Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai

https://vksnd.gialai.gov.vn


“Lòng dân” nơi niềm tin lựa chọn

Xuyên suốt cuộc đời cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú trọng đến việc quy tụ lòng dân, nhất là nhân dân lao động. Bởi, theo Người “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân... Trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của nhân dân” . Lòng dân được củng cố, “thế người tăng cao” là điểm tựa vững chắc để xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước cường thịnh, hạnh phúc.

Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, việc xây dựng và phát huy “lòng dân” luôn được ông cha ta đặt lên vị trí hàng đầu và có nhiều tư tưởng, giải pháp bồi dưỡng sức dân, tiêu biểu như “khoan thư sức dân”, “chúng chí thành thành”, “việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”... Đó là cơ sở, tiền đề tạo “rễ sâu, gốc bền” để quốc gia, dân tộc trường tồn. Thực tiễn lịch sử dân tộc đã minh chứng, những triều đại không quan tâm, chăm lo cuộc sống của nhân dân, tất dẫn đến “đất nước suy yếu, binh biến loạn lạc, vận nước nguy can”, dẫn đến không bảo vệ được nền độc lập dân tộc trước sự xâm lăng của ngoại bang.

Phát huy truyền thống dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, nhất là chủ nghĩa Mác - Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết: “Cách mạng là việc chung của cả dân chúng”, “nước lấy dân làm gốc”, “dân là chủ”, “lực lượng bao nhiêu là nhờ ở dân hết”, “có dân là có tất cả”...; nhưng nhân dân cần phải được tổ chức chặt chẽ, đặt dưới sự lãnh đạo của một Đảng với nền tảng là chủ nghĩa Mác - Lê-nin, đó là Đảng Cộng sản Việt Nam - đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam. Người nhắc nhở: “Muôn người như một. Quân tốt dân tốt, muôn sự đều nên. Gốc có vững cây mới bền, xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”[1]. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”[2]. Trong công cuộc đổi mới, Đảng ta luôn nhấn mạnh nhân dân làm chủ là bản chất của chủ nghĩa xã hội, kiên định nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, không ngừng thúc đẩy đổi mới chính trị, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa và đã đạt được những thành tựu to lớn. Điển hình là thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng - một sự kiện chính trị trọng đại của Đảng ta, đất nước ta và dân tộc ta, có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp tiếp tục đổi mới toàn diện và đồng bộ, phát triển đất nước nhanh và bền vững hơn trong thời kỳ mới.

Để yêu tố lòng dân tiếp tục phát huy  cùng với sự kiện có ý nghĩa chính trị quan trọng của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 là cuộc vận động chính trị quan trọng và là đợt sinh hoạt dân chủ sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân. Đây là cơ hội để nhân dân ta thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua việc lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, thật sự có đức, có tài, xứng đáng đại diện cho nhân dân tại Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp. Đây cũng là dịp để tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Nhận thức đầy đủ tầm quan trọng cũng như ý nghĩa to lớn của cuộc bầu cử lần này, mong rằng mỗi lá phiếu sẽ là sự phát huy dân chủ, trách nhiệm, sức sáng tạo của toàn Đảng, toàn dân vào công việc hệ trọng của đất nước, đó là bước tiến mở rộng dân chủ trực tiếp, nâng cao chất lượng dân chủ đại diện, đưa phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” vào cuộc sống ở cơ sở.


Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 được Quốc hội quyết định tổ chức vào ngày 23 tháng 5 năm 2021 trên phạm vi cả nước. Để thực hiện những chỉ dạy quý báu của Người, để khơi dậy “sức mạnh lòng dân” nhằm mục tiêu hướng đến ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026  thành công tốt đẹp, tôi xin tham mưu một số giải pháp sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong suốt quá trình bầu cử; cả hệ thống chính trị phải đoàn kết, thống nhất, tăng cường phối hợp, tập trung dốc sức chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức thắng lợi cuộc bầu cử, bảo đảm cuộc bầu cử được tiến hành một cách thật sự dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn và tiết kiệm theo đúng tinh thần Chỉ thị số 45-CT/TW, ngày 20-6-2020 của Bộ chính trị.
 
Hai là, Lãnh đạo các cấp uỷ, các tổ chức đảng, các cơ quan, tổ chức tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tuyên truyền thật tốt phương hướng, nhiệm vụ của cuộc bầu cử, đặt biệt là những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và những chủ trương, chính sách lớn mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, trong đó có Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp trong sạch, vững mạnh; nhất là về công tác cán bộ, để lựa chọn bầu ra những đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp thật sự xứng đáng, có đủ trình độ, phẩm chất và năng lực ngang tầm nhiệm vụ, để mọi tầng lớp nhân dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc bầu cử đại biểu quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp, thật sự trở thành ngày hội của toàn dân.

Ba là, tất cả các cơ quan có liên quan chung tay thực hiện công tác tuyên truyền cho các cán bộ, đảng viên, viên chức – NLĐ trong đơn vị và các tầng lớp nhân dân nhận thức được tầm quan trọng của việc bầu cử đại biểu Quốc hội,  Hội đồng nhân dân các cấp, nắm vững những nội dung chủ yếu của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, nhất là những nội dung về quyền và nghĩa vụ công dân trong bầu cử; tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm công dân đối với hoạt động chính trị quan trọng này của đất nước. Đồng thời, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của mọi tầng lớp nhân dân tham gia tiến hành bầu cử theo đúng quy định của pháp luật. Đặt biệt, đối với các địa phương có người dân tộc thiểu số, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, cần tổ chức biên soạn các tài liệu tuyên truyền theo hướng ngắn gọn bằng tiếng dân tộc, tờ rơi, áp phích,.. phù hợp điều kiện, đặc thù của từng đối tượng cụ thể.

Bốn là, chủ động theo dõi, nắm chắc, dự báo tình hình tư tưởng, dư luận của cán bộ, đảng viên và Nhân dân; tập trung xử lý bức xúc nảy sinh từ cơ sở, các tình huống liên quan đến an ninh trật tự. Nêu cao tinh thần cảnh giác, kiên quyết đấu tranh chống lại các đối tượng phản động, cực đoan lợi dụng chống phá Đảng, Nhà nước, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn trước, trong và sau khi tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 .
Năm là, đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền, vận động bầu cử để các ứng cử viên có cơ hội khẳng định mình sẽ là “cầu nối” đại diện cho cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng, lợi ích chính đáng và quyền làm chủ của Nhân dân. Từ đó góp phần tạo được sự chuyển biến rõ nét trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng-an ninh trên địa bàn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, xứng đáng là “cầu nối” giữa nhân dân với Đảng, nhà nước, thể hiện ý chí, nguyện vọng của Nhân dân. Đồng thời qua đó giúp cử tri có nhiều hiểu biết hơn về quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong việc lựa chọn người thay mặt mình để trở thành đại biểu trong các cơ quan nhà nước.
 
Mong rằng một số giải pháp trên sẽ khơi dậy “lòng dân” đảm bảo đúng luật, dân chủ, bình đẳng, góp phần quan trọng vào sự thành công của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 ở nước ta, qua đó góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân./.
 

[1] (2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 502
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 5, tr. 698

Tác giả bài viết: Lê Xuân Quang

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây