Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai

https://vksnd.gialai.gov.vn


Vai trò của Viện Kiểm sát trong vụ án thu hồi tài sản tham nhũng lớn nhất trong lịch sử tố tụng Việt Nam

Phòng, chống tham nhũng là bao gồm các hoạt động của hệ thống cơ quan Đảng, bộ máy nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và toàn thể nhân dân, căn cứ vào đường lối, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý những hành vi tham nhũng nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của Nhà nước, cơ quan, tổ chức và công dân, góp phần quan trọng vào việc giữ vững an ninh chính trị - xã hội, bảo vệ chế độ và bảo đảm cho kinh tế - xã hội đất nước phát triển bền vững.
Phòng, chống tham nhũng có vai trò vô cùng quan trọng đối với công cuộc đổi mới ở nước ta hiện nay, nên trong các văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XI và lần thứ XII đã đề ra một số chủ trương, quan điểm về phòng, chống tham nhũng. Đặc biệt trong phần phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 của Văn kiện Đại hội XIII đã đưa ra nhiều chủ trương và giải pháp căn cơ quyết liệt về phòng, chống tham nhũng: “Triển khai đồng bộ có hiệu quả quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, bảo đảm đúng pháp luật. Thực hiện quyết liệt nghiêm minh có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng”. Trong những năm gần đây, công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh, tăng cường, phát huy tốt những kết quả, thành tích đã đạt được, triển khai quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Quan điểm này được thể hiện rất rõ trong Văn kiện Đại hội XIII: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn”. Đảng và Nhà nước luôn quan tâm và đề ra các yêu cầu, chủ trương về đấu tranh phòng, chống tham  nhũng. Đặc biệt, Nghị quyết số 96/2019/QH14, ngày 27-11-2019, của Quốc hội, “Về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án” đã đề ra yêu cầu VKSND phải phối hợp chặt chẽ với CQĐT, cơ quan thi hành án, cơ quan thanh tra, TAND và Kiểm toán Nhà nước để phòng ngừa, phát hiện và xử lý hiệu quả các tội phạm tham nhũng, nâng tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt đạt trên 60%. Trên cơ sở đó, việc xử lý các tội phạm tham nhũng phải được các cơ quan, trong đó có VKSND nâng cao trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc, kịp thời, nghiêm minh.
Theo quy định của Hiến pháp, pháp luật và yêu cầu của Đảng, Nhà nước, vai trò của VKSND trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng được thể hiện thông qua các mặt hoạt động chính: VKSND có trách nhiệm thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp ngay từ khi tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đến việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đối với các tội phạm tham nhũng; Cơ quan điều tra VKSND tối cao có trách nhiệm điều tra các tội phạm tham nhũng xảy ra trong hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật; qua thực hiện chức năng, nhiệm vụ, VKSND chủ động phối hợp với các cơ quan để tham mưu cho các cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan tiến hành tố tụng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; kiến nghị với cấp có thẩm quyền đề ra các biện pháp khắc phục thiếu sót trong quản lý kinh tế, xã hội, phòng ngừa tội phạm tham nhũng.
Tại Điều 86 Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định: Viện kiểm sát nhân dân tối cao trách nhiệm tổ chức thực hiện, chỉ đạo thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đối với tội phạm tham nhũng; điều tra tội phạm tham nhũng trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, Cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp.
Một yêu cầu quan trọng của Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 là việc thu hồi tài sản tham nhũng. Điều 91 Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định: Viện kiểm sát nhân dân tối cao là cơ quan trung ương về hợp tác quốc tế thu hồi tài sản tham nhũng trong tố tụng hình sự; tiếp nhận, xử lý yêu cầu tương trợ tư pháp hình sự của nước ngoài về thu hồi tài sản tham nhũng và đề nghị nước ngoài thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp hình sự về thu hồi tài sản tham nhũng của Việt Nam”.
Điều 93 Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định:
“1. Tài sản tham nhũng phải được thu hồi, trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc tịch thu theo quy định của pháp luật.
2. Thiệt hại do hành vi tham nhũng gây ra phải được khắc phục; người có hành vi tham nhũng gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.
Là một trong những cơ quan thuộc bộ máy nhà nước, Viện kiểm sát nhân dân có trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh Luật phòng, chống tham nhũng trong nội bộ Ngành, không ngừng nâng cao hiệu quả công tác và xây dựng nội bộ Ngành trong sạch, vững mạnh.
Thực tiễn giải quyết các vụ án tham nhũng cho thấy có những vụ án đặc biệt nghiêm trọng bị khởi tố điều tra, truy tố và xét xử, trong đó nhiều vụ án liên quan đến những cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước phạm tội do tham nhũng, số tiền của Nhà nước bị thất thoát hoặc bị chiếm đoạt đặc biệt lớn, lên đến hàng ngàn tỷ đồng nhưng số tiền thu hồi được so với thất thoát, chiếm đoạt chiếm tỷ lệ chưa cao. Do đó, sự cần thiết phải đấu tranh phòng, chống tham nhũng là cấp bách, trong đó, việc xử lý cán bộ tham nhũng làm trong sạch bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước luôn cần được quan tâm. Đặc biệt chú ý việc thu hồi tài sản tham nhũng là một trong những vấn đề bức thiết trong quá trình giải quyết vụ án tham nhũng, kinh tế hiện nay bởi lẽ các vụ án tham nhũng, đa phần các bị cáo có chức vụ, quyền hạn, có trình độ hiểu biết pháp luật nên việc đấu tranh đối với loại tội phạm này hết sức khó khăn, phức tạp hoặc khi phát hiện thì đã được tẩu tán, tiêu xài cá nhân cũng như để thất thoát lãng phí, khó có khả năng thu hồi. Trong thời gian qua công tác thu hồi tài sản thất thoát trong các vụ án tham nhũng đã có những chuyển biến tích cực bởi sự phối hợp chặt chẽ ngay từ giai đoạn đầu của các cơ quan tiến hành tố tụng. Đáng chú ý, nhiều vụ án tài sản của Nhà nước bị thất thoát, chiếm đoạt đã được thu hồi ngay từ giai đoạn giải quyết nguồn tin, trước khi khởi tố vụ án. Cụ thể là trong vụ án:  Tổng Công ty Viễn thông MobiFone (MobiFone) mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG), trước khi khởi tố vụ án cơ quan chức năng đã thu hồi toàn bộ số tiền thất thoát của Nhà nước từ các đối tượng phạm tội hơn 8.500 tỷ đồng.
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Quyết định truy tố 14 bị can, trong đó có 13 bị can bị truy tố về tội "Vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng" theo quy định tại khoản 3 Điều 220 Bộ luật Hình sự năm 2015, gồm: Nguyễn Bắc Son (SN 1953, từng giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ TT&TT), Trương Minh Tuấn (SN 1960, từng giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ TT&TT), Phạm Đình Trọng (SN 1970, cựu Vụ trưởng Vụ quản lý doanh nghiệp, Bộ TT&TT), Võ Văn Mạnh (SN 1976, Giám đốc Công ty TNHH tư vấn đầu tư và thẩm định AMAX), Hoàng Duy Quang (SN 1983, thẩm định viên Công ty TNHH tư vấn đầu tư và thẩm định AMAX), Lê Nam Trà (SN 1961, cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên MobiFone), Cao Duy Hải (SN 1961, cựu Tổng Giám đốc MobiFone), Phan Thị Hoa Mai (SN 1966, Thành viên Hội đồng thành viên MobiFone) và 5 Phó Tổng Giám đốc MobiFone gồm: Phạm Thị Phương Anh (SN 1975), Hồ Tuấn (SN 1965), Nguyễn Đăng Nguyên (SN 1976), Nguyễn Bảo Long (SN 1972), Nguyễn Mạnh Hùng (SN 1969). Riêng bị cáo Phạm Nhật Vũ (SN 1973, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị AVG) bị truy tố về tội “Đưa hối lộ” theo quy định tại khoản 4 Điều 364 BLHS năm 2015. Ngoài ra, còn có 4 bị can bị truy tố thêm tội “Nhận hối lộ” theo quy định tại khoản 4 Điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Theo cáo trạng của Viện KSND tối cao, năm 2015, MobiFone thực hiện Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình theo hình thức đầu tư vốn nhà nước mua 95% cổ phần của AVG với số tiền 8.900 tỷ đồng, thuộc dự án nhóm A - thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư. Bộ TT&TT là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại MobiFone có trách nhiệm chỉ đạo MobiFone trong quá trình thực hiện dự án, quyết định phê duyệt dự án đầu tư khi có quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ. Nhưng trong quá trình thực hiện dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của MobiFone, các bị cáo: Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Phạm Đình Trọng, Lê Nam Trà, Cao Duy Hải, Phan Thị Hoa Mai, Hồ Tuấn, Phạm Thị Phương Anh, Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Bảo Long, Nguyễn Đăng Nguyên, Võ Văn Mạnh, Hoàng Duy Quang ở mỗi vị trí, vai trò khác nhau tại MobiFone, Bộ TT&TT, Công ty thẩm định giá AMAX đã có hành vi vi phạm pháp luật trong việc đề xuất dự án đầu tư, đánh giá về tài chính, kinh doanh của AVG; thẩm định giá; sử dụng kết quả thẩm định giá trị doanh nghiệp trong đàm phán và quyết định giá mua cổ phần của AVG, trong việc lập, trình dự án và quyết định phê duyệt dự án đầu tư, thanh toán gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản của Nhà nước với tổng giá trị thiệt hại là hơn 6.590 tỷ đồng.
Vụ án được Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố đặt dưới sự chỉ đạo sát sao của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng, đã được Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm từ ngày 16 đến 28/12/2019, thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội.
Trước khi khởi tố vụ án, bị can Phạm Nhật Vũ chủ động khắc phục toàn bộ số tiền thiệt hại cho Mobifone, gồm: hơn 8.445 tỷ đồng tiền chuyển nhượng cổ phần và đồng thời còn tự nguyện trả thêm cho MobiFone hơn 329 tỷ đồng (gồm tiền lãi suất, chi phí thuê tư vấn và các chi phí phát sinh khác mà MobiFone đã chi phí cho việc mua bán cổ phần) và chủ động thanh toán 120 tỷ đồng (mua lại thiết bị, vật tư tồn kho mà MobiFone đã đầu tư mua sắm sau khi nhận chuyển nhượng), nâng tổng số tiền bị cáo Vũ tự nguyện thanh toán thêm lên gần 450 tỷ đồng; đồng thời, phối hợp cung cấp tài liệu để Cơ quan điều tra làm rõ hành vi của các bị can vi phạm về đầu tư công cũng như hậu quả của vụ án.
Công tác thu hồi tài sản tham nhũng trong các vụ án kinh tế tham nhũng được các cơ quan tiến hành tố tụng đặc biệt quan tâm và đây là vụ án đầu tiên thu hồi được toàn bộ số tiền bị thiệt hại, các chi phí liên quan và toàn bộ số tiền chiếm đoạt của các bị cáo. Mục tiêu cuộc đấu tranh Phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước không chỉ nhằm phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi tội phạm, mà còn phải kiên quyết thu hồi được tài sản Nhà nước bị xâm phạm hoặc thiệt hại, cũng như các khoản thu lợi bất chính của từng cá nhân. Vụ án này đã đạt được mục tiêu đó, sau quá trình thanh tra, trước khi khởi tố vụ án, trên cơ sở thỏa thuận nguyên tắc đã ký giữa MobiFone và AVG, đến ngày 29/8/2018 MobiFone nhận được 8.774.430.218.242 đồng từ đại diện cổ đông chuyển nhượng cổ phần AVG (bao gồm cả 319.105.607.292 đồng là số tiền trả cho các chi phí liên quan đến dự án và khoản lãi tính cho số tiền MobiFone đã thanh toán). Như vậy, chưa bao giờ trong lịch sử tố tụng Việt Nam, một vụ án tham nhũng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng lại thu hồi được triệt để, toàn bộ tài sản bị thiệt hại của Nhà nước và số tiền tham nhũng như vụ án này.
Để đạt được những kết quả như vậy là nhờ sự cố gắng nỗ lực phối hợp của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, các Kiểm sát viên, Điều tra viên và Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội trong việc quyết liệt, thu hồi triệt để tài sản về cho Nhà nước. Ngay từ giai đoạn khởi tố và trong suốt quá trình điều tra, Lãnh đạo Vụ 3 VKSND tối cao và Lãnh đạo Cơ quan điều tra Bộ Công an đã phối hợp chặt chẽ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; Kiểm sát viên đã phối hợp chặt chẽ với Điều tra viên trong việc thu thập, đánh giá, nắm chắc tài liệu, chứng cứ, nội dung vụ án đảm bảo đúng tiến bộ giải quyết vụ án. Đồng thời nắm bắt quá trình giải quyết của Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xác định các hành vi vi phạm theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương
Lần đầu tiên trong lịch sử tố tụng, hậu quả vụ án được xác định gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đến tài sản Nhà nước, hành vi tham nhũng được coi là lớn nhất được phát hiện. Chính vì vậy, trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử đã có sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan tiến hành tố tụng, đặt dưới sự chỉ đạo xuyên suốt của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng. Mặc dù vậy, các cơ quan tiến hành tố tụng đã có sự phân công, thực hiện nhiệm vụ theo chức năng tố tụng được quy định trong Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015. Trong quá trình điều tra, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã cử các Kiểm sát viên tham dự các buổi hỏi cung, tiến hành phúc cung sau khi kết thúc điều tra và thực hành quyền công tố trước Tòa một cách chặt chẽ, kịp thời. Do đó, nội dung kết quả điều tra và Cáo trạng truy tố có đủ căn cứ nên Tòa án không phải trả hồ sơ điều tra bổ sung, rút ngắn thời hạn tố tụng đáng kể so với nhiều vụ đại án khác. Thực tế tại phiên tòa, các bị cáo đã nhìn nhận tội danh mà Cáo trạng đã truy tố. Chưa bao giờ trong một vụ án đặc biệt nghiêm trọng như vụ án này, các bị cáo đều thành khẩn nhìn nhận phạm vi và giới hạn trách nhiệm của mình, chân thành xin lỗi Đảng, Nhà nước, cán bộ nhân viên, người lao động của doanh nghiệp, gia đình, người thân vì những hệ lụy, ảnh hưởng to lớn do vụ án gây ra. Cơ quan tố tụng cũng đã xem xét tình tiết giảm nhẹ và khoan hồng đối với những người tự thú, thành khẩn khai báo, hợp tác tích cực với Cơ quan điều tra sớm làm rõ sự thật khách quan của vụ án, tự nguyện khắc phục hậu quả. Để đạt được điều này, các cơ quan tiến hành tố tụng đã có sự thận trọng trong từng giai đoạn giải quyết và trong việc đánh giá chứng cứ.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội nêu quan điểm tại phiên xét xử sơ thẩm các bị cáo trong vụ án Tổng Công ty Viễn thông MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG)_Ảnh: TTXVN

Xuất phát từ việc phân tích với một số tiền thất thoát nhiều gây thiệt hại trực tiếp làm mất vốn Nhà nước tại MobiFone với số tiền gần 6.600 tỷ đồng. Nhận định còn có thể có những hành vi khác đằng sau bản hợp đồng mua bán cổ phần này ngoài hành vi “Vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”, từ đó các cơ quan tố tụng đã định hướng điều tra, mở rộng vụ án. Từ định hướng đó, cùng với những nỗ lực đấu tranh tội phạm, Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát đã phối hợp phát hiện và làm rõ hành vi tham nhũng trong vụ án này với số tiền đưa và nhận hối lộ đặc biệt lớn.
Đây chính là khó khăn, phức tạp lớn nhất mà cơ quan tố tụng đã từng bước tháo gỡ, biến vụ án từ phức tạp trở thành đơn giản. Các bị cáo đều đã nhận thức được sai phạm của mình và có ý thức khắc phục để giảm thiểu hậu quả, giảm trách nhiệm hình sự mà mình phải đối mặt. Sau Lê Nam Trà, lần lượt các bị cáo khác cũng tự giác khai nhận và tự nguyện khắc phục hậu quả. Việc hợp tác này là rất đặc biệt, nhất là đối với hành vi đưa và nhận hối lộ. Đây là kết quả của việc định hướng đấu tranh tội phạm đúng đắn mà các cơ quan tố tụng đã vạch ra. Khởi tố đúng hành vi, truy tố đúng tội danh, sẽ dẫn tới việc chuyển hóa sự phức tạp thành đơn giản khi đưa vụ án ra xét xử tại Tòa án.
Bên cạnh việc làm rõ mức độ, vai trò hành vi phạm tội của từng bị cáo, qua đó xác định trách nhiệm hình sự của mỗi bị cáo. Trong quá trình kiểm sát việc giải quyết vụ án, Kiểm sát viên được Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra tham dự các buổi hỏi cung, phúc cung, đảm bảo thu thập chứng cứ chặt chẽ, kịp thời. Do đó, kết luận điều tra và Cáo trạng truy tố đủ căn cứ chứng minh tội phạm, rút ngắn thời hạn tố tụng đáng kể so với nhiều vụ đại án khác.

Các bị cáo trong phiên xét xử (Ảnh: TTXVN)

Ngay từ đầu, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã phân hóa vai trò của từng bị cáo trong vụ án này. Việc phân hóa này sẽ giúp đánh giá hành vi, vai trò các bị cáo. Từ việc phân hóa đó, bản chất vụ án, vai trò thực hiện hành vi của các bị cáo được chứng minh công khai tại phiên tòa. Ở phần xét hỏi tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát đã cụ thể hơn trong việc phân hóa vai trò của các bị cáo, đảm bảo tính khách quan của cơ quan công tố. Bên cạnh bản luận tội ngắn gọn, đi vào trọng tâm và phản ánh kết quả xét hỏi của đại diện Viện Kiểm sát; đã xác định rõ vai trò người đứng đầu và các đồng phạm, phân hóa một cách rõ rệt vị trí, vai trò của từng bị cáo trong vụ án. Việc xác định vai trò đồng phạm của các bị cáo có ý nghĩa quan trọng trong việc lượng hình, định khung hình phạt, từ đó Viện Kiểm sát đề nghị mức án phù hợp với tính chất, mức độ hành vi của các bị cáo.
Được đánh giá là lần đầu tiên trong lịch sử ngành tư pháp các cựu quan chức thừa nhận đã nhận hối lộ với số tiền lớn. Đây cũng là vụ án kinh tế, tham nhũng đã thu hồi được tài sản cho Nhà nước lớn nhất từ trước đến nay. Qua đây cũng thể hiện rõ chủ trương, chính sách pháp luật trong xử lý án tham nhũng của Đảng, Nhà nước là “không có vùng cấm”, không bỏ lọt tội phạm, không để oan, sai và làm triệt để, được dư luận và nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Tác giả bài viết: Trịnh Thị Xây

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây