Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai

https://vksnd.gialai.gov.vn


Bài học thích đáng cho những kẻ buôn bán động vật hoang dã trái phép trên mạng Internet

Vừa qua, Tòa án nhân dân thành phố Pleiku đã đưa ra xét xử công khai đối với các bị cáo: Từ Công Cường và Ngô Quang Tiến về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” theo điểm c khoản 1 Điều 244 Bộ luật Hình sự.     
Theo cáo trạng: Từ Công Cường và Ngô Quang Tiến có quan hệ quen biết nhau; Cường có tài khoản mạng xã hội Zalo tên “Cường Nữ Trang” và có kết bạn, nhắn tin với tài khoản Zalo tên “Trùm Cuối” để nói chuyện, trao đổi về sừng tê giác. Khoảng 09 giờ ngày 17/11/2021, tài khoản Zalo của Cường nhận được tin nhắn từ tài khoản Zalo có tên là “Trang Sức Phong Thủy Daklak Tiến Phát” hỏi về việc mua bán sừng tê giác và giá của 100 gam sừng tê giác. Sau khi nhận được tin nhắn từ tài khoản “Trang Sức Phong Thủy Daklak Tiến Phát”, Cường liên lạc với tài khoản“Trùm Cuối” thì biết giá của 100 gam sừng tê giác là 17.000.000 đồng và đối tượng này có hàng để bán cho Cường. Cường liên lạc lại với tài khoản “Trang Sức Phong Thủy Daklak Tiến Phát” và báo giá 100 gam sừng tê giác là 19.000.000 đồng (Cường dự định sẽ hưởng chênh lệch 2.000.000 đồng). Đối tượng này đồng ý mua của Cường 100 gam sừng tê giác, đồng thời nhờ Cường giao hàng cho người có số điện thoại 0935… tại TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai; khi giao hàng thì lấy của người đó 30.000.000 đồng. Đối tượng chủ tài khoản Zalo “Trang Sức Phong Thủy Daklak Tiến Phát” nhắn cho Cường với nội dung: Trong số tiền 30.000.000 đồng nhận từ người có số điện thoại 0935…, thì 19.000.000 đồng là tiền 100 gam sừng tê giác, Cường được hưởng tiền giao hàng là 3.000.000 đồng, còn lại 8.000.000 đồng Cường có trách nhiệm chuyển cho đối tượng chủ tài khoản Zalo “Trang Sức Phong Thủy Daklak Tiến Phát”; Cường đồng ý. Sau khi thống nhất việc mua bán sừng tê giác với đối tượng chủ tài khoản Zalo “Trang Sức Phong Thủy Daklak Tiến Phát” xong, Cường liên lạc lại đối tượng chủ tài khoản Zalo “Trùm Cuối” để mua 100 gam sừng tê giác với giá 17.000.000 đồng; đối tượng này hẹn sẽ giao hàng cho Cường qua xe buýt Thái Hòa tuyến TP.Kon Tum, tỉnh Kon Tum đi TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai vào chiều ngày 18/11/2021. Khoảng 14 giờ 50 phút ngày 18/11/2021, Cường gọi điện thoại cho Tiến, bảo Tiến ra bến xe buýt ở đường Trần Phú, phường Diên Hồng, TP.Pleiku nhận sừng tê giác từ xe buýt Thái Hòa tuyến TP.Kon Tum - TP.Pleiku, rồi mang đi giao cho khách có số điện thoại 0935… rồi lấy 30.000.000 đồng, Cường sẽ cho Tiến 3.000.000 đồng; Tiến đồng ý. Nếu việc mua bán sừng tê giác được thực hiện trót lọt, thì Cường sẽ được hưởng lợi 2.000.000 đồng, Tiến được hưởng lợi 3.000.000 đồng. Đến 15 giờ 20 phút cùng ngày, Tiến điều khiển xe mô tô hiệu Yamaha, loại Exciter, biển số 81B2-587… đến bến xe buýt ở đường Trần Phú, phường Diên Hồng, TP.Pleiku gặp bà BTLY (trú tại phường Hoa Lư, TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai) và ông TMC là nhân viên xe buýt Thái Hòa để nhận 01 hộp bằng giấy các-tông; Tiến biết rõ bên trong hộp giấy này có chứa sừng tê giác. Sau khi nhận hộp giấy các-tông chứa sừng tê giác, Tiến điều khiển xe mô tô 81B2-587… đi theo đường Lê Lai; khi đi đến trước số nhà 08B đường Lê Lai, phường Tây Sơn, TP.Pleiku, thì Tiến bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Pleiku kiểm tra và bắt quả tang; thu giữ của Tiến 01 hộp giấy các-tông kích thước (10x15)cm, bên trong có 02 (hai) miếng sừng, có tổng khối lượng 96,2 gam. Đến 19 giờ ngày 18/11/2021, Cường đến Công an TP.Pleiku đầu thú và khai nhận về hành vi mua bán sừng tê giác.
 

ảnh minh họa, một phiên tòa xét xử vụ án hình sự của TAND tỉnh  Gia Lai
         
Qua Kết luận của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, xác định: 02 miếng sừng động vật là sừng loài tê giác trắng có tên khoa học là Ceratotherium simum. Loài tê giác trắng có tên trong phụ lục I, danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã thuộc Phụ lục Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoãng dã nguy cấp CITES (Ban hành kèm theo Thông báo số 296/TB-CTVN-HTQT ngày 27/11/2019 của Cơ quan quản lý CITES Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Loài tê giác trắng có phân bố ở Châu Phi, thuộc Lớp Thú, Bộ Móng guốc ngón lẻ, họ tê giác.

Hành vi của Từ Công Cường và Ngô Quang Tiến đã xâm phạm quy định về bảo vệ động vật thuộc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp. Viện kiểm sát nhân dân thành phố Pleiku đã Quyết định truy tố Từ Công Cường và Ngô Quang Tiến về tội: “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” theo điểm c khoản 1 Điều 244 Bộ luật Hình sự.
Tại phiên tòa xét xử, các bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội của mình, thành khẩn khai báo, tỏ rõ thái độ ăn năn, hối cải. Trên cơ sở xem xét toàn diện tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, quá trình thẩm vấn công khai tại phiên tòa cũng như tranh luận, xem xét nhân thân, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Từ Công Cường 18 tháng tù; bị cáo Ngô Quang Tiến 15 tháng tù, về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”.


Mức hình phạt Hội đồng xét xử đã nhận được sự đồng tình của đông đảo quần chúng nhân dân đến tham dự phiên tòa, qua đó góp phần thể hiện tính răn đe, sự nghiêm minh của pháp luật; đồng thời giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cho nhân dân. Đây là bài học nghiêm khắc cho các bị cáo, là lời cảnh tỉnh đối với những ai đang có ý định phạm tội. 

Tác giả bài viết: Thúy Vinh - Anh Tuấn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây