Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai

https://vksnd.gialai.gov.vn


Nhận diện 07 dạng vi phạm qua công tác kiểm sát việc xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước

Công tác xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước cho người phải thi hành án vừa thể hiện chính sách nhân đạo, khoan hồng của Nhà nước đối với các trường hợp người phải thi hành án không có điều kiện thi hành, đồng thời góp phần giải quyết tình trạng án tồn đọng chưa có điều kiện thi hành ngày càng tăng trong thời gian vừa qua.
Theo số liệu thống kê trong năm 2020 Tòa án dân nhân các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã thực hiện xét miễn, giảm cho 68 trường hợp với số tiền là 119.541.698 đồng. Qua công tác trực tiếp kiểm sát tại cơ quan Thi hành án dân sự và kiểm sát các quyết định miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước của Tòa án, Viện kiểm sát đã phát hiện 07 dạng vi phạm như sau:

- 03 dạng vi phạm của cơ quan Thi hành án dân sự

+ Chưa lập hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án theo quy định tại Điều 62 Luật thi hành án dân sự và Điều 6 Thông tư liên tịch số 12/2015/TTLT-BTP-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 15/9/2015 của Bộ Tư Pháp, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án dân sự đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước (sau đây viết tắt là Thông tư liên tich số 12). Qua công tác trực tiếp kiểm sát đã phát hiện nhiều trường hợp người phải thi hành án đã đủ điều kiện được xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án theo quy định tại Điều 61 Luật thi hành án dân sự, Điều 4 Thông tư liên tịch số 12 nhưng cơ quan Thi hành án dân sự chưa lập hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án theo quy định, có trường hợp người phải thi hành án đã đủ điều kiện xét miễn từ năm 2017 nhưng đến năm 2021 vẫn chưa lập hồ sơ đề nghị xét miễn, điều này đã góp phần làm tăng lượng án tồn đọng tại các cơ quan Thi hành án trong thời gian dài.
         
+ Lập hồ sơ đề nghị xét giảm nghĩa thi hành án không đúng quy định tại khoản 3 Điều 61 Luật thi hành án dân sự, khoản 1 Điều 4 Thông tư liên tích số 12, cụ thể: Theo quyết định thi hành án người phải thi hành án phải thi hành các
khoản tiền án phí, quá trình tổ chức thi hành án người phải thi hành án chưa thi hành được phần nào trong tổng số tiền phải thi hành nhưng cơ quan Thi hành án dân sự đã lập hồ sơ đề nghị giảm nghĩa vụ thi hành cho người phải thi hành án.

         
+ Thi hành quyết định của Tòa án về việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án  không đúng quy định tại Điều 11 Thông tư số 12. Theo quy định nêu trên thì căn cứ quyết định có liệu lực của Tòa án về việc miễn thi hành án, cơ quan Thi hành án dân sự ra quyết định đình chỉ thi hành án; trường hợp Tòa án quyết định cho giảm một phần nghĩa vụ thi hành án, cơ quan Thi hành án dân sự tiếp tục thi hành đối với khoản thu nộp ngân sách còn lại. Tuy nhiên, có trường hợp Tòa án ra quyết định giảm một phần nghĩa vụ thi hành án nhưng cơ quan Thi hành án dân sự lại ra quyết định đình chỉ thi hành án đối với phần nghĩa vụ được giảm là không đúng quy định.

         
- 04 dạng vi phạm của Tòa án

 
+ Không gửi quyết định về việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án cho Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp. Theo quy định tại khoản 4 Điều 63 Luật thi hành án dân sự “Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định về việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án, Tòa án phải gửi quyết định đó cho người được xét miễn, giảm thi hành án, Viện kiểm sát cùng cấp, Viện kiểm sát nhân dân cấp trên trực tiếp.......”. Tuy nhiên, trong thời gian qua một số Tòa án nhân dân nhân cấp huyện chưa thực hiện đúng quy định về việc gửi quyết định miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước cho Viện kiểm sát nhân dân tỉnh. Việc Tòa án nhân dân cấp huyện không gửi các quyết định miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước cho Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền kháng nghị phúc thẩm của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai đối với các quyết định của Tòa án về việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 64 Luật thi hành án dân sự.


+ Một số quyết định miễn nghĩa vụ thi hành án áp dụng không đúng căn cứ pháp luật như: Trường hợp người được thi hành án được miễn nghĩa vụ thi hành án theo quy định tại khoản 2 Điều 61 (miễn thi hành phần nghĩa vụ còn lại khi đã thi hành được một phần khoản thu nộp ngân sách nhà nước) nhưng quyết định miễn nghĩa vụ thi hành án lại căn cứ khoản 1 Điều 61.

+ Nội dung quyết định miễn nghĩa vụ thi hành án không đúng, điển hình: Căn cứ Bản án số 23/2008/HSST ngày 17/11/2008 của Tòa án nhân dân thị xã A, Trưởng Thi hành án (nay là Chi cục trưởng Chi cục THADS) dân sự thị xã A ban hành Quyết định thi hành án số 02/QĐ-THA ngày 08/01/2009 cho thi hành án đối với ông Nguyễn Hữu T về khoản tiền phạt sung công quỹ Nhà nước 2.600.000 đồng. Quá trình tổ chức thi hành án ông T thi hành được số tiền 550.000 đồng. Sau đó qua xác minh cơ quan Thi hành án dân sự xác định ông T đủ điều kiện miễn nghĩa vụ thi hành đối với số tiền thi hành án còn lại theo quy định tại khoản 2 Điều 61 Luật THADS. Tòa án nhân dân thị xã A căn cứ khoản 2 Điều 61 Luật THADS ra Quyết định số 06/2020/QĐST-DS ngày 13/8/2020 cho miễn nghĩa vụ thi hành đối với ông T số tiền 2.600.000. Như vậy, quyết định cho miễn nghĩa vụ thi hành án nêu trên của Tòa án cho miễn nghĩa vụ thi hành đối với ông T số tiền 2.600.000 là không đúng. Bởi ông T đã thi hành được số tiền 550.000 đồng do đó ông T thuộc trường hợp được miễn thi hành nghĩa vụ còn lại đối với số tiền 2.050.000 đồng.
         
+ Một số quyết định miễn nghĩa vụ thi hành án của Tòa án căn cứ Điều 371, Điều 372 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 tuyên quyền kháng cáo, kháng nghị và thời hạn kháng cáo, kháng nghị của cơ quan Thi hành án dân sự, người được miễn nghĩa vụ thi hành án và Viện kiểm sát nhân dân là không phù hợp với quy định tại Điều 488 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 và khoản 1 Điều 64 Luật THADS. Bởi tại khoản 2 Điều 488 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định: “Trình tự, thủ tục xét miễn, giảm thủ tục thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước được thực hiện theo quy định của Luật Thi hành án dân sự” và tại khoản 1 Điều 64 Luật THADS quy đinh: “Quyết định miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án của Tòa án có thể bị Viện kiểm sát kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp là 07 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định”. Quy định nêu trên của Luật THADS không quy định quyền kháng cáo của cơ quan Thi hành án, người được xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án. Vì vậy, khi xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án Tòa án chỉ cần áp dụng các dụng các quy định tại các Điều 61, 62, 63, 64 Luật THADS và Thông tư liên tịch số 12 là đảm bảo quy định của pháp luật./.

Tác giả bài viết: Trần Thị Điệp Ngân

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây