Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai

https://vksnd.gialai.gov.vn


10 năm thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị về tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, một số kết quả đáng ghi nhận qua công tác của ngành KSND tỉnh Gia

1. Những kết quả nổi bật của ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm giai đoạn 2010 - 2020

Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai là cơ quan thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trên địa bàn tỉnh Gia Lai; có nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất; thực hiện các công tác khác theo quy định của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 và theo sự phân công, chỉ đạo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Với chức năng, nhiệm vụ Hiến định, là cơ quan tiến hành tố tụng, có vị trí, vai trò quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai đã chủ động quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị về tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới (sau đây gọi tắt là Chỉ thị số 48), Kết luận 05-KL/TW của Ban Bí thư và Chương trình số 02-CTr/TU của Tỉnh ủy Gia Lai gắn với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành theo kế hoạch công tác hằng năm với những chỉ tiêu nghiệp vụ cụ thể, trọng tâm là tăng cường trách nhiệm công tố, nâng cao chất lượng kiểm sát hoạt động tư pháp, đẩy mạnh công tác kiến nghị phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm để thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm Giai đoạn 2011 – 2015 và Chiến lược Quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 – 2025 và định hướng đến năm 2030.
         
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 05-CT/TU ngày 04/4/2016 về triển khai thi hành các đạo luật liên quan đến lĩnh vực tư pháp, để tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, phát huy đầy đủ trách nhiệm của các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; đồng thời thống nhất nhận thức, triển khai thực hiện có hiệu quả các đạo luật mới về tư pháp trên địa bàn tỉnh Gia Lai.  Đơn vị đã thành lập Ban chỉ đạo các chương trình phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội gồm 05 thành viên, do 01 đồng chí Phó Viện trưởng làm Trưởng ban. Hằng năm, chỉ đạo toàn Ngành xây dựng Kế hoạch, Chương trình công tác phải bám sát mục đích, yêu cầu, quan điểm, định hướng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm, các văn bản phát động thực hiện Đợt cao điểm phòng, chống tội phạm; Tháng hành động phòng, chống ma túy… của Trung ương, của Viện KSND tối cao và của tỉnh Gia Lai; xây dựng các chỉ tiêu công tác phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Ngành, gắn với việc thực hiện mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm. Chú trọng công tác sơ kết, tổng kết hàng năm để đánh giá tiến độ thực hiện các nội dung của Chương trình; những việc đã làm được, tồn tại, vướng mắc, từ đó có giải pháp thực hiện cho những năm tiếp theo.


Kiểm sát viên Viện KSND tỉnh Gia Lai thực hành quyền công tố tại phiên tòa xét xử vụ án 106 bị cáo về tội “Tổ chức đánh bạc” và “Đánh bạc”
          
Trong công tác phòng ngừa tội phạm, qua thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành, Viện Kiểm sát hai cấp đã trực tiếp và gián tiếp tác động đến nhận thức pháp luật của khoảng hơn 30.000 lượt người/năm, kịp thời truyên truyền, phổ biến và giáo dục nhiều chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới quần chúng nhân dân tại địa phương. Cung cấp thông tin, hướng dẫn, giải thích pháp luật cho những người bị xử lý về hình sự như bị can, bị cáo, người đang chấp hành án hình sự; các đương sự trong vụ án dân sự, hành chính, vụ việc thi hành án và những người khác có liên quan. Thông qua công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, Viện kiểm sát hai cấp luôn chủ động lắng nghe, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân, từ đó có phương án trực tiếp trả lời, giải thích cặn kẽ cho công dân đến khiếu nại, tố cáo; không để xảy ra các vụ việc khiếu kiện bức xúc, kéo dài, khiếu kiện đông người hoặc gây mất ổn định về an ninh, trật tự xã hội.
Thông qua công tác xét xử các vụ án hình sự, dân sự, hành chính đã lồng ghép để trực tiếp phổ biến, giáo giục pháp luật trong nhân dân tại các phiên toà như: Chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước trong việc xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm; các biện pháp đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật, tội phạm và giải pháp phòng ngừa tội phạm; đặc biệt là giải pháp phòng ngừa các loại tội phạm phổ biến như: Trộm cắp, Cướp giật, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tội phạm về ma tuý; tội phạm xâm phạm danh dự, nhân phẩm, tính mạng, sức khoẻ của con người và các quy định của pháp luật về đất đai, quyền sở hữu, hợp đồng, giao dịch cầm cố, thế chấp, bảo lãnh, pháp luật về thừa kế; hôn nhân và gia đình, lao động, hộ tịch, hộ khẩu, bình đẳng giới...v.v.
Đã phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng lựa chọn 917 vụ án hình sự làm án điểm để tập trung điều tra, truy tố, xét xử nhanh phục vụ nhiệm vụ chính trị tại địa phương; phối hợp với Tòa án cùng cấp lựa chọn 1.009 vụ án hình sự đưa ra xét xử lưu động tại các địa bàn là điểm nóng về tội phạm, thu hút hơn 200.000 lượt người dân tham dự. Các vụ án được xét xử lưu động là những vụ án nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc những vụ án được dư luận xã hội quan tâm như: Các vụ án an ninh về phá hoại chính sách đoàn kết, ma tuý, giết người có liên quan đến “Ma lai”, “thuốc thư”, cố ý gây thương tích, trộm cắp, cướp, cướp giật, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vi phạm các quy định về an toàn giao thông và các vụ án xâm phạm danh dự, nhân phẩm con người. Phối hợp tổ chức trên 15 phiên tòa giả định xét xử vụ án hình sự trên cơ sở một vụ án có thật xảy ra tại địa phương để tuyên truyền cho hơn 6.000 lượt học sinh, thanh thiếu niên ở nhiều Trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh, được cấp ủy và chính quyền địa phương đánh giá cao, góp phần tăng cường hiểu biết pháp luật, khuyến khích mọi người dân tích cực tham gia đấu tranh, phòng ngừa tội phạm.
Qua hoạt động nghiệp vụ, Viện kiểm sát hai cấp tỉnh Gia Lai đã chủ động ban hành hơn 130 kiến nghị đối với cơ quan, tổ chức hữu quan về các biện pháp phòng ngừa tội phạm trong các lĩnh vực như: Quản lý đăng ký hộ khẩu, hộ tịch; quản lý tài sản; tăng cường biện pháp hạn chế tai nạn giao thông; quản lý di dân tự do; quản lý và bảo vệ rừng; quản lý đất đai; sử dụng vũ khí, vật liệu nổ; tội phạm về ma túy, trồng cây cần sa, phá rừng, đánh bạc; tội phạm về xâm hại trẻ em, bạo lực gia đình... Kiến nghị của Viện kiểm sát hai cấp đều được các cơ quan hữu quan tiếp thu, có biện pháp phòng ngừa tội phạm.
Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền trên trang thông tin điện tử của Viện KSND tỉnh Gia Lai về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước và các mặt hoạt động của Viện kiểm sát hai cấp trong thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp; kịp thời đăng tải các sự kiện, tin tức thời sự về pháp luật trên địa bàn tỉnh; các thông tin chuyên đề về đấu tranh, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; cung cấp và cho phép tải miễn phí các văn bản quy phạm pháp luật tại chuyên mục Tủ sách pháp luật điện tử; đăng tải trên 1.000 tin, bài, ảnh; ngoài ra còn đăng tải hàng trăm tin, bài trên Tạp chí Kiểm sát, Báo Bảo vệ pháp luật và các trang tin của Ngành, góp phần thông tin, tuyên truyền về Ngành và phổ biến, giáo dục pháp luật.
Thông qua công tác phụ trách thôn, làng trọng điểm, Viện kiểm sát nhân dân các huyện, thị xã, thành phố đã tích cực tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhân dân, giúp địa phương xây dựng Tủ sách pháp luật; thường xuyên hỗ trợ, cung cấp bổ sung các văn bản pháp luật và các số báo của Ngành cho cán bộ và nhân dân tại địa phương, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Viện KSND tỉnh đã tổ chức 06 đợt trợ giúp pháp lý, tuyên truyền pháp luật cho gần 750 lượt người dân tại xã Ia Ake và xã Chro Pnan huyện Phú Thiện; xã Ia Dreng, huyện Chư Pưh; Làng Hleng, xã Kon Pne, huyện K’Bang; xã Kông Htok, huyện Chư Sê; làng Ó, xã Ia Tôr, huyện Chư Prông (trong đó có 01 đợt 05 ngày liên tục tại xã Ia Dreng, huyện Chư Pưh).
Tổ chức và tham gia trên 130 đợt tập huấn, Hội nghị, Hội thảo về công tác chuyên môn, nghiệp vụ, triển khai văn bản quy phạm pháp luật mới và 02 lần tổ chức Cuộc thi “Chúng tôi là Kiểm sát viên” để nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật cho cán bộ, công chức, Kiểm sát viên, nhất là các đạo luật về tư pháp như: Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam, Luật thi hành án hình sự… Xây dựng 30 Tủ sách pháp luật (trong đó có 01 Tủ sách pháp luật điện tử trên Trang thông tin điện tử VKSND tỉnh) và nhiều chuyên đề khoa học nghiệp vụ, triển khai trong toàn Ngành tới từng cán bộ, Kiểm sát viên để nghiên cứu học tập nâng cao trình độ nghiệp vụ.
Phối hợp với Cơ quan điều tra tổ chức tập huấn, giải đáp khó khăn, vướng mắc về nghiệp vụ tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm cho gần 150 lượt Công an cấp xã, đồng thời trực tiếp kiểm sát công tác này tại trên 514 lượt Công an cấp xã; trong đó đặc biệt chú trọng tập huấn cho lực lượng Công an các xã được chọn để xây dựng nông thôn mới với tiêu chí tăng cường công tác phòng, chống tội phạm, đảm bảo giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội (tại các huyện KBang, Mang Yang, Chư Sê, Đức Cơ, Ia Grai, Đak Pơ và thị xã An Khê…). Hoạt động này nhằm hỗ trợ, tăng cường năng lực phát hiện, xử lý vi phạm và tội phạm cho lực lượng Công an cấp xã, chống oan, sai và chống bỏ lọt tội phạm ngay từ cơ sở và ngay từ giai đoạn đầu của quá trình tố tụng, góp phần quan trọng vào việc duy trì an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa phương, phục vụ hiệu quả cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm tại cấp cơ sở và việc xây dựng nông thôn mới an toàn và phát triển.


Kiểm sát viên trực tiếp trao đổi, hướng dẫn pháp luật cho người dân tại làng Ó, xã Ia Tôr, huyện Chư Prông

Công tác xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong đấu tranh phòng, chống tội phạm: Hằng năm, đơn vị có kế hoạch xây dựng và nhân rộng ít nhất 01 tập thể và 02 cá nhân có thành tích điển hình tiên tiến, xuất sắc. Đã ban hành 15 văn bản nhân rộng 18 lượt tập thể và trên 60 lượt cá nhân có sáng kiến, phương pháp và cách làm hay đạt hiệu quả cao trong công tác thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành và côn tác đấu tranh phòng, chống tội phạm để Viện kiểm sát hai cấp nghiên cứu, tham khảo, vận dụng.  Điển hình như: Phương pháp, cách làm hay, đạt hiệu quả cao của Viện KSND huyện Krông Pa trong công tác trực tiếp kiểm sát việc tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm tại Công an cấp xã và Phương pháp, cách làm hay của Viện KSND thị xã An Khê trong công tác đề xuất, tham mưu cho cấp ủy Đảng, phối hợp với Ủy ban nhân dân thị xã tổ chức tập huấn cho 100% Ủy ban nhân dân các xã, phường về nghiệp vụ thi hành án treo, cải tạo không giam giữ. Phương pháp, kinh nghiệm, cách làm hay về nghiệp vụ của 06 đơn vị trong kiến nghị phòng ngừa tội phạm và yêu cầu khởi tố chống bỏ lọt tội phạm. Cách làm hay của VKSND huyện Kông Chro và Đak Đoa trong việc ban hành kiến nghị với chính quyền địa phương về các biện pháp phòng ngừa vi phạm và tội phạm; trong công tác ký kết quy chế phối hợp với UBND và TAND; trong việc ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng phần mềm quản lý tin báo, quản lý án và “Số hóa hồ sơ vụ án hình sự”…

Công tác tham gia góp ý xây dựng, hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tội phạm được chú trọng, thực hiện tổ chức sơ kết, tổng kết việc thi hành các văn bản pháp luật và tham gia góp ý kiến dự án luật quan trọng như: Hiến pháp, Bộ luật Lao động; Luật xử lý vi phạm hành chính; Luật phổ biến giáo dục pháp luật; Luật giám định tư pháp; Bộ luật Dân sự; Bộ luật Tố tụng Hình sự; Bộ luật Hình sự; Bộ luật Tố tụng dân sự; Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân . . .v.v. Ngoài ra, còn tham gia một số Hội nghị trực tuyến và Hội nghị, Hội thảo do các ngành tổ chức và gửi văn bản góp ý xây dựng các dự án Luật bảo đảm có chất lượng. Chủ động nghiên cứu, kiến nghị việc hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tội phạm, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ để đáp ứng yêu cầu thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm. Kịp thời hướng dẫn thực hiện các Chương trình phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội và tập trung chỉ đạo, thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chỉ thị, Kế hoạch của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát giải quyết các vụ án hình sự góp phần thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm: Tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn nhằm nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, trọng tâm là: “Nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa”, góp phần đảm bảo hoạt động xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra oan, sai; tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết 16.089 tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; kiểm sát điều tra 11.716 vụ/19.331 bị can. Viện kiểm sát thụ lý giải quyết, truy tố 8.940 vụ/17.801 bị can. Thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm 9.002 vụ/17.809 bị cáo; kiểm sát xét xử phúc thẩm 1.813 vụ/2.855 bị cáo và kiểm sát xét xử giám đốc thẩm 19 vụ/28 bị cáo.
Đã chỉ đạo Kiểm sát viên trực tiếp tham gia thực hành quyền công tố, kiểm sát nhiều hoạt động điều tra trước khi khởi tố vụ án như: Khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, lấy lời khai của người bị hại, người làm chứng, người liên quan, thu thập chứng cứ, khám xét, thu giữ tài liệu, đồ vật... Trực tiếp kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm tại các cơ quan chức năng 777 lần có kết luận. Ban hành 725 kiến nghị yêu cầu các cơ quan chức năng khắc phục vi phạm trong giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, xét xử các vụ án hình sự và 133 kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm; tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm được chấp nhận bình quan đạt trên 85%; kháng nghị giám đốc thẩm đạt 100%. Phối hợp với cơ quan chức năng ký ban hành trên 60 Quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, công tác khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự. Thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa, trong đó phối hợp tổ chức 631 phiên tòa rút kinh nghiệm, hơn 20 phiên tòa được kết nối, truyền hình trực tuyến đến các cơ quan chức năng của tỉnh và thực hiện “Số hóa hồ sơ”, công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa hơn 75 vụ án. Chỉ đạo quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm các chỉ tiêu của Ngành theo các Nghị quyết của Quốc hội, đặc biệt là 12 chỉ tiêu theo Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của Viện kiểm sát nhân dân... Trách nhiệm công tố được tăng cường trong tất cả các giai đoạn của tố tụng hình sự, làm tốt nhiệm vụ chống oan, sai và chống bỏ lọt tội phạm, người phạm tội.

Viện kiểm sát nhân dân hai cấp đã quan tâm chỉ đạo thực hiện nghiêm túc quy chế của Ngành về công tác kiểm sát tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự. Kịp thời kiến nghị, kháng nghị cơ quan giam giữ, thi hành án hình sự nâng cao chất lượng quản lý, giáo dục người chấp hành án; đảm bảo thực hiện đúng các chế độ đối với người bị tạm giữ, tạm giam, thi hành án; các biện pháp giáo dục tái hòa nhập cộng đồng, hạn chế việc phạm tội mới trong Trại giam, Trại tạm giam, Nhà tạm giữ; chống tái phạm khi chấp hành xong hình phạt về lại địa phương. Qua công tác kiểm sát, đã ban hành 1.496 kết luận và 284 kháng nghị, kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm trong lĩnh vực này. Tổ chức ký kết và thực hiện 18 Quy chế phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp để tăng cường giám sát của hệ thống chính trị đối với cơ quan tư pháp.
Nhìn chung, trong giai đoạn 10 năm (2010 – 2020), Viện KSND hai cấp tỉnh Gia Lai đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, tích cực và toàn diện các nhiệm vụ trọng tâm công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm thuộc chức năng, nhiệm vụ của Ngành. Việc thực hiện các Mục tiêu, Chiến lược Quốc gia về phòng, chống tội phạm đã được triển khai đồng bộ, gắn với việc thực hiện chức năng, nhệm vụ của Ngành hằng năm, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên, công chức. Tập trung thực hiện nhiều giải pháp đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, công tác tổ chức bộ máy, cán bộ và đổi mới phương thức hoạt động để nâng cao hiệu quả công tác trên tất cả các lĩnh vực thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành. Qua công tác kiểm sát, đã ban hành 4.779 văn bản yêu cầu cơ quan chức năng chấn chỉnh, khắc phục vi phạm, phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm (508 kháng nghị, 1.634 kiến nghị và 2.637 kết luận), góp phần thiết thực giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh; tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị, Kết luận 05-KL/TW của Ban Bí thư và Chương trình số 02-CTr/TU của Tỉnh ủy Gia Lai đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Với những đóng góp tích cực nêu trên trong công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, thực hiện các nhiệm vụ chính trị địa phương của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai đã được cấp ủy Đảng, Chính quyền địa phương ghi nhận, đánh giá cao và 03 lần tặng thưởng danh hiệu “Cờ thi đua của Ủy ban nhân dân tỉnh”, 06 Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Một số kiến nghị, đề xuất

Thứ nhất, trong việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về hoạt động tư pháp và đấu tranh phòng, chống tội phạm:
- Đề nghị tiếp tục thể chế hóa sâu rộng chủ trương “Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra” theo hướng xây dựng nền công tố mạnh, Viện kiểm sát có vai trò cao hơn và chủ động hơn trong quá trình điều tra; xác định rõ thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ và mối quan hệ giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát.
- Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật dân sự và Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 là những văn bản quy phạm pháp luật quan trọng cụ thể hóa nhiều quy định của Hiến pháp năm 2013 có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát nhân dân nhưng qua việc triển khai áp dụng trên thực tiễn đã phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập. Do vậy, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể để thống nhất nhận thức và áp dụng trên thực tiễn.

Thứ hai, về bảo đảm cơ sở vật chất cho hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân
- Đề nghị Đảng và Nhà nước tiếp tục xem xét tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện làm việc cho ngành Kiểm sát nhân dân, nhất là việc đầu tư, xây dựng Trụ sở làm việc đã xuống cấp, bổ sung các trang thiết bị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cấp thiết theo quy định mới của các đạo luật về tư pháp; tăng cường chế độ đãi ngộ và áp dụng chế độ tiền lương đặc thù tương xứng với chức trách, nhiệm vụ được giao trước yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của Cải cách tư pháp và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.
- Đề nghị các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí, trang thiết bị cho các cơ quan tư pháp trong đó có ngành Kiểm sát nhân dân trong việc thực hiện các nhiệm vụ Cải cách tư pháp, đấu tranh phòng, chống tội phạm, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và các nhiệm vụ chính trị tại địa phương./.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thành Duy

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây