Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai

https://vksnd.gialai.gov.vn


VKSND huyện Đak Pơ kiến nghị phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm cố ý gây thương tích trên địa bàn xã Yang Bắc

Qua công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự, Viện kiểm sát nhân dân huyện Đak Pơ nhận thấy trong thời gian qua trên địa bàn huyện Đak Pơ nói chung và xã Yang Bắc nói riêng loại tội phạm xâm phạm sức khỏe người khác xảy ra nhiều, gây tâm lý lo lắng trong quần chúng nhân dân, làm ảnh hưởng đến tình hình trật tự trị an trên địa bàn.
Điển hình như: Vào ngày 20/4/2019 và ngày 21/4/2019 tại Làng Jrotơng, xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai xảy ra vụ đánh nhau, gây rối trật tự công cộng giữa thanh niên các làng Krông Hra, làng Krông Ktu và làng Kleo Ktu, xã Yang Bắc. Vụ việc gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự tại địa phương. Hậu quả; Đinh Srữ (SN 1996), Đinh Đêm (SN 1994), Đinh Triêu (SN 19977), Đinh Nghên (SN 1978), Đinh Văn Tuyn (SN 2001) cùng trú tại Làng Đak yang, xã Yang Bắc; Đinh Đinh Hinh (SN 2001) và Đinh Lợi (SN 2001) trú tại làng Jrotơng, xã Yang Bắc; Đinh Mưt (SN 2000) trú tại làng Kleo, xã Yang Bắc; Đinh Hir (SN 1996) trú tại làng Krông ktu, xã Yang Bắc bị thương.  

Phiên tòa xét xử hình sự về tội “Cố ý gây thương tích”
Nguyên nhân xảy ra tình hình vi phạm và tội phạm Cố ý gây thương tích:
Hầu hết các vụ Cố ý gây thương tích xảy ra đều do người phạm tội đã uống rượu, bia không làm chủ được bản thân dẫn đến mâu thuẫn rồi thách thức nhau, hoặc có nhiều vụ việc do mâu thuẫn trước đó, sau khi uống rượu, bia đã chuẩn bị hung khí (như dao, mã tấu, tuýt sắt, gạch, đá…) đi đánh nhau để trả thù.
Do ảnh hưởng ngày càng nhiều của tình trạng xem phim, ảnh có tính chất bạo lực xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là game bạo lực đã ảnh hưởng trực tiếp đến tầng lớp thanh, thiếu niên từ đó các đối tượng rất manh động, coi thường pháp luật, liều lĩnh, sẵn sàng sử dụng hung khí để giải quyết mâu thuẫn.
Sự quản lý, giáo dục giữa gia đình, nhà trường cũng như các tổ chức đoàn thể chưa thực sự chặt chẽ, một số gia đình do tập trung làm ăn, phát triển kinh tế nên thiếu sự quan tâm, giáo dục con cái, buông lỏng sự quản lý, không quan tâm đến việc sinh hoạt của con, từ đó dẫn đến các đối tượng thường tụ tập, ăn chơi sau đó thực hiện hành vi phạm tội.
Công tác quản lý nhân, hộ khẩu ở cấp xã còn nhiều sơ hở, không nắm bắt hết các đối tượng đến tạm trú, tạm vắng; công tác hòa giải cấp cơ sở chưa thực sự được chú trọng, chưa kịp thời phát hiện những mâu thuẫn nhỏ trong nhân dân (đặc biệt là trong tầng lớp người đồng bào dân tộc thiểu số) để giải quyết một cách triệt để, mâu thuẩn kéo dài dẫn đến việc dùng các hành vi bạo lực để giải quyết mâu thuẫn.
Công tác theo dõi, quản lý các đối tượng có tiền án, tiền sự  chưa chặt chẽ, chưa thường xuyên. Việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tội phạm còn hạn chế, chưa vận động được đông đảo nhân dân (đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số) tham gia, ý thức cảnh giác của nhân dân đối với các hành vi xâm hại đến sức khỏe còn thấp tạo điều kiện cho các đối tượng xấu thực hiện tội phạm.  

Để nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống vi phạm và tội phạm Cố ý gây thương tích, bảo vệ sức khỏe của con người góp phần ổn định an ninh trật tự trên địa bàn xã Yang Bắc về đích trong phong trào xây dựng nông thôn mới được nâng cao, ngày 15/12/2021, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Đak Pơ ban hành kiến nghị số 01/KN-VKS đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Yang Bắc thực hiện một số nội dung sau:
Một là, thực hiện thường xuyên, liên tục Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tội phạm trong tình hình mới và chương trình Quốc gia phòng chống tội phạm.
Hai là, tăng cường và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân (đặc biệt là tầng lớp thanh thiếu niên người đồng bào dân tộc thiểu số) thực hiện đồng bộ, thường xuyên, liên tục dưới nhiều hình thức và thông qua các phương tiện thông tin đại chúng nhằm chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức cũng như ý thức tôn trọng, tự giác chấp hành pháp luật trong quần chúng nhân dân, có lối sống lành mạnh, có cách ứng xử phù hợp, hiểu, tôn trọng và chấp hành tốt các quy định của pháp luật. Nâng cao chất lượng sinh hoạt quần chúng tại các thôn, làng tạo ra các phong trào thiết thực trong việc vận động nhân dân tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Ba là, tăng cường công tác hòa giải, giải quyết mâu thuẫn phát sinh ở cơ sở, phối hợp với Nhà trường và các tổ chức đoàn thể như Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ,... nắm tình hình, các mâu thuẫn xảy ra trong nội bộ quần chúng nhân dân, trên cơ sở đó có biện pháp xử lý kịp thời, thích hợp, không để xảy ra xung đột trong quần chúng nhân dân và giữa các làng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bốn là, có biện pháp chỉ đạo lực lượng Công an xã theo dõi, nắm bắt, quản lý chặt chẽ đối với các đối tượng tạm vắng, tạm trú, các đối tượng có tiền án, tiền sự, và đối tượng tha tù về địa phương để hòa nhập với cộng đồng, không để các đối tượng tiếp tục phạm tội. 
Năm là, có chính sách hổ trợ kinh phí cho các tổ chức đoàn thể và lực lượng Công an xã để thực hiện công tác tuyên truyền và mua sắm trang thiết bị phòng, chống loại tội phạm này./.

Tác giả bài viết: Phạm Văn Phụng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây