Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai

https://vksnd.gialai.gov.vn


Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong giải quyết các vụ án hình sự về trật tự xã hội đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới của ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai

Tình hình vi phạm và tội phạm trong lĩnh vực án trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai từ ngày 01/12/2017 đến ngày 31/5/2021, ngày càng đa dạng và diễn biễn phức tạp, hành vi phạm tội của các đối tượng ngày càng manh động, nguy hiểm; chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống có thể cũng dẫn tới việc các đối tượng sử dụng nhiều loại hung khí nguy hiểm thực hiện hành vi tước đoạt tính mạng của người khác, thể hiện sự coi thường pháp luật; ngoài ra xuất hiện một số vụ án tội phạm sử dụng súng quân dụng, súng tự chế gây án xảy ra.
Một số vụ phạm tội mang tính chất băng nhóm mâu thuẫn dẫn đến gây án đã xảy ra; tuổi của bị can trong các loại tội phạm càng ngày càng trẻ hóa. Một số vụ xâm hại tình dục trẻ em là do người thân ruột thịt của mình xâm hại, như cha hiếp con. Một số nhóm tội phạm cụ thể như sau (khởi tố mới):
- Nhóm tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe: 475 vụ/802 bị can (trong đó giết người là 110 vụ/167 bị can)
- Nhóm tội xâm hại tình dục: 159 vụ/169 bị can (trong đó Hiếp dâm người dưới 16 tuổi là 58 vụ/68 bị can)
- Nhóm tội liên quan đến nhân phẩm, danh dự và quyền tự do: 34 vụ/92 bị can (trong đó bắt giữ người trái pháp luật là 26 vụ/80 bị can)
- Nhóm tội giao thông: 365 vụ/358 bị can (Chủ yếu là tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ 363 vụ/354)
- Nhóm xâm phạm an toàn công công, trật tự công cộng: 168 vụ/800 bị can (trong đó đánh bạc là chiếm chủ yếu 132 vụ/609 bị can)
- Nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính: 19 vụ/35 bị can (tội chống người thi hành công vụ)
- Nhóm tội xâm phạm hoạt động tư pháp: 05 vụ/31 bị can( trong đó tội trốn khỏi nơi giam là 04 vụ/06 bị can).
Trước tình hình tội phạm ngày càng diễn biến phức tạp, Lãnh đạo Viện và đơn vị đã đề ra nhiều giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu đề ra và đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, trong đó đẩy mạnh thực hiện một số biện pháp sau đây:
Thứ nhất, đẩy mạnh áp dụng công nghệ 4.0, chú trọng vào việc xây dựng hồ sơ số hóa  để phục vụ công tác lưu trữ và xét xử tại phiên tòa; đảm bảo 40% số án mà Viện kiểm sát tỉnh thụ lý được số hóa và tiến tới số hóa 100% các vụ án.
 
Xét xử vụ án Nguyễn Văn Tiến cùng đồng phạm phạm tội Giết người; Bắt, giữ người trái pháp luật và Gây rối trật tự công cộng, áp dụng “Số hóa hồ sơ vụ án”, công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa

Thứ hai, kiểm sát chặt chẽ việc áp dụng bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, tạm giữ, tạm giam; đảm bảo tỷ lệ số người bị bắt, tạm giữ về hình sự chuyển khởi tố đạt 100%.
Thứ ba, nâng cao chất lượng bản yêu cầu điều tra, đảm bảo yêu cầu điều tra bám sát nội dung vụ án và tham gia đầy đủ bảy hoạt động điều tra bắt buộc phải có mặt của kiểm sát viên.
Thư tư, phối hợp với Cơ quan Cảnh sát điều tra và Tòa án đẩy nhanh công tác điều tra, truy tố và xét xử để phục vụ tình hình chính trị địa phương; đồng thời nâng cao tinh thần pháp luật, đảm bảo pháp luật được chấp hành một cách nghiêm minh và giáo dục ý thức chấp hành pháp luật trong quần chúng nhân dân.
Thứ năm, đẩy mạnh việc lựa chọn phiên tòa rút kinh nghiệm để tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác xét xử.
Thứ sáu, đổi mới cách thức làm việc để đảm bảo vừa hoàn thành chỉ tiêu công tác nghiệp vụ và vừa đáp ứng công tác đấu tranh phòng chống tội phạm.
Thứ bảy, tăng cường công tác học tập, nghiên cứu, đào tạo tại chỗ, tập huấn cho cấp huyện để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực công tác để đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ và đấu tranh phòng chống các loại tội phạm mới phát sinh và phương thức phạm tội ngày càng đa dạng, tinh vi và nghiêm trọng, đặc biệt là tội phạm công nghệ cao.
Thứ tám, hạn chế án trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng để tránh kéo dài thời hạn tố tụng, nâng cao chất lượng hồ sơ để đẩy nhanh quá trình giải quyết vụ án phục vụ tình hình chính trị địa phương.
Do đó, trong kỳ, ngành kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai đã đạt được nhiều hiệu quả tích cực trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, cụ thể là: án kết thúc điều tra đề nghị truy tố 1042 vụ/2151 bị can; Quyết định truy tố 1021 vụ/2096 bị can và phối hợp với tòa án đưa ra xét xử 1002 vụ/1995 bị cáo; không có trường hợp nào tòa án tuyên không phạm tội. Đồng thời, Viện kiểm sát cấp tỉnh đã nghiên cứu hướng dẫn Viện kiểm sát cấp huyện tổng số 54 vụ án và tổ chức 61 đợt kiểm tra nghiệp vụ Viện kiểm sát cấp dưới về công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự; ban hành 18 văn bản thông báo rút kinh nghiệm; qua đó nâng cao chất lượng công tác của Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện. Bên cạnh đó, Viện kiểm sát nhân dân hai cấp đã xác định án trọng điểm 294 vụ án và tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm 331 vụ án để phục vụ tình hình chính trị địa phương và góp phần vào việc giáo dục và phòng ngừa chung cho xã hội.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong giải quyết các vụ án hình sự về trật tự xã hội, ngành kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai còn gặp một số khó khăn vướng mắc như sau:
Thứ nhất, ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên trong giai đoạn điều tra: Bị can đang bị tạm giữ, tạm giam trong vụ án khác tại vùng có dịch Covid-19 thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15 và 16 của Thủ tướng Chính Phủ nên dẫn đến việc không thể tiến hành hỏi cung, lấy lời khai phục vụ cho công tác điều tra....Trong giai đoạn truy tố: việc triệu tập bị can lên trụ sở cơ quan, đơn vị làm việc mà bị can cư trú ở những nơi là vùng dịch đang thực hiện biện pháp giãn cách xã hội thì việc triệu tập bị can hoặc tống đạt các lệnh, quyết định rất khó khăn, gây kéo dài thời gian, ảnh hưởng đến việc hoàn thành việc truy tố đúng hạn. Mặt khác, bị can ở ngoài cộng đồng nên khó kiểm soát được việc bị can có tiềm ẩn nguy cơ bị nhiễm dịch bệnh hay có tiếp xúc gần với các ca bệnh (F0) hay các trường hợp nghi nhiễm (F1, F2,…) bên ngoài cộng đồng hay không? Vì vậy, luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cho cán bộ, Kiểm sát viên.
Thứ hai, đối với việc thu thập chứng cứ điện tử: Hiện nay các tội phạm trên không gian mạng diễn ra thường xuyên, tuy nhiên việc thu thập các chứng cứ điện tử như thế nào để đảm bảo về tố tụng chưa được hướng dẫn cụ thể. Gây lúng túng trong quá trình xử lý ở các cơ quan tiến hành tố tụng địa phương. Điển hình như các vụ án sử dụng các trang Facebook để trao đổi thông tin liên lạc với nhau sau đó các đối tượng này xóa fb trong khi máy chủ và công ty Facebook nằm ở nước ngoài nên không thể cung cấp thông tin cho CQĐT Việt Nam theo yêu cầu hoặc  các chứng cứ CQĐT thu thập chỉ là các tài liệu sao in từ trang mạng xuống (vì đây là tài liệu in không có dấu đỏ) thì có được xem là chứng cứ hay không hoặc Đối với những vụ án đánh bạc qua mạng với trị giá lớn, nhưng KSV chưa được tập huấn, chưa có nhiều kinh nghiệm trong thu thập chứng cứ điện tử.
Thứ ba, đối với hoạt động ghi âm ghi hình có âm thanh: Hiện nay, tất cả các Cơ sở giam giữ, trụ sở Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra chưa có phòng chuyên dụng bảo đảm đủ điều kiện về diện tích, ánh sáng, an toàn để ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh đạt chất lượng về âm thanh và hình ảnh. Các đơn vị chưa có phương tiện, thiết bị kỹ thuật sử dụng để ghi âm, ghi hình có âm thanh và thiết bị lưu trữ, bảo quản dữ liệu ghi âm ghi hình. Chưa có đội ngũ cán bộ được đào tạo thực hiện việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Hiện tại Viện kiểm sát nhân dân hai cấp tỉnh Gia Lai chưa được tập huấn về kỹ năng ghi âm, ghi hình có âm thanh.
Thứ tư, Một số khó khăn vướng mắc trong các quy định pháp luật như: Hiện nay chưa có quan điểm thống nhất về việc như thế nào vùng trọng yếu của cơ thể con người và việc tác động vào vùng trọng yếu đó của bị can như thế nào để đánh giá hành vi của bị can thuộc trường hợp Giết người trong trường hợp phạm tội chưa đạt hay phạm tội Cố ý gây thương tích dẫn tới tình trạng trong thời gian qua có một số vụ việc bị hại chỉ bị thương tích rất nhỏ 2-3% nhưng các cơ quan tố tụng đánh giá việc bị can dùng dao đâm vào ngực là vùng trọng yếu có thể gây chết người và khởi tố bị can về tội Giết người; Một số yêu cầu điều tra được đề ra, nhưng ĐTV không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ. Một số vụ án, CQĐT chưa thực hiện đúng và đầy đủ quy định về việc chuyển tài liệu, chứng cứ thu thập được trong hoạt động điều tra cho VKS để kiểm sát theo quy định tại khoản 5 Điều 88 BLTTHS năm 2015. Tuy nhiên, liên ngành tư pháp Trung ương chưa có cơ chế xử lý trường hợp này; Quy định về trường hợp áp dụng tình tiết giảm nhẹ “bồi thường khắc phục hậu quả”, tại giai đoạn xét xử sơ thẩm, bị cáo đã được áp dụng tình tiết giảm nhẹ “bồi thường khắc phục hậu quả”. Khi đến giai đoạn xét xử phúc thẩm, bị cáo tiếp tục bồi thường khắc phục hậu quả và được tòa án cấp phúc thẩm tiếp tục áp dụng tình tiết giảm nhẹ “bồi thường khắc phục hậu quả” và giảm án cho bị cáo. Việc áp dụng này là đúng hay sai và có được áp dụng nhiều lần về một tình tiết giảm nhẹ hay không.
Thứ năm, việc quản lý vũ khí chưa thực sự có hiệu quả dẫn đến tội phạm sử dụng hung khí, vũ khí nóng gây án chưa được kiềm chế, mà ngày càng tăng cao.
Vì vậy, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai có một số kiến nghị đề xuất như sau:
Một là, đề nghị Liên ngành cấp trên phối hợp và thống nhất quan điểm ra văn bản hướng dẫn cụ thể các quy định của Bộ luật Hình sự 2015 và vướng mắc trong thời gian qua. Viện kiểm sát cấp trên kịp thời có văn bản hướng dẫn các quy định pháp luật mới, thường xuyên ban hành các thông báo rút kinh nghiệm, giải đáp vướng mắc, để qua đó Viện kiểm sát cấp dưới có căn cứ vận dụng pháp luật và trau dồi kiến thức, nâng cao năng lực chuyên môn và bản lĩnh nghề nghiệp
Hai là, Cần xây dựng Quy chế phối hợp đưa quy định kiểm sát đối với Công an cấp xã trong việc tiếp nhận, chuyển tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.
Ba là, Liên ngành Trung ương ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn về việc đề ra và thực hiện yêu cầu điều tra, là cơ sở pháp lý để Kiểm sát viên và Điều tra viên thực hiện.
Bốn là, Đề nghị cơ quan có thẩm quyền có văn bản hướng dẫn về việc thu thập, sử dụng các hình ảnh, video, tài tiệu, chứng cứ thu thập được thông qua các thiết bị ghi hình, camera hành trình, từ các tài khoản trên mạng xã hội trong quá trình điều tra, đấu tranh với các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật
Năm là, Đề nghị có biện pháp tăng cường công tác quản lý việc mua bán, chế tạo vũ khí quân dụng cũng như các loại vũ khí khác trên thị trường hiện nay để tránh tình trạng sử dụng súng cùng các loại vũ khí khác để gây án mang tính chất manh động, nguy hiểm xảy ra trong xã hội, gây mất trật tự trị an xã hội.
Sáu là, cần có quy định về cơ chế kiểm tra, giám sát đối với quá trình thực hiện giám định tư pháp, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong công tác giám định tư pháp.
Bảy là, Cần đề xuất cơ quan có thẩm quyền, có chính sách đãi ngộ, ưu tiên đối với cán bộ, kiểm sát viên làm công tác THQCT và kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự nhằm động viên, khuyến khích tinh thần tạo điều kiện cho cán bộ, kiểm sát viên nâng cao ý thức, trách nhiệm trước nhiệm vụ được giao; Tiếp tục tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ và phương tiện làm việc cho các Viện kiểm sát địa phương nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác THQCT trong giai đoạn điều tra trong thời gian tới./.

Tác giả bài viết: Nguyễn Ánh Phổ

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây