Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai

https://vksnd.gialai.gov.vn


Công tác kiểm sát phục vụ nhiệm vụ đảm bảo an ninh chính trị tại tỉnh Gia Lai

Gia Lai là một tỉnh miền núi nằm ở phía bắc Tây Nguyên, với 17 đơn vị hành chính huyện, thị;
có diện tích 15.536,9 km2; phía Bắc giáp tỉnh Kon Tum; phía Nam giáp tỉnh Đak Lak; phía Tây giáp Cam-pu-chia, với 90 km là đường biên giới quốc gia; phía Đông giáp các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên. Với dân số khoảng 1,4 triệu người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ gần 45%, chủ yếu là đồng bào Jrai, Bahnar.

Những năm gần đây, an ninh chính trị trên địa bàn cơ bản ổn định và được giữ vững. Tuy nhiên, việc phục hồi hoạt động FULRO và cái gọi là “Tin Lành Đê Ga” vẫn diễn biến phức tạp. Một số đối tượng cốt cán cái gọi là “Tin Lành Đê Ga” tại các huyện Ia Grai, Chư Sê, Chư Pưh, Phú Thiện lén lút liên lạc nhận sự chỉ đạo của các đối tượng phản động lưu vong ở nước ngoài; đi tuyên truyền, lôi kéo người dân tập trung nhóm họp, truyền đạo trái phép nhằm phục hồi hoạt động của tổ chức FULRO và lôi kéo người dân tham gia cái gọi là “Tin Lành Đê Ga”. Đáng chú ý là năm 2013, Lợi dụng việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, một số đối tượng đã phát tán tờ rơi và thông qua việc giáo dân đi lễ nhà thờ vào ngày Thứ 7, Chủ nhật để tuyên truyền, kêu gọi giáo dân tham gia ý kiến sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đòi bỏ Điều 4 của Hiến pháp, đòi đa nguyên chính trị, đa đảng, phi chính trị hóa lực lượng vũ trang và tư hữu đất đai. Các cơ quan chức năng của tỉnh Gia Lai đã phối hợp bóc gỡ, xử lý theo quy định của pháp luật, đồng thời tăng cường tuyên truyền, vận động và đưa các đối tượng ra kiểm điểm trước nhân dân. Đến nay, tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững và ổn định.

Với chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp cùng với các ngành chức năng của tỉnh tập trung phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm minh các hoạt động phá hoại, gián điệp, tuyên truyền kích động, lôi kéo người dân nhằm mục đích chống chính quyền nhân dân, phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc của các thế lực thù địch, phản động lưu vong. Trọng tâm là triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 14/10/2006 của Bộ Chính trị, Kết luận số 86-KL/TW ngày 05/11/2010 của Bộ Chính trị “về tăng cường lãnh đạo công tác bảo đảm an ninh quốc gia trong tình hình mới” và Kế hoạch số 17-KH/TU ngày 21/11/2007 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, về “đảm bảo an ninh chính trị trong tình hình mới”. Các giải pháp đã triển khai thực hiện và kết quả đạt được cụ thể như sau:

1. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã thành lập các tổ công tác xuống địa bàn các xã IaKe, huyện Phú Thiện và xã Ia Dreng, huyện Chư Pưh, bám buôn làng, sống cùng dân, vận động đồng bào ổn định định canh định cư, nâng cao đời sống, trong đó cốt yếu là tuyên truyền, nâng cao trình độ nhận thức cho đồng bào. Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Viện kiểm sát các huyện có chung đường biên giới với Vương quốc Campuchia và một số huyện trọng yếu về an ninh quốc gia phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của ta và của Vương quốc Campuchia, bằng các biện pháp chính trị, ngoại giao mềm dẻo, linh hoạt để bóc gỡ, phân loại, xử lý các đối tượng tổ chức, tham gia hoạt động FULRO, nhất là các đối tượng cầm đầu, cốt cán. Bên cạnh đó, trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử, đã tăng cường phối hợp xét xử lưu động để tuyên truyền, răn đe, giáo dục, phòng ngừa tội phạm; Chỉ đạo các tổ công tác ở các thôn, làng tích cực vận động quần chúng vạch trần âm mưu chống phá chính quyền, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc của bọn phản động FULRO, cái gọi là “Tin lành Đê Ga” và đưa một số đối tượng bị bóc gỡ ra kiểm điểm, nhận tội trước dân. Từ đó tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của quần chúng, thức tỉnh những người bị lôi kéo cảnh giác, không mắc mưu kẻ xấu; kịp thời ngăn chặn âm mưu kích động gây rối, bạo loạn và phục hồi cơ sở ngầm của bọn phản động FULRO trên địa bàn tỉnh, góp phần giữ vững an ninh quốc gia, ổn định chính trị ở địa phương.

2. Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và tuyên truyền, giáo dục trong Nhân dân về âm mưu, phương thức, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, bọn phản động và các loại tội phạm xâm phạm an ninh. Qua đó, ý thức, trách nhiệm trong giữ gìn an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội của cán bộ, đảng viên và Nhân dân được nâng cao. Công tác phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” được đặc biệt quan tâm và chỉ đạo thực hiện nghiêm túc. 100% cán bộ, công chức ngành Kiểm sát có tư tưởng, lập trường chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Nhân dân.
Công tác bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ và chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước, quan hệ tiếp xúc với nước ngoài, thực hiện kỷ luật trong Đảng được quán triệt và thực hiện nghiêm túc theo đúng Điều lệ, Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước và Quy định của ngành Kiểm sát nhân dân.

3. Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy và cấp ủy chi bộ làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ; chủ động nắm tình hình diễn biến tư tưởng đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng; từ đó kịp thời phát hiện, ngăn chặn những hành vi, biểu hiện lệch lạc, mất cảnh giác về tư tưởng chính trị trong đội ngũ cán bộ đảng viên. Phát hiện, xem xét những cán bộ, đảng viên, tổ chức Đảng và quần chúng có vấn đề về tư tưởng chính trị để có biện pháp xử lý, giải quyết kịp thời. Thực hiện tốt việc quản lý đội ngũ cán bộ đảng viên. Nắm chắc diễn biến tư tưởng của đảng viên để ngăn ngừa đảng viên không vi phạm Quy định 57-QĐ/TW của Bộ Chính trị; kịp thời phát hiện và xử lý những cán bộ, đảng viên và quần chúng vi phạm chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và quy định của Ngành. Thường xuyên giáo dục đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên; phát hiện, ngăn ngừa những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên. Công tác rà soát hồ sơ, lý lịch đảng viên, kết nạp đảng viên; thẩm tra, xác minh, thẩm định tiêu chuẩn chính trị, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ được thực hiện chặt chẽ, đúng quy trình, quy định của Đảng. Làm tốt việc giới thiệu nhân sự tham gia cấp ủy địa phương và ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhất là trong đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2015 – 2020 và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021.

4. Gắn việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành với công tác đảm bảo an ninh chính trị, phát hiện đấu tranh ngăn chặn âm mưu chống phá của các tổ chức phản động; phòng chống biểu tình, bạo loạn; đấu tranh xóa bỏ tổ chức phản động FULRO, cái gọi là “Tin lành Đề Ga” và “Tà đạo Hà Mòn”; số liệu kết quả công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp đối với tội phạm về an ninh quốc gia từ năm 01/12/2006 đến 31/5/2016, cụ thể như sau:

Trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, Viện kiểm sát thực hiện tốt công tác nắm tình hình; tập trung thực hành quyền công tố, kiểm sát chặt chẽ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố theo đúng quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, đảm bảo không để xảy ra việc khởi tố oan, sai, đồng thời không để lọt tội phạm và người phạm tội. Chủ động họp bàn với Cơ quan An ninh điều tra tiến hành rà soát phân loại các tin báo tố giác tội phạm để khởi tố: 45 vụ/116 bị can về các tội xâm phạm an ninh quốc gia (Tội phá hoại chính sách đoàn kết: 41 vụ/104 bị can; Tội phá rối an ninh: 04 vụ/12 bị can). Phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh và huyện đưa các đối tượng vi phạm chưa đến mức xử lý hình sự ra kiểm điểm trước cộng đồng dân cư, có mời các cơ quan thông tin đại chúng tham gia để đưa tin. Qua đó, tuyên truyền cho người dân hiểu rõ âm mưu thâm độc của tổ chức phản FULRO là nhằm mục đích chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Ngoài ra, đã tích cực hỗ trợ, phối hợp với các cơ quan chức năng truy bắt, đấu tranh, bóc gỡ, xóa bỏ các khung ngầm, giáo dục các đối tượng liên quan đến hoạt động FULRO...Từ đó người dân đã tích cực hỗ trợ cơ quan chức năng phát hiện, xử lý các vụ việc xảy ra, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị trên địa bàn.

Kết quả thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia:

Cơ quan An ninh điều tra đã khởi tố và giải quyết: 57 vụ/179 bị can (số cũ: 10 vụ/58 bị can; số mới: 47 vụ/121 bị can); trong đó: Đình chỉ: 05 vụ/51 bị can, lý do: Miễn truy cứu trách nhiệm hình sự và phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương; Đề nghị truy tố 52 vụ/128 bị can. Viện kiểm sát đã truy tố 52 vụ/128 bị can. Tỷ lệ giải quyết án của Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát đạt 100%. Tòa án đã xét xử: 61 vụ/153 bị cáo (số cũ: 09 vụ/25 bị cáo; số mới: 52/128 bị cáo).
Ngoài ra, đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án có liên quan đến an ninh quốc gia như: Tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép..., cụ thể: CQĐT khởi tố 62 vụ/163 bị can; đã giải quyết: 59 vụ/150 bị can (Đình chỉ: 03 vụ/15 bị can; Đề nghị truy tố: 56 vụ/135 bị can). Viện kiểm sát đã truy tố: 56 vụ/135 bị can. Tòa án đã xét xử: 55 vụ/131 bị cáo (còn 01 vụ/04 bị cáo chưa xét xử).

Viện kiểm sát luôn chủ động phối hợp với cơ quan điều tra để thực hiện tốt việc thu thập chứng cứ phân hóa hành vi phạm tội để làm cơ sở cho việc xem xét phê chuẩn các quyết định khởi tố bị can, việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn đảm bảo cho việc khởi tố có căn cứ và đúng quy định của pháp luật. Ngay khi khởi tố vụ án, Lãnh đạo Viện kiểm sát đã phân công Kiểm sát viên kiểm sát chặt chẽ tiến độ điều tra, kịp thời đề ra yêu cầu điều tra đối với từng bị can và định hướng để Điều tra viên tiến hành điều tra đúng với tình tiết khách quan của vụ án, đảm bảo cho quá trình điều tra các vụ án được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Qua đó, không có vụ án nào thuộc các tội xâm phạm an ninh quốc gia phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, không có trường hợp nào khởi tố điều tra sau đó phải đình chỉ do đối tượng không thực hiện hành vi phạm tội. 100% các vụ án Viện kiểm sát thụ lý giải quyết được Lãnh đạo Viện quan tâm chỉ đạo sâu sát, bảo đảm truy tố đúng thời hạn, đúng người, đúng tội; không có trường hợp nào oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm và người phạm tội.
Viện kiểm sát luôn chú trọng đảm bảo cho việc tranh luận dân chủ, công khai tại phiên toà đúng theo tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 02-01-2002 của Bộ chính trị. Lãnh đạo Viện kiểm sát luôn yêu cầu các Kiểm sát viên tích cực nghiên cứu kỹ các quy định của Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự và các văn bản có liên quan, đồng thời thực hiện tốt các Quy chế nghiệp vụ của Ngành; từ đó ngày càng nâng cao kỹ năng nghiệp vụ nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của ngành. Khi đề xuất việc áp dụng các quy định của pháp luật trong việc xử lý các vụ án, việc áp dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, áp dụng chính sách pháp luật đều được các Kiểm sát viên cân nhắc kỹ lưỡng, phù hợp với tính chất, mức độ thực hiện hành vi phạm tội của từng bị cáo. Từ đó, mức án do Viện kiểm sát đề nghị áp dụng đối với các bị cáo đều đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật và được Hội đồng xét xử chấp nhận. Không có trường hợp nào Viện kiểm sát truy tố mà Tòa án tuyên bị cáo không phạm tội.

Thông qua công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia, Viện kiểm sát luôn chú trọng công tác tuyên truyền giáo dục để người dân hiểu rõ chính sách, pháp luật của Nhà nước, đường lối chủ trương của Đảng. Thời gian qua Viện kiểm sát đã chủ động đề nghị lãnh đạo liên ngành (Công an, kiểm sát, Tòa án) xin ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy để đưa ra xét xử lưu động 24 vụ án/58 bị cáo tại địa bàn các huyện: Chư Sê, Chư Păh, Ia Grai, Phú Thiện, Krông Pa, Đăk Đoa, Mang Yang, Chư Prông, Chư Pưh là những nơi từng xuất hiện các điểm nóng về an ninh chính trị. Sau khi xét xử quần chúng Nhân dân rất đồng tình với quyết định của các cơ quan pháp luật và thấy được âm mưu thâm độc của bọn phản động, nhằm phục vụ nhiệm vụ chính trị và góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị trên địa bàn tỉnh.
Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được Lãnh đạo Viện kiểm sát hai cấp chỉ đạo thực hiện nghiêm túc; thực hiện tốt việc tiếp công dân định kỳ do Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tổ chức. Tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc có đơn khiếu kiện kéo dài, phức tạp, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Phương hướng trong thời gian tới để thực hiện tốt công tác kiểm sát phục vụ nhiệm vụ bảo đảm an ninh chính trị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai:

Một là, nắm vững chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, đề cao sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh chính trị, trọng tâm là Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 14/10/2006 của Bộ Chính trị, Kết luận số 86-KL/TW ngày 05/11/2010 của Bộ Chính trị “về tăng cường lãnh đạo công tác bảo đảm an ninh quốc gia trong tình hình mới”, gắn với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành và chủ trương “Đổi mới, chất lượng, kỷ cương, hướng về cơ sở”

Hai là, tích cực tham mưu cấp ủy đảng, kiến nghị với chính quyền các giải pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh nắm chắc tình hình, giải quyết các vụ việc, vụ án và đơn thư khiếu nại phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, các vụ án, vụ việc về tham nhũng, án an ninh quốc gia.

Ba là, tăng cường chỉ đạo Viện kiểm sát các huyện có chung đường biên giới với Vương quốc Campuchia và một số huyện trọng yếu về an ninh quốc gia phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của ta và của Vương quốc Campuchia, bằng các biện pháp chính trị, ngoại giao mềm dẻo, linh hoạt để bóc gỡ, phân loại, xử lý các đối tượng tổ chức, tham gia hoạt động FULRO, cái gọi là “Tà đạo Hà Mòn” và “Tin lành Đê Ga”, nhất là các đối tượng cầm đầu, cốt cán.

Bốn là, quán triệt và triển khai thực hiện tốt Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam, Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015; đồng thời tiếp tục tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra; chống oan, sai và chống bỏ lọt tội phạm; nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên; phối hợp tốt với Tòa án nhân dân trong công tác xét xử lưu động để tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong nhân dân.

Năm là, thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng Ngành và công tác bảo vệ chính trị nội bộ; kiện toàn tổ chức bộ máy, xác định rõ chức nănbg, nhiệm vụ, thẩm quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới./.

 

Tác giả bài viết: Nguyễn Đình Quang - VT VKSND tỉnh Gia Lai

Nguồn tin: Tạp chí kiểm sát số 18 năm 2016

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây