Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai

https://vksnd.gialai.gov.vn


Cần có biện pháp khẩn cấp bảo vệ kiểm sát viên và người bào chữa tại các phiên tòa hình sự, dân sự

Thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02/06/2006 của Bộ chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Với mục tiêu xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong đó lấy công tác xét xử là trọng tâm và tiến hành có hiệu quả, hiệu lực cao.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ chính trị về chiến lược cải cách tư pháp trong quá trình xây dựng Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định về Phòng xử án ( Điều 257 Bộ luật tố tụng hình sự) quy định:

1.Phòng xử án phải được bố trí thể hiện sự trang nghiêm, an toàn, bảo đảm sự bình đẳng giữa người thực hành quyền công tố và luật sư, người bào chữa khác.
2. Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao quy định chi tiết Điều này”

Ngày 28/7/2017 Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao đã ban hành Thông tư số 01/2017/TT-TANDTC quy định về phòng xử án. Trong đó tại điều 4 Thông tư số 01 quy định về Hình thức phòng xử án. Cụ thể:

“2. Phòng xử án phải được bố trí hai bục, trừ phòng xử án và giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên. Vị trí của Hội đồng xét xử, hội đồng giải quyết việc dân sự, phá sản, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, chủ trì phiên họp ở trên bục cao nhất, bục thứ hai là vị trí của những người tiến hành tố tụng khác, người tham gia tố tụng và người tham dự phiên tòa, phiên họp.
3. Phòng xử án phải đảm bảo không gian để tiến hành phiên Tòa, phiên họp và hàng rào ngăn cách giữa khu vực của những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng với khu vực của những người tham dự phiên tòa, phiên họp, phải bố trí lối đi riêng của Hội đồng xét xử, hội đồng giải quyết việc dân sự, phá sản, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, chủ trì phiên họp, lối đi của những người tiến hành tố tụng khác, người tham gia tố tụng, người tham dự phiên tòa, phiên họp, tường trong phòng xử án có màu vàng”

Thông tư trên có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2018, từ khi áp dụng quy định về phòng xử án các Tòa án tiến hành sắp xếp, bố trí lại vị trí phòng xử án theo đúng quy định tại thông tư số 01. Tuy nhiên khi bố trí, sắp xếp lại phòng xử án thì đa số các địa phương chưa có kinh phí để xây dựng nên thường tận dụng phòng xử án cũ, diện tích đã nhỏ, lại hẹp nên khi chuyển vị trí ngồi của Kiểm sát viên xuống dưới ngồi ngang hàng cùng Luật sư, người bào chữa thì gần như vị trí bàn của Kiểm sát viên và Người bào chữa đã chiếm gần hết khoảng không trong phòng xử án. Bên cạnh đó do tận dụng lại phòng xử cũ nên trừ Hội đồng xét xử có lối đi riêng còn Kiểm sát viên, Người bào chữa, người tham gia tố tụng, người tham dự phiên tòa không có lối đi riêng mà dùng chung một lối đi. Khoảng cách từ vị trí của Bị cáo, nguyên đơn dân sự, Bị đơn dân sự đến vị trí Kiểm sát viên, Người bào chữa rất gần. Vì vậy trong quá trình xét xử không thể tránh khỏi những mâu thuẫn phát sinh trong quá trình xét hỏi, tranh luận giữa Kiểm sát viên, Người bào chữa với người tham gia tố tụng, từ đó phát sinh những hệ lụy khi người tham gia tố tụng có hành vi đánh, đuổi Kiểm sát viên và người bào chữa khi đó cả hai đều không có đường chạy để tránh vì không có lối đi riêng.

Cụ thể như vụ việc xảy ra tại Hội trường xét xử Tòa án nhân dân huyện Bình Chánh xảy ra vào hồi 11h ngày 23/7/2018 khi Hội đồng xét xử tuyên án thì Nguyên đơn là ông Nguyễn Văn Hiền nhảy lên tấn công Kiểm sát viên Nguyễn Văn Lân và đòi tấn công Hội đồng xét xử gây náo loạn phiên tòa. Qua vụ việc trên thấy rằng còn có nhiều bất cập trong việc bố trí vị trí của Kiểm sát viên, Người bào chữa gần vị trí của Bị cáo, Nguyên đơn dân sự, Bị đơn dân sự. Thực tế cho thấy khi Kiểm sát viên tiến hành xét hỏi, tranh luận với Bị cáo, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự thì luôn tiềm ẩn nguy cơ bị tấn công bởi các chủ thể này, đối với luật sư, người bảo vệ quyền lợi cho các đương sự khi bảo vệ cho Bị cáo thì luôn bị bị hại và gia đình bị hại đe dọa, ngược lại khi bảo vệ cho bị hại thì rất dễ bị bị cáo tấn công, trong vụ án dân sự cũng tương tự. Vì vậy cần phải có sự phân cấp về vị trí ngồi của Thư ký, Kiểm sát viên, người bào chữa để đảm bảo sự an toàn tuyệt đối cho lực lượng này khi tham gia phiên tòa.

Thực hiện sự chỉ đạo của Đảng trong việc xây dựng nền tư pháp vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, việc bố trí phòng xử án như trên đã đáp ứng được yêu cầu tạo sự bình đẳng giữa Người thực hành quyền Công tố và Người bào chữa. Ngoài ra vành móng ngựa cũng được loại bỏ và thay bằng “ Bục khai báo” đó là những tín hiệu tích cực trong việc thay đổi bố trí phòng xử án đảm bảo dân chủ, bình đẳng, nghiêm minh. Nhưng đây cũng là vấn đề tiềm ẩn sự nguy hiểm đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của Kiểm sát viên, Người bào chữa khi tham gia phiên tòa. Đe dọa đến sự tôn nghiêm của pháp luật.

Với những vấn đề  bất cập phát sinh như đã nêu đòi hỏi Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Viện kiểm sát nhân dân tối cao cần phải có văn bản kiến nghị Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao sửa đổi, bổ sung thông tư liên tịch số 01 quy định về phòng xử án. Trong đó cần phải quy định khoảng cách cụ thể từ bục thứ 2( đó là vị trí ngồi của Thư ký, Kiểm sát viên, Người bào chữa) không bố trí vị trí của Kiểm sát viên, Người bào chữa gần với vị trí bị cáo, Nguyên đơn dân sự, Bị đơn dân sự như hiện nay mà phải có sự phân cấp về chỗ ngồi của Kiểm sát viên, người bào chữa, có như vậy mới đảm bảo được sự an tòan cho Kiểm sát viên, người bào chữa khi tham gia phiên tòa phiên họp. Tránh việc Bị cáo, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự tấn công Kiểm sát viên và người bào chữa làm mất đi sự tôn nghiêm của pháp luật.

Ngoài ra tiếp tục kiến nghị Tòa án nhân dân tối cao bố trí nguồn kinh phí để xây dựng lại phòng xử án theo hướng bố trí lối đi riêng cho Kiểm sát viên, Người bào chữa theo đúng quy định tại khoản 3 điều 4 thông tư số 01.
 

Tác giả bài viết: Trịnh Viết Diệp - Viện trưởng VKSND huyện Đăk Pơ

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây