Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai

https://vksnd.gialai.gov.vn


Kết quả 05 năm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 trong ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai

Ngay sau khi Hiến pháp năm 2013 được ban hành, Ban Cán sự Đảng và Lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh xác định việc kịp thời triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 là một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện tốt Chỉ thị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2014 và Kế hoạch công tác năm 2014 của ngành Kiểm sát tỉnh Gia Lai.
Đã chỉ đạo các đơn vị nghiêm túc triển khai thi hành Hiến pháp một cách bài bản, toàn diện, bám sát Kế hoạch tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Chính phủ và của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Yêu cầu các đơn vị tăng cường rà soát các văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp với quy định mới của Hiến pháp năm 2013 để tập hợp, báo cáo Viện Kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị cơ quan có thẩm quyền bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản mới thay thế. Căn cứ hướng dẫn của cấp trên, chủ động chuẩn bị các nguồn lực, báo cáo đề xuất việc sắp xếp, tổ chức bộ máy phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của ngành theo Hiến pháp năm 2013. Tích cực nghiên cứu, tham gia xây dựng và góp ý kiến hoàn thiện Dự thảo Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân theo yêu cầu của Ngành cũng như các văn bản pháp luật khác có liên quan mật thiết đến chức năng, nhiệm vụ của Viện Kiểm sát nhân dân. Tăng cường các biện pháp tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu quy định của Hiến pháp năm 2013 trong nội bộ ngành Kiểm sát Gia Lai và đến đông đảo người dân bằng nhiều hình thức phù hợp, thiết thực...
 

Toàn cảnh Hội nghị triển khai công tác năm 2019
 
Ngành đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai ban hành Chỉ thị số 05–CT/TU ngày 04 tháng 4 năm 2016 về triển khai thi hành các đạo luật liên quan đến lĩnh vực tư pháp, nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, phát huy đầy đủ trách nhiệm của các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp trong đấu tranh phòng, chống và xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm. Đồng thời, Ban Cán sự Đảng Viện KSND tỉnh ban hành Kế hoạch số 12-KH/BCSĐ ngày 20/4/2016 để triển khai thực hiện Chỉ thị số 05–CT/TU trong toàn ngành Kiểm sát tỉnh Gia Lai.
Đơn vị đã ban hành 05 văn bản chỉ đạo triển khai thi hành hiến pháp như: 02 Kế hoạch công tác kiểm sát năm 2014 và 2015 (Số 110/KH-VKS-VP ngày 22/01/2014; Số 79/KH-VKS-VP ngày 28/01/2015) và 03 Kế hoạch trọng tâm công tác tuyên truyền (Số 151-VKS-KHTT ngày 10/02/2014; Số 136/KH-VKS-VP ngày 28/01/2016; Số 156/KH-VKS-VP ngày 28/02/2017).
         
Công tác tuyên truyền và phổ biến Hiến pháp năm 2013 được Viện Kiểm sát nhân dân hai cấp tỉnh Gia Lai triển khai thực hiện trên phạm vi sâu rộng đến 100% công chức và người lao động (gần 300 công chức và người lao động) và đến các tầng lớp nhân dân qua thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành và các nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Cụ thể như:
         
Ngày 27/02/2014, toàn ngành Kiểm sát tỉnh Gia Lai đã tham dự đầy đủ, đúng thành phần Hội nghị triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 trong ngành Kiểm sát nhân dân do Viện KSND tối cao tổ chức (Hội nghị trực tuyến). Thành phần tham dự: Lãnh đạo Viện KSND tỉnh, toàn thể Kiểm sát viên, công chức Viện KSND tỉnh; Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện KSND cấp huyện.
         
Sau Hội nghị này, ngành Kiểm sát Gia Lai đã tổ chức 18 buổi học tập, nghiên cứu, triển khai thi hành Hiến pháp trong nội bộ Viện Kiểm sát hai cấp, gồm: 01 buổi quán triệt, học tập cho toàn thể công chức và người lao động cơ quan Viện kiểm sát tỉnh (71 người) và 17 buổi học tập/17 đơn vị cấp huyện cho 100% công chức và người lao động thuộc Viện Kiểm sát cấp huyện (hơn 200 người).
         
Đơn vị đã đăng tải toàn văn Hiến pháp năm 2013 và các tài liệu tập huấn, hướng dẫn, giới thiệu Hiến pháp của cơ quan có thẩm quyền lên Trang thông tin điện tử Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh để phổ biến, tuyên truyền đến cán bộ, công chức và người lao động trong Ngành và đông đảo người dân.
         
100% công chức và người lao động ngành Kiểm sát Gia Lai đã tích cực hưởng ứng tham gia Cuộc thi “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; đã hoàn thành và nộp gần 300 bài dự thi trong tháng 4 năm 2015.
         
Trang thông tin điện tử Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đăng tải trên 500 tin, bài và ảnh để thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, việc thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, nhất là các nội dung có liên quan đến quy định của Hiến pháp năm 2013 và văn bản pháp luật cụ thể hóa quy định của Hiến pháp có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Ngành, cũng như liên quan đến quyền con người, quyền công dân, điển hình như: Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam, Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và Gia đình...
         
Lãnh đạo Viện KSND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm túc yêu cầu của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trong việc rà soát văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp với Hiến pháp 2013. Trong đó, đã tiến hành rà soát lại nhiều văn bản quy phạm pháp luật như: Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân, các Bộ luật, Luật có liên quan trực tiếp đến chức năng, nhiệm vụ của Ngành và nhiều Thông tư, Thông tư liên tịch... Đồng thời tập hợp, báo cáo Viện Kiểm sát nhân dân tối cao theo quy định.
         
Viện Kiểm sát hai cấp tỉnh Gia Lai đã tích cực cùng toàn Ngành tham gia nhiều ý kiến thiết thực, có chất lượng để góp ý xây dựng, sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân, Bộ luật Tố tụng hình sự (là văn bản do Ngành chủ trì soạn thảo) và nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng khác như: Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự...    
         
Căn cứ Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân năm 2014 và Nghị quyết số 82 /2014/QH13 ngày 24/11/2014 của Quốc hội về việc thi hành Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân, toàn Ngành tổ chức lại theo hệ thống 4 cấp, thành lập thêm Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao. Theo đó, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai đã thực hiện nghiêm túc việc điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn có liên quan đến thẩm quyền kháng nghị, giải quyết vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm để chuyển về Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao thực hiện theo quy định của pháp luật.
         
Viện kiểm sát hai cấp và các đơn vị nghiệp vụ thuộc Viện KSND tỉnh đã sửa đổi, ban hành mới 30 Quy chế làm việc và Quy chế tổ chức, hoạt động của các đơn vị phù hợp với Quy định của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 và Hiến pháp năm 2013.
         
Lãnh đạo Viện KSND tỉnh đã chỉ đạo Viện kiểm sát hai cấp, nhất là các Kiểm sát viên, trong thi hành công vụ phải tuyệt đối tuân thủ pháp luật và quy chế nghiệp vụ của Ngành; quá trình thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp phải nắm chắc quy định của Hiến pháp và pháp luật; thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; bảo đảm việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự đúng người, đúng tội và đúng pháp luật, việc giải quyết vụ, việc dân sự, khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp phải kịp thời, đúng pháp luật, tăng cường các biện pháp chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm và người phạm tội.
         
Hằng năm, Viện KSND tỉnh lựa chọn ít nhất 02 khâu công tác đột phá để chỉ đạo toàn Ngành tập trung đề ra các giải pháp, tổ chức thực hiện gắn với việc thi hành các đạo luật mới về tư pháp nhằm khắc phục tồn tại, hạn chế, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành, điển hình như việc tăng cường thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, bảo đảm không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội; nâng cao chất lượng công tác kiểm sát, tham gia phiên tòa, phiên họp giải quyết các vụ, việc dân sự, vụ án hành chính, hạn chế thấp nhất việc hủy án, sửa án có trách nhiệm của Viện Kiểm sát…
         
Tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 03/CT-VKSTC, Chỉ thị số 05/CT-VKSTC của Viện trưởng VKSND tối cao và Kế hoạch số 90/KH-VKSTC ngày 10/8/2017 của VKSND tối cao về thi hành các Luật, Nghị quyết, nhất là Luật, Nghị quyết được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 3 liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Viện Kiểm sát nhân dân; đồng thời ban hành Kế hoạch số 733/KH-VKS ngày 05/9/2017 để triển khai thực hiện trong toàn ngành Kiểm sát Gia Lai. Viện Kiểm sát nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các Phòng nghiệp vụ thuộc Viện KSND tỉnh căn cứ Kế hoạch số 733/KH-VKS đã xây dựng Kế hoạch và Chương trình chi tiết của đơn vị mình để tổ chức thực hiện, trong đó đề ra các giải pháp, biện pháp, phân công nhiệm vụ cụ thể và ấn định lộ trình, thời gian bắt đầu, tiến độ thực hiện và thời gian hoàn thành, đồng thời có cơ chế kiểm tra, giám sát, đôn đốc, theo dõi, chỉ đạo và báo cáo kết quả thực hiện...
         
Từ năm 2014 đến năm 2019, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai đã tổ chức trên 40 Hội nghị trực tiếp và trực tuyến để tập huấn các quy định mới của luật, nhất là các đạo luật về tư pháp được ban hành mới để phù hợp với Hiến pháp năm 2013. Bên cạnh đó, đã 02 lần tổ chức Cuộc thi “Chúng tôi là Kiểm sát viên” để tìm hiểu, tuyên truyền về Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đến toàn thể cán bộ, công chức và người lao động trong Ngành và mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh.
         
Ngành cũng đã làm tốt công tác phối hợp với cơ quan chức năng sửa đổi, bổ sung, ký ban hành mới trên 60 Quy chế phối hợp trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ như: Việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; phối hợp trong giải quyết vụ án hình sự, tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm, việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án...
         
Nhìn chung, việc tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 đã được Viện KSND tỉnh Gia Lai thực hiện tốt và đạt nhiều kết quả thiết thực, như: Công tác tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp được triển khai sâu rộng trong toàn Ngành; làm tốt công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật, báo cáo cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành mới để phù hợp với Hiến pháp; tham gia nhiều ý kiến góp ý xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, nhất là các văn bản do ngành Kiểm sát nhân dân chủ trì soạn thảo và những văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trực tiếp đến chức năng, nhiệm vụ của Ngành; chỉ đạo thực hiện việc điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ và tổ chức cơ cấu bộ máy theo đúng quy định của Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân năm 2014 và hướng dẫn của Viện KSND tối cao. Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp bảo đảm tuân thủ nghiêm túc các nguyên tắc cơ bản và những quy định của Hiến pháp năm 2013, nhất là những quy định về quyền con người, quyền công dân... bảo đảm việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, việc bắt, tạm giữ, tạm giam bảo đảm tuân thủ pháp luật; làm tốt nhiệm vụ chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm và người phạm tội.
           
Qua đây, đơn vị cũng rút ra một số bài học kinh nghiệm trong việc triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 như sau:
         
Một là, thực hiện tốt vai trò tham mưu, tranh thủ sự lãnh đạo của Đảng và chính quyền, nhất là công tác tổ chức, phân công nhiệm vụ, tăng cường phối hợp, có cơ chế chỉ đạo, giám sát, kiểm tra và báo cáo kết quả thực hiện. Kịp thời nắm bắt, đánh giá đúng thực trạng và nguyên nhân ưu điểm, khó khăn, vướng mắc để đề ra các giải pháp khắc phục, tránh tình trạng thực hiện chung chung hoặc chỉ qua văn bản, báo cáo và xa rời thực tiễn khi thi hành Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật.
         
Hai là, ngoài việc thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành, cần chú trọng theo dõi việc thi hành Hiến pháp và pháp luật, đồng thời căn cứ tình hình thực tiễn tại địa phương, lựa chọn những khâu công tác đột phá, lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm gắn với thực tiễn thi hành pháp luật; từ đó tiến hành kiểm tra, rà soát chuyên sâu, nhằm tìm ra những hạn chế, bất cập trong thi hành Hiến pháp và pháp luật để đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc kịp thời hướng dẫn, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao về mặt nhận thức trong quá trình áp dụng pháp luật.
         
Ba là, việc quán triệt, triển khai thi hành Hiến pháp và các đạo luật mới, nhất là những luật có liên quan trực tiếp đến chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát nhân dân phải gắn liền với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo hướng vừa đa dạng về hình thức, vừa chuyên sâu về nội dung; chú trọng phối hợp, trao đổi, thông tin nhiều chiều giữa cấp trên với cấp dưới và giữa các ngành chức năng có liên quan với nhau để cùng có “tiếng nói chung” trong nhận thức và hành động.     
         
Bốn là, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tập huấn, sơ kết, tổng kết và tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để việc tiếp cận thông tin pháp luật phong phú hơn về nội dung và đa dạng hơn về hình thức, phương pháp, cũng như cách thức tiếp cận và lĩnh hội, từ đó triển khai các quy định của pháp luật vào thực tiễn đạt hiệu quả cao.
         
Năm là, triển khai đồng bộ các giải pháp về nghiệp vụ để nâng cao chất lượng công tác gắn với việc quán triệt, tổ chức thi hành quy định mới của pháp luật, chú trọng nhân rộng các điển hình làm tốt để các đơn vị khác cùng tham khảo, học tập, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chung trong công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm./.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thành Duy

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây