Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai

https://vksnd.gialai.gov.vn


Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng công tác kiểm sát thi hành án dân sự

Kiểm sát thi hành án dân sự là một trong những công tác thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân nhằm đảm bảo cho các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật hoặc chưa có hiệu lực nhưng phải thi hành ngay của Tòa án được thi hành đầy đủ kịp thời, đúng pháp luật; đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và Nhà nước, góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội, tăng cường hiệu lực và hiệu quả của bộ máy Nhà nước, đặc biệt là của hệ thống các cơ quan tố tụng.
Thực hiện tốt công tác kiểm sát thi hành án dân sự, Viện kiểm sát nhân dân đã góp phần không nhỏ trong việc kịp thời phát hiện các vi phạm để yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự, các cơ quan có liên quan có biện pháp khắc phục, bảo đảm cho hoạt động tư pháp được thực hiện nghiêm minh, công bằng, dân chủ và khách quan, hạn chế các trường hợp đơn thư khiếu nại, tố cáo bức xúc, kéo dài; nâng cao uy tín, lòng tin của  nhân dân đối với các cơ quan pháp luật.

I. Thực trạng công tác kiểm sát thi hành án dân sự:
Thời gian qua, với sự nỗ lực của đội ngũ Kiểm sát viên, cán bộ làm khâu công tác kiểm sát thi hành án dân sự, quan trọng hơn là sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Viện, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, thị xã, thành phố đã đẩy mạnh được kết quả của công tác này, góp phần không nhỏ trong việc khẳng định và nâng cao vị thế của ngành Kiểm sát nhân dân trong hệ thống các cơ quan tư pháp.
Qua công tác kiểm sát thường xuyên và trực tiếp kiểm sát, Viện kiểm sát nhân dân các huyện, thị xã, thành phố đã phát hiện được nhiều vi phạm của Cơ quan thi hành án cùng cấp. Viện kiểm sát đã có những biện pháp tác động mang tính tích cực nhằm hạn chế những vi phạm, thiếu sót của Cơ quan thi hành án dân sự và các cơ quan liên quan, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân. Từ 01/12/2020 đến 30/11/2021, Viện kiểm sát hai cấp đã tổng hợp các vi phạm và ban hành kiến nghị, kháng nghị, cụ thể: ban hành tổng số 40  kiến nghị đối với cơ quan thi hành án dân sự 2 cấp (tỉnh: 09; huyện: 31) và 10 kháng nghị (tỉnh: 07; huyện: 03) đối với vi phạm của cơ quan THADS. Ban hành 05 kiến nghị đối với vi phạm của Tòa án (tỉnh: 01; huyện: 04), 05 kiến nghị đối với các cơ quan có liên quan trong hoạt động thi hành án dân sự (tỉnh: 0; huyện: 05).

Như vậy, năm 2021 Viện kiểm sát nhân dân 2 cấp đã ban hành 50 bản kiến nghị và 10 bản kháng nghị đối với Cơ quan THADS 2 cấp và các cơ quan khác có liên quan (tăng 14 kiến nghị, 01 kháng nghị so với cùng kỳ năm 2020).

Kiểm sát viên VKSND huyện Kbang thực hiện kiểm sát việc cưỡng chế, kê biên tài sản

Bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được, Viện kiểm sát nhân dân các huyện, thị xã, thành phố vẫn còn một số hạn chế, tồn tại như sau:
- Về công tác phối hợp:
Một số Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện chưa ký kết Quy chế liên ngành với Cơ quan THADS dẫn đến công tác phối hợp còn gặp nhiều khó khăn.  Một số đơn vị đã ký kết Quy chế phối hợp liên ngành, tuy nhiên quy chế phối hợp Liên Ngành và 2 ngành được ký kết trước đây dựa trên các quy định pháp lý của Luật Thi hành án dân sự năm 2008, hiện nay được thực hiện theo Luật thi hành án dân sự năm 2014. Như vậy, các văn bản hướng dẫn cũ đã không còn hiệu lực, được thay thế bằng các văn bản mới, do đó một số nội dung của Quy chế trên đã không còn phù hợp. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện Quy chế phối hợp trên vẫn còn một số thiếu sót, chưa phù hợp với thực tế trong công tác phối hợp giữa công tác thi hành án dân sự và kiểm sát thi hành án dân sự.
- Việc thực hiện các quy định về trực tiếp kiểm sát:
+  Việc xây dựng Kế hoạch trực tiếp kiểm sát:
Hầu hết các Viện kiểm sát khi trực tiếp kiểm sát chỉ chọn một số việc để kiểm sát, không tiến hành kiểm sát toàn diện nên có những vi phạm lặp đi lặp lại, kéo dài nhưng không được chấn chỉnh, khắc phục.
+ Về việc gửi quyết định và kế hoạch trực tiếp kiểm sát hoạt động thi hành án cho Cơ quan Thi hành án dân sự
Tại khoản 3 Điều 32 Quy chế 810 quy định: “Quyết định và kế hoạch trực tiếp kiểm sát phải được gửi cho cơ quan, tổ chức được kiểm sát ít nhất 15 ngày kể từ ngày bắt đầu trực tiếp kiểm sát (trừ trường hợp trực tiếp kiểm sát đột xuất)”.
Việc quy định như trên nhằm đảm bảo cho Cơ quan thi hành án dân sự có đủ thời gian để chuẩn bị báo cáo, sắp xếp tài liệu trong hồ sơ phục vụ cho công tác kiểm sát thi hành án. Tuy nhiên, một số Viện kiểm sát nhân dân thực hiện không đúng quy định về thời hạn gửi Quyết định, Kế hoạch cho Cơ quan thi hành án dân sự (gửi trước ngày trực tiếp kiểm sát 5-7 ngày) dẫn đến trường hợp Cơ quan thi hành án dân sự không kịp thời chuẩn bị báo cáo, hồ sơ sổ sách, làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ và kết quả trực tiếp kiểm sát.
+ Việc ban hành Kết luận, kiến nghị, kháng nghị:
Một số đơn vị Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện trong quá trình thực hiện công tác trực tiếp kiểm sát đối với Cơ quan thi hành án dân sự kết quả đạt được còn thấp so với yêu cầu, dẫn đến các bản kiến nghị, kháng nghị còn hạn chế về cả hình thức và nội dung, chất lượng kháng nghị không cao, cụ thể: Về hình thức các văn bản chưa căn cứ theo đúng biểu mẫu do ngành quy định (còn thực hiện việc kiến nghị yêu cầu khắc phục ngay trong bản Kết luận trực tiếp kiểm sát). Về nội dung Kết luận, kiến nghị, kháng nghị chưa đầy đủ, chưa định dạng, gọi tên được chính xác các dạng vi phạm của Cơ quan thi hành án dân sự, chưa xác định rõ được nội dung vi phạm, tính chất, mức độ vị phạm, hậu quả và sự cần thiết phải kiến nghị, kháng nghị để khắc phục vi phạm cũng như tính chất điển hình của vi phạm. Một số Viện kiểm sát cấp huyện vẫn còn áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật đã hết liệu lực thi hành để làm căn cứ xác định vi phạm hoặc có trường hợp căn cứ văn bản quy phạm pháp luật để xác định vi phạm của Cơ quan thi hành án dân sự chưa chính xác.
- Các công tác kiểm sát thường kỳ khác:
+ Công tác trực tiếp xác minh việc chưa có điều kiện chưa đạt kết quả để kịp thời có biện pháp kiến nghị, kháng nghị, yêu cầu chấn chỉnh kịp thời dẫn dến vi phạm về việc ra Quyết định v/v chưa có điều kiện của Cơ quan thi hành án ngày càng tăng.
+ Công tác kiểm sát Quyết định về thi hành án dân sự chưa được chú trọng, không kịp thời phát hiện được vi phạm trong việc ra Quyết định thi hành án của Cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp dẫn đến vi phạm kéo dài từ nhiều năm.

II. Nguyên nhân dẫn đến các tồn tại trên:
- Lãnh đạo Viện kiểm sát cấp huyện chưa thật sự quan tâm đến công tác kiểm sát thi hành án dân sự, việc bố trí cán bộ, Kiểm sát viên làm công tác kiểm sát thi hành án dân sự chưa thật sự hợp lý, từ đó ảnh hưởng nhất định đến hiệu quả công tác.
- Hầu hết các Viện kiểm sát cấp huyện khi trực tiếp kiểm sát chỉ kiểm sát theo chuyên đề, không tiến hành kiểm sát toàn diện nên có những vi phạm không được phát hiện kịp thời để yêu cầu khắc phục, để vi phạm kéo dài nhiều năm.
- Cán bộ, kiểm sát viên làm công tác kiểm sát thi hành án dân sự còn kiêm nhiệm, hoặc thường xuyên thay đổi, nên kinh nghiệm và kỹ năng kiểm sát chưa đúc kết được nhiều.
- Cán bộ, kiểm sát viên kiểm sát thi hành án dân sự chưa nhận thức đầy đủ, đúng đắn vai trò của Kiểm sát viên trong công tác kiểm sát thi hành án dân sự, chưa thực sự chú trọng dành thời gian nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác được phân công. Còn thụ động, chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm trong quá trình trực tiếp kiểm sát cũng như kiểm sát thường xuyên.

III. Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát thi hành án dân sự:
Thứ nhất, trước hết, Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, thị xã, thành phố phải đánh giá đúng tầm quan trọng của công tác kiểm sát thi hành án dân sự , để có sự đầu tư đúng, đủ, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của công tác này.
Thứ hai, cán bộ, Kiểm sát viên được phân công kiểm sát thi hành án dân sự cần thay đổi nhận thức “công tác kiểm sát thi hành án dân sự là đơn giản, không quan trọng bằng các khâu công tác khác” để có nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác kiểm sát THADS nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm sát thi hành án dân sự; cần tăng cường ý thức trách nhiệm, kỷ luật
Thứ ba, cán bộ, Kiểm sát viên cần nêu cao tinh thần tự giác học tập, đúc rút kinh nghiệm, nghiên cứu kịp thời các văn bản pháp luật mới ban hành, bám sát nội dung Quy chế 810, tích cực học hỏi kinh nghiệm của đồng nghiệp để nâng cao trình độ, nắm vững các quy định của pháp luật và văn bản hướng dẫn thi hành; không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh nghề nghiệp từ đó xác định chính xác vi phạm của cơ quan thi hành án dân sự và các cơ quan liên quan, xác định nguyên nhân dẫn đến vi phạm, biện pháp, giải pháp khắc phục vi phạm như thu hồi, sửa đổi, bổ sung quyết định có vi phạm hoặc chấn chỉnh, chấm dứt hành vi vi phạm..., kịp thời tham mưu cho Lãnh đạo Viện ban hành kiến nghị, kháng nghị nhằm khắc phục các vi phạm trong hoạt động thi hành án dân sự.
Thứ tư, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, thị xã, thành phố cần hệ thống tất cả các Thông báo rút kinh nghiệm, Chuyên đề tập huấn của Vụ 11-VKSNDTC và của Phòng 8, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai trong những năm vừa qua để làm cẩm nang tham khảo khi thực hiện kiểm sát thi hành án dân sự. Trong quá trình kiểm sát Cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp nếu có khó khăn, vướng mắc phải kịp thời xin ý kiến chỉ đạo của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp.
Thứ năm, cần tăng cường công tác phối hợp giữa Viện kiểm sát nhân dân và Cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp để giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức thi hành án. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quy chế liên ngành tư pháp tại địa phương liên quan đến lĩnh vực thi hành án dân sự, đồng thời triển khai, nghiên cứu sửa đổi và ký kết Quy chế phối hợp liên ngành mới cho phù hợp với các văn bản pháp luật hiện hành./.

Tác giả bài viết: Vũ Quỳnh Trinh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây