh, Viện kiểm sát đã đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cung cấp thông tin về đất đai và tài sản gắn liền với đất đai của các đương sự. Nhờ vậy, đơn vị đã kịp thời phát hiện có 03 trường hợp đủ điều kiện thi hành án nhưng Chi cục không tổ chức thi hành án. Viện kiểm sát đã ban hành 01 kiến nghị yêu cầu Chi cục THADS huyện khắc phục ngay vi phạm để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người được thi hành án.
Nhờ chú trọng tăng cường công tác phối hợp Liên ngành cùng với việc áp dụng đồng bộ với các giải pháp khác nên trong năm 2019, đơn vị đã hoàn thành và vượt 68% số chỉ tiêu được đề ra trong kế hoạch.
Trong năm, tỷ lệ bắt chuyển xử lý hình sự đạt 100%, không có vụ án nào phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung; không có vụ án, bị can nào bị khởi tố sau đó phải đình chỉ điều tra vì không phạm tội; không để xảy ra trường hợp nào VKS truy tố Tòa án tuyên không phạm tội; không vụ án hình sự, dân sự nào bị các cấp sửa hoặc hủy án.
Qua công tác kiểm sát, đơn vị đã ban hành tổng số 20 kết luận, kiến nghị vi phạm pháp luật đối với các cơ quan hữu quan (trong đó 08 Kiến nghị riêng và 03 kiến nghị phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật).
Năm 2019 dưới sự lãnh đạo của đồng chí Viện trưởng đơn vị đã được Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai công nhận là Tập thể lao động xuất sắc đồng thời được Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tặng Bằng khen tuyên dương Tập thể lao động xuất sắc và Cờ thi đua đơn vị dẫn đầu khối.
Để đạt được những thành quả trên trong quá trình chỉ đạo, điều hành ở Viện kiểm sát nhân huyện Kông Chro đồng chí Lê Ngọc Phước đặt ra các tiêu chí như:
- Bố trí, sắp xếp cán bộ phụ trách khâu công tác phù hợp với năng lực, sở trường, phát huy được ưu điểm, thế mạnh. Viện trưởng luôn nắm rõ năng lực của từng cán bộ dưới quyền mà có sự sắp xếp, bố trí cũng như triển khai công việc có hiệu quả và khai thác được tối đa sức mạnh tiềm năng của mỗi con người nằm trong sự lãnh đạo của mình.
- Truyền cảm hứng và gắn kết: Luôn tạo ra bầu không khí làm việc sôi động, nhiệt huyết, khơi dậy những động cơ thúc đẩy hành động bên trong của mỗi cá nhân. Dù là ở cương vị Viện trưởng nhưng không hoàn toàn ở việc thực thi quyết định, quản lý, mà luôn cùng Kiểm sát viên trao đổi, giải quyết các vụ án phức tạp, nổi cộm, luôn tìm sự gắn kết, hài hòa giữa các bộ phận riêng lẻ hay các cá nhân trong đơn vị để tạo thành một tập thể thống nhất trong việc thực hiện mục tiêu chung
- Làm gương: Viện trưởng luôn chỉ dẫn, điều khiển và là người đi trước. Chính yếu tố “đi trước” này đã cho cán bộ, kiểm sát viên thấy rất nhiều phẩm chất ưu việt của người lãnh đạo để mỗi cá nhân làm “kim chỉ nam” trong mỗi hoạt động của mình. Đồng thời, Viện trường là người trực tiếp kèm cặp, bồi dưỡng, truyền đạt các kỹ năng giải quyết án cho anh em cán bộ, kiểm sát viên; coi trọng và luôn nâng cao công tác tự đào tạo, xây dựng một đội ngũ cán bộ kiểm sát viên “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật”.
Để có sự thành công trong công tác chỉ đạo điều hành, ngoài những yếu tố kể trên là sự sắc sảo về nghiệp vụ, sự trau dồi thường xuyên về kiến thức quản lý, xây dựng kế hoạch công tác bám sát tình hình và có lộ trình trong từng giai đoạn. Với những mục tiêu được xác định trong kế hoạch công tác, Lãnh đạo Viện xác định rõ những vấn đề cần làm:
Một là, xác định rõ công tác phối hợp Liên ngành có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện hoàn thành tốt hay không hoàn thành chức năng nhiệm vụ được giao. Thực tiễn cho thấy, ở đâu có sự phối hợp tốt giữa các Ngành thì ở đó hiệu quả công tác đạt rất cao.
Hai là, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của Ngành, phải thường xuyên tham mưu chính xác cho cấp ủy và chính quyền điạ phương trong công tác áp dụng thi hành pháp luật nói chung và công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm phạm luật và tội phạm nói riêng để phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện.
Ba là, định kỳ hàng tháng, VKS chủ trì họp ba Ngành, hai Ngành để đánh giá công tác phối hợp; bàn giải quyết tin báo, án hình sự phức tạp; lựa chọn án điểm để điều tra, truy tố, xét xử nhanh phục vụ tình hình chính trị tại địa phương. Đồng thời triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo của cấp trên và hướng dẫn nghiệp vụ để việc áp dụng pháp luật được thống nhất. Nhờ vậy, tất cả các vụ án có khó khăn, vướng mắc đều được giải quyết kịp thời, đảm bảo có căn cứ, đúng quy định của pháp luật (Trong năm đã tổ chức 01 cuộc họp liên ngành, 08 cuộc họp ba ngành và 03 cuộc họp 02 ngành).
(Một buổi họp liên ngành tại đơn vị)
Bốn là, ngay từ đầu năm, đơn vị đã chủ trì tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phối hợp liên ngành. Qua đó, đánh giá những kết quả đã đạt được và những hạn chế, thiếu sót trong công tác này. Đồng thời đề ra các biện pháp, giải pháp để thực hiện tốt công tác phối hợp nhằm thực hiện tốt chức năng của mỗi ngành và phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị tại địa phương.
Năm là, thông qua chế độ họp giao ban định kỳ và bất thường, nắm bắt đầy đủ, kịp thời, cụ thể những khó khăn, vướng mắc phát sinh, từ đó có biện pháp xử lý, giải quyết đúng pháp luật. Đối với các vụ án phức tạp, Viện trưởng luôn phân công kiểm sát viên có năng lực trực tiếp thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra; Ngoài ra, đồng chí Viện trưởng luôn trực tiếp đọc hồ sơ, chỉ đạo việc đề ra yêu cầu điều tra, đồng thời chủ động phối hợp với Cơ quan điều tra thống nhất biện pháp điều tra, giải quyết vụ án.
Sáu là, tăng cường công tác phúc cung khi truy tố, trực tiếp chỉ đạo kiểm sát viên hỏi cung khi bị can kêu oan hay có các căn cứ khác theo quy định pháp luật, kết hợp nghe báo cáo, đề xuất của kiểm sát viên với việc trực tiếp nghiên cứu, đọc hồ sơ vụ án, từ đó kịp thời phát hiện những thiếu sót để khắc phục, bảo đảm hoạt động điều tra, thu thập chứng cứ đầy đủ, đúng pháp luật.
Bảy là, thường xuyên rà soát, kiểm tra việc thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch công tác để phân bổ thời gian thực hiện hợp lý. Thường xuyên giữ mối liên hệ với các phòng nghiệp vụ Viện kiểm sát tỉnh, kịp thời báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Viện trưởng cấp trên về những vướng mắc, bất cập trong quá trình công tác. Tạo điều kiện để cán bộ, Kiểm sát viên phát huy năng lực sở trường, tích cực chủ động trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Cán bộ, Kiểm sát viên hằng tuần báo cáo tiến độ giải quyết công việc được giao với Lãnh đạo phụ trách; trước khi hồ sơ vụ việc kết thúc, Kiểm sát viên phải tổng hợp báo cáo bằng văn bản, đề xuất hướng giải quyết.
Tám là, luôn chỉ đạo cán bộ, KSV trong đơn vị không ngừng học hỏi qua bài học kinh nghiệm sau các cuộc kiểm tra nghiệp vụ, các thông báo rút kinh nghiệm của Viện kiểm sát tỉnh và Viện kiểm sát tối cao; Từ đó, hạn chế được những thiếu sót khuyết điểm tương tự, có hướng khắc phục phù hợp; Đồng thời, đồng chí còn chủ động đi đầu trong công tác phối hợp với Tòa án để phối hợp phiên tòa rút kinh nghiệm. Xác định thông qua phiên tòa rút kinh nghiệm là dịp để cán bộ, KSV trong đơn vị cùng nhau học hỏi, rút kinh nghiệm, mỗi cán bộ, Kiểm sát viên tham dự được học tập, trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho bản thân để đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ và theo tinh thần cải cách tư pháp.
Đồng chí Huỳnh minh Khánh – Phó Viện trưởng VKSND tỉnh chủ trì họp đánh giá việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm theo cụm tại huyện Kông Chro
Việc thực hiện đổi mới công tác lãnh chỉ đạo điều hành trong ngành kiểm sát nói chung và Viện kiểm sát nhân dân huyện Kông Chro nói riêng trong giai đoạn hiện nay là một nhiệm vụ cấp thiết, với đồng chí Lê Ngọc Phước sẽ luôn đổi mới Viện kiểm sát nhân dân huyện Kông Chro gắn với phương châm “Đoàn kết, đổi mới – Trách nhiệm, kỷ cương – Thực chất, hiệu quả”, đề cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu, làm tốt nhiệm vụ chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm, chủ trương đề ra nhiều biện pháp, sáng kiến nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; Từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên “có tâm, có tầm” đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Ngành Kiểm sát trong tình hình mới và chiến lược cải cách tư pháp./.