Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai

https://vksnd.gialai.gov.vn


Số hóa hồ sơ, công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa dưới góc nhìn của Kiểm sát viên

Nhằm tự đào tạo tại chỗ để nâng cao kỹ năng, chất lượng xét hỏi, tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa xét xử vụ án hình sự, hạn chế thấp nhất các trường hợp Tòa án tuyên khác tội danh, khung hình phạt Viện kiểm sát đã truy tố, hoặc trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng; Không để xảy ra trường hợp Tòa án tuyên không phạm tội hoặc bản án bị hủy để điều tra, xét xử lại có trách nhiệm của Viện kiểm sát.
Góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động tư pháp trong hoạt động tố tụng tại phiên tòa và đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong thời gian tới, trong năm 2020, 2021 Viện kiểm sát nhân dân huyện Đak Pơ xây dựng và thực hiện có hiệu quả kế hoạch công tác đột phá là “Nâng cao kỹ năng, chất lượng các hoạt động xét hỏi, tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa hình sự sơ thẩm”.
Các vụ án hình sự khi bị cáo quanh co chối tội, thường xuyên thay đổi lời khai hoặc vụ án có khó khăn vướng mắc trong quá trình giải quyết. Kiểm sát viên đã chủ động đề xuất lãnh đạo viện phối hợp với Tòa án nhân dân huyện Đak Pơ xây dựng các phiên tòa rút kinh nghiệm đồng thời số hóa hồ sơ, công bố tài liệu bằng chứng cứ, hình ảnh tại phiên tòa nhằm bảo vệ Cáo trạng, giúp Hội đồng xét xử ban hành bản án đúng người đúng tội, đúng pháp luật. Điển hình là 02 vụ án:
- Vụ thứ nhất: Vụ Nguyễn Văn Sơn, phạm tội “Cố ý gây thương tích” quy định tại khoản 2 Điều 134 BLHS.
Trong vụ án này quá trình điều tra, truy tố còn nhiều mâu thuẫn trong lời khai giữa bị cáo với bị hại Nguyễn Văn Bình và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan Nguyễn Văn Hường để xác định có tội hay không có tội đối với Nguyễn Văn Hường, đồng thời tranh luận với Luật sư bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp người bị hại. Kiểm sát viên đã chủ động nghiên cứu kỹ hồ sơ sao chụp những tài liệu quan trong có tính chất buộc tội với bị cáo, bác bỏ những lời khai không trung thực của bị hại và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, và quan điểm bảo vệ của luật sư (như Biên bản tạm giữ vật chứng, Biên bản nhân dạng vật chứng của người làm chứng, Biên bản hỏi cung của bị can, lời khai người làm chứng, biên bản khám nghiệm hiện trường, biên bản thực nghiệm điều tra, đối chất, bản ảnh hiện trường, thực nghiệm điều tra,…)
Tại phiên tòa sau khi Kiểm sát viên công bố các tài liệu, chứng cứ nêu trên và đối đáp tranh luận công khai với luật sư và những người tham dự phiên tòa thì người bị hại và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đã thay đổi lời khai là phù hợp với diễn biến vụ việc được thể hiện tại Cáo trạng truy tố của Viện kiểm sát, qua đó công tác xét xử của Tòa án được đảm bảo tính khách quan, công minh và việc tuyên án đảm bảo đúng quy định.
                                                Toàn cảnh phiên tòa
- Vụ thứ hai: Vụ Trần Thị Diễm Ly, Nguyễn Văn Vương phạm tội “trộm cắp tài sản” quy định tại khoản 2 Điều 173 BLHS.
Quá trình điều tra, truy tố còn nhiều mâu thuẩn trong lời khai giữa các bị cáo Ly và Vương, đồng thời các bị cáo thường xuyên thay đổi lời khai, quanh co đổ tội cho nhau. Kiểm sát viên đã chủ động sao chụp những tài liệu quan trọng có tính chất buộc tội với các bị cáo, bác bỏ những lời khai không trung thực (như Biên bản tạm giữ vật chứng, Biên bản nhân dạng, Biên bản hỏi cung của các bị can, lời khai người làm chứng, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, biên bản khám nghiệm hiện trường, biên bản thực nghiệm điều tra, biên bản đối chất,…)
Tại phiên tòa quá trình xét hỏi, Kiểm sát viên đã công bố, trình chiếu các tài liệu, chứng cứ nêu trên và xét hỏi hành vi phạm tội của các bị cáo, bị cáo Nguyễn Văn Vương đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình phù hợp với diễn biến của vụ án được nêu trong Cáo trạng và tài liệu có trong hồ sơ, đối với bị cáo Trần Thị Diễm Ly quanh co chối tội, lời khai mâu thuẩn nên Kiểm sát viên đã trình chiếu hình ảnh để buộc tội đối với bị cáo Ly, trong bản luận tội Kiểm sát viên cũng đã phân tích đánh giá chứng cứ để bị cáo thấy rõ hành vi phạm tội của mình, bị cáo không tranh luận với lời luận tội của Kiểm sát viên, Hội đồng xét xử chấp nhận đề nghị về hình phạt cũng như những vấn đề liên quan của Kiểm sát viên trình bày trong luận tội là đúng quy định của pháp luật, qua đó việc trình chiếu hình ảnh bằng chứng cứ, tài liệu tại phiên tòa và luận tội của Kiểm sát viên đã giúp Hội đồng xét xử ban hành bản án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Toàn cảnh phiên tòa
Sau mỗi phiên tòa Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Đak Pơ đã phối hợp với Chánh án Tòa án nhân dân huyện Đak Pơ chủ trì họp rút kinh nghiệm đối với Kiểm sát viên và Hội đồng xét xử, đánh giá cao những ưu điểm trong việc số hóa hồ sơ, trình chiếu chứng cứ, tài liệu bằng hình ảnh tại phiên tòa cần được tiếp tục thực hiện, đồng thời phân tích những tồn tại, hạn chế cần được khắc phục.
Thông qua việc số hóa hồ sơ, công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa xét xử các vụ án hình sự nhận thấy việc số hóa và công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh mang lại những hiệu quả thiết thực cho quá trình giải quyết vụ án, cụ thể:
- Việc số hóa hồ sơ vụ án làm tinh gọn hồ sơ vụ án, thuận lợi cho quá trình nghiên cứu, khai thác hồ sơ của Kiểm sát viên. Khi cần nghiên cứu tài liệu, chứng cứ, Kiểm sát viên không bị phụ thuộc quá nhiều vào hồ sơ vụ án (hồ sơ giấy), nếu được sắp xếp khoa học thì việc tìm kiếm tài liệu có trong hồ sơ rất dễ dàng và nhanh chóng, qua đó rút ngắn thời gian nghiên cứu và trích cứu tài liệu của Kiểm sát viên.
- Góp phần bảo đảm bí mật hồ sơ do không phải di chuyển, sử dụng nhiều đến hồ sơ vụ án và hồ sơ kiểm sát, trừ khi cần thiết phải sử dụng để đối chiếu với tài liệu số hóa hoặc theo quy định của pháp luật phải sử dụng hồ sơ chính.
- Làm giảm chi phí để sao lưu tài liệu phục vụ lưu trữ hồ sơ kiểm sát theo quy định của ngành và phục vụ cho các mục đích nghiên cứu khác nhau. Đặc biệt là đối với những vụ án có nhiều tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ, việc phô tô toàn bộ tài liệu sẽ tốn nhiều chi phí và thời gian hơn so với việc phô tô các tài liệu quan trọng kết hợp với việc số hóa hồ sơ.
- Giúp Kiểm sát viên chủ động và linh hoạt hơn trong quá trình tham gia thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử. Tại phiên tòa, có nhiều tình huống phức tạp có thể diễn ra, đòi hỏi Kiểm sát viên phải nhanh chóng, linh hoạt giải quyết, việc sử dụng hồ sơ giấy hoặc tài liệu trích cứu có thể không bảo đảm kịp thời, khi đó việc sử dụng hồ sơ, tài liệu số hóa lại mang lại hiệu quả rất cao, chỉ bằng những thao tác đơn giản cũng có thể nhanh chóng tìm được tài liệu cần thiết.
- Việc công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa góp phần bảo đảm tính khách quan khi kiểm chứng các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án và bảo đảm tính thuyết phục trong quá trình tranh luận, đối đáp của Kiểm sát viên, đấu tranh có hiệu quả đối với các trường hợp bị cáo có biểu hiện quanh co, chối tội hoặc từ chối khai báo cũng như các quan điểm trái chiều do những người tham gia tố tụng khác đưa ra.
Trên cơ sở những kết quả đạt được trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, tôi rút ra được một số kinh nghiệm để thực hiện có hiệu quả việc “số hóa hồ sơ vụ án” và công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa như sau:
Một là: Phải trang bị cơ sở vật chất bảo đảm đầy đủ cho quá trình xây dựng hồ sơ số hóa và quá trình công bố chứng cứ, tài liệu bằng hình ảnh tại phiên tòa. Đây là điều kiện tiên quyết, không thể thiếu để thực hiện được công tác này. Các trang thiết bị phải bảo đảm về tính năng, tính ổn định.
Hai là: Phải xây dựng được kế hoạch cụ thể, chi tiết trong quá trình tổ chức thực hiện, trong đó cần xác định ưu tiên thực hiện đối với những vụ án phức tạp, có thể có nhiều tình huống phát sinh trong quá trình tranh tụng tại phiên tòa nhất là các vụ án như “Cố ý gây thương tích”, “Trộm cắp tài sản có nhiều người tham gia tố tụng. Khi đã xác định được vụ án cần tiến hành “số hóa hồ sơ” và công bố chứng cứ, tài liệu bằng hình ảnh tại phiên tòa thì ngay từ trong giai đoạn điều tra, phải phối hợp tốt với Cơ quan điều tra trong việc nghiên cứu phương pháp sắp xếp, đánh số bút lục hồ sơ theo quy định, việc “số hóa hồ sơ” cần được tiến hành ngay sau khi hồ sơ vụ án được hoàn chỉnh việc đóng dấu và đánh số bút lục.
Ba là: Việc sắp xếp hồ sơ số hóa cần phải thực sự khoa học, vừa bảo đảm theo trình tự của hồ sơ vụ án, vừa phải lập thành các danh mục tài liệu trên hồ sơ số hóa để dễ nhớ, dễ tra cứu.
Bốn là: Phải phối hợp tốt với Tòa án để thực hiện các nội dung công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa được thống nhất, tránh chồng chéo và thực hiện không đúng quy định của pháp luật.
Năm là: Phải phối hợp với cán bộ kỹ thuật (Kiểm tra viên, chuyên viên) để phục vụ trong quá trình công bố hồ sơ số hóa tại phiên tòa.
Sáu là: Phải chuẩn bị tốt các tài liệu chuẩn bị xét xử kết hợp với kế hoạch sử dụng chứng cứ, tài liệu được số hóa. Đây là nội dung then chốt, quyết định đến chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa, công tác chuẩn bị càng cụ thể, dự kiến được tình huống sát với nội dung vụ án bao nhiêu thì chất lượng tranh tụng và tính thuyết phục, khách quan khi đưa ra quan điểm của Viện kiểm sát càng cao.
Bảy là: Kiểm sát viên phải nắm chắc hồ sơ vụ án và hồ sơ được số hóa, đánh dấu những nội dung cần lưu ý để tiện cho người xem trong quá trình công bố; tại phiên tòa, Kiểm sát viên phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong các tình huống công bố chứng cứ, tài liệu, số hóa, nắm chắc trường hợp nào được phép công bố, trường hợp nào không được công bố; vận dụng linh hoạt trong quá trình công bố tài liệu được số hóa tại phiên tòa theo các nội dung đã chuẩn bị và các nội dung phát sinh.
Tám là: Bảo đảm tuyệt đối về bí mật hồ sơ, trong quá trình thực hiện việc số hóa hồ sơ cũng như công bố tài liệu chứng cứ tại phiên tòa.
Trên đây là những chia sẻ về kinh nghiệm “số hóa hồ sơ vụ án” và thực hiện công bố chứng cứ, tài liệu bằng hình ảnh tại phiên tòa” trong một số vụ án phức tạp nhằm nâng cao kỹ năng tranh tụng của Kiểm sát viên, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay.

Tác giả bài viết: Phạm Văn Phụng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây