Chào mừng 30/4
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh

Kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm đối với các vụ án được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại

Thứ ba - 14/11/2017 22:33 3.311 0
Công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố có ý nghĩa đặc biệt quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng khởi tố vụ án hình sự.
Đây là hoạt động mở đầu của quá trình giải quyết vụ án hình sự nhằm phát hiện hành vi phạm tội. Trên cơ sở tiếp nhận nguồn tin về tội phạm cơ quan có thẩm quyền xác định có dấu hiệu tội phạm hay không để quyết định việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự. Trách nhiệm của Viện kiểm sát trong công tác này là kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, bảo đảm hoạt động này của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra đúng pháp luật; bảo đảm mọi tội phạm đều được phát hiện, khởi tố, điều tra và xử lý nhưng ngược lại những hành vi nào không phải là tội phạm cũng như không cần thiết phải xử lý hình sự sẽ không bị khởi tố.
         
Thực tiễn cho thấy kiểm sát tốt việc giải quyết nguồn tin về tội phạm sẽ quyết định chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử để khẳng định có hay không có hành vi tội phạm xảy ra, người thực hiện hành vi phạm tội, tính chất, mức độ và hậu quả do hành vi phạm tội gây ra. Đồng thời, hoạt động này tạo cơ sở chứng minh việc khởi tố là đúng người, đúng tội và bảo đảm các căn cứ để xử lý tội phạm, bảo đảm cho mọi hành vi phạm tội đều phải được xử lý theo quy định của pháp luật, không bỏ lọt tội phạm nhưng cũng không làm oan sai. Kiểm sát tốt việc giải quyết nguồn tin về tội phạm sẽ giúp cho việc chấp thuận hoặc hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án, quyết định không khởi tố vụ án của Viện kiểm sát đối với Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra là đúng đắn và có căn cứ. Như vậy, có thể khẳng định hoạt động kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố là một hoạt động không thể thiếu trong quá trình tố tụng hình sự vì nó bảo đảm cho việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật và không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.
         
Để làm rõ chức năng kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm đối với các vụ án thông thường cũng như vụ án được khởi tố theo yêu cầu của bị hại thì tác giả đi vào phân tích nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong khâu công tác này được qui định trong BLTTHS, từ các qui định của luật thì khi áp dụng trên thực tiễn sẽ phát sinh các khó khăn vướng mắc và bất cập. Từ đó đưa ra các kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm đối với vụ án được khởi tố theo yêu cầu của bị hại cũng như các vụ án thông thường về qui định của pháp luật cũng như áp dụng pháp luật.
         
1. Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm đối với vụ án được khởi tố theo yêu cầu của bị hại

         
Thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giai đoạn khởi tố vụ án hình sự nói riêng và quá trình tố tụng hình sự nói chung là hai hoạt động của Viện kiểm sát tồn tại song song và có mối quan hệ biện chứng với nhau, có tác dụng hỗ trợ lẫn nhau. Mục đích của hoạt động thực hành quyền công tố trong giai đoạn khởi tố vụ án là nhằm chứng minh tội phạm, hoạt động kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giai đoạn khởi tố vụ án hình sự đảm bảo việc khởi tố vụ án là có căn cứ, đúng pháp luật. Kiểm sát việc tuân theo pháp luật có hiệu quả là điều kiện để đảm bảo thực hành quyền công tố đúng đắn khách quan và ngược lại. Như đã xác định trong phần đối tượng và phạm vi nghiên cứu, luận văn chỉ tập trung vào nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi kiểm sát việc khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại.
         
Điều 20 BLTTHS năm 2015 qui định: “Viện kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự”, đồng thời tại Điều 2 và Điều 4 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 cũng xác định rõ chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát. Theo đó thì kiểm sát hoạt động tư pháp là hoạt động của Viện kiểm sát để kiểm sát tính hợp pháp của các hành vi, quyết định của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp, được thực hiện ngay từ khi tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và trong suốt quá trình giải quyết vụ án hình sự. Mục đích là nhằm bảo đảm việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm cũng như quá trình giải quyết vụ án hình sự được thực hiện đúng quy định của pháp luật; đảm bảo mọi vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp phải được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh. Nhìn chung nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm đối với những vụ án hình sự thông thường và vụ án được khởi tố theo yêu cầu của bị hại không có nhiều khác biệt. Tuy nhiên đối với các vụ án được khởi tố theo yêu cầu của bị hại thì khi kiểm sát phải chú ý đến các vấn đề như: tội danh sẽ khởi tố (điều khoản tương ứng trong BLHS), đơn yêu cầu khởi tố vụ án (hình thức và nội dung), chủ thể yêu cầu (bị hại hoặc người đại diện), chứng cứ và tài liệu kèm theo (nếu có),… 
         
Có thể nói quy định của BLTTHS năm 2003 liên quan đến việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm có rất nhiều hạn chế. Thứ nhất, không phân định trách nhiệm tiếp nhận nguồn tin về tội phạm với thẩm quyền giải quyết nguồn tin đó và vì vậy cũng không quy định trách nhiệm của Viện kiểm sát đối với khâu này. Thứ hai, trách nhiệm kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm nói chung được giao cho cơ quan điều tra theo quy định tại khoản 2 Điều 103 BLTTHS năm 2003, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Cụ thể, trong thời hạn không quá 20 ngày kể từ ngày nhận được tin báo, “CQĐT trong phạm vi trách nhiệm của mình phải kiểm tra, xác minh nguồn tin và quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự”. Và theo khoản 4 của điều luật này thì Viện kiểm sát có trách nhiệm kiểm sát việc giải quyết các nguồn tin về tội phạm của cơ quan điều tra. Như vậy theo quy định của BLTTHS năm 2003 thì VKS không có trách nhiệm giải quyết nguồn tin về tội phạm và Bộ luật này cũng không có điều luật phân định rõ ràng nhiệm vụ, quyền hạn của VKS khi thực hành quyền công tố với nhiệm vụ quyền hạn khi thực hiện chức năng kiểm sát trong giai đoạn khởi tố vụ án hình sự. Để đảm bảo cơ chế phối hợp, kiểm tra, giám sát giữa cơ quan điều tra và Viện kiểm sát đối với hoạt động tiếp nhận và giải quyết nguồn tin về tội phạm, ngày 02/8/2013 Liên ngành VKSND tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chình, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT-VKSTC-BCA-BQP- BNNPTNT-BTC hướng dẫn quy định của BLTTHS về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Trong đó khoản 1 Điều 11 quy định: “Sau khi nhận được Quyết định phân công giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố của CQĐT theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Thông tư liên tịch này, trong thời hạn 03 ngày làm việc, Viện trưởng VKS phải ra Quyết định phân công kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố và gửi ngay một bản cho CQĐT đã ra Quyết định phân công giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố”.
         
Tất cả những hạn chế trên đã được khắc phục bởi BLTTHS năm 2015. Tuy nhiên, Điều 160 BLTTHS năm 2015 không quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm đối với vụ án được khởi tố theo yêu cầu của bị hại mà chỉ qui định đối với vụ án hình sự nói chung, cụ thể như sau:
         
Thứ nhất,
kiểm sát việc tiếp nhận, trực tiếp kiểm sát, kiểm sát việc kiểm tra, xác minh và việc lập hồ sơ giải quyết nguồn tin về tội phạm của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Theo đó Viện kiểm sát sẽ tiến hành kiểm sát trực tiếp việc kiểm tra, xác minh và lập hồ sơ giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố của các cơ quan này. Nếu phát hiện các vi phạm trong việc xác minh và lập hồ sơ thì sẽ ban hành kiến nghị để các cơ quan này khắc phục vi phạm, đảm bảo công tác giải quyết tin báo theo đúng qui định của pháp luật.
         
Ngoài ra Viện kiểm sát còn kiểm sát tính hợp pháp và có căn cứ của việc tạm đình chỉ việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, việc phục hồi giải quyết nguồn tin về tội phạm. Trước đây, BLTTHS năm 2003 không quy định trường hợp tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Vì vậy, khi kết thúc thời hạn giải quyết, Cơ quan điều tra chỉ có một trong hai lựa chọn là ra quyết định khởi tố vụ án hình sự hoặc là ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Thực tiễn trong quá trình giải quyết vụ án hình sự cho thấy nhiều trường hợp phải chờ kết quả trưng cầu giám định, kết quả tương trợ tư pháp mới có thể xác định sự việc có hay không có dấu hiệu tội phạm để làm căn cứ ra quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án. Để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, đồng thời phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của giai đoạn này là “xác định có hay không có dấu hiệu của tội phạm”, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã bổ sung một điều luật mới (Điều 148) cho phép tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố khi thuộc một trong các trường hợp: Đã trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp nhưng chưa có kết quả; Đã yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật quan trọng có ý nghĩa quyết định đối với việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án nhưng chưa có kết quả. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải gửi quyết định tạm đình chỉ kèm theo tài liệu liên quan đến Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền để kiểm sát và gửi quyết định tạm đình chỉ đó cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Trường hợp quyết định tạm đình chỉ không có căn cứ thì Viện kiểm sát ra quyết định hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ để tiếp tục giải quyết. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ, Viện kiểm sát phải gửi quyết định đó cho Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân đã tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố tiếp không quá 01 tháng kể từ ngày Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nhận được quyết định hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ.Việc Viện kiểm sát ra Quyết định hủy bỏ Quyết định tạm đình giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố khi không có căn cứ nhằm hạn chế việc ra Quyết định tạm đình chỉ một cách tùy tiện và để đảm bảo tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố được tiếp tục giải quyết theo đúng thời hạn và đúng qui định. Các trường hợp tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thì việc giám định, định giá tài sản hoặc tương trợ tư pháp vẫn tiếp tục được tiến hành cho đến khi có kết quả.
         
Thứ hai,
khi phát hiện việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm không đầy đủ, vi phạm pháp luật thì Viện kiểm sát yêu cầu Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thực hiện các hoạt động: “Tiếp nhận, kiểm tra, xác minh, ra quyết định giải quyết nguồn tin về tội phạm đầy đủ, đúng pháp luật; Kiểm tra việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm và thông báo kết quả cho Viện kiểm sát; Cung cấp tài liệu về vi phạm pháp luật trong việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm; Khắc phục vi phạm pháp luật và xử lý nghiêm người vi phạm; Yêu cầu thay đổi Điều tra viên, Cán bộ điều tra”.[1]
         
Thứ ba, giải quyết tranh chấp về thẩm quyền giải quyết nguồn tin về tội phạm. BLTTHS năm 2003 không quy định về vấn đề giải quyết tranh chấp về thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố mà chỉ quy định: “Viện kiểm sát có trách nhiệm kiểm sát việc giải quyết của Cơ quan điều tra đối với tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố”.[2] Thực tiễn hiện nay cho thấy có nhiều vụ việc có sự tranh chấp về thẩm quyền giải quyết, tuy nhiên chưa có văn bản nào hướng dẫn kể cả Thông tư liên tịch số 06/2013. Điều 150 BLTTHS năm 2015 đã khắc phục hạn chế này bằng cách quy định cụ thể thẩm quyền của Viện kiểm sát trong việc giải quyết tranh chấp.[3] Những quy định tại điều luật này cho thấy khi phát sinh tranh chấp về thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố giữa các Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thì trách nhiệm thuộc về Viện kiểm sát các cấp. Đây là quy định mới của BLTTHS năm 2015 nhằm khắc phục thiếu sót của BLTTHS năm 2003, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
         
Thứ tư,
yêu cầu Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra cung cấp tài liệu liên quan để kiểm sát việc giải quyết nguồn tin về tội phạm. Đây là hình thức kiểm sát gián tiếp, có thể được thực hiện thường xuyên hoặc khi Viện kiểm sát nhận được khiếu nại của các chủ thể cung cấp nguồn tin về tội phạm hoặc khi cần có thêm chứng cứ, tài liệu để kiểm tra, xác minh. Mục đích của hoạt động này nhằm giúp Viện kiểm sát nắm bắt được thực trạng giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra và có biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời nếu có sai phạm. 
         
Thứ năm,
thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác trong kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm theo quy định của BLTTHS năm 2015.
         
Những nhiệm vụ, quyền hạn nêu trên của Viện kiểm sát được bổ sung trong BLTTHS năm 2015 là rất cần thiết, tạo cơ sở pháp lý vững chắc, rõ ràng giúp nâng cao chất lượng kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết các nguồn tin về tội phạm; nâng cao tinh thần trách nhiệm của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra và cả Viện kiểm sát. Các nhiệm vụ, quyền hạn này có mối quan hệ mật thiết và hỗ trợ lẫn nhau mà Viện kiểm sát có thể linh hoạt sử dụng trong từng trường hợp cụ thể. 
         
2. Thực tiễn kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm đối với vụ án được khởi tố theo yêu cầu của bị hại

         
Theo quy định tại Điều 103 BLTTHS năm 2003 thì chỉ có CQĐT mới có thẩm quyền giải quyết nguồn tin về tội phạm nhưng phần lớn các địa phương, đặc biệt là các thành phố lớn, số vụ việc xảy ra rất nhiều, CQĐT cấp huyện không thể làm hết mọi việc. Do vậy một số lượng lớn tố giác, tin báo về tội phạm được giao cho lực lượng Công an cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn) tiếp nhận, xác minh ban đầu, sau đó mới chuyển lên cấp trên xử lý tiếp theo, trong đó có rất nhiều các vụ án thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu của người bị hại, vì các tội này thường là tội ít nghiêm trọng. Trên thực tế nhiều vụ án thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu của người bị hại xảy ra thì người bị hại đã gửi đơn đến Công an cấp cơ sở nơi xảy ra sự việc cũng là nơi xác minh ban đầu. Do chưa có quy định và hướng dẫn rõ ràng cũng như việc thiếu trách nhiệm của Công an cấp cơ sở nên có một số nơi người bị hại gặp không ít khó khăn trong việc đưa ra yêu cầu khởi tố, hoặc Công an cấp cơ sở không thụ lý giải quyết mà để mặc cho hai bên tự thỏa thuận trước dẫn đến nhiều trường hợp tin báo bị bỏ quên, hoặc tình trạng giấu tin. Ngoài ra, trên thực tế khi xảy ra các vụ cố ý gây thương tích thì Cơ quan điều tra thường không cử điều tra viên đến ngay hiện trường mà giao cho Công an xã tiến hành lập hồ sơ ban đầu, trong khi đó thì năng lực của Công an xã còn hạn chế dẫn đến chất lượng thông tin và chứng cứ thường phiến diện và không đầy đủ, từ đó gây khó khăn cho việc giải quyết tin báo, tố giác tội phạm.
         
Trên thực tế để kiểm sát hoạt động tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm đối với các vụ án thông thường nói chung và vụ án được khởi tố theo yêu cầu của bị hại nói riêng thì Viện kiểm sát đã thực hiện các đợt kiểm sát trực tiếp. Theo báo cáo tổng kết công tác kiểm sát năm của Viện kiểm sát tỉnh Gia Lai từ năm 2015 đến 06 tháng đầu năm 2017 thì toàn tỉnh đã tiến hành kiểm sát trực tiếp tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố là 332 đợt (tại Công an cấp xã, phường, thị trấn và Cơ quan điều tra), sau kiểm tra thì đã ban hành 47 kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm. Qua kiểm sát trực tiếp tại Công an cấp xã đã phát hiện 32 tin báo có dấu hiệu tội phạm (không có tin nào thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu của bị hại) nhưng Công an cấp xã lại quyết định xử phạt vi phạm hành chính, Viện kiểm sát cũng đã yêu cầu Công an xã chuyển ngay các tin này cho Cơ quan điều tra giải quyết theo thẩm quyền. Tiến hành khảo sát tại Viện kiểm sát nhân dân của 03 huyện (Chư Păh, Mang Yang, Ia Grai) và thành phố Pleiku thuộc địa bàn tỉnh Gia Lai từ năm 2015 đến 08 tháng đầu năm 2017 cho thấy thực trạng kiểm sát hoạt động tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm diễn ra như sau:
         
            Viện kiểm sát nhân dân huyện Chư Păh:
Năm Số đợt kiểm sát trực tiếp Số đơn vị đã tiến hành kiểm sát
2015 01 01
2016 10 10
Đến tháng 8/2017 08 08
 
          Viện kiểm sát nhân dân huyện Mang Yang:
Năm Số đợt kiểm sát trực tiếp Số đơn vị đã tiến hành kiểm sát
2015 05 05
2016 12 12
Đến tháng 08/2017 07 07
 
          Viện kiểm sát nhân dân thành phố PleiKu:
Năm Số đợt kiểm sát trực tiếp Số đơn vị đã tiến hành kiểm sát
2015 06 06
2016 12 12
Đến tháng 08/2017 12 12
 
          Viện kiểm sát nhân dân huyện Ia Grai:
Năm Số đợt kiểm sát trực tiếp Số đơn vị đã tiến hành kiểm sát
2015 04 01
2016 11 11
Đến tháng 08/ 2017 04 04
 
Dựa trên bảng số liệu có thể nhận thấy số đợt kiểm sát tăng dần qua từng năm, hay nói cách khác hoạt động kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm được thực hiện thường xuyên hơn. Dựa vào các bảng số liệu cho thấy Viện kiểm sát nhân dân thành phố PleiKu có số lần kiểm sát trực tiếp nguồn tin tội phạm là nhiều nhất và số lần tăng theo từng năm, bình quân mỗi năm sẽ kiểm tra 12 đợt tại Công an phường và xã (bao gồm Công an phường Diên Hồng, Phường Yên Thế, phường Tây Sơn, phường Thống nhất, Phường Yên Đỗ, phường Hoa Lư, phường Đống Đa, phường Diên Hồng, phường Trà Bá, xã Biển Hồ, xã An Phú, xã Gào), tiếp đến là Viện kiểm sát nhân dân huyện Mang Yang là có số đợt kiểm tra gần bằng Viện kiểm sát thành phố PleiKu và Viện kiểm sát nhân dân huyện Chư Păh là có số đợt kiểm sát nguồn tin về tội phạm ít nhất. Khảo sát tại 04 đơn vị trên thì để kiểm sát hoạt động tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm đối với các vụ án thông thường nói chung và vụ án được khởi tố theo yêu cầu của bị hại nói riêng thì các đơn vị trên chỉ tiến hành hoạt động kiểm sát trực tiếp. Thông qua việc kiểm tra sổ tiếp nhận và hồ sơ tin báo, tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố đối với các vụ án thông thường cũng như các vụ án được khởi tố theo yêu cầu của bị hại Viện kiểm sát có thể phát hiện các vi phạm, từ đó đưa ra kiến nghị khắc phục kịp thời. Khảo sát còn cho thấy tất cả kiến nghị của Viện kiểm sát đều được các đơn vị Công an cấp xã và Cơ quan Cảnh sát điều tra các huyện thực hiện nghiêm túc. Theo kết luận kiểm sát trực tiếp tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố từ năm 2015 đến tháng 08/2017 của các Viện kiểm sát nhân dân đã khảo sát thì có 30 tin báo thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu của người bị hại (25 tin về hành vi cố ý gây thương tích và 05 tin về hành vi hiếp dâm) khi tiếp nhận và giải quyết đã có những vi phạm nhất định. Đối với các trường hợp liên quan đến hành vi cố ý gây thương tích thì trong hồ sơ do Công an cấp xã lập không có lí lịch cá nhân, không có đơn từ chối giám định thương tích, đơn không yêu cầu khởi tố vụ án của người bị hại. Mặc dù các bên liên quan đã có biên bản thỏa thuận việc giải quyết, không có đơn thư khiếu kiện nhưng Công an xã chưa thu thập đầy đủ các tài liệu trên mà đã xử lý hành chính các đối tượng gây thương tích là chưa đủ căn cứ, hồ sơ vụ việc chưa chặt chẽ. Đây là những dạng vi phạm điển hình và phổ biến xảy ra tại các xã Ia O, Ia Chía, Ia Krái và Ia Tô, thuộc địa bàn huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai. Bên cạnh đó, một số tố giác của công dân về hành vi cố ý gây thương tích và hành vi hiếp dâm có dấu hiệu tội phạm nhưng Công an xã không đưa vào sổ tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, từ đó dẫn đến tình trạng bỏ quên tin, giấu tin và không giải quyết cho công dân. Một số hồ sơ tin báo về hành vi cố ý gây thương tích thì sau khi Cơ quan điều tra kết thúc việc xác minh đã không thông báo kết quả cho Viện kiểm sát, người bị hại cũng như cơ quan, tổ chức đã cung cấp thông tin. Một số tin báo khác cũng liên quan đến các vụ án cố ý gây thương tích và hiếp dâm thì sau khi tiếp nhận tin báo Công an xã thậm chí không thông báo cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền mà tự ý tiến hành thụ lý, giải quyết thông qua các hoạt động như lập lí lịch cá nhân, cho viết bản tự khai và lập biên bản ghi lời khai của các đối tượng, biên bản ghi lời khai của người bị hại, biên bản thỏa thuận việc bồi thường dân sự. Việc làm này của Công an xã là vi phạm quy định của BLTTHS năm 2003 và Thông tư liên tịch số 06/2013, gây khó khăn cho công tác điều tra, thu thập chứng cứ, đã tự ý dân sự và hành chính hóa các quan hệ hình sự, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Như đã đề cập, tất cả các vi phạm trên đã được Viện kiểm sát phát hiện và yêu cầu khắc phục, các đơn vụ cũng đã thực hiện theo yêu cầu và đều báo kết quả cho Viện kiểm sát.
         
3. Nguyên nhân của những hạn chế trong hoạt động
kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm đối với vụ án được khởi tố theo yêu cầu của bị hại
         
Quá trình kiểm sát các vụ án hình sự được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập xuất phát từ quy định của pháp luật tố tụng hình sự, bao gồm những quy định liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát  và những quy định liên quan đến khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại nói chung. Cụ thể như sau:
         
Thứ nhất,
pháp luật chưa quy định về thời hạn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự của bị hại hoặc người đại diện của họ. Điều 105 BLTTHS năm 2003 và Điều 155 BLTTHS năm 2015 về khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại đều không quy định thời hạn người bị hại được quyền yêu cầu khởi tố, nghĩa là về nguyên tắc họ có quyền yêu cầu khởi tố vụ án bất cứ lúc nào, hoàn toàn không bị giới hạn về mặt thời gian. Trong khi đó theo quy định tại khoản 2 Điều 103 BLTTHS năm 2003 thì thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm là 20 ngày, trường hợp phức tạp thì không quá 02 tháng.[4]
         
Trên thực tế qua quá trình kiểm sát thấy rằng có nhiều trường hợp quá 02 tháng nhưng người bị hại vẫn chưa yêu cầu khởi tố, cũng không thể hiện ý chí là không yêu cầu khởi tố vụ án, dẫn đến vụ việc chưa giải quyết được. Trong trường hợp này CQĐT không thể ra quyết định khởi tố vụ án vì chưa có yêu cầu khởi tố của người bị hại, cũng không thể ra quyết định không khởi tố vụ án vì không có căn cứ. Do đó CQĐT buộc phải chấp nhận vi phạm thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm.
         
Thứ hai,
trường hợp khởi tố theo yêu cầu của người bị hại đối với tội cố ý gây thương tích với các tình tiết “dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người”, “có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm” (điểm a, điểm i khoản 1 Điều 104 BLHS năm 1999)[5] gặp nhiều khó khăn khi áp dụng trong thực tiễn. Nhiều trường hợp cơ quan pháp luật không thể xử lý được vì người bị hại từ chối đi giám định thương tích và không yêu cầu khởi tố. Có vụ gây hậu quả nghiêm trọng nhưng do người gây án và người bị hại đã tự thỏa thuận về vấn đề bồi thường hoặc người bị hại, người thân của họ bị đối tượng gây án đe dọa, mua chuộc nên đã không hợp tác với CQĐT trong việc giám định, thu thập chứng cứ, tài liệu. Những trường hợp này xảy ra rất phổ biến trên thực tế, điển hình như 02 vụ án sau: 
           
Vụ án thứ nhất: Vào khoảng 21 giờ 00 ngày 12/09/2015 anh Nguyễn Thành Long đến quán cà phê Mỹ Linh thuộc tổ dân phố 7, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai để uống cà phê thì gặp Nguyễn Thanh Pháp và Lê Hữu Phước. Trong lúc ngồi uống cà phê thì anh Long và Pháp có nói qua nói lại dẫn đến cãi nhau nên Pháp và Phước đã dùng tay chân đánh vào người anh Long, anh Long bị đánh nên đã bỏ chạy ra ngoài đường thì Pháp và Phước lấy 01 gậy sắt dài khoảng 60cm và 01 con dao dài 20cm đuổi theo anh Long. Khi đuổi kịp Long thì Pháp dùng cây sắt đánh vào đầu anh Long 01 cái, sau đó dùng dao chém vào tay anh Long 02 nhát rồi bỏ chạy. Sau khi sự việc xảy ra, gia đình Pháp đã đến thỏa thuận và bồi thường cho anh Long 30 Triệu nên anh Long làm đơn bãi nại và từ chối giám định. Cơ quan điều tra đã nhiều lần mời anh Long lên làm việc và đề nghị đưa anh Long đi giám định thương tích nhưng anh Long từ chối và cố tình lẩn tránh không hợp tác nên Cơ quan điều tra không có căn cứ để khởi tố vụ án.
         
Vụ án thứ hai:  Vào khoảng 16 giờ ngày 28/02/2015 Vũ Văn Tuấn sang nhà anh Vũ Văn Cát tại tổ dân phố 4, thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai chơi thì có gặp Trần Văn Duy nên Tuấn yêu cầu Duy trả số tiền 300.000 đồng mà Duy nợ trước đó. Do Duy không có tiền để trả nên cả hai nói qua nói lại, trong lúc xảy ra cãi vã thì Tuấn lao vào đánh và đấm vào người Duy, Duy chống trả lại thì Tuấn liền chạy vào nhà ông Cát lấy 01 con dao dài 20cm rồi đuổi theo Duy và chém 03 nhát vào lưng Duy, sau đó Tuấn bỏ chạy, Duy được mọi người đưa đi cấp cứu. Sau khi sự việc xảy ra thì bà Nguyễn Thị Bắc là mẹ của Tuấn đã đến xin lỗi và bồi thường cho Duy số tiền 45.000.000 đồng nên Duy đã làm đơn bãi nại và từ chối giám định. Cơ quan điều tra đã nhiều lần mời anh Duy lên làm việc và đề nghị đưa anh Duy đi giám định thương tích nhưng anh Duy  từ chối và cố tình lẩn tránh không hợp tác nên Cơ quan điều tra không có căn cứ để khởi tố vụ án.
         
Việc BLTTHS quy định tội Cố ý gây thương tích thuộc trường hợp “dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người”, “có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm” chỉ được khởi tố khi bị hại hoặc đại diện của họ yêu cầu sẽ ảnh hưởng đến quá trình đấu tranh và xử lý tội phạm, đặc biệt đối với các trường hợp có tính chất côn đồ, hung hãn và sử dụng hung khí nguy hiểm để gây án như trong hai vụ án kể trên. Những hành vi này không chỉ gây thiệt hại cho bị hại mà còn cho cộng đồng, xã hội nên việc có khởi tố vụ án hay không không thể chỉ dựa vào ý chí của bị hại.
         
Thứ ba,
BLTTHS năm 2003 cũng như BLTTHS năm 2015 đều không qui định về hình thức yêu cầu khởi tố là gì. Mục 7.2 Thông tư liên tịch số 05/2005/TTLT ngày 07/9/2005 của VNSND tối cao, TAND tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng về mối quan hệ phối hợp giữa CQĐT và VKS trong việc thực hiện một số quy định của BLTTHS năm 2003 hướng dẫn: “Yêu cầu khởi tố của người bị hại hoặc của người đại diện thể hiện bằng đơn yêu cầu có chữ ký hoặc điểm chỉ của họ; nếu người bị hại hoặc người đại diện đến trực tiếp trình bày thì CQĐT, VKS phải lập biên bản ghi rõ nội dung yêu cầu khởi tố và yêu cầu họ ký hoặc điểm chỉ vào biên bản”. Như vậy, thông thường yêu cầu khởi tố của người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại được thể hiện trong đơn hoặc họ trực tiếp trình bày sau đó được lập thành biên bản ghi ý kiến hoặc biên bản ghi lời khai. Trong khoa học pháp lý cũng như thực tiễn áp dụng thì cả hai hình thức trên đều được chấp nhận và có giá trị pháp lý như nhau. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hình thức yêu cầu khởi tố do người bị hại trực tiếp trình bày có mặt hạn chế là dễ bị làm sai lệch hoặc người bị hại phủ nhận. Đó là trường hợp khi người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của bị hại trình bày yêu cầu thì cán bộ lập biên bản ghi lời khai vì lý do cá nhân nào đó hoặc trốn tránh không muốn giải quyết vụ việc đã phản ánh không trung thực yêu cầu của bị hại, đồng thời không giải thích cho người bị hại hay người đại diện của bị hại biết về quyền yêu cầu khởi tố và do thiếu hiểu biết về pháp luật, tin tưởng và phó mặc cho cơ quan có thẩm quyền xử lý, dẫn đến người thực hiện hành vi nguy hiểm không bị xử lý hình sự. Ngoài ra trên thực tế cũng xảy ra tình trạng người bị hại phủ nhận trước đó đã có yêu cầu khởi tố vụ án vì nhiều lý do khác nhau. Một phần xuất phát từ việc người bị hại trình bày miệng và mặc dù được cán bộ lập thành biên bản nhưng họ có thể nói rằng nội dung biên bản không đúng yêu cầu của họ. [6]
         
Thứ tư
, Điều 150 BLTTHS năm 2015 quy định cụ thể thẩm quyền của Viện kiểm sát trong việc giải quyết tranh chấp nguồn tin về tội phạm, tuy nhiên lại không có qui định về thời hạn mà Viện kiểm sát phải giải quyết tranh chấp này. Về giải quyết tranh chấp về thẩm quyền giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm, kiến nghị khởi tố thì Điều 150 quy định tranh chấp về thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố do Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp giải quyết. Tranh chấp thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra do Viện kiểm sát có thẩm quyền giải quyết. Qui định như trên là còn mang tính chung chung, không rõ ràng ở chỗ Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là cấp nào? Viện kiểm sát có thẩm quyền là Viện kiểm sát nào?
         
Thứ năm
, kỹ thuật lập pháp thể hiện qua Điều 160 BLTTHS năm 2015 còn một số hạn chế cần phải khắc phục. Trước hết, tên gọi và nội dung của điều luật này chưa phù hợp với nhau. Điều 160 có tên gọi là: “Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong việc tiếp nhận và kiểm sát việc giải quyết nguồn tin về tội phạm”. Tên gọi này không đề cập đến nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi thực hiện chức năng kiểm sát việc tiếp nhận nguồn tin về tội phạm nhưng nội dung của lại điều chỉnh cả vấn đề này. Bên cạnh đó, cách sử dụng từ ngữ tại khoản 2 Điều 160 trùng lặp và gây khó hiểu: “Kiểm sát việc tiếp nhận, trực tiếp kiểm sát, kiểm sát việc kiểm tra, xác minh và việc lập hồ sơ giải quyết nguồn tin về tội phạm…”.
         
Thứ sáu,
công tác kiểm sát việc giải quyết của CQĐT đối với tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố không chỉ trong phạm vi kiểm tra nội dung, xác minh khẳng định tính chính xác, trung thực của nguồn tin và xác định dấu hiệu tội phạm để quyết định vệc khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự nhằm thực hiện đúng nguyên tắc mọi hành vi phạm tội đều phải xử lý theo quy định của pháp luật, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội mà còn bao gồm cả việc đảm bảo thời hạn kiểm tra, xác minh nhằm xử lý kịp thời tội phạm. Để kiểm sát được chặt chẽ thời hạn giải quyết các nguồn tin về tội phạm của CQĐT thì VKS phải nắm được cụ thể nội dung của thông tin đó, phối hợp với với CQĐT để phân loại tố giác, tin báo tội phạm nào rõ ràng, đơn giản để giải quyết trong thời hạn 20 ngày; tin báo nào phức tạp để phân loại giải quyết trong thời hạn 02 tháng hoặc gia hạn thời hạn giải quyết tin báo. Việc phối hợp này giữa CQĐT và VKS phải được thể hiện bằng biên bản phân loại để làm căn cứ tính thời hạn trên. BLTTHS không quy định trường hợp nào là tin báo tội phạm đơn giản hay phức tạp để làm căn cứ kiểm sát. Thực tế có những vụ việc tố giác, tin báo về tội phạm phản ánh có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm thì không cần thiết phải chờ hết 20 ngày mới ra quyết định xử lý. Trong trường hợp nói trên thì VKS nên có biện pháp yêu cầu CQĐT quyết định khởi tố vụ án hình sự để tiến hành hoạt động điều tra.
         
Thứ bảy,
khoản 2 Điều 103 BLTTHS năm 2003 và khoản 1 Điều 147 BLTTHS năm 2015 quy định “trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải kiểm tra, xác minh và ra một trong các quyết định...”. Việc quy định thời hạn như trên còn chung chung dẫn đến thực tiễn có những quan điểm áp dụng khác nhau. Có quan điểm cho rằng: Thời hạn 20 ngày phải được tính từ ngày nhận được tin báo, tố giác tội phạm nghĩa là từ ngày được ghi trong biên bản mà CQĐT tiếp nhận tin báo, tố giác đó. Như vậy, theo quan điểm trên nếu tính từ khi CQĐT nhận được tin báo, tố giác thì sẽ dẫn đến có việc CQĐT không đôn đốc Công an xã, phường, thị trấn chuyển hồ sơ tiếp nhận tin báo lên CQĐT có thẩm quyền kịp thời nhằm kéo dài thời hạn giải quyết, ảnh hưởng đến quá trình thu thập chứng cứ giải quyết vụ án sau này, nhất là đối với những vụ việc liên quan đến việc giám định thương tích, định giá tài sản... Quan điểm khác cho rằng: đối với các vụ việc tố giác, tin báo có tổ chức khám nghiệm hiện trường thì ngày tính thời hạn giải quyết là ngày Kiểm sát viên tham gia khám nghiệm hiện trường; đối với các vụ việc đơn thư, tố cáo, tin báo của công dân, của cơ quan tổ chức... do cần phải có thời gian xác minh, phân loại nên thời hạn giải quyết đối với tố giác, tin báo về tội phạm được tính kể từ khi CQĐT phân loại, vào sổ thụ lý tố giác, tin báo về tội phạm và có quyết định phân công Phó thủ trưởng CQĐT và phân công Điều tra viên của Thủ trưởng CQĐT đối với các vụ việc đó. Như vậy là chưa có sự thống nhất trong việc tính thời hạn giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố.[7]
         
4. Kiến nghị nâng cao chất lượng công tác kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm đối với vụ án được khởi tố theo yêu cầu của bị hại

         
4.1. Kiến nghị về quy định pháp luật

         
Thứ nhất,
cần bổ sung qui định trong BLTTHS năm 2015 về thời hạn Viện kiểm sát phải giải quyết tranh chấp về thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Về giải quyết tranh chấp về thẩm quyền giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm, kiến nghị khởi tố quy định tranh chấp về thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố do Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp giải quyết thì cần nêu rõ là cấp nào. Đối với tranh chấp thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra do Viện kiểm sát có thẩm quyền giải quyết thì cần nêu rõ là Viện kiểm sát nào để tránh tình trạng lúng túng không biết là cấp nào khi xảy ra tranh chấp về thẩm quyền giải quyết.
         
Thứ hai,
để hạn chế trường hợp quá thời hạn giải quyết tố giác, tin báo tội phạm do người bị hại chậm yêu cầu khởi tố, cần đưa ra quy định về thời hạn yêu cầu khởi tố vụ án. Điều này một mặt nâng cao trách nhiệm, ý thức của người bị hại trong việc cân nhắc yêu cầu hay không yêu cầu khởi tố vụ án; mặt khác tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án, tránh tình trạng vi phạm thời hạn giải quyết và tồn đọng tin báo, tố giác về tội phạm.
         
Thứ ba,
hình thức yêu cầu khởi tố vụ án hình sự nên được qui định cụ thể trong BLTTHS. Theo đó, bị hại hoặc người đại diện của họ phải thể hiện yêu cầu khởi tố trong đơn yêu cầu. Trường hợp  trình bày trực tiếp thì sau khi cán bộ lập biên bản xong phải đọc lại toàn bộ nội dung biên bản, giải thích và ghi rõ trong biên bản, sau đó yêu cầu người bị hại kí tên hoặc điểm chỉ xác nhận.
         
Thứ tư,
cần loại bỏ tội Cố ý gây thương tích thuộc trường hợp quy định tại điểm a, điểm i khoản 1 Điều 104 BLHS năm 1999 “phạm tội có tính chất côn đồ và sử dụng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người”, “có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm” ra khỏi phạm vi những tội danh được khởi tố theo yêu cầu của bị hại. Đây là trường hợp hành vi có tính nguy hiểm cao cho xã hội, các đối tượng gây án thường có tính chất côn đồ, hung hãn, coi thường pháp luật và hành vi thường đi kèm với việc sử dụng hung khí nguy hiểm nên cần trừng trị nghiêm khắc.
         
Thứ năm
, sửa đổi tên gọi của Điều 160 BLTTHS năm 2015 cho phù hợp với nội dung của điều luật này. Cụ thể đó là: “Nhiệm vụ, quyền hạn của viện kiểm sát trong việc tiếp nhận và kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm”. Khoản 2 Điều 160 cũng nên điều chỉnh lại như sau: “Kiểm sát việc tiếp nhận, việc kiểm tra, xác minh và việc lập hồ sơ giải quyết nguồn tin về tội phạm…”
         
Thứ sáu,
việc xác định tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố nào là phức tạp để giải quyết trong thời hạn 02 tháng, tin báo nào giải quyết trong thời hạn 20 ngày còn phụ thuộc ý thức chủ quan của người áp dụng. Vì vậy cần hướng dẫn cụ thể để từ đó VKS có căn cứ kiểm sát thời hạn giải quyết, đồng thời tránh được việc lạm dụng thời giạn giải quyết tin báo đối với những vụ việc đơn giản.
         
Thứ bảy,
để đảm bảo tính thống nhất trong việc tính thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố cần thiết bổ sung và có hướng dẫn cụ thể về thời điểm bắt đầu tính thời hạn.
         
4.2. Kiến nghị về áp dụng pháp luật

         
Để tránh tình trạng tin báo, tố giác tội phạm thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu của người bị hại nhưng khi người bị hại đến để trình báo và đưa ra yêu cầu thì Công an cấp cơ sở gây khó khăn hoặc không nhiệt tình trong việc hướng dẫn cho họ mà bỏ mặc các bên tự thỏa thuận, dẫn đến tin báo bị bỏ quên hay trường hợp giấu tin thì cần phải giáo dục, nâng cao tinh thần trách nhiệm của Công an cấp cơ sở, đồng thời tập huấn nhằm nâng cao nghiệp vụ cho họ. Cần tổng hợp tài liệu và tổ chức hội nghị tập huấn cho tất cả lực lượng cán bộ Công an cấp xã về công tác tiếp nhận, thụ lý, phân loại, chuyển tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố; tập huấn chuyên sâu về biện pháp nghiệp vụ tiếp nhận thông tin, phân loại thông tin, phân biệt các nguồn tin về tội phạm với vi phạm hành chính, bảo vệ hiện trường, thu thập chứng cứ, lấy lời khai ban đầu, xây dựng hồ sơ nhằm đảm bảo Công an cấp xã có thể độc lập thực hiện các hoạt động này theo đúng qui định của pháp luật. Bên cạnh đó cũng nên có cơ chế khen thưởng, động viên kịp thời các cán bộ làm tốt nhiệm vụ. Ngược lại cần phê bình, kỉ luật nghiêm khắc, chính xác và kịp thời cán bộ có hành vi vi phạm trong hoạt động tiếp nhận và giải quyết nguồn tin về tội phạm. Đối với các trường hợp đã gây ra hậu quả thì cần phải có các chế tài để xử lý cho phù hợp.
         
Ngoài ra để thực hiện tốt chức năng kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm đối với các vụ án hình sự thông thường và vụ án hình sự được khởi tố theo yêu cầu của bị hại thì các Kiểm sát viên, cán bộ được phân công gồm Kiểm tra viên và chuyên viên giúp việc cần phải chủ động nghiên cứu để nắm vững quy định của BLTTHS, Luật tổ chức VKSND năm 2014 về trách nhiệm, thẩm quyền, thủ tục, thời hạn, các biện pháp giải quyết cũng như nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Kiểm sát viên, cán bộ được phân công phải thường xuyên kiểm tra chặt chẽ việc tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm tại các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật, kịp thời báo cáo lãnh đạo yêu cầu cơ quan, đơn vị khởi tố gồm Cơ quan điều tra và Cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc chuyển đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền để khởi tố, điều tra theo quy định của pháp luật. Thường kỳ hoặc bất thường báo cáo lãnh đạo trực tiếp kiểm sát tại Cơ quan điều tra, cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra trong việc tiếp nhận, xác minh, lập hồ sơ giải quyết nguồn tin về tội phạm. Tổng hợp vi phạm, kiến nghị để khắc phục những vi phạm mang tính điển hình, thường xuyên, kéo dài. Trong vòng 10 ngày trước khi hết thời hạn giải quyết nguồn tin về tội phạm, Kiểm sát viên phải chủ động nghiên cứu hồ sơ, phối hợp với Điều tra viên, người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra để đánh giá lại chứng cứ, nêu quan điểm xử lý và việc đánh giá này phải lập thành biên bản để làm căn cứ báo cáo lãnh đạo từng cơ quan thống nhất chỉ đạo giải quyết. Đây là biện pháp quan trọng để đảm bảo các nguồn tin về tội phạm được giải quyết đúng thời hạn, đảm bảo hiệu lực của chứng cứ và hạn chế mức thấp nhất việc “vênh” quan điểm giữa các cơ quan trách nhiệm giải quyết.
 
KẾT LUẬN

Kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố là một trong những chức năng của Viện kiểm sát. Đây là một nhiệm vụ rất vinh dự nhưng cũng rất nặng nề mà Viện kiểm sát nhân dân được Đảng và Nhà nước tin tưởng giao cho ngành kiểm sát. Đến nay, công tác kiểm sát hoạt động tư pháp đã đạt được những kết quả tốt góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ quyền và lợi ích của nhân dân, Nhà nước và toàn xã hội. Các quy định về trách nhiệm của Viện kiểm sát trong giai đoạn kiểm sát tin báo tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố đối với các vụ án được khởi tố theo yêu cầu của bị hại cũng như vụ án thông thường theo quy định của BLTTHS nhìn chung đã thể hiện được tính lý luận và thực tiễn. Bài viết đã phác họa một số khía cạnh của thực tiễn áp dụng vai trò của kiểm sát trong giai đoạn khởi tố thể hiện qua các quy định về kiểm sát tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố từ đó thấy rằng trong quá trình áp dụng, các quy định này cũng bộc lộ không ít những vướng mắc, bất cập. Bên cạnh đó, vẫn còn những hạn chế tồn tại mà toàn ngành kiểm sát phải xác định để có hướng phấn đấu khắc phục nhằm đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; công tác kiểm sát được tạo nhiều điều kiện thuận lợi nhưng cũng còn gặp không ít những khó nhăn, vướng mắc trên các phương diện cả về lý luận và thực tiễn.
         
Để góp phần vào việc tháo gỡ những khó khăn đó, tôi đã nghiên cứu để góp phần làm sáng tỏ một số vấn đề lý luận về giai đoạn kiểm sát nguồn tin về tội phạm đối với các vụ án được khởi tố theo yêu cầu của bị hại cũng như vụ án thông thường trong TTHS từ đó áp dụng pháp luật vào thực tiễn. Trên cơ sở sử dụng kết hợp các phương pháp nghiên cứu như phân tích, tổng hợp, thống kê, so sánh,  đánh giá thực trạng kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn này, các kết quả đã đạt được cần phát huy, các vấn đề tồn tại cũng như nguyên nhân của chúng. Từ đó đề ra một số giải pháp, kiến nghị cần thực hiện nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm sát hoạt động kiểm sát nguồn tin về tội phạm, đáp ứng với yêu cầu của thực tiễn cải cách tư pháp, chú trọng thực hiện tốt các biện pháp nghiệp vụ, quan tâm đến nhân tố con người, sớm xây dựng các văn bản pháp luật để các ngành tư pháp phối hợp thực hiện nhằm tạo điều kiện thuận lợi để Viện kiểm sát thực hiện tốt chức năng kiểm sát này.
 

[1] Khoản 3 Điều 160 BLTTHS năm 2015.
[2] Khoản 4 Điều 103 BLTTHS năm 2003.
[3] Theo đó: “(1) Tranh chấp về thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố do Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp giải quyết. Tranh chấp thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra do Viện kiểm sát có thẩm quyền giải quyết. (2) Tranh chấp về thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố giữa các Cơ quan điều tra cấp tỉnh, giữa các Cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu do Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát quân sự trung ương giải quyết; Tranh chấp về thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố giữa các Cơ quan điều tra cấp huyện thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác nhau, giữa các Cơ quan điều tra quân sự khu vực thuộc các quân khu khác nhau do Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu nơi đầu tiên tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố giải quyết. (3) Tranh chấp về thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố giữa các Cơ quan điều tra của Công an nhân dân, Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân và Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân Tối cao do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao giải quyết”.
[4] Khoản 2 Điều 147 BLTTHS năm 2015 bổ sung trường hợp gia hạn kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm: “Trường hợp chưa thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh trong thời hạn quy định tại khoản này thì Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền có thể gia hạn một lần nhưng không quá 02 tháng”.
[5] Điểm a, điểm m khoản 1 Điều 134 BLHS năm 2015 có sự điều chỉnh về từ ngữ: “dùng hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn gây nguy hại cho từ 02 người trở lên”, “có tính chất  côn đồ”.
[6] Nguyễn Đức Thái (2015), “khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại trong luật tố tụng hình sự Việt Nam”, luận án Tiến Sỹ.
[7] Vũ Thị Nhiên (2017), “kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn khởi tố vụ án hình sự theo luật Tố tụng hình sự Việt Nam” luận văn Thạc sỹ, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, tr87.


Tác giả bài viết: Lê Thị Kim Dung

Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyển đổi số
Hưởng ứng giải  Búa Liềm Vàng
Giải báo chí phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Công khai ngân sách
Mail công vụ
Thống Kê Truy Cập
  • Đang truy cập85
  • Hôm nay9,153
  • Tháng hiện tại141,237
  • Tổng lượt truy cập16,670,159
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây