Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh

Kinh nghiệm về một số giải pháp để thực hiện tốt việc triển khai, thi hành các đạo luật liên quan đến lĩnh vực tư pháp

Chủ nhật - 07/10/2018 22:47 2.375 0
Kỳ họp Thứ 10 Quốc hội khóa XIII đã thông qua 07 bộ luật, luật và 04 nghị quyết triển khai thi hành các bộ luật, luật liên quan đến lĩnh vực tư pháp, gồm
Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật dân sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam và Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự (sau đây gọi chung là các đạo luật về tư pháp); các Nghị quyết số 103/2015/QH13, số 104/2015/QH13, số 109/2015/QH13, số 110/2015/QH13. Đây là các đạo luật quan trọng, tạo cơ sở pháp lý cho công cuộc đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia; bảo vệ chế độ, quyền con người, quyền công dân; xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; bảo vệ và thúc đẩy kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa phát triển đúng hướng, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của Đất nước trong giai đoạn mới. Để kịp thời triển khai thi hành các bộ luật, luật và nghị quyết nêu trên, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-VKSTC ngày 12/01/2016 về việc triển khai thi hành Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật dân sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam và Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự trong ngành Kiểm sát nhân dân và Chỉ thị số 05/CT-VKSTC ngày 14/9/2017 về tăng cường công tác xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật trong ngành Kiểm sát nhân dân. Với ý nghĩa và tầm quan trọng đó, Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Gia Lai đã khẩn trương quán triệt và xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc 02 Chỉ thị nêu trên của Viện trưởng VKSND tối cao. Các giải pháp cụ thể đã chỉ đạo thực hiện và kết quả đạt được như sau:
         
Thứ nhất, về công tác quán triệt và chỉ đạo triển khai thực hiện: Ban Cán sự Đảng và Lãnh đạo VKSND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tổ chức quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 03/CT-VKSTC, Chỉ thị số 05/CT-VKSTC của Viện trưởng VKSND tối cao và Kế hoạch số 90/KH-VKSTC ngày 10/8/2017 của VKSND tối cao về thi hành các luật, nghị quyết, nhất là luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp Thứ 3 liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân; đồng thời ban hành Kế hoạch số 733/KH-VKS ngày 05/9/2017 để triển khai thực hiện trong toàn ngành Kiểm sát Gia Lai. Viện kiểm sát nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các Phòng nghiệp vụ thuộc VKSND tỉnh căn cứ Kế hoạch số 733/KH-VKS đã xây dựng Kế hoạch và Chương trình chi tiết của đơn vị mình để tổ chức thực hiện, trong đó đề ra các giải pháp, biện pháp, phân công nhiệm vụ cụ thể và ấn định lộ trình, thời gian bắt đầu, tiến độ thực hiện và thời gian hoàn thành, đồng thời có cơ chế kiểm tra, giám sát, đôn đốc, theo dõi, chỉ đạo và báo cáo kết quả thực hiện...

Thứ hai, tham mưu cấp ủy Đảng ban hành Chỉ thị triển khai thi hành các đạo luật về tư pháp trên địa bàn tỉnh: Để thống nhất nhận thức, triển khai thực hiện có hiệu quả các đạo luật về tư pháp trên địa bàn tỉnh, VKSND tỉnh Gia Lai đã chủ động đề xuất và tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai ban hành Chỉ thị số 05–CT/TU ngày 04 tháng 4 năm 2016 về triển khai thi hành các đạo luật liên quan đến lĩnh vực Tư pháp, nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, phát huy đầy đủ trách nhiệm của các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp trong đấu tranh phòng, chống và xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm. Đồng thời, Ban Cán sự Đảng VKSND tỉnh ban hành Kế hoạch số 12-KH/BCSĐ ngày 20/4/2016 để triển khai thực hiện Chỉ thị số 05–CT/TU trong toàn ngành Kiểm sát tỉnh Gia Lai.
         
Thứ ba, tham dự và tổ chức các hội nghị trực tuyến để tập huấn trong toàn ngành nội dung các đạo luật về tư pháp: 100% cán bộ, Kiểm sát viên, công chức VKSND hai cấp tỉnh Gia Lai đã tham dự đầy đủ, nghiêm túc với tinh thần trách nhiệm cao tại 03 Hội nghị trực tuyến do VKSND tối cao tổ chức, gồm: Hội nghị trực tuyến triển khai luật mới và tập huấn nghiệp vụ ngày 16/01/2016; Hội nghị trực tuyến triển khai và tập huấn các đạo luật về tư pháp tổ chức trong 04 ngày, từ ngày 03/4/2016 đến ngày 06/4/2016 và Hội nghị trực tuyến thông báo nhanh, triển khai thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp Thứ 3, liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân tổ chức ngày 28/7/2017.
         
Để nhận thức sâu hơn, đầy đủ hơn, trong 02 ngày, 29 và 30/9/2017, VKSND tỉnh tiếp tục tổ chức Hội nghị tập huấn chuyên sâu đến 100% cán bộ, công chức trong toàn ngành Kiểm sát Gia Lai, mời Báo cáo viên của Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học VKSND tối cao trực tiếp truyền đạt; có sự tham dự của các Điều tra viên, cán bộ thuộc Cơ quan điều tra Công an hai cấp và các cơ quan thông tấn, báo chí đến dự, đưa tin để tuyên truyền trong nhân dân. Bên cạnh đó, để đáp yêu cầu nhiệm vụ khi luật có hiệu lực thi hành trên thực tiễn, Viện trưởng VKSND tỉnh đã chỉ đạo các Phòng nghiệp vụ của tỉnh nghiên cứu, xây dựng 21 chuyên đề về các điểm mới của luật để tiếp tục tập huấn trong toàn Ngành; trong đó, năm 2016 có 08 chuyên đề tập huấn chuyên sâu vòng 2 về những điểm mới của Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật dân sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam và Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự; năm 2017 có 08 chuyên đề tập huấn chuyên sâu vòng 3 gắn với thảo luận, trao đổi, giải đáp khó khăn, vướng mắc trong nhận thức các đạo luật về tư pháp và năm 2018 đã tổ chức 05 chuyên đề tập huấn chuyên sâu vòng 4 khi Bộ luật hình sự, Bộ luật tổ tụng hình sự, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam và Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018. Toàn thể cán bộ, công chức VKSND hai cấp tỉnh Gia Lai đã tập trung học tập, quán triệt đầy đủ, sâu sắc nội dung truyền đạt tại các hội nghị tập huấn, nhất là các nội dung, yêu cầu mới đặt ra cho ngành Kiểm sát nhân dân; đồng thời xác định và coi đây là đợt sinh hoạt chính trị quan trọng để cập nhật kiến thức mới và nắm vững quy định của pháp luật, tạo sự thống nhất về mặt nhận thức, nâng cao tinh thần trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo trong quá trình thi hành, áp dụng pháp luật trên thực tiễn.
         
Thứ tư, phát động phong trào học tập, quán triệt các đạo luật mới trong toàn ngành Kiểm sát Gia Lai: Viện trưởng VKSND tỉnh đã phát động phong trào học tập, nghiên cứu, quán triệt sâu rộng các đạo luật mới về tư pháp trong toàn ngành Kiểm sát Gia Lai; đưa việc học tập, quán triệt các đạo luật mới vào đầu giờ các buổi sáng cho đến hết năm 2018 và xem đây là một nhiệm vụ quan trọng đặc biệt trong việc đảm bảo thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai trong tình hình mới. Theo đó, việc học tập, quán triệt luật về tư pháp đã được các đơn vị chủ động lồng ghép trong thời gian đọc báo, triển khai công tác vào đầu giờ các buổi sáng hằng ngày và đã trở thành phong trào học tập chung và là việc làm thường xuyên không thể thiếu của mỗi cán bộ, công chức VKSND hai cấp tỉnh Gia Lai.
         
Thứ năm, tổ chức Cuộc thi “Chúng tôi là Kiểm sát viên” theo hình thức gameshow để tìm hiểu, tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân các quy định mới của Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật dân sự và Bộ luật tố tụng dân sự, theo đó: Năm 2016 đã tổ chức thành công Cuộc thi với 20 đội thi đến từ VKSND hai cấp, thi đấu 03 vòng (Khởi động, Dân hỏi – Viện kiểm sát trả lời và Người bảo vệ pháp luật) để tìm hiểu và tuyên truyền các quy định mới của Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự; đồng thời tham gia tích cực và đạt Giải ba Cuộc thi khu vực phía Nam do VKSND tối cao tổ chức. Trong tháng 7 năm 2018 tiếp tục tổ chức cuộc thi này lần thứ hai để tìm hiểu, tuyên truyền về Bộ luật dân sự, Bộ luật tố tụng dân sự, với sự tham gia của 20 đội thi và trên 200 cán bộ, Kiểm sát viên. Việc tổ chức Cuộc thi “Chúng tôi là Kiểm sát viên” nhằm mục đích tiếp tục tuyên truyền, phổ biến Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật dân sự, Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 đến toàn thể cán bộ, công chức trong Ngành và mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh; tạo tinh thần sôi nổi nghiên cứu, học tập trong toàn thể cán bộ, công chức ngành Kiểm sát Gia Lai, từ đó triển khai áp dụng các quy định của pháp luật vào thực tiễn đạt hiệu quả cao. Thông qua cuộc thi, lan tỏa đến mọi người dân hiểu được trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng trong việc tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân; giúp người dân nâng cao nhận thức về pháp luật, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và nền pháp chế xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, xây dựng hình ảnh người cán bộ Kiểm sát: “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm, bản lĩnh, kỷ cương, trách nhiệm”; qua đó, khơi dậy lòng tự hào về Ngành trong toàn thể cán bộ, công chức và người lao động; góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm, kỹ năng nghiệp vụ của cán bộ, Kiểm sát viên và nâng cao vị thế của ngành Kiểm sát nhân dân.
         
Thứ sáu, chỉ đạo rà soát, phối hợp với cơ quan chức năng sửa đổi, xây dựng mới và ký kết các quy chế phối hợp công tác phù hợp với quy định mới của các đạo luật về tư pháp: Ngay khi các đạo luật mới về tư pháp được ban hành, Viện trưởng VKSND tỉnh đã chỉ đạo toàn ngành tiến hành rà soát lại các Quy chế tổ chức hoạt động trong ngành, các Quy chế phối hợp trong thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp để kịp thời sửa đổi, bổ sung. Theo đó, đơn vị đã ban hành mới 31 Quy chế tổ chức và hoạt động của VKSND tỉnh, VKSND cấp huyện và các đơn vị trực thuộc VKSND tỉnh phù hợp với Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và các đạo luật mới về tư pháp để bảo đảm thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của Ngành, đáp ứng yêu cầu triển khai thi hành các đạo luật mới trên thực tiễn. Bên cạnh đó, Viện kiểm sát hai cấp đã phối hợp với cơ quan chức năng có liên quan tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung, ký kết ban hành mới hơn 20 quy chế phối hợp như: Quy chế phối hợp trong việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; Quy chế phối hợp trong tổ chức phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp; Quy chế phối hợp trong công tác thi hành án hình sự; Quy chế phối hợp trong công tác tạm giữ, tạm giam; Quy chế phối hợp trong công tác thi hành án dân sự và nhiều quy chế khác trong công tác phối hợp liên ngành…
         
Thứ bảy, phối hợp tốt với các cơ quan chức năng, cơ quan thông tấn, báo chí trong công tác tuyên truyền các đạo luật mới về tư pháp: Phối hợp với Tạp chí Kiểm sát, Báo Bảo vệ pháp luật đưa tin, đăng tải gần 100 tin, bài về việc triển khai thực hiện các đạo luật tư pháp gắn với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành. Trang thông tin điện tử VKSND tỉnh đã đăng tải trên 300 tin, bài và mở nhiều chuyên trang, chuyên mục để giới thiệu, tuyên truyền nội dung các đạo luật mới về tư pháp như: Chuyên mục “Tủ sách điện tử”, “Công tố - Kiểm sát”, “Văn bản pháp luật”…trong đó, đã ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin, các tiện ích, phần mềm tin học để xây dựng và phát hành hơn 50 “Sách điện tử” hệ thống các văn bản pháp luật, nhất là các luật mới về tư pháp để tuyên truyền, giới thiệu tới bạn đọc và quần chúng nhân dân. Một số đơn vị Viện kiểm sát cấp huyện (Chư sê, Chư Păh…) đã phối hợp với các cơ quan tư pháp, giáo dục và Đoàn thanh niên để tổ chức các phiên tòa giả định để tuyên truyền, cung cấp thông tin pháp luật đến gần 1000 lượt học sinh các trường trung học phổ thông trên địa bàn huyện. 100% Viện kiểm sát cấp huyện phối hợp tốt với Tòa án nhân dân tổ chức hàng trăm phiên tòa xét xử lưu động để tuyên truyền pháp luật trong nhân dân. Ngoài ra, đã phối hợp với Truyền hình Kiểm sát nhân dân và Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Gia Lai xây dựng và phát sóng trên 20 Video Clip các phóng sự ngắn giới thiệu, tuyên truyền về các đạo luật mới về tư pháp và việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát trong quá trình triển khai thi hành các đạo luật về tư pháp trên thực tiễn…Các tổ chức đoàn thể như Công đoàn, Chi đoàn, Chi hội Luật gia cũng tích cực tham gia tuyên truyền pháp luật thông qua các kỳ đại hội, những buổi sinh hoạt định kỳ và nhiều đợt tình nguyện về cơ sở tại các thôn, làng vùng sâu, vùng xa (điển hình như: tại Làng Ó, xã Ia Tôr, huyện Chư Prông; Bôn Ia Rniu, xã Ia Broăi, huyện Ia Pa; xã Ia Phang, huyện Chư Pưh; xã Ia Rbol và Ia Rto, thị xã Ayun Pa…) để trợ giúp pháp lý, cung cấp thông tin, tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật tới hàng trăm lượt bà con nhân dân.

Thứ tám, chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp về nghiệp vụ để thực hiện tốt các đạo luật mới về tư pháp: Hằng năm, lựa chọn ít nhất 02 khâu công tác đột phá để chỉ đạo toàn ngành tập trung đề ra các giải pháp, tổ chức thực hiện gắn với việc thi hành các đạo luật mới về tư pháp nhằm khắc phục tồn tại, hạn chế, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành, điển hình như việc tăng cường thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, bảo đảm không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội; nâng cao chất lượng công tác kiểm sát, tham gia phiên tòa, phiên họp giải quyết các vụ, việc dân sự, vụ án hành chính, hạn chế thấp nhất việc hủy án, sửa án có trách nhiệm của Viện kiểm sát… Trong lĩnh vực thực hành quyền công tố, đã chỉ đạo các đơn vị đề ra chỉ tiêu cao hơn so với chỉ tiêu của ngành để phấn đấu thực hiện, nâng cao chất lượng các cuộc trực tiếp kiểm sát và tiến hành sớm hơn, mở rộng hơn về đối tượng đến Cơ quan điều tra cấp huyện, Công an cấp xã và các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Tăng cường trách nhiệm công tố trong việc phê chuẩn các lệnh, quyết định và nâng cao chất lượng văn bản đề ra yêu cầu kiểm tra, xác minh giải quyết tin báo, văn bản đề ra yêu cầu điều tra. Chỉ đạo thực hiện 10 nhóm giải pháp trọng tâm về nghiệp vụ để thực hiện nhiệm vụ chống oan, sai và chống bỏ lọt tội phạm và đề ra 04 nhóm giải pháp cơ bản để nâng cao chất lượng công tác kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự, hành chính; đồng thời tăng cường tổ chức giao ban trực tuyến định kỳ hằng tháng để đánh giá, chỉ đạo rà soát, kiểm tra tiến độ thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ, qua đó kịp thời nắm bắt, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về nghiệp vụ cho cấp huyện và những vụ án, vụ việc phức tạp, có dấu hiệu oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm. Nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên, tham gia có chất lượng 100% các phiên tòa, phiên họp giải quyết các vụ, việc dân sự thuộc trường hợp Viện kiểm sát phải tham gia theo quy định của pháp luật. Tăng cường và đã ban hành 145 thông báo rút kinh nghiệm và 58 văn bản trả lời thỉnh thị cho cấp huyện; phối hợp với liên ngành tư pháp bàn và chỉ đạo nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thi hành các đạo luật mới về tư pháp, nhất là việc áp dụng Bộ luật hình sự năm 2015 về các quy định có lợi cho người phạm tội…Trong công tác thi đua, khen thưởng đã lựa chọn, giới thiệu 10 lượt đơn vị có phương pháp, cách làm hay, đạt hiệu quả cao để phổ biến, nhân rộng trong toàn Ngành cùng nghiên cứu, tham khảo, vận dụng để nâng cao hiệu quả công tác. Qua đó, trình độ năng lực và kỹ năng kiểm sát, kỹ năng tranh tụng, tham gia phiên tòa, phiên họp của Kiểm sát viên đã được tăng cường; công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát giải quyết các vụ án hình sự, kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự, vụ án hành chính được nâng cao cả về số lượng và chất lượng, hạn chế được án bị hủy, sửa có trách nhiệm của Kiểm sát viên; tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, làm tốt công tác chống oan, sai và chống bỏ lọt tội phạm ngay từ giai đoạn đầu của hoạt động tố tụng hình sự.
         
Tóm lại, qua triển khai thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả 08 nhóm giải pháp cơ bản như đã nên ở trên, trong thời gian qua Viện kiểm sát nhân dân hai cấp tỉnh Gia Lai đã thực hiện hiện tốt các Chỉ thị số 03/CT-VKSTC ngày 12/01/2016, Chỉ thị số 05/CT-VKSTC ngày 14/9/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao và Chỉ thị số 05–CT/TU ngày 04/4/2016 của Tỉnh ủy Gia Lai về triển khai thi hành các đạo luật liên quan đến lĩnh vực tư pháp. Đến nay, việc áp dụng, thi hành các đạo luật mới về tư pháp trong công tác điều tra, truy tố, xét xử bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không có trường hợp oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm, góp phần tích cực cùng các cơ quan tư pháp làm tốt công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
          Qua đây, chúng tôi rút ra một số bài học kinh nghiệm trong công tác tổ chức triển khai thi hành pháp luật, nhất là các đạo luật có liên quan trực tiếp đến chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân như sau:
          Một là, thực hiện tốt vai trò tham mưu, tranh thủ sự lãnh đạo của Đảng và chính quyền, nhất là công tác tổ chức, phân công nhiệm vụ, tăng cường phối hợp, có cơ chế chỉ đạo, giám sát, kiểm tra và báo cáo kết quả thực hiện. Kịp thời nắm bắt, đánh giá đúng thực trạng và nguyên nhân ưu điểm, khó khăn, vướng mắc để đề ra các giải pháp khắc phục, tránh tình trạng thực hiện chung chung hoặc chỉ qua văn bản, báo cáo và xa rời thực tiễn khi thi hành pháp luật.
          Hai là, ngoài việc thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành, cần chú trọng theo dõi việc thi hành pháp luật, đồng thời căn cứ tình hình thực tiễn tại địa phương, lựa chọn những khâu công tác đột phá, lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm gắn với thực tiễn thi hành pháp luật; từ đó tiến hành kiểm tra, rà soát chuyên sâu, nhằm tìm ra những hạn chế bất cập trong thi hành pháp luật để đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc kịp thời hướng dẫn, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao về mặt nhận thức trong quá trình áp dụng pháp luật.
          Ba là, việc quán triệt, triển khai thi hành các đạo luật mới, nhất là những luật có liên quan trực tiếp đến chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát nhân dân phải gắn liền với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo hướng vừa đa dạng về hình thức, vừa chuyên sâu về nội dung; chú trọng phối hợp, trao đổi, thông tin nhiều chiều giữa cấp trên với cấp dưới và giữa các ngành chức năng có liên quan với nhau để cùng có “tiếng nói chung” trong nhận thức và hành động.     
          Bốn là, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tập huấn, sơ kết, tổng kết và tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để việc tiếp cận thông tin pháp luật phong phú hơn về nội dung và đa dạng hơn về hình thức, phương pháp, cũng như cách thức tiếp cận và lĩnh hội, từ đó triển khai các quy định của pháp luật vào thực tiễn đạt hiệu quả cao.
          Năm là, triển khai đồng bộ các giải pháp về nghiệp vụ để nâng cao chất lượng công tác gắn với việc quán triệt, tổ chức thi hành quy định mới của pháp luật, chú trọng nhân rộng các điền hình làm tốt để các đơn vị khác cùng tham khảo, học tập, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chung trong công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm./.  
 

Tác giả bài viết: Nguyễn Thành Duy

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp 

Chuyển đổi số
Hưởng ứng giải  Búa Liềm Vàng
Giải báo chí phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Công khai ngân sách
Mail công vụ
Thống Kê Truy Cập
  • Đang truy cập45
  • Hôm nay2,889
  • Tháng hiện tại452,114
  • Tổng lượt truy cập17,335,904
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây