Chào mừng 30/4
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh

Thực trạng về công tác kiểm sát giải quyết khiếu nại, tố cáo trong công tác THADS của VKSND hai cấp - giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự

Thứ hai - 13/11/2017 20:54 3.524 0
công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự của Viện kiểm sát có vị trí, vai trò rất quan trọng trong khâu công tác kiểm sát THADS, thi hành án hành chính

A. Khái quát chung về công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự:

Công tác thi hành án dân sự là một trong những khâu công tác phức tạp, do đó quá trình tổ chức thi hành án không thể tránh khỏi những sai sót, vi phạm của Chấp hành viên, Cơ quan THADS. Thời  gian gần đây, có nhiều trường hợp Chấp hành viên tổ chức thi hành án sai, làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự. Cho nên dẫn đến đương sự có đơn thư khiếu nại, tố cáo, tuy nhiên, cũng có không ít trường hợp Chấp hành viên đã thực hiện đúng quy định của pháp luật nhưng người phải thi hành án không hợp tác cũng dẫn đến khiếu nại. Từ đó lượng đơn thư Có nhiều vụ việc THADS qua đơn thư khiếu nại, tố cáo phát hiện sai phạm, Cơ quan THADS phải chấp nhận bồi thường cho đương sự, Chấp hành viên phải bị xử lý kỷ luật.
Vì vậy, công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự của Viện kiểm sát có vị trí, vai trò rất quan trọng trong khâu công tác kiểm sát THADS, thi hành án hành chính.
Viện kiểm sát nhân dân thực hiện tốt chức năng kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự, sẽ kịp thời phát hiện những vi phạm trong công tác tổ chức thi hành án cũng như việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của Cơ quan thi hành án dân sự, góp phần đáng kể trong việc hạn chế các trường hợp đơn thư khiếu nại, tố cáo bức xúc, kéo dài nâng cao uy tín, lòng tin của nhân dân đối với các cơ quan pháp luật.

Qua theo dõi nhận thấy công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động THADS của VKSND cấp huyện còn chưa được quan tâm, chú trọng đúng mức, hoặc nếu có làm thì lại lúng túng, sơ sài chưa sâu sát. Đặc biệt chưa nhận thức đúng về việc kiểm sát giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo về THADS.
Để nâng cao kỹ năng của cán bộ, KSV kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự, chúng tôi xây dựng đề tài sáng kiến: Thực trạng về công tác kiểm sát giải quyết khiếu nại, tố cáo trong công tác THADS của VKSND hai cấp - giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự. Đề tài này không mang tính lý luận mà chỉ đi sâu vào thực tiễn thông qua hoạt động chuyên môn của Phòng 11. Cán bộ, KSV làm công tác kiểm sát giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự, có thể tham khảo, vận dụng trong quá trình kiểm sát.
         
B. Thực trạng về công tác kiểm sát giải quyết khiếu nại, tố cáo trong công tác THADS của VKSND hai cấp:
           
1. Số liệu đơn đã giải quyết: Từ 01/12/2016 đến 20/8/2017 Viện kiểm sát nhân dân 2 cấp thụ lý và giải quyết nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự, cụ thể:

- Tổng số đơn thụ lý: 96 đơn (cũ: 0, mới: 96), trong đó:
          + Đơn khiếu nại: 53 đơn;
          + Đơn tố cáo: 18 đơn;
          + Đơn kiến nghị, phản ánh: 26 đơn;
          - Đơn đã xử lý:
          + Đơn chuyển Cơ quan THADS: 50 đơn;
          + Đơn chuyển cho Cơ quan khác: 14 đơn;
          + Lưu đơn: 22 đơn;
          + Thông báo chỉ dẫn: 06 đơn;
          + Trả lời công dân: 01 đơn;
          + Báo cáo việc kiểm sát giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo: 03 đơn;

- Trong số đơn thụ lý giải quyết có những đơn phức tạp, kéo dài, gồm:
          + Đơn khiếu nại: 05 đơn;
          + Đơn tố cáo: 01 đơn;
         
- Đơn còn tồn chưa xử lý: 0 đơn.
          Như vậy, cho thấy số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự trong thời gian qua là rất lớn, Viện kiểm sát nhân dân 2 cấp đã giải quyết đơn thư của công dân kịp thời, đúng thời hạn, không để tồn đọng đơn.
          Tuy nhiên, số lượng đơn trên chủ yếu là chuyển đơn cho Cơ quan THADS giải quyết. Vẫn còn tình trang kết quả giải quyết đơn của cấp dưới sai, nhưng cấp trên vẫn bảo vệ cho cấp dưới. Chỉ đến khi Tổng cục THADS về giải quyết hoặc Viện kiểm sát tỉnh kiểm sát kết quả giải quyết thì quyền lợi của công dân mới được đảm bảo. Cụ thể như:
          + Đơn tố cáo của ông Tô Ngọc Sơn, bà Lê Thị Bắc, Tô Thị Nhung tố cáo Chấp hành viên Chi cục THADS huyện Ia Grai, tổ chức THADS đối với tài sản là quyền sử dụng đất hộ gia đình.
          + Đơn ông Lê Sỹ Kính, Hồ Thị Liên huyện Ia grai.
          Là 02 đơn mà Tổng cục THADS chấp nhận có sai phạm của Chấp hành viên, trong khi Chi cục THADS và Cục THADS đều bác đơn khiếu nại của đương sự.
          + Qua kiểm sát kết quả giải quyết đơn tố cáo của công dân, phòng 11 đã phải áp dụng biện pháp yêu cầu Cục THADS hủy bỏ Kết luận giải quyết đơn tố cáo có vi phạm đối với việc kết luận giải quyết đơn tố cáo của ông Phan Hồng Sinh (người phải THA) và bà Tạ Thị Lan (người mua trúng tài sản THADS bán đấu giá thành) của Chi cục THADS huyện Chư Pưh. Cục THADS tỉnh đã phải thu hồi kết luận giải quyết đơn để giải quyết lại theo yêu cầu của phòng 11. Lý do, do vụ việc THA có sai phạm trong quá trình cưỡng chế, kê biên, quá trình bán đấu giá tài sản, nhưng khi đương sự tố cáo Chấp hành viên vi phạm thì Chi cục THADS kết luận không có vi phạm, Cục THADS tỉnh cũng ban hành kết luận giải quyết khiếu nại, tố cáo bảo vệ kết luận giải quyết đơn của cấp huyện là đúng. 
         
Với tình hình xã hội ngày càng phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể, lĩnh vực kinh doanh thương mại phát triển với quy mô lớn càng phát sinh nhiều tranh chấp. Lượng việc phải THA ngày càng tăng, các vụ việc thi hành án ngày càng phức tạp. Trong tổng số thụ lý 96 đơn của cả 2 cấp, có 06 đơn khiếu nại, tố cáo phức tạp kéo dài (chiếm 6,25%).
         
2. Nhận thức của Viện kiểm sát cấp huyện, thị xã, thành phố về công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo:
- Xác định việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự là trách nhiệm của Cơ quan THADS.
Do đó khi nhận được đơn khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự, Kiểm sát viên, cán bộ được giao nghiên cứu, xử lý đơn làm thủ tục chuyển đơn cho Cơ quan THADS có thẩm quyền giải quyết và chờ kết quả giải quyết của Cơ quan THADS. Nếu dân tiếp tục khiếu nại thì hướng dẫn khiếu nại lên Cơ quan THADS cấp trên và coi như kết quả giải quyết đơn đối với cấp huyện đã kết thúc.
- Chưa kiểm sát chặt chẽ kết quả giải quyết đơn của Cơ quan THADS nên chưa phát hiện được kết quả giải quyết đơn của cơ quan THADS cấp huyện có sai phạm.
Sau khi nhận được kết quả giải quyết đơn khiếu nại của Cơ quan THADS thì lưu hồ sơ giải quyết khiếu nại tố cáo, không tiến hành kiểm sát kết quả giải quyết đơn của cơ quan THADS. Thậm chí là chỉ cần chuyển đơn đến cơ quan THADS là coi như xong trách nhiệm của Viện kiểm sát, cũng không cần theo dõi kết quả giải quyết đơn của Cơ quan THADS.
         
3. Nguyên nhân việc kiểm sát giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo chưa đạt hiệu quả:
- Lãnh đạo Viện kiểm sát cấp huyện chưa thật sự quan tâm đến khâu công tác KSTHADS – HC, nên việc bố trí con người chưa thật sự hợp lý, chưa đáp ứng được nhiệm vụ của khâu công tác. Do đó, chưa thể có sự đầu tư nghiên cứu chỉ đạo trong công tác tiếp nhận và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo về THADS.
- Nhiều Viện kiểm sát cấp huyện còn chưa nắm được chức năng kiểm sát giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo về THADS nên khi nhận được đơn khiếu nại, tố cáo do Viện kiểm sát tỉnh chuyển xuống đã có ý kiến thắc mắc cho rằng trách nhiệm giải quyết đơn là của Cơ quan THADS cấp huyện tại sao lại chuyển đơn cho Viện kiểm sát cấp huyện?
- Kiểm sát viên, cán bộ được phân công kiểm sát việc giải quyết khiếu nại tố cáo chưa thực hiện hết chức năng của VKS.
Chưa có sự đầu tư, nghiên cứu các quy định pháp luật về giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo trong THADS để tham mưu cho Lãnh đạo viện có biện pháp kiểm sát đúng quy định đối với đơn thư khiếu nại, tố cáo THADS.

Công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về THADS không chỉ đơn thuần là kiểm sát kết quả giải quyết của cơ quan có thẩm quyền. Có nhiều vụ việc thi hành án phức tạp, Chấp hành viên tổ chức thi hành án có những sai phạm ngay từ khi bắt đầu tổ chức thi hành án. Nếu Kiểm sát viên, cán bộ được phân công kiểm sát việc giải quyết đơn không nghiên cứu hồ sơ thi hành án mà chỉ dựa vào kết quả giải quyết đơn của Cơ quan THADS thì sẽ không thể phát hiện hết được các vi phạm của Chấp hành viên. Như vậy, vi phạm sẽ không được phát hiện kịp thời và yêu cầu Cơ quan THADS có biện pháp khắc phục, dẫn đến vi phạm kéo dài, vi phạm chồng vi phạm làm ảnh hưởng đến quyền lợi của đương sự. Từ đó dẫn đến tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp.

- Kiểm sát viên, cán bộ được phân công kiểm sát giải quyết khiếu nại, tố cáo về THADS không làm hết trách nhiệm:
Có nhiều trường hợp khi nhận đơn khiếu nại, tố cáo về THADS, qua nghiên cứu xem xét đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của Cơ quan THADS nên VKS chuyển đơn đến Cơ quan THADS. Nhưng sau khi chuyển đơn, Kiểm sát viên, cán bộ không theo dõi kết quả giải quyết đơn của Cơ quan THADS. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến chất lượng kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong THADS không cao.

Kiểm sát viên, cán bộ thực hiện khâu kiểm sát thi hành án dân sự đã không thực hiện hết trách nhiệm được quy định tại khoản 3 Điều 26 Quy chế công tác kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính ban hành kèm theo Quyết định số 810/QĐ-VKSTC ngày 20/12/2016 của VKSND tối cao. Khi chuyển đơn cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo, phải đồng thời yêu cầu cơ quan có thẩm quyền thông báo kết quả giải quyết cho người khiếu nại tố cáo và cho Viện kiểm sát biết. Tuy nhiên, một số đơn vị sau khi đã chuyển đơn đến Cơ quan THADS để giải quyết theo thẩm quyền lại không thực hiện bước tiếp theo là theo dõi kết quả giải quyết đơn để xem việc Cơ quan THADS giải quyết như vậy là đúng hay sai.
Do đó cho thấy việc không theo dõi kết quả giải quyết đơn để thực hiện quyền năng pháp lý theo Điều 159 Luật THADS cũng là nguyên nhân dẫn đến việc không phát hiện ra các vi phạm trong quá trình tổ chức thi hành án cũng như quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo. Làm quyền lợi của công dân bị ảnh hưởng kéo dài, gây bức xúc cho công dân, tạo ra điểm nóng trên địa bàn.
Sau khi đã chuyển đơn đến Cơ quan THADS để giải quyết theo thẩm quyền, Kiểm sát viên, cán bộ được phân công phải theo dõi sát sao kết quả giải quyết đơn. Nếu thấy có dấu hiệu vi phạm phải yêu cầu cung cấp tài liệu, hồ sơ giải quyết khiếu nại, tố cáo và hồ sơ việc thi hành án bị khiếu nại tố cáo để kiểm sát. Sau khi nghiên cứu hồ sơ, VKSND phải ban hành kết luận kiểm sát hồ sơ gửi cho đơn vị được kiểm sát. Kết luận phải nêu rõ việc thi hành án bị khiếu nại, tố cáo có vi phạm pháp luật hay không; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của đương sự có đúng quy định pháp luật và có cơ sở hay không; yêu cầu cơ quan, người bị khiếu nại, tố cáo rút kinh nghiệm đối với các vi phạm hoặc đề nghị xử lý kỷ luật người vi phạm…
Chính vì vậy, những nguyên nhân này là 01 trong những nguyên nhân làm cho việc đơn thư khiếu nại, tố cáo tăng, đơn thư khiếu nại, tố cáo kéo dài, đơn thư  khiếu nại, tố cáo vượt cấp nhiều.
         
C. Khó khăn, vướng mắc trong kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự:

- Nhiều vụ án phức tạp, khó khăn kéo dài cần nhiều thời gian để tập trung giải quyết nhưng lượng án trên địa bàn xảy ra nhiều nên Chấp hành viên chưa có  thời gian tập trung nghiên cứu, giải quyết dứt điểm.
- Nhận thức pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế, nhưng cũng không loại trừ có nhiều đối tượng không hợp tác với Cơ quan THADS, dẫn đến có lúc vụ việc đã được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết đúng pháp luật, thấu tình đạt lý nhưng vẫn khiếu kiện vượt cấp gây khó khăn cho cơ quan Nhà nước.
- Nhiều vụ việc sau khi thi hành án xong thì bản án lại bị cấp Giám đốc thẩm hủy án để giải quyết lại từ cấp sơ thẩm, trong khi đó Bản án sơ thẩm, phúc thẩm trước đó đã được thi hành xong, nhưng lại không có hướng giải quyết hậu quả đối với bản án trước đó dẫn đến đương sự liên tục khiếu nại Cơ quan THADS vì cho rằng Cơ quan THADS là cơ quan đã xử lý tài sản của họ phải chịu trách nhiệm, việc khiếu nại, tố cáo kéo dài gây bức xúc trong nhân dân. (Vụ bà Võ Thị Hiền, ông Nguyễn Hồng Quang tại thành phố Pleiku là một vụ điển hình kéo dài nhiều năm nay).
- Cá biệt có trường hợp Bản án sơ thẩm xét xử từ năm 2010, án được đóng dấu có hiệu lực, người được THA có đơn yêu cầu THA. Vụ việc được tổ chức THA từ năm 2011 đến năm 2012 thi hành xong. Nhưng đến năm 2014 thì Tòa án cấp phúc thẩm lại thụ lý đơn phúc thẩm và đưa vụ án ra xét xử theo trình tự phúc thẩm. Vì vậy, đã làm phát sinh đơn tố cáo của người phải THA cho rằng Cơ quan THADS đã tổ chức THA khi bản án chưa được xét xử phúc thẩm xong.
- Nhiều vụ việc người phải thi hành án cố tình không tự nguyện thi hành án, làm đơn khiếu nại, tố cáo gửi nhiều nơi nhằm mục đích kéo dài, trì hoãn việc thi hành án gây khó khăn trong công tác Thi hành án dân sự.
- Cán bộ, Kiểm sát viên trong đơn vị còn thực hiện kiêm nhiệm các công tác khác
- Do số lượng biên chế của đơn vị không nhiều, số lượng Kiểm sát viên phải đảm nhận nhiều lĩnh vực chuyên môn nên công tác kiểm sát giải quyết khiếu nại tố cáo về thi hành án dân sự phải kiêm nhiệm nên chưa có nhiều thời gian để nghiên cứu nhằm phát hiện vi phạm của Cơ quan thi hành án dân sự trong việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo cũng như tiến hành trực tiếp kiểm sát việc giải quyết đơn.
- Chưa có quy định rõ về sự phối hợp giữa các cơ quan hữu quan và chính quyền địa phương trong công tác thi hành án dân sự. Thực tế cho thấy, hiệu quả của công tác thi hành án phụ thuộc nhiều vào sự phối hợp của các cơ quan hữu quan và chính quyền cơ sở. Trong thực tiễn không phải lúc nào công tác thi hành án dân sự cũng nhận được sự phối hợp tạo điều kiện trong hoạt động thi hành án như việc tống đạt các quyết định, văn bản, việc xác minh điều kiện thi hành án, cưỡng chế, định giá tài sản, việc xem xét trả lời những kiến nghị của cơ quan thi hành án, trong khi pháp luật chưa có những quy định cụ thể, ràng buộc trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong trường hợp không thực hiện đúng và kịp thời những yêu cầu của Chấp hành viên và Cơ quan thi hành án.
- Luật khiếu nại, Luật tố cáo; Luật Tổ chức VKSND năm 2014; Luật Thi hành án dân sự (được sửa đổi, bổ sung) năm 2014 mới quy định mang tính chất định khung như: VKSND kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật, còn kiểm sát như thế nào cần phải được hướng dẫn. VKSND tối cao chưa  có hướng dẫn cụ thể về trình tự kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự để thống nhất thực hiện.

D. Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự:
Công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự là khâu nghiệp vụ đòi hỏi Kiểm sát viên, cán bộ được phân công đảm nhiệm khâu này phải có kỹ năng nghiệp vụ kiểm sát tốt, có khả năng  tổng hợp các quy định pháp luật có liên quan để đánh giá việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan có thẩm quyền là đúng hay không? Việc giải quyết có đúng quy định của pháp luật về THADS hay không?

Để nâng cao được hiệu quả của công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự, qua kinh nghiệm thực tế và kết quả mà phòng đã đạt được, cần nắm được:
         
1. Quan điểm chỉ đạo và căn cứ pháp lý của chức năng kiểm sát giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo:
          - Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
          - Ngày 28/7/2017, Viện trưởng VKSND tối cóa đã ban hành CHỉ thị 04/CT-VKSTC, chỉ thị về tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp. Như vậy, cho thấy ngành KSND trong những năm gần đây đã có nhiều chuyển biến tích cực trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp. Đồng thời đã tăng cường, chủ động thực hiện các biện pháp nhằm phát hiện vi phạm, kịp thời đề xuất hướng xử lý, giải quyết những vụ việc khiếu nại, tố cáo có dấu hiệu oan, sai, góp phần kiểm soát, bảo đảm sự đúng đắn, khách quan của hoạt động tư pháp; quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Tuy nhiên, tình hỉnh khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp vẫn diễn biến phức tạp, việc khiếu kiện vượt cấp, bức xúc kéo dài còn xảy ra chưa được quan tâm, xem xét, giải quyết kịp thời ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, gây bức xúc trong dư luận xã hội, làm giảm long tin của nhân dân đối với các hoạt động tư pháp. Vì vậy, phải tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp và trong đó có công tác kiểm sát việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự.
          - Khoản 2,3 Điều 4; khoản 1,2 Điều 30  Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014; Điều 159 Luật Thi hành án dân sự năm 2014;  Điều 26 Quy chế công tác kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính ban hành kèm theo Quyết định số 810/QĐ-VKSTC ngày 20/12/2016 của VKSND tối cao.
          Từ đó, xác định trách nhiệm của Viện kiểm sát đối với việc kiểm sát giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Để có trách nhiệm đối với việc đơn thư khiếu nại, tố cáo về THADS phát sinh trên địa bàn. Phân loại, xử lý và kiểm sát kết quả giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo về THADS đúng quy định.
         
2. Trình tự thụ lý và kiểm sát việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo THADS:
Sau khi nhận đơn khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự, đơn vị phải vào sổ thụ lý và phân công Kiểm sát viên, cán bộ nghiên cứu.
Qua nghiên cứu nội dung đơn khiếu nại, tố cáo, Kiếm sát viên, cán bộ được phân công đề xuất theo các hướng:
- Đối với đơn khiếu nại, tố cáo Chấp hành viên của Chi cục THADS có sai phạm trong tổ chức thi hành án, nếu xét thấy khiếu nại, tố cáo đó chưa rõ ràng thì chuyển cho Chi cục trưởng Chi cục THADS cấp huyện để giải quyết theo thẩm quyền và thông báo kết quả cho Viện kiểm sát. Trong quá trình kiểm sát kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo nếu việc giải quyết khi không được khách quan, phải yêu cầu Chi cục THADS cung cấp hồ sơ thi hành án và hồ sơ giải quyết khiếu nại, tố cáo để kiểm sát.
- Trường hơp đơn khiếu nại, tố cáo đã được giải quyết bằng Quyết định giải quyết đơn của Chi cục trưởng Chi cục THADS mà đương sự vẫn tiếp tục khiếu nại, tố cáo thì VKSND cùng cấp phải yêu cầu Chi cục THADS cung cấp hồ sơ để tiến hành kiểm sát.

- Trong các đợt kiểm sát trực tiếp cần tiến hành kiểm sát kết quả giải quyết đơn của Cơ quan THADS, từ đó kịp thời chấn chỉnh những vi phạm trong giải quyết đơn của Cơ quan THADS.
* Một lưu ý nhắc chung tất cả Kiểm sát viên làm công tác kiểm sát THADS và Lãnh đạo phụ trách công tác này trong mọi trường hợp chuyển đơn để Cơ quan THADS giải quyết theo thẩm quyền, VKS đều phải kiểm sát việc giải quyết của cơ quan này và khi chuyển đơn yêu cầu sau khi giải quyết đơn phải thông báo cho VKS biết kết quả để kiểm sát.
Quá trình giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo về THADS của cơ quan THADS đều phải thực hiện theo Luật giải quyết khiếu nại; Luật tố cáo; Luật THADS và các văn bản hướng dẫn. Nên khi kiểm sát hồ sơ giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của Cơ quan THADS cần phải đối chiếu với các quy định pháp luật trên để xác định có hay không có vi phạm.
Nếu phát hiện có vi phạm phải yêu cầu Cơ quan THADS khắc phục kịp thời. Trường hợp cơ quan THADS vẫn không khắc phục vi phạm thì phải áp dụng biện pháp ban hành văn bản yêu cầu Cơ quan THADS hủy bỏ hoặc thu hồi quyết định giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo có vi phạm.
Nếu như chúng ta làm tốt công tác kiểm sát giải quyết khiếu nại, tố cáo trong THADS thì chúng ta sẽ hạn chế được đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp. Từ đơn thư khiếu nại, tố cáo chúng ta cũng sẽ phát hiện được sai phạm (nếu có) của Cơ quan THADS để có biện pháp kiểm sát THADS đối với việc THADS đó chặt chẽ hơn. Làm cho các vụ việc THADS được tổ chức thi hành theo đúng quy định của pháp luật, điều này cũng sẽ hạn chế việc đương sự có đơn thư khiếu nại, tố cáo. Đồng thời cũng sẽ nâng cao được kỹ năng kiểm sát THADS của chúng ta.
 

Tác giả bài viết: Hứa Thị Trung Nghĩa - Vũ Quỳnh Trinh

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyển đổi số
Hưởng ứng giải  Búa Liềm Vàng
Giải báo chí phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Công khai ngân sách
Mail công vụ
Thống Kê Truy Cập
  • Đang truy cập417
  • Hôm nay32,879
  • Tháng hiện tại172,989
  • Tổng lượt truy cập16,701,911
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây