Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai

https://vksnd.gialai.gov.vn


Viện KSND huyện Kbang kiến nghị phòng ngừa tình trạng tảo hôn, vi phạm pháp luật về Hôn nhân và Gia đình trên địa bàn huyện

Thực hiện Kế hoạch công tác số: 01/KH-VKS ngày 17/01/2022 và Chương trình công tác số: 01/CTr-VKS ngày 19/01/2022 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Kbang; Kế hoạch số: 01/KH-VKS ngày 19/01/2022 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Kbang về thực hiện khâu đột phá trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, hành chính, lao động, phá sản và những việc khác theo quy định của pháp luật năm 2022.
Theo đó, Viện kiểm sát nhân dân huyện Kbang xác định khâu đột phá là “Nâng cao chất lượng công tác kháng nghị, kiến nghị và kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án trong giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hành chính”. Ngoài ra, Viện kiểm sát nhân dân huyện Kbang xác định thêm khâu đột phá là: “Nâng cao công tác kiến nghị phòng ngừa trong việc giải quyết các vụ việc dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại và các việc khác theo quy định của pháp luật”. Đơn vị đã tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm, chỉ tiêu đã nêu trên; triển khai thực hiện các biện pháp đột phá phù hợp, bảo đảm đạt và vượt mức chỉ tiêu công tác theo quy định, hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2022.
Qua công tác kiểm sát việc thụ lý, giải quyết các vụ án Hôn nhân và Gia đình của Tòa án nhân dân huyện Kbang từ năm 2020 đến tháng 5/2022, Viện kiểm sát nhân dân huyện Kbang nhận thấy tình trạng ly hôn trên địa bàn huyện Kbang có xu hướng gia tăng, trẻ hóa ngày càng nhiều. Với ý nghĩa gia đình là tế bào của xã hội, việc duy trì, gìn giữ hạnh phúc gia đình là quan trọng, Viện kiểm sát nhân dân huyện Kbang xây dựng kế hoạch để kiến nghị các cấp, các ngành có biện pháp phòng ngừa nhằm giảm thiểu tình trạng ly hôn của các cặp vợ chồng trẻ hiện nay.
Ngày 15/6/2022, Viện kiểm sát nhân dân huyện Kbang đã ra công văn số: 79/CV-VKS gửi Ủy ban nhân dân 14 xã, thị trấn trên địa bàn huyện, yêu cầu rà soát, thông báo thực trạng nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng, nhưng chưa đủ tuổi kết hôn hoặc số cặp vợ chồng chung sống với nhau như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn (thời điểm từ ngày 01/01/2020 đến ngày 30/5/2022). Kết quả như sau:
1. Tình trạng nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng, nhưng chưa đủ tuổi kết hôn. Kết quả rà soát của 14 Ủy ban nhân dân xã, thị trấn trên địa bàn huyện có 05/14 xã, cụ thể:
- Tại địa bàn thị trấn Kbang có 06 cặp gồm: Làng Náck: 03 trưởng hợp; Làng Chre: 01 trường hợp; Làng H’Tăng: 02 trường hợp. Trong đó trường hợp nhỏ tuổi nhất là nữ sinh năm 2009, kết hôn tháng 3/2022 (mới hơn 13 tuổi). Tất cả đều chưa có con chung. Chính quyền địa phương đã tuyên truyền, vận động yêu cầu chấm dứt tình trạng chung sống như vợ chồng khi chưa đủ tuổi kết hôn, xử lý vi phạm hành chính đối với 03 trường hợp. Tuy nhiên, một số gia đình vẫn tổ chức hỏi cưới cho con và còn chung sống 03 trường hợp (Theo báo cáo do UBND thị trấn Kbang lập ngày 03/8/2022);
- Tại địa bàn xã Tơ tung có 19 cặp gồm: Làng KLếch: 02 trường hợp; Làng Đồng Tâm: 02 trường hợp; Làng Kuk Tung: 04 trường hợp; Làng Leng: 02 trường hợp; Làng Đak Pơ Kao: 03 trường hợp; Làng Đầm Khương: 04 trường hợp; Làng Sơ Tơr: 02 trường hợp. Trong đó trường hợp nhỏ tuổi nhất là nữ sinh năm 2007, kết hôn khi mới 15 tuổi. Hiện tất cả vẫn còn chung sống với nhau (Theo báo cáo do UBND xã Tơ Tung lập ngày 30/6/2022);
- Tại địa bàn xã Sơn Lang có 03 cặp gồm: Làng Đăk Asêl: 02 trường hợp; Làng Hà Nừng: 01 trường hợp. Trong đó trường hợp nhỏ tuổi nhất là nam sinh năm 2004, kết hôn lúc mới 18 tuổi. Hiện tất cả vẫn còn chung sống với nhau (Theo báo cáo số: 69/UBND ngày 30/6/2022);
- Tại địa bàn xã Đông: 01 cặp tại thôn 1, xã Đông. Trong đó, người vợ sinh năm 2004, kết hôn khi chưa đủ 15 tuổi, chưa có con chung. Chính quyền địa phương đã tuyên truyền, vận động chấm dứt tình trạng chung sống như vợ chồng khi chưa đủ tuổi kết hôn. Tuy nhiên, họ vẫn không chấp hành và còn chung sống, duy trì quan hệ vợ chồng (Báo cáo số: 107/UBND-BC ngày 30/6/2022);
- Tại địa bàn xã Lơ Ku có 14 cặp gồm: Làng Đăk Jông: 03 trường hợp; Làng Chợt: 03 trường hợp; Làng Lợk: 02 trường hợp; Làng Tăng: 02 trường hợp; Làng Lơ Vi: 01 trường hợp; Làng Bôn: 03 trường hợp. Trong đó, trường hợp nhỏ tuổi nhất là nữ sinh năm 2007, kết hôn khi mới 14 tuổi, chưa có con chung. Chính quyền địa phương đã tuyên truyền, xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, 14 cặp vợ chồng vẫn còn chung sống, duy trì quan hệ vợ chồng (Báo cáo số: 115/BC-UBND ngày 29/6/2022);

Phiên tòa xét xử vụ án hình sự của Kbang (ảnh minh họa)

2. Tình trạng nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng, nhưng không đăng ký kết hôn. Kết quả rà soát của 14 Ủy ban nhân dân xã, thị trấn trên địa bàn huyện có 03/14 xã, cụ thể:
- Tại địa bàn xã KonPne hiện có 17 cặp vợ chồng (Báo cáo số: 103/BC-UBND ngày 05/7/2022);
- Tại địa bàn xã Krong có 02 cặp vợ chồng (Báo cáo số: 95/BC-UBND ngày 04/8/2022);
- Tại địa bàn xã Lơ Ku có 03 cặp vợ chồng (Báo cáo số: 115/BC-UBND ngày 29/6/2022).
- Tại địa bàn xã Sơ Pai có 03 cặp vợ chồng (Báo cáo của UBND xã Sơ Pai ngày 15/8/2022).
Theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thìKết hôn” là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật này về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn; “Chung sống như vợ chồng là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng; “Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 của Luật Hôn nhân và Gia đình, nghĩa là đ tuổi kết hôn của nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên. Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình và pháp luật về hộ tịch (Điều 9). Tuy nhiên, theo danh sách từ Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn cung cấp thì nữ giới chưa đủ điều kiện về tuổi kết hôn chiếm đa số, nằm trong độ tuổi từ trên 13 đến dưới 18 tuổi. Số ít là nam giới nằm trong độ tuổi từ trên 18 đến dưới 20 tuổi. Tất cả đều là người dân tộc thiểu số (Ba na), sinh sống tại các thôn, làng.
Điển hình một số trường hợp:
- Đinh Thị Hiệp (nữ, sinh năm 2007, trú tại làng Lợk, xã Lơ Ku) lấy chồng khi mới hơn 14 tuổi.
- Đinh Thị Thèng (nữ, sinh năm 2008, trú tại làng Nack, thị trấn Kbang) lấy chồng khi mới hơn 14 tuổi.
- Đinh Thị Thiêm (nữ, sinh năm 2009, trú tại làng H’Tăng, thị trấn Kbang) lấy chồng khi mới hơn 13 tuổi.
- Đinh Thị Lái (nữ, sinh năm 2007, trú tại làng Kuk Tung, xã Tơ Tung) lấy chồng khi mới hơn 15 tuổi.
- Đinh Thị My (nữ, sinh năm 2007, trú tại làng Đăk Pơ Kao, xã Tơ Tung) lấy chồng khi mới hơn 15 tuổi.
- Hứa Xuân Đạo (nam, sinh năm 2004, trú tại làng Đăk A Sêl, xã Sơn Lang) lấy vợ khi chưa đủ 18 tuổi.
Theo thông tin của Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn cung cấp thì nguyên nhân của thực trạng này là do ảnh hưởng của tập quán lạc hậu ăn sâu vào nhận thức của người dân, chi phối trong đời sống, sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số, lấy vợ, lấy chồng sớm để có thêm lao động, để có đông con, nhiều cháu... Về phía chính quyền địa phương đã có các biện pháp như tuyên truyền, giáo dục pháp luật đến nhân dân, xử phạt vi phạm hành chính, nhưng các cặp nam nữ này vẫn không chấp hành, tiếp tục chung sống như vợ chồng. Nghiêm trọng hơn, họ có thể tự tử nếu không cho họ tiếp tục sống chung.
Viện kiểm sát nhân dân huyện Kbang nhận thấy, để tiến đến hôn nhân hạnh phúc, bền vững thì điều cơ bản, nam nữ thanh niên cần có đủ thời gian để phát triển về thể chất, tâm, sinh lý, đảm bảo sức khỏe giống nòi, hạn chế con sinh ra bị ốm đau, bệnh tật. Các nam, nữ thanh niên cần được trang bị cho bản thân vốn kiến thức, kinh nghiệm cuộc sống, vốn nghề nghiệp để tự nuôi sống bản thân, tránh dựa dẫm vào gia đình cha mẹ bên vợ, bên chồng. Khi khó khăn về kinh tế thì biết cách vượt qua để tránh xảy ra tình trạng túng quẫn, mâu thuẫn vợ chồng, ảnh hưởng đến cuộc sống hôn nhân.
Theo quy định của Bộ luật Hình sự, người nào đủ 18 tuổi trở lên mà giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi…thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 145 Bộ luật Hình sự). Về hình phạt: Khung 1 có hình phạt từ 01 năm đến 05 năm tù; Khung 2 có hình phạt từ 03 năm đến 10 năm tù. Khung 3 có hình phạt từ 07 năm đến 15 năm tù.
Tại Chương XIII Bộ luật Hình sự quy định các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình, trong đó có quy định tội danh liên quan đến các bậc đại diện cho con trẻ khi đứng ra tổ chức đám cưới cho người chưa đủ điều kiện về tuổi kết hôn theo quy định (Điều 183 quy định Tội tổ chức tảo hôn: “Người nào tổ chức việc lấy vợ, lấy chồng cho những người chưa đủ tuổi kết hôn… thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm”; Điều 181 quy định Tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện: “Người nào cưỡng ép người khác kết hôn trái với sự tự nguyện của họ…thì bị phạt cảnh cảnh, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm...”).

Phiên tòa xét xử vụ án hình sự của Kbang (ảnh minh họa)

Để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng ly hôn ở các cặp vợ chồng trẻ hiện nay, nhằm giảm thiểu và tiến tới không còn tình trạng nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng, chưa đủ điều kiện về độ tuổi kết hôn, đồng thời phòng ngừa vi phạm và tội phạm liên quan đến tảo hôn, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Kbang đã ra Bản kiến nghị số: 03/KN-VKS ngày 08/9/2022, kiến nghị đối với Trưởng phòng tư pháp huyện Kbang và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kbang, tập trung tổng lực các tổ chức và đoàn thể để vận động, tuyên truyền đến đông đảo quần chúng nhân dân, nhất là các thôn làng người dân tộc thiểu số, cần chấp hành đúng pháp luật, quy định của Nhà nước về tuổi kết hôn và việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình và pháp luật về hộ tịch. Đồng thời, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ, sự ảnh hưởng tích cực của những người lớn tuổi, có uy tín trong các thôn làng để người dân tự ý thức tuân thủ đúng pháp luật của Nhà nước.
Tin tưởng rằng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, đoàn thể quần chúng, tình trạng nam nữ sống chung với nhau như vợ chồng nhưng chưa đủ tuổi kết hôn (Tảo hôn) trên địa bàn huyện Kbang sớm được xóa bỏ, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân tốt hơn. Hạn chế đến mức thấp nhất các vi phạm pháp luật khác liên quan đến tình trạng này.

Tác giả bài viết: Nguyễn Chí Đại

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây