Chào mừng 30/4
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh

Sáng kiến: Về giải pháp, kỹ năng tác nghiệp trong hoạt động kiểm sát thi hành án hình sự của VKSND cấp huyện

Thứ hai - 13/11/2017 20:49 3.687 0
Công tác kiểm sát thi hành án hình sự là một trong những chức năng nhiệm vụ kiểm sát hoạt động tư pháp quan trọng và thường xuyên của Viện kiểm sát nhân dân 2 cấp
 
PHẦN A: MỞ ĐẦU 
Lý do chọn sáng kiến, Điểm mới của sáng kiến
  
1. Lý do chọn sáng kiến

       
Công tác kiểm sát thi hành án hình sự là một trong những chức năng nhiệm vụ kiểm sát hoạt động tư pháp quan trọng và thường xuyên của Viện kiểm sát nhân dân 2 cấp; Nội dung này được quy định tại Điều 25, Điều 26 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014; Điều 141 đến Điều 143 Luật thi hành án hình sự năm 2010; Quy chế công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự số: 35/QĐ-VKSTC-V4 ngày 29/1/2013 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Nhằm bảo đảm: Việc thi hành án phạt tù, quản lý giáo dục người chấp hành án phạt tù đúng quy định của pháp luật; quyền con người và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của người chấp hành án không bị pháp luật hạn chế phải được tôn trọng và bảo vệ; Mọi bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành nghiêm chỉnh; Mọi vi phạm pháp luật trong thi hành án hình sự phải được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh.
      
Công tác kiểm sát thi hành án hình sự của Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện đã được quan tâm chỉ đạo thực hiện trong nhiều năm qua và đạt được những kết quả đáng kể, góp phần bảo vệ pháp chế, giữ gìn kỷ cương pháp luật, đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm; đảm bảo sự tuân thủ pháp luật trong lĩnh vực hoạt động tư pháp.
     
Tuy nhiên trong chừng mực nào đó hiệu quả, chất lượng hoạt động công tác kiểm sát thi hành án hình sự của Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện trong những năm qua vẫn còn những mặt hạn chế. Nội dung hoạt động còn đơn điệu, nặng về hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch;  biện pháp, giải pháp, kỹ năng kiểm sát còn sơ sài, hiệu quả, chất lượng hoạt động kiểm sát ở một số đơn vị chưa cao.
     
Mặc dù đã có nhiều chuyên đề rút kinh nghiệm, song chưa có ai tập hợp đưa ra thành sáng kiến giải pháp, kỹ năng tác nghiệp để nghiên cứu áp dụng một cách đầy đủ, hiệu quả cho mỗi cán bộ, kiểm sát viên khi thực hiện công tác kiểm sát thi hành án hình sự.
     
Chính vì vậy để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công tác kiểm sát thi hành án hình sự của Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện; Tôi thấy cần nghiên cứu tổng hợp để có một sáng kiến kỹ năng tác nghiệp cho nội dung hoạt động kiểm sát này.
  
2. Điểm mới trong sáng kiến

     
Sáng kiến tác nghiệp được nêu ra dựa trên cơ sở lý luận khoa học công tác kiểm sát, kết quả tổng hợp, quy nạp những kinh nghiệm hoạt động tác nghiệp qua thực tiễn công tác; qua việc nghiên cứu tìm tòi học hỏi kinh nghiệm của nhiều đơn vị mà có được.
     
Sáng kiến đưa ra theo trình tự lô gich, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ tiếp thu áp dụng, có tính khả thi và có nhiều điểm khác biệt so với hiện trạng của những năm trước đây.
                                                      
PHẦN B: NỘI DUNG SÁNG KIẾN

I. Thực trạng của nội dung cần nghiên cứu:
     
Công tác kiểm sát thi hành án hình sự của Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện trong những năm qua đã có nhiều tiến bộ rõ rệt, về cơ bản đã đạt được những kết quả đáng kể; đảm bảo sự tuân thủ pháp luật trong thi hành án, mọi bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật đều được đưa ra thi hành.
      
Tuy nhiên vẫn có những đơn vị, có những việc hiệu quả chất lượng chưa cao cả về việc triển khai các nội dung theo luật định, theo Quy chế của Ngành, cả về chất lượng hoạt động kiểm sát bao gồm: hình thức thủ tục hồ sơ kiểm sát, cả về nội dung chất lượng của bản kết luận kiến nghị, kháng nghị; kĩ năng trực tiếp kiểm sát còn đơn giản chưa sâu, hiệu quả phòng ngừa vi phạm chưa cao, có những vi phạm của cá nhân, Cơ quan đơn vị thi hành án hình sự còn chưa được phát hiện, có những vi phạm còn tái diễn chưa kịp thời được sửa chữa, khắc phục.
      
Một trong những nguyên nhân đó là chưa có giải pháp, kỹ năng tác nghiệp hoàn thiện, mặt khác nội dung hoạt động công tác này chưa được cán bộ, kiểm sát viên coi trọng nên thiếu đầu tư nghiên cứu thường xuyên, sâu sát; Một số đồng chí lãnh đạo Viện kiểm sát cấp huyện còn coi nhẹ, thiếu quan tâm kiểm tra, hướng dẫn chỉ đạo nên hiệu quả, chất lượng hoạt động kiểm sát còn hạn chế.     
 
II. Nội dung của sáng kiến

  
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công tác kiểm sát thi hành án hình sự của Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện;  Mỗi cán bộ, kiểm sát viên và người Lãnh đạo quản lý cần nắm vững và triển khai các giải pháp, kỹ năng tác nghiệp theo những nội dung sau:
   
1.Nghiên cứu áp dụng chính xác cơ sở, căn cứ pháp lý cho việc thực hiện
chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn hoạt động công tác kiểm sát thi hành án hình sự đối với tất cả các nội dung công tác thi hành án hình sự mà pháp luật và quy chế của Ngành đã quy định.
        
1.1
. Đầu tiên là Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 là cơ sở pháp lý trung tâm nhất cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND nói chung, hoạt động công tác kiểm sát thi hành án hình sự nói riêng (Điều 4, điểm đ khoản 2 điều 6 và các quy định tại điều 25 , điều 26); Điều 141- Điều 143 Luật thi hành án hình sự năm 2010.
        
1.2.Tiếp theo để hình dung, bao quát và cụ thể hóa những nội dung công tác, để biết được những nội dung công tác kiểm sát thi hành án hình sự phải làm, làm thế nào, làm ở đâu, làm với đối tượng nào; phải nghiên cứu một cách kỹ lưỡng toàn bộ nội dung của Quy chế công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự số: 35/QĐ-VKSTC-V4 ngày 29/1/2013 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Quy chế 35 đã cụ thể hóa những nội dung hoạt động Công tác kiểm sát thi hành án hình sự; Trên cơ sở đó VKSND cấp huyện nghiên cứu triển khai từng nội dung tương ứng có phát sinh ở địa phương, địa bàn cấp mình, trên cơ sở nhiệm vụ, quyền hạn pháp luật quy định. Các nội dung công tác cụ thể VKSND cấp huyện phải tiến hành như sau: 
     + Kiểm sát việc Tòa án ra các quyết định về thi hành án, quyết định ủy thác thi hành án, quyết định áp dụng biện pháp tư pháp và gửi bản án và quyết định thi hành án (Điều 7);
     +Kiểm sát việc thi hành quyết định thi hành án phạt tù (Điều 8);
     +Kiểm sát việc hoãn chấp hành án phạt tù (Điều 9);
     +Kiểm sát việc quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù đối với các đơn vị có phạm nhân chấp hành án tại Nhà tạm giữ (Điều 10);
     +Kiểm sát việc thi hành quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù (VKS cấp huyện thực hiện theo nội dung khoản 2, Điều 11);
     +Kiểm sát việc thi hành án treo, án phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ (Điều 17) bao gồm: Kiểm sát đối với Cơ quan THAHS Công an cấp huyện trong việc thực hiện quyết định thi hành án; Kiểm sát UBND cấp xã trong thực hiện nhiệm vụ giám sát, giáo dục người được hưởng án treo và án phạt cải tạo không giam giữ; tham gia phiên họp và kiểm sát việc TTPL trong việc xét RNTGTT của án treo, giảm, miễn chấp hành án phạt CTKGG.
     +Kiểm sát thi hành án phạt cấm cư trú, quản chế (Khoản 2 Điều 18);
     +Kiểm sát việc thi hành án phạt tước một số quyền công dân (VKS cấp huyện thực hiện theo khoản 2, Điều 20 (nếu có).
     +Kiểm sát thi hành án phạt cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định (nếu có), Điều 21.
     +Kiểm sát việc áp dụng thời hiệu thi hành án hình sự (nếu có), Điều 23.
     +Kiểm sát việc xóa án tích (nếu có), Điều 24.
    
1.3. Phải tập hợp, nghiên cứu và nắm vững
các văn bản pháp luật quy định về thi hành án hình sự dùng làm căn cứ để xác định vi phạm pháp luật trong công tác thi hành án hình sự, bao gồm:
     + Luật thi hành án hình sự năm 2010:
       Điều 9 những hành vi nghiêm cấm trong thi hành án hình sự, chú ý khoản 4,5,6,7.
       Điều 15: Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thi hành án Công an cấp huyện;
       Điều 21 đến 26; Điều 35, 37; Điều 42, 43, 46-49;
       Điều 61-81 về thi hành án treo, án phạt cải tạo không giam giữ;
       Điều 82-95 thi hành án phạt cấm cư trú, quản chế;
       Điều 107-109 thi hành án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề, làm công việc nhất định;
      +Nghị định 117/2011/NĐ-CP ngày 15/12/2011 của Chính phủ Quy định về tổ chức, quản lý và chế độ ăn mặc, ở, sinh hoạt, chăm sóc y tế đối với phạm nhân;
      + Nghị định 90/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ sửa đổi một số điều của nghị định 117/2011 về tổ chức, quản lý và chế độ ăn mặc, ở, sinh hoạt, chăm sóc y tế đối với phạm nhân;
      +Thông tư 58/2011/TT-BCA ngày 9/8/2011 của Bộ Công an quy định về đồ vật cấm đưa vào trại giam và việc thu giữ, xử lý đồ vật cấm;
      + Thông tư 46/2011/TT-BCA ngày 30/6/2011 của Bộ Công an quy định phạm nhân thăm gặp thân nhân, nhận, gửi thư, nhận tiền, quà, liên lạc điện thoại với thân nhân;
      + Thông tư 02/2013/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 15/5/2013 của liên ngành quy định về giảm thời hạn chấp hành án phạt tù;
      + Thông tư 04/2013/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 30/5/2013 của liên ngành hướng dẫn thực hiện trích xuất phạm nhân để phục vụ ĐT-TT-XXử;
      + Thông tư 40/2011/TT-BCA ngày 27/6/2011 của Bộ Công an quy định tiêu chuẩn thi đua chấp hành án phạt tù và xếp loại TĐCHAPT cho phạm nhân;
      + Thông tư 63/2011/TT-BCA ngày 7/9/2011 của Bộ Công an quy định hệ thống biểu mẫu sổ sách về thi hành án hình sự;
      + Thông tư 39/2013/TT-BCA ngày 25/9/2013 của Bộ Công an quy định về giáo dục, tư vấn cho phạm nhân sắp chấp hành xong án phạt tù;
      + Thông tư 08/2012/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 14/8/2012 của liên ngành hướng dẫn rút ngắn thời gian thử thách của án treo;
      + Thông tư 09/2012/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 16/8/2012 của liên ngành hướng dẫn việc giảm, miễn thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ, miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú, quản chế còn lại;
     + Thông tư 12/2012/TTLT-BCA-BQP-BGDDT ngày 6/2/2012 của liên ngành hướng dẫn việc tổ chức dạy văn hóa, giáo dục pháp luật, GDCD, phổ biến thông tin, thời sự, chính sách và thực hiện chế độ sinh hoạt, giải trí cho phạm nhân;
     + Thông tư 07/2004/TTLT-BCA- VKSNDTC ngày 29/4/2004 của liên ngành hướng dẫn thực hiện một số quy định về thi hành án phạt tù đối với phạm nhân tại nhà tạm giữ;
     + Hướng dẫn 2828/HD-C81-C86 ngày 19/9/2013 của TC8-BCA về khen thưởng, kỷ luật phạm nhân;
     + Hướng dẫn 1429/HD-C81-C83 ngày 9/7/2014 của TC8-BCA về thủ tục đưa phạm nhân đi chấp hành án;
     + Công văn 999/C81-C86 ngày 4/6/2013 một số vấn đề về thực hiện Thông tư 40/2011/TT-BCA;
      + Công văn 02/HD-CQQLTHAHS  ngày 18/12/2014 về thực hiện xét giảm án tại xã, phường, thị trấn;
      + Công văn 4807/VKSTC-V4 ngày 26/12/2014 về việc kiểm sát việc miễn, giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ, án treo, cấm cư trú, quản chế;
      +Nghị quyết số: 01/2007/NQ-HĐTP ngày 2/10/2007 của hội đồng thẩm phán TATC Hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS về thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt;
      + Nghị quyết số: 02/2007/NQ-HĐTP ngày 2/10/2007 của hội đồng thẩm phán TATC Hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ năm “Thi hành bản án và quyết định của Tòa án” của Bộ Luật tố tụng hình sự.
       Để thực hiện có chất lượng và hiệu quả hoạt động kiểm sát thi hành án hình sự, kiểm sát viên phải cập nhật và nghiên cứu kỹ những văn bản pháp luật, các hướng dẫn nêu trên để áp dụng trong quá trình thực hiện các phương thức kiểm sát.
       
Lưu ý:
Riêng nội dung kiểm sát việc miễn chấp hành hình phạt, do có thay đổi về Luật hình sự, Nghị quyết; các đơn vị nghiên cứu quy định Nghị quyết 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 và các công văn hướng dẫn của VKSND và TANDTC, phối hợp với TAND, CQTHAHS để rà soát các trường hợp đủ điều kiện được miễn để triển khai thực hiện, 
    
2. Sau khi đã tập hợp, nghiên cứu đầy đủ các căn cứ pháp luật nêu trên, để thực hiện hoạt động kiểm sát có chất lượng, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm;
Kiểm sát viên cần phải nắm được các dạng vi phạm phổ biến thường gặp ở các đối tượng kiểm sát. Qua thực tiễn hoạt động kiểm sát đã tổng hợp được các dạng vi phạm thường gặp trong công tác thi hành án đối với từng đối tượng kiểm sát như sau:

2.1.Vi phạm của Tòa án nhân dân:
        
- Ra bản án trong phần tuyên phạt đối với bị án bị xử  phạt tù nhưng cho hưởng án treo lại giao các bị án cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc quản lý là trái quy định Điều 18, 181 Luật THAHS, hướng dẫn tại Điều 5 Nghị quyết số: 01/2013/NQ-HĐTP ngày 06/11/2013.
-   Quyết định hoãn thi hành án không đảm bảo điều kiện theo quy định;
-   Không ra quyết định UTTHA, mà ra quyết định thi hành án phạt tù cho hưởng án treo đối với bị án ở ngoài địa bàn huyện;
-   Nội dung quyết định THA còn ghi sai quy định tại khoản 1 Điều 69 Luật THAHS;
-   Đưa cả hình phạt bổ sung là hình phạt tiền vào trong quyết định thi hành án phạt tù cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ;
-   Chậm ra quyết định thi hành án;
-   Chậm gửi các quyết định về thi hành án theo thời hạn luật định;
-   Ra quyết định rút ngắn thời gian thử thách của án treo không đúng quy định;
-   Sử dụng mẫu quyết định rút ngắn TGTT không đúng;
-   Thành phần hội đồng RNTGTT của án treo không đúng quy định;
-   Chậm mở phiên họp RNTGTT.

2.2.Vi phạm của Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện:

-   Một số Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện chưa thực hiện tốt việc hướng dẫn nghiệp vụ thi hành án hình sự đối với UBND cấp xã, chỉ đạo, kiểm tra Công an cấp xã trong việc giúp UBND xã thực hiện nhiệm vụ công tác thi hành án;
-   Không lập và cập nhật đầy đủ các loại sổ sách về quản lý giáo dục phạm nhân tại nhà tạm giữ theo quy định Thông tư 63 Bộ công an quy định về hệ thống biểu mẫu, sổ sách thi hành án hình sự (sổ theo dõi phản ánh tình hình tổ, đội phạm nhân; sổ sinh hoạt tổ đội phạm nhân; sổ theo dõi phạm nhân chấp hành xong án phạt tù, sổ theo dõi phạm nhân thăm gặp..).
-   Hồ sơ phạm nhân lập, cập nhật và lưu giữ không đầy đủ, chính xác các tài liệu liên quan (phiếu khám sức khỏe, bản tự khai lai lịch phạm nhân, phiếu theo dõi quá trình chấp hành án, thông báo tiếp nhận phạm nhân đến chấp hành án..);
-   Không thực hiện việc xếp loại thi đua tuần theo Thông tư 40;
-   Thực hiện chế độ của phạm nhân không đầy đủ, cho thăm gặp vượt số lần quy định;
-   Chậm áp giải để đưa đi thi hành án các trường hợp tại ngoại;
-   Chuyển giao hồ sơ THA treo, cải tạo không giam giữ cho UBND xã chậm;
-   Cấp giấy chứng nhận không kịp thời;
-   Giấy chứng nhận chấp hành xong thời gian thử thách không ghi đầy đủ, đúng đắn căn cứ pháp luật, không có số hồ sơ, không có ký nhận của người chấp hành xong hình phạt;
-   Biên bản bàn giao hồ sơ ghi không đầy đủ chính xác;
-   Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ việc lập hồ sơ đề nghị rút ngắn thời gian thử thách của án treo, giảm thời hạn chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ đối với những trường hợp đủ điều kiên theo luật định.
-   Không thực hiện kịp thời việc cấp GCN chấp hành xong án phạt quản chế cho người đã chấp hành xong án phạt;
-   Hồ sơ đề nghị xét rút ngắn TGTT chưa đảm bảo đầy đủ, đúng đắn theo quy định;
-   Không lập đầy đủ sổ sách theo dõi thi hành án treo, cải tạo không giam giữ theo quy định Thông tư số: 63 ngày 07/9/2011 của Bộ Công an;
-   Không lập và chuyển giao kịp thời hồ sơ chấp hành án phạt quản chế cho Ủy ban nhân dân xã để tổ chức thi hành;
-   Không trừ thời gian tạm giữ vào thời gian chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ.

2.3.Vi phạm của Ủy Ban nhân dân cấp xã     
      
-
Không mở sổ theo dõi người chấp hành án treo, cải tạo không giam giữ;
- Không có quyết định phân công người giám sát giáo dục người chấp hành án treo;
- không có bản nhận xét, xác nhận của người được PCGSGD;
- Không yêu cầu người được hưởng án treo thực hiện  nghĩa vụ của mình;
- Không thực hiện đầy đủ việc bổ sung hồ sơ thi hành án treo;
- Công tác phối hợp giữa UBND xã với gia đình người chấp hành án trong việc giám sát giáo dục chưa tốt, nên trong quá trình chấp hành án còn xảy ra việc phạm tội mới, bỏ đi khỏi địa phương Ủy ban xã không biết, không theo dõi giám sát được;
- Không kịp thời lập hồ sơ đề nghị rút ngắn thời gian thử thách của án treo, giảm thời hạn chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ đối với người CHA có đủ điều kiện giảm thời hạn chấp hành hình phạt hoặc rút ngắn TGTT;
- Không kịp thời chuyển giao hồ sơ các trường hợp chấp hành xong cho Cơ quan THAHS để cấp giấy chứng nhận chấp hành xong;
- Không thông báo cho cơ quan THAHS biết việc người chấp hành án treo thay đổi nơi cư trú.
    
3. Kỹ năng triển khai hoạt động công tác kiểm sát thi hành án hình sự nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng.

       
3.1. Về quản lý chỉ đạo điều hành:

           
Mỗi VKS cấp huyện phải xác định rõ và thực hiện đầy đủ, đúng đắn chức năng của Ngành đó là thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, không thể coi nhẹ, lơ là chức năng nào; trong đó hoạt động KSTHAHS nằm trong chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp cũng phải quan tâm quản lý chỉ đạo thực hiện nghiêm túc đầy đủ đúng đắn như  hoạt động các khâu công tác kiểm sát khác. (hiện nay nhiều đơn vị VKS cấp huyện còn khuynh hướng coi trọng khâu công tác kiểm sát này, lơ là khâu công tác kia nên dẫn đến hiệu quả chất lượng công tác bị hạn chế).
Khi có nhận thức đúng, trách nhiệm trong công tác sẽ được nâng lên, Lãnh đạo phải nắm chắc về nghiệp vụ, quan tâm làm tốt công tác chỉ đạo điều hành, công tác lãnh đạo có kiểm tra; phân công bố trí hợp lý cán bộ, kiểm sát viên có năng lực, trách nhiệm làm tốt công tác này.
Trên cơ sở Chỉ thị về nhiệm vụ kế hoạch công tác của Ngành, xây dựng kế hoạch sát đúng, phù hợp điều kiện đơn vị, địa phương; định hình, dự kiến các nội dung cần thực hiện trong từng thời gian, từng đối tượng để chỉ đạo triển khai công tác.
      
3.2. Về Quản lý theo dõi:
Thiết lập, xây dựng hệ thống sổ sách, hồ sơ để thực hiện việc theo dõi chỉ đạo chặt chẽ; cập nhật đầy đủ hệ thống căn cứ pháp luật (như nêu trên), thường xuyên rà soát, đánh giá tổng hợp rút kinh nghiệm, phát huy ưu điểm, khắc phục kịp thời các hạn chế tồn tại để nâng cao chất lượng hoạt động công tác.
      
3.3.Một số kỹ năng nội dung kiểm sát thường xuyên:


Những hoạt động công tác kiểm sát thi hành án hình sự thường ngày mỗi cán bộ, kiểm sát viên phải làm cụ thể là:

Kiểm sát đối với Tòa án nhân dân trong công tác THAHS:

           +Kiểm sát viên thụ lý theo dõi bản án hình sự (do bộ phận KSXXHS chuyển sang), xác định ngày bản án có hiệu lực pháp luật để kiểm sát thời hạn ra quyết định thi hành án có đúng quy định của pháp luật không, nội dung quyết định có đúng pháp luật không?;
           +Khi nhận quyết định THAHS Tòa án chuyển sang, KSV lập ngay hồ sơ đối với bị án đó, lập phiếu kiểm sát QĐTHAHS đề xuất lãnh đạo viện với các nội dung kiểm sát như: thời hạn ra quyết định, thời hạn gửi quyết định, nội dung quyết định (đối chiếu với Luật THAHS để xác định); bao gồm cả quyết định THA phạt tù, phạt tù cho hưởng án treo ấn định thời gian thử thách, quyết định thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ...
            +Theo dõi thụ lý lập sổ sách, hồ sơ kiểm sát các trường hợp hoãn thi hành án:
              Bao gồm thụ lý vào sổ theo dõi hoãn thi hành án, thiết lập hồ sơ kiểm sát việc hoãn có các tài liệu liên quan đến điều kiện hoãn, có văn bản đề nghị Tòa án giải quyết sau khi đã thu thập nghiên cứu hồ sơ (Đồng ý hoãn hay không đồng ý); khi Tòa án có quyết định hoãn gửi VKS thì nghiên cứu và lập phiếu kiểm sát đề xuất Lãnh đạo viện với các nội dung: Về thời hạn giải quyết hoãn ( 7 ngày – khoản 2 Điều 23, thời hạn gửi quyết định hoãn khoản 3 Điều 23); Về đối tượng, thủ tục, các điều kiện hoãn có đúng theo quy định của pháp luật không, nội dung ghi trong quyết định đảm bảo không (đối chiếu quy định của BLHS và Luật thi hành án hình sự, Nghị quyết của HĐTPTATC); theo dõi việc thi hành quyết định hoãn, việc quản lý người được hoãn THA của UBND xã, việc thông báo của Tòa án khi quyết định hoãn sắp hết để yêu cầu tiếp tục thi hành án. Kháng nghị kịp thời những quyết định hoãn THAHS có vi phạm pháp luật.
          + Kiểm sát việc thi hành quyết định tạm đình chỉ thi hành án phạt tù:
             Viện kiểm sát cấp huyện nơi người được tạm đình chỉ về cư trú kiểm sát chặt chẽ việc bàn giao, theo dõi, giam sát người được tạm đình chỉ; việc tiếp tục thi hành án đối với người được tạm đình chỉ ( Điều 32 Luật THAHS) và kiểm sát việc xử lý trường hợp người được tạm đình chỉ chết.
            + Kiểm sát việc miễn chấp hành án phạt tù:
              Lập hồ sơ Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc xét miễn chấp hành hình phạt tù của Tòa án cùng cấp (đối với những trường hợp thuộc thẩm quyền Tòa án cấp huyện miễn); phối hợp với Tòa án huyện xem xét đề nghị miễn những trường hợp thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân tỉnh. (Nghị quyết 41/2017/QH14).
            +Về kiểm sát án treo, án phạt cải tạo không giam giữ:
              Lập sổ sách theo dõi thụ lý KS thi hành án treo, Hồ sơ kiểm sát THA treo khi nhận quyết định thi hành án treo, CTKGG lập phiếu KS nghiên cứu đề xuất Lãnh đạo viện các nội dung: thời hạn ra quyết định, thời hạn gửi quyết định, thủ tục, nội dung quyết định có đúng pháp luật không; theo dõi kiểm sát việc triệu tập cam kết thi hành án, việc lập hồ sơ THA treo, CTKGG chuyển ủy ban nhân dân cấp xã của Cơ quan THAHS Công an huyện, kiểm sát việc thi hành án của Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định của Luật THAHS, Kiểm sát việc lập hồ sơ đề nghị rút ngắn thời gian thử thách của án treo, miễn, giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ của UBND xã, của Cơ quan THAHS Công an cấp huyện; tham gia phiên họp xét giảm thời gian thử thách án treo, án phạt CTKGG của tòa án, kiểm sát trình tự, thủ tục, nội dung quyết định xét giảm của Tòa án  nhân dân huyện (theo Thông tư 08, 09, Luật THAHS). Kiểm sát việc cấp giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt của cơ quan THAHS Công an huyện.
        + Về Kiểm sát thi hành án phạt cấm cư trú, quản chế: (nếu có).
             Đối với án phạt cấm cư trú, quản chế VKS cấp huyện nơi người chấp hành án phạt cấm cư trú, quản chế về cư trú thực hiện KSVTTPL trong việc thực hiện thủ tục thi hành án phạt cấm cư trú, quản chế; lập bổ sung hồ sơ thi hành án, lập hồ sơ đề nghị miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú, quản chế còn lại, việc thực hiện nhiệm vụ giám sát, kiểm soát, giáo dục người chấp hành án về cư trs của UBND cấp xã và Cơ quan THAHS công an cấp huyện; Tham gia phiên họp và kiểm sát VTTPL của Tòa án cấp huyện trong việc xét, quyết định miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú, quản chế còn lại theo quy định Mục 1, 2 Chương VI Luật thi hành án hình sự và các quy định của pháp luật hiện hành; Kháng nghị các quyết định có vi phạm pháp luật theo quy định.
         + Về kiểm sát thi hành án phạt tước một số quyền công dân: VKS cấp huyện KSVTTPL của Cơ quan THAHS trong việc thực hiện thủ tục thi hành án, kiểm sát việc lập hồ sơ theo dõi giám sát việc thực hiện thi hành án phạt theo bản án của Tòa án. (nếu có).
         + Thực hiện kiểm sát việc xóa án tích theo quy định của BLHS và Bộ luật TTHS.
   
3.4. Kỹ năng thực hiện Trực tiếp kiểm sát thi hành án hình sự:

Theo Quy chế 35 và Hướng dẫn của VKSTC-V8, ngoài các hoạt động kiểm sát thường xuyên thì một năm mỗi đơn vị VKS cấp huyện phải tiến hành trực tiếp kiểm sát thi hành án hình sự đối với Cơ quan THAHS Công an cấp huyện 01 lần, TTKS việc tuân theo pháp luật trong công tác thi hành án hình sự đối với 20% UBND cấp xã có án treo, CTKGG, án phạt quản chế. Công tác lập hồ sơ TTKS thời gian qua đã có nhiều tiến bộ, tuy nhiên vẫn còn không ít những thiếu sót nên cần nghiên cứu thống nhất thực hiện đầy đủ chặt chẽ hơn trong thời gian tới, Cụ thể như sau:

Mỗi cuộc kiểm sát đều phải thiết lập hồ sơ riêng, bao gồm:
         +Có bìa hồ sơ ghi rõ phương thức kiểm sát, đơn vị được KS, thời gian, thời điểm tiến hành, ngày ban hành kết luận kiến nghị, ngày trả lời kiến nghị;
         +Lưu giữ đầy đủ các tài liệu trong HS: QĐ, KH, KL trực tiếp kiểm sát, báo cáo của đơn vị được kiểm sát, biên bản kiểm sát, các tài liệu thu thập trong quá trình kiểm sát, bút ký của KSV trong quá trình kiểm sát, văn bản tiếp thu việc thực hiện kiến nghị của viện kiểm sát. Các tài liệu như Biên bản, báo cáo..phải ký, đóng dấu đơn vị đầy đủ.

- Yêu cầu thực hiện đúng đắn thể thức văn bản;

- Yêu cầu áp dụng đầy đủ chính xác các căn cứ pháp luật khi ban hành các QĐ, KH, KL trực tiếp kiểm sát. Cụ thể các căn cứ bắt buộc phải có:
         +Căn cứ ban hành quyết định TTKS: Điểm b, khoản 2, Điều 25 Luật TCVKSND năm 2014; Khoản 4, Điều 141  Luật thi hành án hình sự năm 2010.
         +Căn cứ ban hành Kế hoạch TTKS: Là thực hiện QĐTTKS của đơn vị.
         +Căn cứ ban hành Kết luận TTKS: Khoản 2, Điều 25; Điều 26  Luật TCVKSND năm 2014; Khỏan 6, Điều 141, Điều 143 Luật THAHS năm 2010.

- Yêu cầu ghi rõ, chính xác thời điểm kiểm sát, thời gian kiểm sát trong Quyết định, kế hoạch kiểm sát.

- Thống nhất ghi tiêu đề trong các QĐ,KH, KL trực tiếp kiểm sát như sau:
        + Quyết định trực tiếp kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong công tác thi hành án hình sự tại Cơ quan thi hành án hình sự-Công an huyện..
        + Quyết định trực tiếp kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong công tác thi hành án hình sự tại Ủy Ban nhân dân xã…(đối với xã có cả án treo, CTKGG, quản chế..)
Đối với xã có một loại án thì ghi cụ thể, tránh trường hợp kiểm sát nhiều loại án mà quyết định chỉ ghi án treo là không chính xác.
        + Kế hoạch trực tiếp kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong công tác thi hành án hình sự tại Cơ quan thi hành án hình sự-Công an huyện..; tại UBND xã..
 
        Trong Kế hoạch nên yêu cầu báo cáo phân tích số liệu đầy đủ như số cũ, số mới, số nhận ủy thác, số ủy thác đi, tổng số, số đã ra quyết định thi hành số chưa ra QĐTH, số đã chuyển hồ sơ cho UBND xã, số chưa chuyển, số đã CH xong, số đã cấp GCNCHX, số chưa cấp GCNCHX..
        + Kết luận trực tiếp kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong công tác thi hành án hình sự tại Cơ quan thi hành án hình sự-Công an huyện..; UBND xã..

Kết luận TTKS phải đảm bảo bố cục 3 phần: I.Tình hình số liệu; II.Tình hình chấp hành pháp luật (1. Ưu điểm; 2. Những vi phạm, tồn tại; 3. Nguyên nhân); III Yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị (tùy theo mức độ tồn tại vi phạm mà áp dụng một trong 3 biện pháp pháp lý trên cho phù hợp). Không tách toàn bộ nội dung vi phạm để làm bản kháng nghị, kiến nghị riêng, trù trường hợp có nhiều vi phạm trong đó có nội dung vi phạm nghiêm trọng cần phải kháng nghị huye bỏ hoặc chấm dứt ngay mới tách ra để kháng nghị.

Khi xác định vi phạm phải nêu cụ thể nội dung, số lượng, tính chất, trích dẫn điều luật cụ thể để chứng minh và xác định vi phạm, tránh nêu chung chung không có số liệu chứng minh, tránh trích dẫn cả một trang điều luật không cụ thể vào nội dung vi phạm đã xác định.

Phần kiến nghị phải yêu cầu rõ ràng cụ thể khắc phục sửa chữa vi phạm gì, phần yêu cầu trả lời phải nêu: thực hiện và trả lời theo quy định tại điều 26 Luật TCVKSND năm 2014 và Điều 143 Luật thi hành án hình sự năm 2010.

Để đảm bảo nội dung kết luận được chính xác, có tính khả thi nên thực hiện việc công bố dự thảo kết luận trước khi ban hành chính thức để thống nhất thực hiện.
Sau khi đã ban hành kết luận kiến nghị cần theo dõi việc thực hiện của cơ quan được kiểm sát để có đầy đủ văn bản trả lời việc thực hiện tiếp thu kiến, kháng nghị  vào hồ sơ, đồng thời sao gửi về phòng nghiệp vụ 1 bản theo quy chế thông tin báo cáo của ngành.
    
3.
5. Kỹ năng cơ bản khi thực hiện phương thức trực tiếp kiểm sát Cơ quan thi hành án hình sự:
      +Trực tiếp kiểm sát định kỳ, đột xuất phải có quyết định trực tiếp kiểm sát, khi kết thúc có kết luận bằng văn bản. Trước khi tiến hành trực tiếp kiểm sát định kỳ, Viện kiểm sát có kế hoạch trực tiếp kiểm sát; nội dung kế hoạch, quyết định, kết luận trực tiếp kiểm sát thực hiện theo hướng dẫn của VKSNDTC.
       + Trực tiếp kiểm sát định kỳ và đột xuất do Viện trưởng, Phó Viện trưởng hoặc kiểm sát viên được ủy quyền tiến hành.
       + Khi tiến hành trực tiếp kiểm sát:
         
Bước 1: Xây dựng, ban hành các quyết định, kế hoạch trực tiếp kiểm sát; bắt đầu ngày kiểm sát Yêu cầu cơ quan THAHS có báo cáo  bằng văn bản về tình hình số liệu, tình hình chấp hành pháp luật trong công tác THAHS (theo những nội dung đã yêu cầu theo kế hoạch đã gửi); Thủ trưởng cơ quan THAHS trực tiếp báo cáo với đoàn kiểm sát, sau khi nghe báo cáo trực tiếp có những nội dung nào chưa đầy đủ, chưa chính xác, Đoàn kiểm sát yêu cầu bổ sung, làm rõ.
         
Bước 2: Đoàn kiểm sát trực tiếp kiểm tra nghiên cứu hồ sơ, tài liệu và sổ sách của cơ quan THAHS để xác định:

-Việc thực hiện thủ tục pháp luật trong công tác THAHS: Xem các loại sổ sách, hồ sơ tài liệu thi hành án hình sự có được lập đầy đủ, đúng đắn theo quy định tại Thông tư 63 của Bộ Công an không?; Muốn xác định được nội dung này, Kiểm sát viên nghiên cứu kỹ Thông tư 63/2011/TT-BCA ngày 7/9/2011 kèm theo Hướng dẫn số: 9492/HD-C81-C83 của Bộ Công an hướng dẫn thực hiện Thông tư quy định các loại biểu mẫu, sổ sách về công tác thi hành án hình sự để đối chiếu xác định (chú ý các dạng vi phạm của cơ quan thi hành án hình sự đã nêu ở trên việc xác định sẽ nhanh hơn). Khi kiểm sát bút ký phải ghi chép, trích đầy đủ những tồn tại vi phạm ở sổ sách , hồ sơ, tài liệu nào, cần thiết phải sao chụp lại để đưa vào hồ sơ kiểm sát làm chứng cứ để kết luận cho chính xác.
         
- Việc thực hiện nội dung công tác thi hành án hình sự của Cơ quan thi hành án hình sự:

           +Kiểm tra việc hướng dẫn nghiệp vụ thi hành án hình sự đối với UBND cấp xã, chỉ đạo, kiểm tra Công an cấp xã trong việc giúp UBND xã thực hiện nhiệm vụ công tác thi hành án; Xem có văn bản, tài liệu nào để xác định, đánh giá kết quả, chất lượng thực hiện công tác này của Cơ quan THAHS (lưu ý ghi chép lại các văn bản, tài liệu hướng dẫn trong kỳ kiểm sát của CQTHAHS).
           +Kiểm tra nội dung thực hiện các quyết định thi hành án phạt tù của Tòa án: Xem xét Cơ quan THAHS đã đưa đi trại giam thi hành án bao nhiêu trên tổng số bị án phải thi hành? Xem danh sách chuyển trại, biên bản giao nhận; Còn bao nhiêu bị án chưa thi hành, lý do?. Chú ý các trường hợp bị án tại ngoại chưa thi hành để xác định việc chậm áp giải sau thời hạn 7 ngày không tự nguyện đến thi hành án; Qua đó sẽ nắm được số được hoãn thi hành án để kiểm sát Hồ sơ hoãn của Tòa án;
          +Kiểm tra Hồ sơ THA treo, CTKGG: xem các biên bản bàn giao hồ sơ giữa CQTHA với UBND cấp xã đối chiếu xác định đã chuyển hồ sơ cho UBND xã thi hành hết chưa? Nếu còn thì xem xét thời hạn có đảm bảo không? Có quá thời hạn không? Kiểm tra thí điểm hồ sơ ở một số xã để đối chiếu xác định với biên bản bàn giao hồ sơ với ngày CQTHA triệu tập cam kết để phát hiện những trường hợp CQTHAHS chuyển hồ sơ chậm; nghiên cứu các giấy chứng nhận CHX đối chiếu xác định CQTHA đã cấp giấy chứng nhận đầy đủ các trường hợp đã chấp hành xong hay chưa, còn bao nhiêu trường hợp chưa cấp giấy chứng nhận lý do?; Xem các giấy chứng nhận có đảm bảo căn cứ, có ký nhận của bị án không, có số hồ sơ và gửi đầy đủ cho các cơ quan theo quy định không?; Kiểm sát xem CQTHAHS có thực hiện việc lập hồ sơ đề nghị RNTGTT án treo, miễn, giảm thời hạn chấp hành án CTKGG theo thông tư 08, 09 hay không ?(Lưu ý các hồ sơ tài liệu phát hiện có vi phạm phải ghi chép trích dẫn hoặc sao chụp đầy đủ).
           + Kiểm sát hồ sơ quản lý giáo dục phạm nhân:  (đối với nơi có phạm nhân chấp hành án tại nhà tạm giữ).
            Xem xét việc tiếp nhận phạm nhân: Có biên bản giao nhận không? Có phiếu khám sức khỏe khi tiếp nhận không, nội dung phiếu khám sức khỏe có ghi và ký xác nhận đủ không, có thực hiện việc phân loại A, B, C theo thông tư 37 không? Có thông báo cho tòa án và thân nhân phạm nhân nơi đến chấp hành án không?.
          
Xem xét việc quản lý, giáo dục phạm nhân: Việc học tập tiêu chuẩn thi đua, nội quy trại giam, việc sinh hoạt xếp loại thi đua tuần vào thứ 6, xếp loại thi đua tháng, quý, 6 tháng, năm có đầy đủ không? Việc thông báo kết quả cải tạo 6 tháng cho gia đình; Việc thực hiện khen thưởng, kỷ luật, nâng, hạ loại, việc thực hiện các chế độ của phạm nhân: ăn, ở, mặc, thăm gặp thân nhân..các việc phải làm khi phạm nhân hết án.
          
Kiểm tra nơi giam giữ phạm nhân (buồng quản lý phạm nhân): xem xét có đảm bảo diện tích không? Có đảm bảo vệ sinh không, cho phạm nhân mặc quần áo đúng quy định không? Gặp gỡ phạm nhân hỏi họ về các chế độ có đầy đủ theo quy định không có khiếu nại, tố cáo gì không? Ghi chép đầy đủ phục vụ cho việc kết luận.

Bước 3: Tổng hợp toàn bộ nội dung kết quả kiểm sát lập biên bản dự thảo, thông qua Cơ quan THAHS, sau đó chỉnh sửa thành biên bản chính thức đoàn kiểm sát và CQTHA cùng ký xác nhận. Đây là cơ sở để tổng hợp dự thảo kết luận TTKS; Dự thảo kết luận được công bố trước Thủ trưởng CQTHAHS, sau đó sẽ ban hành chính thức.
    
Khi phát hiện có vi phạm pháp luật trong công tác thi hành án hình sự, thì Viện trưởng, Phó Viện trưởng hoặc Kiểm sát viên trực tiếp kiểm sát ký kết luận Yêu cầu, Kiến nghị, Kháng nghị yêu cầu đình chỉ việc thi hành, sửa đổi hoặc bãi bỏ quyết định có vi phạm pháp luật, chấm dứt việc làm vi phạm pháp luật trong công tác thi hành án hình sự; Kiến nghị khắc phục nguyên nhân và điều kiện dẫn đến vi phạm pháp luật và phòng ngừa tội phạm có thể xảy ra, yêu cầu xử lý người vi phạm pháp luật.
     
+ Theo dõi việc thực hiện kiến nghị, kháng nghị của cơ quan thi hành án hình sự theo thời hạn luật định gửi cho Viện kiểm sát.
      
3.6. Kỹ năng cơ bản khi thực hiện phương thức trực tiếp kiểm sát việc tuân theo pháp luật của UBND cấp xã trong công tác thi hành án hình sự:
      
*Về quy trình, thủ tục
chuẩn bị tiến hành cuộc kiểm sát và các bước tiến hành tương tự như kiểm sát Cơ quan THAHS Công an cấp huyện chỉ khác ở đây đối tượng kiểm sát là UBND cấp xã; Nội dung kiểm sát đối với UBND cấp xã là kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ quyền hạn của UBND cấp xã trong thi hành án hình sự bao gồm những nội dung được quy định tại Điều 18 Luật thi hành án hình sự năm 2010.
        Khi ban hành quyết định, kế hoạch TTKS đối với UBND cấp xã lưu ý: phải xác định đúng phạm vi kiểm sát đó là: Trực tiếp kiểm sát việc tuân theo pháp trong công tác thi hành án hình sự của UBDN xã, tránh trường hợp lâu nay có một số VKSND cấp huyện khi ban hành quyết định, kế hoạch TTKS chỉ nêu kiểm sát trong phạm vi thi hành án treo, nhưng khi thực hiện lại tiến hành cả các nội dung khác không có trong quyết định; Việc nêu quyết định trong phạm vi nào đó là không đầy đủ mà phải kiểm sát việc thi hành án hình sự mới chặt chẽ, khi tiến hành UBND xã nào có một trong những nội dung phải thực hiện theo điều 18 đều phải kiểm sát.
      
*Trước hết phải xác định được những nội dung cụ thể cần phải thực hiện kiểm sát trong thi hành án hình sự đối với UBND cấp xã:
Có nhiều nội dung liên quan đến trách nhiệm của UBND cấp xã phải thực hiện, nhưng lâu nay các Viện kiểm sát cấp huyện mới chỉ kiểm sát được nội dung thi hành án treo, cải tạo không giam giữ, còn các nội dung khác hầu hết ít có những đơn vị quan tâm. Do vậy để thực hiện hoạt động kiểm sát THAHS đối với UBND xã một cách toàn diện đầy đủ trước hết cần xác định những nội dung THAHS liên quan đến UBND cấp xã; bao gồm:

         - Việc quản lý và báo cáo việc quản lý người được hoãn chấp hành án theo quy định tại khoản 2, 3 Điều 24 Luật THAHS;
         - Việc quản lý người được tạm đình chỉ thi hành án theo quy định tại khoản 3 Điều 32 Luật THAHS;
         - Việc thi hành án treo theo quy định từ Điều 61 đến Điều 70 Luật THAHS;
         - Việc thi hành án phạt cải tạo không giam giữ theo quy định tại Điều 72, Điều 74, 75 Luật THAHS;
         -Thực hiện kiểm điểm, bổ sung hồ sơ người được miễn chấp hành án theo quy định tạu điều 79, 80 Luật THAHS;
         -Thực hiện nhiệm vụ trong thi hành án phạt cấm cư trú, án phạt quản chế theo quy định tại các điều 83-88, 89, 90, 93-95 Luật THAHS;
       
*Kỹ năng kiểm sát từng nội dung:

Trước khi đi vào kiểm sát nên kiểm tra tập hợp các văn bản làm căn cứ xác định vi phạm xem đã đầy đủ chưa?; rà lại các dạng vi phạm thường gặp để khi kiểm tra được nhanh và chính xác.
Nghiên cứu báo cáo của UBND xã, nghe UBND xã báo cáo trực tiếp, yêu cầu bổ sung những nội dung mà báo cáo chưa phản ánh đầy đủ, những số liệu chưa chính xác, Yêu cầu cung cấp toàn bộ sổ sách hồ sơ tài liệu liên quan đến công tác THAHS. ;Phân công từng thành viên đoàn kiểm sát đi vào nghiên cứu từng nội dung.

-   Đối với nội dung quản lý và báo cáo việc quản lý người được hoãn chấp hành án: Nắm và xác định ở địa bàn xã có bao nhiêu trường hợp được hoãn thi hành án đang cư trú tại địa bàn; hỏi xem UBND xã có nắm và thực hiện nhiệm vụ quản lý những đối tượng này không ?Có giải quyết trường hợp nào đi khỏi nơi cư trú không, có trường hợp nào đi khỏi nơi cư trú mà UBND xã không nắm được (K2, Điều 24 Luật THAHS); UBND xã có thực hiện việc báo cáo cho CQTHAHS 03 tháng một lần không ?; có báo cáo những trường hợp vi phạm pháp luật hoặc có dấu hiệu bỏ trốn không (K3, 4  Điều 24 Luật THAHS).

-   Đối với nội dung quản lý và báo cáo việc quản lý theo dõi, giám sát người được tạm đình chỉ chấp hành án: Nắm và xác định ở địa bàn xã có bao nhiêu trường hợp được tạm đình chỉ thi hành án đang cư trú tại địa bàn; hỏi xem UBND xã có nắm và thực hiện nhiệm vụ quản lý những đối tượng này không ?9K3, Điều 32 Luật THAHS).
      
-Tương tự yêu cầu báo cáo và kiểm tra các nội dung: Thực hiện việc kiểm điểm, bổ sung hồ sơ người được miễn chấp hành án theo quy định tạu điều 79, 80 Luật THAHS; Thực hiện nhiệm vụ trong thi hành án phạt cấm cư trú, án phạt quản chế theo quy định tại các điều 83-88, 89, 90, 93-95 Luật THAHS: Có thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ, tổ chức giám sát, nhận xét bằng văn bản, yêu cầu cam kết và thực hiện nghĩa vụ, lập hồ sơ đề nghị xét miễn...

-   Về kiểm sát thi hành án treo và án phạt cải tạo không giam giữ:
        Kiểm tra việc lập sổ sách, hồ sơ tài liệu về án treo, án phạt cải tạo không giam giữ có được lập, cập nhật đầy đủ chính xác theo quy định Thông tư 63 Bộ Công an không?
        Kiểm tra từng hồ sơ án treo, cải tạo không giam giữ để xem xét
           + Có ra quyết định phân công người giám sát giáo dục người chấp hành án treo đầy đủ không?
           + Người được phân công giám sát, giáo dục có thực hiện đầy đủ việc nhận xét, xác nhận đối với người thi hành án không ?
           + Có thực hiện việc yêu cầu người được hưởng án treo thực hiện  nghĩa vụ của mình không ?
           + Có thực hiện đầy đủ việc bổ sung hồ sơ thi hành án treo không ?
         + Công tác phối hợp giữa UBND xã với gia đình người chấp hành án trong việc giám sát giáo dục ? chưa tốt, Trong quá trình chấp hành án còn xảy ra việc phạm tội mới, bỏ đi khỏi địa phương mà Ủy ban xã không biết, không theo dõi giám sát được ?
            + Có thực hiện việc lập hồ sơ đề nghị rút ngắn thời gian thử thách của án treo, giảm thời hạn chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ đối với người CHA có đủ điều kiện giảm thời hạn chấp hành hình phạt hoặc rút ngắn TGTT theo Thông tư 08, 09 và Luật THAHS không ?
           + Việc chuyển giao hồ sơ các trường hợp chấp hành xong cho Cơ quan THAHS để cấp giấy chứng nhận chấp hành xong có kịp thời đúng quy định không ?
          
Quá trình kiểm sát cần ghi chép trích hoặc sao chụp đầy đủ những hồ sơ tài liệu có vi phạm, từng thành viên đoàn kiểm sát tổng hợp kết quả kiểm sát theo nội dung được giao; Trưởng đoàn tổng hợp dự thảo biên bản, thông qua dự thảo biên bản đi đến thống nhất lập biên bản kiểm sát chính thức các bên cùng ký xác nhận, làm cơ sơ để xây dựng bản kết luận TTKS.
             
Khi phát hiện có vi phạm pháp luật trong công tác thi hành án hình sự của UBND  xã, thì Viện trưởng, Phó Viện trưởng hoặc Kiểm sát viên trực tiếp kiểm sát ký ( thường là đồng chí Phó Viện trưởng làm Trưởng đoàn ký) kết luận Yêu cầu, Kiến nghị, Kháng nghị (Áp dụng một trong ba biện pháp pháp lý tùy theo tính chất mức độ vi phạm tồn tại) đình chỉ việc thi hành, sửa đổi hoặc bãi bỏ quyết định có vi phạm pháp luật, chấm dứt việc làm vi phạm pháp luật trong công tác thi hành án hình sự; Kiến nghị khắc phục nguyên nhân và điều kiện dẫn đến vi phạm pháp luật và phòng ngừa vi phạm, tội phạm có thể xảy ra, yêu cầu xử lý người vi phạm pháp luật.
          
Theo dõi đầy đủ chặt chẽ việc thực hiện kiến nghị, kháng nghị của cơ quan thi hành án hình sự theo thời hạn luật định gửi cho Viện kiểm sát.
                                      
   PHẦN C- KẾT LUẬN
 
1.Ý nghĩa, phạm vi áp dụng của sáng kiến:

Ý nghĩa: Nội dung giải pháp tác nghiệp trên tuy chưa thật đầy đủ, toàn diện nhưng phần nào giúp cho cán bộ, kiểm sát viên VKSND cấp huyện có kiến thức kỹ năng cơ bản khi thực hiện hoạt động công tác kiểm sát thi hành án hình sự trên địa bàn; khi đọc sáng kiến đã hình dung được gần như toàn bộ hoạt động tác nghiệp, những yêu cầu cần và đủ cho việc thực hiện hoạt động công tác này.
Phạm vi áp dụng: Nội dung sáng kiến tác nghiệp trên có thể áp dụng cho Lãnh đạo, cán bộ, KSV bộ phận công tác kiểm sát thi hành án hình sự VKSND cấp huyện trong chỉ đạo cũng như thực hiện hoạt động kiểm sát thường kỳ, định kỳ.
 
2. Hiệu quả dự kiến có thể thu được khi áp dụng giải pháp:

Nội dung sáng kiến tác nghiệp trên giúp cho cán bộ, kiểm sát viên Viện kiểm sát đang làm công tác kiểm sát thi hành án hình sự nghiên cứu áp dụng thành hệ thống, chắc chắn sẽ giúp cho các cán bộ, Kiểm sát viên  nắm vững được kiến thức, nhận thức và áp dụng triển khai có hiệu quả hoạt động công tác kiểm sát thi hành án hình sự theo chức năng thẩm quyền luật định; Như vậy sẽ góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác kiểm sát hoạt động tư pháp của các đơn vị Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện. 
 

Tác giả bài viết: Trịnh Xuân Thu

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyển đổi số
Hưởng ứng giải  Búa Liềm Vàng
Giải báo chí phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Công khai ngân sách
Mail công vụ
Thống Kê Truy Cập
  • Đang truy cập334
  • Hôm nay10,826
  • Tháng hiện tại289,117
  • Tổng lượt truy cập16,818,039
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây