Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai

https://vksnd.gialai.gov.vn


Nâng cao hiệu quả, hiệu lực kiến nghị phòng ngừa của Viện kiểm sát đối với tội phạm trộm cắp tài sản nhìn từ địa bàn tỉnh Gia Lai

Gia Lai là một tỉnh vùng cao nằm ở phía bắc Tây Nguyên, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn chiếm hơn 40%.
Với tính chất địa bàn phức tạp, điều kiện kinh tế – xã hội – giáo dục còn những hạn chế nhất định; trong thời gian qua, có thể thấy tình hình tội phạm trộm cắp tài sản có xu hướng ngày càng gia tăng, gây tác động xấu cho xã hội. Cụ thể theo thống kê của Công an tỉnh, từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 2.785 vụ trộm cắp tài sản, chiếm 51,32% tổng số vụ phạm tội về hình sự. Tài sản thiệt hại chủ yếu là tiền, xe máy, vật nuôi… với tổng giá trị khoảng 70 tỷ đồng[1].
Qua công tác thực tiễn tác giả nhận thấy, các vụ trộm cắp tài sản xảy ra không theo một quy luật nhất định nhưng phần lớn các vụ trộm cắp trên địa bàn có phương thức, thủ đoạn gây án chung là các đối tượng thường lợi dụng lúc đêm khuya người dân đã đi ngủ hoặc lợi dụng khoảng thời gian giữa buổi sáng người dân tranh thủ đi làm gần nhà không đóng cổng, cửa… để đột nhập vào trộm cắp tài sản.
Các đối tượng phạm tội phần lớn là nam thanh niên trong độ tuổi lao động nhưng không có việc làm ổn định, lười lao động, thích hưởng thụ,… dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật; một số đối tượng khác do cờ bạc, rượu chè, sinh ra nợ nần cũng dẫn tới con đường phạm tội; một số ít đối tượng còn lại do chơi bời, giao du với những đối tượng xấu nên bị xúi giục, lôi kéo…Ngoài ra, một nguyên nhân phạm tội khác là cha mẹ của các đối tượng phạm tội phần lớn dành thời gian cho việc lo kinh tế gia đình ít có thời gian quan tâm, chia sẻ, chăm sóc giáo dục con cái; Gia đình cha mẹ không hạnh phúc, bất hòa dẫn đến không quan tâm đến con cái, dẫn đến chán nản, phá phách muốn thể hiện bản thân dẫn đến những hành vi phạm tội đáng tiếc.
Tiền đề cho các đối tượng thực hiện hành vi trộm cắp tài sản đó là: chủ sở hữu, người quản lý tài sản còn chủ quan, thiếu cảnh giác trong việc bảo vệ tài sản như việc không khoá cổng, khoá cửa, không có biện trông coi, bảo vệ khu vực chăn nuôi… nên các đối tượng lợi dụng sự sơ hở để thực hiện hành vi trộm cắp. Sau khi phát hiện tội phạm xảy ra, đa phần người bị hại đều trình báo cơ quan chức năng để giải quyết, qua đó đã truy bắt được nhiều đối tượng phạm tội và xử lý nghiêm minh trước pháp luật. Mặc dù vậy, vẫn còn trường hợp sau khi mất tài sản, người bị hại không trình báo cơ quan chức năng để truy tìm thủ phạm, ngăn ngừa tiếp tục phạm tội, làm giảm hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Để nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước, góp phần giảm thiểu những nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh vi phạm, tội phạm, tạo sự chuyển biến tích cực và nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung, tội phạm trộm cắp tài sản nói riêng trên địa bàn tỉnh, tác giả xin nêu ra một số giải pháp nâng cao hiệu quả, hiệu lực khi ban hành các bản kiến nghị phòng ngừa của Viện kiểm sát (VKS) về lĩnh vực này:
1. Khi soạn thảo ban hành kiến nghị phòng ngừa
Khi ban hành các kiến nghị phòng ngừa thông qua quá trình thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong kiến nghị ngoài việc làm rõ nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh vi phạm pháp luật và tội phạm; thì chúng ta phải nêu rõ những thiếu sót, tồn tại trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành để ban hành kiến nghị đề nghị các cơ quan hữu quan có liên quan khắc phục và áp dụng các biện pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm. Các kiến nghị của Viện kiểm sát phải đúng trọng tâm, trọng điểm. Những vụ việc, thiếu sót, sơ hở trong công tác quản lý được kiến nghị đều mang tính phổ biến, tính bao hàm áp dụng trên phạm vi rộng, không có tình trạng kiến nghị manh mún… Bên cạnh đó, hình thức nội dung của văn bản kiến nghị của VKS phải đảm bảo đúng quy định; câu, từ, thuật ngữ pháp lý sử dụng đều rõ ràng, phù hợp với từng đối tượng kiến nghị để từ đó nâng cao hiệu quả, hiệu lực.
Chú ý trong quá trình soạn thảo Cán bộ, kiểm sát viên nên viết ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu; sử dụng từ ngữ văn bản một cách nhẹ nhàng mang tính chất tham mưu đối với các cơ quan hữu quan mà mình kiến nghị phòng ngừa. Ví dụ trong văn bản bản chúng ta không nên dùng từ “vi phạm” mà chỉ nên sử dụng những từ ngữ như “thiếu sót”, “sơ hở”…thì nội dung trong các bản kiến nghị của Viện kiểm sát sẽ được các cơ quan hữu quan chấp nhận, từ đó góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các bản kiến nghị trên thực tế.
2. Một số lưu ý khi ban hành kiến nghị phòng ngừa
Để việc ban hành kiến nghị phòng ngừa tội phạm thực sự hiệu quả được tiếp thu, vi phạm pháp luật được sửa chữa kịp thời, thì điều quan trọng đó là phải thường xuyên tranh thủ sự lãnh đạo của Viện kiểm sát cấp trên, cấp ủy địa phương; đặc biệt cần có sự phối hợp nhịp nhàng, có hiệu quả với các cơ quan hữu quan
Đơn cử như trước khi ban hành kiến nghị chính thức Lãnh đạo viện nên có sự trao đổi, thống nhất nhận thức với lãnh đạo các Cơ quan hữu quan (nơi kiến nghị phòng ngừa của Viện kiểm sát tác động đến),  trong quá trình trao đổi nên nêu căn cứ pháp lý, hậu quả tác hại của vi phạm đồng thời thể hiện đây là sự tham mưu nhằm chấn chỉnh, khắc phục có hiệu quả vi phạm, thiếu sót, sơ hở, góp phần tích cực vào việc ngăn chặn, phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật.
3. Một số giải pháp tham mưu nâng cao hiệu quả, hiệu lực các bản kiến nghị phòng ngừa của VKS về tội phạm trộm cắp tài sản nhìn từ địa bàn tỉnh Gia Lai
Để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác kiến nghị trong kiểm sát hoạt động tư pháp, góp phần phòng ngừa vi phạm pháp luật, đấu tranh, phòng chống tội phạm nói chung, tội trộm cắp tài sản trên địa bàn tỉnh Gia Lai nói riêng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước tại địa phương, cần đẩy mạnh thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, các cơ quan bảo vệ pháp luật thực hiện thường xuyên, liên tục Chỉ thị số 48-CT/TW, ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới và Chương trình Quốc gia phòng, chống tội phạm; tiếp tục phối hợp thực hiện tốt công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm nói chung, tội trộm cắp tài sản nói riêng. Các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội... phải gắn việc thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, kế hoạch công tác với Chương trình hành động phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự. Tập trung xây dựng lực lượng Công an nhân dân và các cơ quan bảo vệ pháp luật khác thật sự trong sạch, vững mạnh để thực hiện tốt vai trò nòng cốt, xung kích trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm đối với các loại tội phạm, đặc biệt là tội trộm cắp tài sản.
Viện kiểm sát cần tăng cường công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra trong công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và công tác điều tra các vụ án để đảm bảo việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đúng pháp luật, không làm oan người vô tội và không bỏ lọt tội phạm.
Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng được công tác cải cách tư pháp, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm; Các cơ quan tư pháp rà soát và góp ý để hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời đề nghị cấp trên hướng dẫn, giải thích các quy định vướng mắc (nếu có) liên quan đến giải quyết tội phạm nói chung, tội trộm cắp tài sản nói riêng để áp dụng thống nhất; Phát động phong trào toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác và đấu tranh chống các loại tội phạm và tệ nạn xã hội; thực hiện phối hợp phòng ngừa tội phạm từ gia đình, trong nhà trường và ngoài xã hội. Củng cố vai trò và hoạt động của các tổ dân, khu phố, thôn làng ở các xã, thị trấn, của các cơ quan, ban ngành…tham gia tích cực phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Hai là, Công an tỉnh chỉ đạo Công an các huyện, thị xã thành phố phối hợp với Công an xã, thị trấn phối hợp các khu dân cư thường xuyên tuần tra canh gác, nhất là trong khoảng thời gian từ 24 giờ đến 02 giờ sáng ngày hôm sau đối với các khu vực phức tạp về an ninh trật tự để kịp thời phát hiện, xử lý tội phạm. Công an địa bàn phải nắm chắc biến động, mối quan hệ và các biểu hiện nghi vấn của các đối tượng có tiền án, tiền sự và các đối tượng vãng lai. Có phương án, kế hoạch tổ chức, theo dõi, bắt giữ các đối tượng trộm cắp tài sản; thực hiện toàn diện các mặt công tác đảm bảo an ninh trật tự, tập trung lực lượng, phương tiện, áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, tấn công, trấn áp tội phạm, tệ nạn xã hội và đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Quản lý chặt chẽ các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, không để tội phạm lợi dụng hoạt động cầm đồ, nhà nghỉ, vũ trường ... , vào mục đích phạm tội.
Ba là, Công an các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo lực lượng Công an xã, phường, thị trấn theo dõi, nắm bắt, quản lý chặt chẽ đối với các đối tượng ra tù về địa phương, không để các đối tượng tiếp tục phạm tội. Tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quản lý, giáo dục và cảm hóa những người phạm tội tại cộng đồng dân cư bằng nhiều hình thức, không ngừng giúp họ cải tạo tiến bộ, hoàn lương, tái hòa nhập với gia đình, cộng đồng xã hội.
Đồng thời, quản lý chặt chẽ công tác đăng ký hộ khẩu thường trú, tạm trú. Có những biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với những cá nhân, tổ chức không chấp hành khai báo tạm trú, tạm vắng. Công an địa bàn đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền đến mỗi người dân không mua bán, cầm cố, thế chấp tài sản không rõ nguồn gốc, không tiêu thụ hoặc giúp sức cho việc tiêu thụ tài sản phạm tội. Kết hợp với công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục sâu rộng là yêu cầu các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ ký cam kết không vi phạm pháp luật để mỗi chủ cơ sở có ý thức chấp hành pháp luật và tích cực tham gia việc tố giác tội phạm.
Bốn là, các cơ quan tư pháp, các tổ chức đoàn thể cần phối hợp với Nhà trường và gia đình quan tâm hơn nữa đến công tác giáo dục ý thức cho các thế hệ trẻ, đặc biệt là các em học sinh đang ở lứa tuổi mới lớn; có biện pháp quản lý, giáo dục các cháu để các cháu tránh đi vào con đường phạm tội. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật để người dân hiểu về các chính sách pháp luật, nhất là Bộ luật hình sự; nâng cao ý thức cảnh giác để không tạo sơ hở cho kẻ xấu thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Năm là, Ủy ban nhân dân  các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo các cơ quan tư pháp gồm: Phòng tư pháp, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật cho nhân dân để từ đó nâng cao ý thức cảnh giác và đấu tranh phòng chống tội phạm của người dân. Bên cạnh đó, Viện kiểm sát, Tòa án thường xuyên mở các phiên tòa xét xử lưu động nhằm góp phần tuyên truyền pháp luật cho nhân dân đồng thời răn đe các đối tượng có ý định trộm cắp tài sản.
Sáu là, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể thường xuyên phối hợp các khu dân cư tổ chức tuyên truyền, giáo dục chính sách, pháp luật cho nhân dân để người dân nâng cao ý thức tự bảo vệ tài sản và tinh thần toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc. Tăng cường công tác tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm xâm phạm sở hữu, đặc biệt là tội Trộm cắp tài sản từ đó nâng cao ý thức cảnh giác và đấu tranh phòng chống tội phạm của người dân như: không để xe máy tài sản ở những nơi không có người trông coi, trước khi đi ngủ hoặc ra khỏi nhà cần phải kiểm tra kỹ các cửa ra vào cẩn thận, không để tiền vàng, đồ trang sức có giá trị trong nhà quá nhiều...khi phát hiện các đối tượng nghi vấn hoặc khi mất trộm cần bình tĩnh giữ nguyên hiện trường và báo ngay cho Công an xã, thị trấn, Công an huyện, thị xã, thành phố để thu thập dấu vết, truy tìm thủ phạm.
Bảy là, Cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục chỉ đạo, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nghiên cứu phát triển nhiều loại hình kinh tế, đẩy mạnh phát triển kinh tế địa phương…để đem lại nhiều việc làm, tăng thêm thu nhập, nâng cao đời sống của người dân, nhất là người dân tộc thiểu số./.
 

[1] https://congan.gialai.gov.vn/BaiVietChiTiet/40602/ubnd-tinh-gia-lai-chi-dao-tang-cuong-dau-tranh-voi-toi-pham-trom-cap-tai-san

Tác giả bài viết: Lê Xuân Quang

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây