Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai

https://vksnd.gialai.gov.vn


Những giải pháp trọng tâm nhằm thực hiện tốt Nghị quyết số 161/2021/QH14 của Quốc hội và Nghị quyết số 344/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai

Huyện Kông Chro là huyện nghèo của tỉnh Gia Lai, toàn huyện có 13 xã, 01 thị trấn. Trong đó có 13 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn theo Quyết định 30A của Chính phủ. Tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm trên 72% trong cơ cấu dân số của huyện.
Trong 05 năm qua (từ năm 2016 đến năm 2021), Viện kiểm sát nhân dân huyện Kông Chro (VKSND) triển khai thực hiện chức năng nhiệm vụ trong bối cảnh tình hình trong nước gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là thiên tai, dịch bệnh xuất hiện, kéo dài, diễn biến khó lường đã làm ảnh hưởng sâu rộng đến tất cả các mặt của đời sống kinh tế, xã hội. Cùng với đó là các loại tội phạm có nhiều diễn biến phức tạp; các tranh chấp dân sự, khiếu kiện có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là các vụ tranh chấp về đất đai, đòi nợ.
Trước yêu cầu vừa phải thực hiện tốt các chỉ tiêu theo quy định của Ngành Kiểm sát và của Quốc hội giao, vừa phải thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm để phục vụ tình hình chính trị địa phương, tập thể lãnh đạo VKSND huyện Kông Chro đã đề ra nhiều giải pháp căn cơ để thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp như có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng, cụ thể đối với các cá nhân trong tập thể lãnh đạo Viện để nâng cao tính chủ động, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành ; sắp xếp, bố trí đúng người, đúng việc; có cơ chế phù hợp để cho cán bộ, kiểm sát viên chủ động phát huy hết sở trường, năng lực của mình; tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, ý thức trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên trong đơn vị; xây dựng kế hoạch thực hiện nghiêm Nghị quyết trung ương 4 khóa XII gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ chính trị và Kế hoạch số 03-KH/TW của Ban Bí thư phù hợp với việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, đơn vị còn kế thừa những thành tựu đã đạt được, phát huy mạnh mẽ tinh thần đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; tham mưu cho cấp ủy và chính quyền địa phương giải quyết những vấn đề nổi cộm, bức xúc, dư luận quan tâm; chủ động phối hợp với các cơ quan tư pháp và các cơ quan hữu quan nhằm thực hiện xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao.
Trong 05 năm qua, VKSND huyên Kông Chro đã kiểm sát 100% việc tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm, trong đó giải quyết 254 tin báo, đạt 99,2%, vượt 9,2%. Thực hành quyền công tố và kiểm sát khởi tố 147 vụ/185 bị can; Truy tố, kiểm sát xét xử 115 vụ/169 bị can, kiểm sát việc giải quyết 358 vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình.
Nhờ áp dụng đồng bộ các biện pháp, giải pháp như đã nêu ở nên chất lượng điều tra vụ án hình sự; việc giải quyết các vụ, việc dân sự cũng như công tác Thi hành án hình sự, dân sự được nâng lên rõ rệt. Tỷ lệ án trả hồ sơ, án hủy, sửa được khống chế ở mức thấp (0,013%); tỷ lệ bắt, tạm giữ chuyển xử lý hình sự đạt 100% (vượt 03%), không để xảy ra tình trạng oan, sai, bỏ lọt tội phạm, người và pháp nhân phạm tội; không có trường hợp nào Viện kiểm sát truy tố, Tòa án tuyên bị cáo không phạm tội.
Ngoài công tác thực hành quyền công tố, đơn vị đã tăng cường các biện pháp để thực hiện có hiệu quả chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp. Trong nhiệm kỳ đã tiến hành trên 100 cuộc kiểm sát trực tiếp tại Cơ quan điều tra, Hạt kiểm lâm, cơ quan thi hành án hình sự, chi cục thi hành án dân sự và các đơn vị cấp xã. Qua kiểm sát phát hiện nhiều vi phạm, thiếu sót, Viện kiểm sát đã ban hành 05 kháng nghị, 53 Kiến nghị yêu cầu các cơ quan hữu quan chấn chỉnh, khắc phục vi phạm và xử lý trách nhiệm các cá nhân, tập thể có liên quan. Tất cả các kháng nghị, kiến nghị của Viện kiểm sát đều được các cơ quan hữu quan chấp nhận, tiếp thu và trả lời bằng văn bản cho Viện kiểm sát.
Thông qua quá trình thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp đơn vị đã thường xuyên phân tích, đánh giá làm rõ nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh vi phạm pháp luật và tội phạm; phát hiện kịp thời những thiếu sót trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành từ đó đã ban hành 08 kiến nghị đề nghị thủ trưởng các cơ quan hữu quan áp dụng các biện pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội tại địa phương.
Với những kết quả đạt được, VKSND huyện Kông Chro đã được các cấp, các Ngành có thẩm quyền biểu dương, khen thưởng dưới nhiều hình thức.
Để thực hiện kịp thời, có hiệu quả Nghị quyết số 161/2021/QH14 được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 08/4/2021 về công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Quốc hội, Chủ tịch nước, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Kiểm toán nhà nước (gọi tắt là Nghị quyết số 161) và Nghị quyết số 344/NQ-HĐND ngày 09/4/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai về công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai khóa XI (gọi tắt là Nghị quyết số 344), tập thể lãnh đạo và cán bộ, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân huyện Kông Chro tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những khó khăn và thực hiện có hiệu quả những giải pháp trọng tâm sau đây:
1. Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm chủ trương cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005, Kết luận số  92-KL/TW ngày 12/3/2014, Kết luận số 83-KL/TW, Kết luận số 84-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị, trong đó, chú trọng thực hiện có hiệu quả việc thi hành, áp dụng pháp luật; tích cực, chủ động góp ý có chất lượng trong việc xây dựng, sửa đổi các dự án Luật, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Ngành. Chú trọng tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan tư pháp và các cơ quan có liên quan gắn với việc thực hiện tốt công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp nhằm thực hiện có hiệu quả trong công tác đấu tranh, phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
2. Xây dựng kế hoạch, Chương trình công tác kiểm sát  hằng năm gắn với các nhiệm vụ trọng tâm được xác định trong các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, của Ngành và Nghị quyết Hội đồng nhân dân các cấp, đồng thời có kế hoạch thực hiện các khâu đột phá của VKSND tỉnh và của đơn vị để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành theo quy định của Hiến pháp, Luật tổ chức VKSND 2014 và các đạo Luật về tư pháp.
3. Thường xuyên đổi mới tư duy, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, tiếp tục phát huy vai trò, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành; phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ; cải cách lề lối làm việc, chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật trong thi hành công vụ. Thực hiện nghiêm nguyên tắc tập thể lãnh đạo cá nhân phụ trách, nguyên tắc tập trung dân chủ gắn với việc nguyên tắc tập trung thống nhất trong Ngành. Trong quá trình thực hiện kế hoạch, chương trình công tác phải thường xuyên theo dõi, đánh giá tình hình về kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ để có biện pháp chỉ đạo kịp thời để hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu nhiệm vụ được giao.
4. Thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng, các Chỉ thị của Viện trưởng VKSND tối cao về tăng cường trách nhiệm công tố trong tố tụng hình sự như Chỉ thị số 06/CT-VKSTC ngày 06/12/2013 về “ tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra”; Chỉ thị 04/CT-VKSTC ngày 10/7/2015 về “Tăng cường các biện pháp phòng chống oan, sai và nâng cao trách nhiệm trong giải quyết bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự”; Chỉ thị 05/CT-VKSTC ngày 27/4/2020 về “Tăng cường trách nhiệm công tố trong giải quyết các vụ án hình sự, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm”. Chủ động hơn, sâu sát hơn, toàn diện hơn khi thực hành quyền công tố,  từ giai đoạn tiếp nhận, thụ lý xác minh tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố, đến giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự; Nâng cao trách nhiệm trong việc xét, phê chuẩn áp dụng các biện pháp ngăn chặn, các biện pháp cưỡng chế, chủ động đề ra các yêu cầu điều tra, xác minh để làm rõ sự việc, kiên quyết không phê chuẩn hoặc hủy bỏ các quyết định tố tụng không có căn cứ của Cơ quan điều tra và các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Trực tiếp xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, thu thập chứng cứ để quyết định khởi tố vụ án theo quy định của pháp luật nhằm bảo đảm việc truy cứu trách nhiệm hình sự đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa của Kiểm sát viên bảo đảm công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng phục vụ cho mục tiêu không để xảy ra oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm, người và pháp nhân phạm tội để bảo vệ quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân và lợi ích, tài sản của nhà nước.
Kiểm sát chặt chẽ việc thụ lý giải quyết các vụ án hành chính, các vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật cũng như công tác Thi hành án hình sự, Thi hành án dân sự và hành chính, hạn chế tối đa tình trạng sai sót làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của các đương sự; Phối hợp với các cơ quan hữu quan áp dụng các biện pháp bảo đảm, các biện pháp cưỡng chế thi hành án để thu hồi tài sản bị thất thoát, bị chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, chức vụ.
Tập trung giải quyết dứt điểm, đúng pháp luật các đơn thư khiếu nại về oan sai; các khiếu kiện về các vấn đề nổi cộm, bức xúc kéo dài.
5. Tăng cường công tác tự đào tạo bồi dưỡng cán bộ theo phương châm“ Giỏi một việc, biết làm nhiều việc”; có giải pháp cụ thể để nâng cao năng lực , bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, nhằm xây dựng thực chất đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên “ Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”; lựa chọn cán bộ, Kiểm sát viên có đủ phẩm chất, năng lực, tiêu chuẩn để đề xuất đưa vào quy hoạch các vị trí lãnh đạo, quản lý của đơn vị ở từng giai đoạn nhằm đáp ứng được với yêu cầu nhiệm vụ mới trong tiến trình cải cách tư pháp của Đảng và nhà nước.
6. Thông qua việc thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, chú trọng phân tích, đánh giá để làm rõ nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh vi phạm pháp luật và tội phạm; phát hiện kịp thời những thiếu sót, tồn tại trong công tác quản lý nhà nước, đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý đất đai, khoáng sản, công tác quản lý bảo vệ rừng từ đó ban hành kiến nghị, tham mưu cho cấp ủy và chính quyền địa phương có các biện pháp, giải pháp chỉ đạo các cơ quan hữu quan có liên quan chấn chỉnh, khắc phục qua đó để phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội tại địa phương.
7. Tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương giải quyết những vấn đề nổi cộm, bức xúc phát sinh; thực hiện nghiêm túc chỉ thị 26-CT/TW ngày 09/11/2018 của Bộ Chính trị về sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra xử lý các vụ án, vụ việc và công tác bảo vệ Đảng.      
8.
Tiếp tục xây dựng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo điều hành và công tác nghiệp vụ, tạo bước chuyển biến tích cực trong việc thực hiện Chỉ thị số 03/CT-VKSTC ngày 17/5/2021về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong ngành Kiểm sát nhân dân. Chú trọng sửa đổi, bổ sung, nâng cấp các phần mềm ứng dụng sẵn có để nâng cao hiệu lực, hiệu quả.

Phối hợp với Tòa án nhân dân tổ chức 100% phiên tòa hình sự, dân sự có “ Số hóa hồ sơ” để công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa; chú trọng lựa chọn những những vụ án, vụ việc đủ điều kiện để tổ chức các phiên rút kinh nghiệm theo tinh thần cải cách tư pháp để bổ trợ cho công tác tự đào tạo cán bộ.
9. Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, sửa đổi Quy chế phối hợp đã ký kết với các cơ quan hữu quan để trở thành cẩm nang pháp lý để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành, đồng thời tạo cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan tiến hành tố tụng theo quy định của pháp luật.
10.  Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đa dạng hóa về hình thức, chuyên sâu về nội dung, phù hợp với đối tượng, nhất là các đối tượng đặc thù, thanh thiếu niên, người dân tộc thiểu số. Việc tuyên truyền pháp luật phải gắn với việc tuyên truyền chức năng, nhiệm vụ của Ngành kiểm sát nhân dân.
Với quyết tâm cao, tập thể lãnh đạo, cán bộ, Kiểm sát viên, lao động trong đơn vị VKSND huyện Kông Chro sẽ nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt các giải pháp nêu trên, nhằm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng và nhà nước giao, qua đó tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của Ngành kiểm sát nhân dân trong hệ thống chính trị nói chung và trong hệ thống các cơ quan tư pháp nói riêng./.

Tác giả bài viết: Lê Ngọc Phước

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây