Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai

https://vksnd.gialai.gov.vn


“Nâng chất” thông qua công tác tự đào tạo tại VKSND huyện Kông Chro

Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Kiểm sát viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình đã và đang là vấn đề cần thiết và cấp thiết đối với ngành Kiểm sát nhân dân nói chung và tại VKSND huyện Kông Chro nói riêng. Cần phải xác định đây là một nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, hướng tới mục tiêu tạo được sự thay đổi về chất hay ngắn gọn hơn là “nâng chất” kết quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.
Trong thời gian qua, Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai không ngừng đề ra những phương pháp, cách làm nhằm từng bước nâng cao, đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, nhất là tự đào tạo, bồi dưỡng từ kiến thức chuyên môn đến kỹ năng nghiệp vụ, ý thức trách nhiệm và bản lĩnh nghề nghiệp; từ đó, chất lượng công tác nghiệp vụ đã nâng lên đáng kể; hạn chế được nhiều thiếu sót, sai lầm trong thực hiện nhiệm vụ. Thể hiện rõ ở kết quả từ năm 2018 đến nay không có vụ án Hình sự nào Viện kiểm sát truy tố Tòa án tuyên không phạm tội hoặc tuyên khác tội danh, điều khoản VKS truy tố; không có vụ án nào bị hủy hoặc sửa án. Đơn vị được Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai, Viện kiểm sat nhân dân tối cao tặng nhiều Giấy khen, Bằng khen cho tập thể và cá nhân.
Trong năm 2021 dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng trong năm đơn vị đã thực hiện được 100% các chỉ tiêu năm của đơn vị (trong đó chỉ tiêu vượt 77 %). Kết quả thực hiện cuộc vận động xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên "Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm” gắn với phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức Ngành kiểm sát nhân dân thi đua thực hiện văn hóa công sở”, đơn vị được Viện trưởng VKSND tỉnh tặng giấy khen cho 01 cá nhân và Viện trưởng VKSND Tối cao tặng Bằng khen cho tập thể và 01 cá nhân; Đối với  phong trào Thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng” và hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” gắn với phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, phong trào “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, đơn vị được Viện trưởng VKSND tỉnh tặng giấy khen cho tập thể và 01 cá nhânViện trưởng VKSND tối cao tặng Bằng khen cho 01 cá nhân; Đối với Phong trào “thực hiện tốt công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026” đơn vị được Viện trưởng VKSND tỉnh tặng giấy khen cho tập thể Viện trưởng VKSND tối cao tặng Bằng khen cho 01 cá nhân. Ngoài ra, đơn vị được Hội đồng thi đua khen thưởng VKSND tỉnh Gia Lai tặng giấy khen cho 01 cá nhân và đề nghị Viện trưởng VKSND tối cao tặng bằng khen cho 01 cá nhân đối với Tổng kết 10 năm triển khai phong trào thi đua thực hiện cuộc  vận động xây dựng đội ngũ Kiểm sát viên “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm” (2012-2021); Viện trưởng VKSND tỉnh Gia Lai tặng giấy khen cho 01 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Để đạt được kết quả trên đơn vị đã áp dụng một số giải pháp tự đào tạo:
Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong xây dựng văn hóa học tập, tạo điều kiện để cán bộ kiểm sát viên đảm nhận “thông khâu”. 
Lãnh đạo, chỉ đạo, bố trí cán bộ, Kiểm sát viên thực hiện nhiệm vụ theo hướng vừa “Chuyên sâu về nghiệp vụ”, vừa “mở rộng hiểu biết, kinh nghiệm về nhiều lĩnh vực chuyên môn khác”, cụ thể như: Lãnh đạo đơn vị thực hiện phân công Kiểm sát viên làm hình sự phải làm cả công tác giải quyết án dân sự hay Kiểm sát viên làm dân sự phải làm cả án hình sự để qua đó các Kiểm sát viên học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, bổ trợ cho nhau để giải quyết tốt các khâu công tác của đơn vị.
Tăng cường công tác kiểm tra chéo giữa các bộ phận nghiệp vụ trong đơn vị nhằm kịp thời phát hiện, chẩn chỉnh, khắc phục sai phạm, thiếu sót; đây là biện pháp chủ động để phòng ngừa, ngăn chặn những vi phạm. Tăng cường kiểm tra đột xuất đối với bộ phận và cá nhân có nhiều hạn chế, yếu kém, để từ đó Lãnh đạo Viện có chỉ đạo kịp thời, thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu nhiệm vụ.
Quan cảnh phiên tòa rút kinh nghiệm, xét xử lưu động vụ án “Chống người thi hành công vụ” do lãnh đạo viện trực tiếp tham gia xét xử
Lãnh đạo đơn vị trực tiếp tham gia thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp bằng những việc làm cụ thể như: trực tiếp tham gia kiểm sát khám nghiệm hiện trường; lấy lời khai, tham gia các phiên tòa xét xử rút kinh nghiệm án hình sự, dân sự,… những kỹ năng nghiệp vụ thuần thục do Lãnh đạo Viện trực tiếp thực hiện là bài học kinh nghiệm quý giá để Kiểm sát viên, công chức trong đơn vị cùng học tập, trao đổi, rút kinh nghiệm nâng cao kỹ năng nghiệp vụ (trong năm 2021 Lãnh đạo viện đã trực tiếp tham gia xét xử 06 vụ án hình sự, dân sự).
Vận dụng quy chế phối hợp để đào tạo cán bộ, KSV thông qua các phiên tòa “áp dụng số hóa” rút kinh nghiệm
Là đơn vị đi đầu trong số hóa hồ sơ hình sự của Ngành kiểm sát tỉnh Gia Lai, đơn vị đã vận dụng triệt để các quy chế phối hợp mà đơn vị đã ký kết làm cẩm nang cho việc nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của Kiểm sát viên. Đơn cử như vận dụng quy chế phối hợp đã ký kết với Tòa án cùng cấp phối hợp thực hiện có hiệu quả 100% vụ án hình sự, áp công bố tài liệu chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa để mỗi Kiểm sát viên trong đơn vị đều có thể thành thạo trong việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cho quá trình giải quyết vụ án .
Một phiên tòa hình sự “rút kinh nghiệm” áp dụng “số hóa hồ sơ” do KSV mới bổ nhiệm chức danh tư pháp thực hiện.
Đây là giải pháp tự đào tạo vừa sát với thực tiễn, vừa tiết kiệm chi phí, lại đạt hiệu quả nhanh chóng để nâng cao kỹ năng, trình độ của Kiểm sát viên trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự; nâng cao kỹ năng, chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên, đáp ứng yêu cầu công tác theo tinh thần Chỉ thị số 07/CT-VKSTC ngày 23/9/2020 của Viện trưởng Viện KSND tối cao về tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức của Viện kiểm sát nhân dân giai đoạn 2020 – 2025 và những năm tiếp theo.
 Không chỉ dừng lại ở đó, đơn vị còn thường xuyên phối hợp với Tòa án cùng cấp tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm “có áp dụng số hóa hồ sơ” để cán bộ, kiểm sát viên tham dự cùng học tập, trao đổi, rút kinh nghiệm nâng cao kỹ năng nghiệp vụ; qua đó, chất lượng tác nghiệp của Kiểm sát viên tại phiên tòa từng bước được nâng lên (trong năm 2021 đã tổ chức 06 phiên tòa rút kinh nghiệm).
Tạo điều kiện để cán bộ, KSV ứng dụng công nghệ thông tin vào công việc nghiệp vụ.
Trong những năm gần đây, Viện kiểm sát nhân dân huyện Kông Chro luôn khuyến khích cán bộ, KSV xây dựng các phần mền ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác nghiệp vụ, bước đầu đạt một số kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và công tác nghiệp vụ. Những phần mềm do đơn vị tạo ra dựa trên nền tảng microsoft excel như: “Phần mềm quản lý giải quyết tin báo về tội phạm”; “Phần mềm quản lý án tạm đình chỉ, đình chỉ điều tra”; “Phần mềm quản lý án hình sự, dân sự”; “Phần mềm quản lý việc thi hành án treo, cải tạo không giam giữ”; “Phần mềm quản lý hồ sơ số hóa”; “Quy trình thực hiện số hóa hồ sơ và công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tài phiên tòa”; “Phần mềm trích cứu hồ sơ”; ứng dụng công nghệ thông tin trong chuẩn bị, trình bày bài phát biểu của kiểm sát viên tại phiên tòa dân sự.… Trong năm 2021, đơn vị có 02 sáng kiến về việc áp dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng công tác nghiệp vụ được Hội đồng sáng kiến Viện kiểm sát nhân tỉnh Gia Lai công nhận và xếp loại xuất sắc. Đặc biệt, sáng kiến “Tăng cường công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp thông qua số hóa hồ sơ vụ án hình sự” đã được Viện trưởng VKSND tối cao công nhận là sáng kiến ngành Kiểm sát nhân dân năm 2021.
Một “cuộc họp 3 Ngành không giấy” tại VKS huyện Kông Chro
Tạo điều kiện cho cán bộ nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ chính trị
Bên cạnh việc tự đào tạo tại đơn vị, Lãnh đạo Viện còn luôn quan tâm, tạo điều kiện cho cán bộ nâng cao trình độ chuyên môn và trình độ lý luận chính trị bằng việc động viên, khuyến khích cán bộ tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, lý luận chính trị. Trong năm 2021 đã có 03 cán bộ, KSV tham gia 03 lớp đào tạo nghiệp vụ chuyên sâu do Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức. Việc bố trí này đảm bảo cho tất cả Kiểm sát viên, Kiểm tra viên của đơn vị đều được tập huấn nâng cao trình độ, không chỉ ở khâu công tác đang đảm trách mà cả ở những khâu công tác khác. Ngoài ra, Lãnh đạo đơn vị đã quan tâm bố trí 02 lượt công chức tham gia lớp đào tạo tiếng Bahnar; 01 đồng chí được cử học lớp trung cấp chính trị tại địa phương với phương châm “nâng chất” cán bộ.
 Lãnh đạo đơn vị đã quán triệt 100% cán bộ, kiểm sát viên phải tham gia hội nghị tập huấn trực tuyến do các phòng nghiệp vụ Viện kiểm sát nhân dân tỉnh tổ chức (trong năm 2021 đã tham gia 09 hội nghị tập huấn trực tuyến). Việc thực hiện đào tạo, bồi dưỡng bằng hình thức tham gia các hội nghị tập huấn trực tuyến là cơ hội để các cán bộ, Kiểm sát viên tự nghiên cứu, trao đổi và học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Việc tự đào tạo này đã và đang mang hiệu quả thiết thực trong công tác đào tạo, bồi dưỡng tại chỗ gắn với tổng hợp những kinh nghiệm, kỹ năng từ thực tiễn, đảm bảo phát triển năng lực cho cán bộ, Kiểm sát viên thực hiện có chất lượng, hiệu quả nhiệm vụ được giao.
Tự đào tạo thông qua công tác đánh giá cán bộ
Lãnh đạo viện đề ra phương châm “chỉ có đánh giá đúng, thực chất cán bộ mới bố trí, sử dụng cán bộ một cách hợp lý nhằm phát huy năng lực của cán bộ”. Đánh giá cán bộ là yếu tố thường xuyên trong quá trình quy hoạch, đào tạo và bố trí sử dụng cán bộ. Lãnh đạo đơn vị luôn lấy hiệu quả hoạt động thực tiễn của mỗi cán bộ làm thước đo quan trọng để đánh giá cán bộ. Cụ thể Lãnh đạo đơn vị đưa ra những chỉ tiêu thi đua riêng, bám sát và vượt hơn so với những chỉ tiêu chuẩn của VKSND tỉnh Gia Lai đề ra. Các đồng chí phụ trách bộ phận đều có bản đăng ký cụ thể việc thực hiện chỉ tiêu thi đua và chịu trách nhiệm thực hiện với Lãnh đạo. Sau khi đăng ký, mỗi bộ phận với sự quyết tâm cao nhất, đồng thuận nỗ lực hoàn thành bảng đăng ký thi đua để về đích sớm nhất. Thông qua đó, đã tạo sự lan tỏa, thúc đẩy phong trào tự học tập, tự nghiên cứu, trao đổi kỹ năng nghiệp vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ Kiểm sát viên của VKSND huyện Kông Chro “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”, gắn với thực hiện tốt phong trào thi đua do VKSND tỉnh Gia Lai phát động.
Cuối mỗi đợt thi đua, Lãnh đạo Viện đều có đánh giá kết quả đạt được. Khâu công tác nào hoàn thành với thành tích xuất sắc, có đóng góp tích cực vào kết quả thi đua chung của đơn vị sẽ được khen thưởng. Đây cũng là cơ hội để Lãnh đạo Viện kiểm tra năng lực của mỗi cán bộ, Kiểm sát viên, đánh giá sở trường của từng cán bộ một cách công tâm, công bằng; để bố trí, sắp xếp cán bộ hiệu quả.
Với những hiệu quả mang lại, trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục chú trọng công tác tự đào tạo, bồi dưỡng tại chỗ gắn với tổng hợp những kinh nghiệm, kỹ năng từ thực tiễn, để Chỉ thị số 07/CT-VKSTC ngày 23/9/2020 về tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức của Viện KSND giai đoạn 2020 - 2025 và những năm tiếp theo; Kế hoạch số 70/KH-VKSTC ngày 10/6/2021 về việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ngành Kiểm sát nhân dân giai đoạn 2021 - 2025 phát huy hiệu lực, hiệu quả trên thực tiễn; đảm bảo phát triển năng lực toàn diện cho cán bộ, Kiểm sát viên, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, trình độ, bản lĩnh đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới./.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Tường Vi

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây