Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai

https://vksnd.gialai.gov.vn


Kỹ năng nhận diện vi phạm trong công tác trực tiếp xác minh điều kiện thi hành án và hướng hoàn thiện

Hoạt động kiểm sát việc phân loại án có điều kiện và án chưa có điều kiện thi hành án là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác kiểm sát Thi hành án dân sự.
Đây là khâu công tác đột phá mà Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai xác định trong 02 năm 2020-2021, vì vậy Viện kiểm sát nhân dân huyện Kông Chro đã tăng cường kiểm sát chặt chẽ đối với việc phân loại án có điều kiện thi hành và chưa có điều kiện kiện thi hành án thông qua hoạt động trực tiếp kiểm sát, trực tiếp xác minh các vụ việc chưa có điều kiện thi hành án nhằm kịp thời phát hiện vi phạm để kiến nghị yêu cầu Chi cục THADS huyện khắc phục, bảo đảm cho hoạt động thi hành án dân sự được thực hiện nghiêm chỉnh, đúng quy định của pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và lợi ích chính đáng của Nhà nước. 
Hoạt động xác minh điều kiện thi hành án là một trong những hoạt động nghiệp vụ nhằm kiểm sát việc thu thập, xác định thông tin về tài sản, thu nhập, địa chỉ, các điều kiện thi hành án khác của người phải thi hành án và các thông tin khác có liên quan làm cơ sở cho việc tổ chức thi hành án.
Từ năm 2020 đến nay, Viện kiểm sát nhân dân huyện Kông Chro đã tiến hành trực tiếp kiểm sát 02 đợt tại Chi cục THADS huyện và trực tiếp xác minh 22 vụ việc thi hành án Chi cục THADS huyện kông Chro đưa vào diện chưa có điều kiện thi hành án.

Đồng chí Phạm Quốc Bình công bố kết luận trực tiếp kiểm sát THADS tại Chi cục THADS huyện Kông Chro

Nhận diện 10 dạng vi phạm trong công tác xác minh điều kiện thi hành án
1. Trường hợp người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án nhưng không xác minh theo định kỳ
Theo quy định trong trường hợp người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án thì ít nhất 06 tháng một lần, Chấp hành viên phải xác minh điều kiện thi hành án nhưng thực tế nhiều trường hợp người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án nhưng quá 06 tháng, có trường hợp hơn một năm Chấp hành viên không tiến hành xác minh. Trường hợp người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án là người đang chấp hành hình phạt tù mà thời gian chấp hành hình phạt tù còn lại từ 02 năm trở lên hoặc không xác định được địa chỉ, nơi cư trú mới của người phải thi hành án thì thời hạn xác minh ít nhất 01 năm một lần.
2. Không thông báo kết quả xác minh cho người được thi hành án
Theo quy định sau hai lần xác minh mà người phải thi hành án vẫn chưa có điều kiện thi hành án thì cơ quan Thi hành án dân sự phải thông báo bằng văn bản cho người được thi hành án về kết quả xác minh. Trong thực tế nhiều trường hợp cơ quan Thi hành án khi xác minh không có kết quả mà không thông báo cho người được thi hành án.
3. Văn bản ủy quyền xác minh sơ sài
Nhiều việc Chấp hành viên ủy quyền cho cơ quan thi hành án dân sự nơi người phải thi hành án có tài sản, cư trú, làm việc hoặc có trụ sở để xác minh điều kiện thi hành án nhưng văn bản uỷ quyền sơ sài, không nêu rõ những vấn đề cần xác minh nên kết quả xác minh không đầy đủ, thiếu khách quan. Khi xác minh bằng văn bản thì văn bản Chấp hành viên đề ra yêu cầu xác minh không nêu rõ nội dung xác minh và các thông tin cần thiết khác
4. Không xác minh ở cơ quan chức năng đối với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu
Chấp hành viên khi xác minh điều kiện thi hành án thì việc xác minh không cụ thể về tài sản, thu nhập, các điều kiện khác để thi hành án; đối với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, sử dụng hoặc đăng ký giao dịch bảo đảm thì không xác minh tại cơ quan có chức năng đăng ký tài sản, giao dịch đó. Nhiều trường hợp tài sản thi hành án là vật đặc dụng nhưng Chấp hành viên không yêu cầu cơ quan chuyên môn hoặc mời, thuê chuyên gia để làm rõ các nội dung cần xác minh; Việc xác minh đối với tài sản thuộc diện phải đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản thì tùy từng trường hợp cụ thể mà Chấp hành viên căn cứ vào một trong các giấy tờ sau: Hợp đồng mua bán, chuyển đổi, chuyển nhượng hoặc tặng cho; Giấy chứng nhận về quyền sở hữu, sử dụng tài sản hoặc xác minh thông qua chủ sở hữu, chính quyền địa phương, cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm, cơ quan chức năng hoặc người làm chứng.
5. Biên bản xác minh ghi không đầy đủ     
Khi xác minh người phải thi hành án là cơ quan, tổ chức Chấp hành viên không trực tiếp xem xét tài sản, sổ sách quản lý vốn, tài sản; xác minh tại cơ quan, tổ chức khác có liên quan đang quản lý, bảo quản, lưu giữ thông tin về tài sản, tài khoản của người phải thi hành án; Biên bản xác minh không có xác nhận của Ủy ban nhân dân hoặc công an cấp xã hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân nơi tiến hành xác minh. Các vi phạm của Chấp hành viên trong xác minh điều kiện thi hành án thường thể hiện ở dạng xác minh không rõ hiện trạng tài sản của người phải thi hành án hoặc xác minh về tài sản chung, tài sản đang có tranh chấp không chi tiết, không rõ ràng làm cho quá trình tổ chức cưỡng chế kê biên tài sản gặp không ít khó khăn. Một số việc thi hành án, Chấp hành viên đã tiến hành các tác nghiệp cần thiết và đúng hướng nhằm tổ chức thi hành án kịp thời, đúng pháp luật song việc thông báo, xác minh về thi hành án thực hiện chưa đầy đủ khiến việc thi hành án bị kéo dài hoặc bị đương sự khiếu nại, tố cáo
6. Không tiến hành xác minh lại.
Nhiều trường hợp Chấp hành viên không xác minh lại khi kết quả xác minh của Chấp hành viên và người được thi hành án khác nhau hoặc có kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân. Hoặc có tiến hành xác minh lại nhưng không đúng thời hạn (quá 05 ngày làm việc) kể từ ngày nhận được kết quả xác minh do đương sự cung cấp hoặc nhận được kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân
7. Tiếp nhận thông tin không đầy đủ nhưng không phát hiện
Nhiều thông tin do cơ quan, tổ chức, công chức tư pháp như hộ tịch, địa chính, xây dựng, cán bộ, công chức cấp xã khác và cá nhân có liên quan cung cấp nội dung không đầy đủ, thiếu trung thực nhưng Chấp hành viên không phát hiện để yêu cầu cung cấp bổ sung; Bảo hiểm xã hội, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm, công chứng và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác đang nắm giữ thông tin hoặc quản lý tài sản, tài khoản của người phải thi hành án khi nhận được văn bản yêu cầu của Chấp hành viên, đối với thông tin về tài khoản thì không cung cấp kịp thời (thời hạn quy định trả lời là 03 ngày làm việc)
8. Chậm cung cấp thông tin
Nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân đang nắm giữ thông tin hoặc quản lý tài sản, tài khoản của người phải thi hành án chậm cung cấp thông tin khi người được thi hành án hoặc người đại diện theo ủy quyền của người được thi hành án có yêu cầu (thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu) trừ trường hợp do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan. Nhiều trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân từ chối cung cấp nhưng không có văn bản trả lời và nêu rõ lý do cho cơ quan thi hành án dân sự.
9. Không phát hiện việc người phải thi hành án kê khai thiếu trung thực
Khi tiến hành xác minh người phải thi hành án không kê khai trung thực, không cung cấp đầy đủ thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án; không nêu rõ loại, số lượng tiền, tài sản hoặc quyền tài sản; tiền mặt, tiền trong tài khoản, tiền đang cho vay, mượn; giá trị ước tính và tình trạng của từng loại tài sản; mức thu nhập định kỳ, không định kỳ, nơi trả thu nhập; địa chỉ, nơi cư trú của người chưa thành niên được giao cho người khác nuôi dưỡng; khả năng và điều kiện thực hiện nghĩa vụ thi hành án nhưng Chấp hành viên không phát hiện ra.
10. Không đôn đốc khi có yêu cầu xác minh
Chấp hành viên không đôn đốc khi có yêu cầu xác minh đối với việc xác minh tài sản là bất động sản, động sản phải đăng ký quyền sở hữu, thời hạn xác minh và gửi kết quả xác minh cho cơ quan thi hành án dân sự đã ủy quyền là 30 ngày, kể từ ngày nhận được ủy quyền. Trường hợp việc xác minh tài sản khó khăn, phức tạp thì thời hạn xác minh và gửi kết quả xác minh có thể kéo dài nhưng không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được ủy quyền. Đối với việc xác minh các loại tài sản và thông tin khác, thời hạn xác minh và gửi kết quả xác minh cho cơ quan thi hành án dân sự đã ủy quyền là 15 ngày, kể từ ngày nhận được ủy quyền
Vướng mắc từ thực tiễn xác minh điều kiện thi hành án dân sự và hướng hoàn thiện.
Thứ nhất, người được thi hành án không cung cấp được thông tin về các tài sản để cơ quan thi hành án thực hiện việc xác minh. Khi không có thông tin về tài sản, Chấp hành viên phải xác minh tại Ủy ban nhân dân xã, phường, cụ thể là Khu phố trưởng, Trưởng thôn nơi cư trú của người phải thi hành án về tình trạng tài sản hiện nay của người phải thi hành án. Tuy nhiên, thông tin về tài sản được cung cấp của chính quyền địa phương hầu hết là liên quan đến bất động sản là nhà ở và đất đai, ngoài ra các tài sản khác hầu như không đặt ra nên việc xác minh này được xem là chưa đầy đủ để thể hiện rằng người có nghĩa vụ thi hành án có còn tài sản nào khác nữa hay không. Trong khi đó, việc thanh toán trên thị trường chủ yếu bằng tiền mặt nên khó nhận biết về thu nhập khi họ không thường xuyên có mặt tại địa phương, đi làm ăn xa, không có nghề nghiêp ổn định…Địa phương là cơ quan duy nhất có thể cung cấp thông tin thì cũng rất khó khăn để nắm được thông tin về tài sản, thu nhập của người phải thi hành án.
Thứ hai, hầu hết các trường hợp xác minh điều kiện thi hành án đều không xác minh động sản phải đăng ký quyền sở hữu, tiền gửi tại các tổ chức tín dụng, quyền góp vốn tại các doanh nghiệp…
Đối với việc xác minh đối với động sản, đặc biệt là động sản không phải đăng ký quyền sở hữu có thể là vấn đề khó khăn và khó thực thi nhất vì tài sản rất dễ bị tẩu tán, tráo đổi, khó xác định giá trị… Các giao dịch mua bán, chuyển nhượng đối với các tài sản là động sản không phải đăng ký quyền sở hữu trên thực tế là không kiểm soát được. Nhưng ngược lại đối với các động sản phải đăng ký quyền sở hữu, tiền gửi tại các tổ chức tín dụng, quyền góp vốn tại các doanh nghiệp thì lại rất dễ dàng nhưng trên thực tế lại không thực hiện được vì cho rằng số lượng việc thi hành án quá tải để có thể xác minh tất cả các vấn đề đặt ra là áp lực quá lớn đối với cơ quan thi hành án dân sự. Thế thì vấn đặt ra, việc xác minh như thế là đã đầy đủ, toàn diện chưa để ra một quyết định về thi hành án hợp lý.
Thứ ba, việc phối hợp cung cấp thông tin điều kiện thi hành án không chính xác: Hồ sơ thi hành án theo quyết định thi hành án số 02/QĐ-CCTHA ngày 12/10/2016, đối với ông Nguyễn Văn Ngọc, địa chỉ: Thôn 9 xã Chơ Long, huyện Kông Chro, phải thi hành khoản tiền trả nợ cho bà Trần Thị Trà số tiền 9.000.000 đồng có điều kiện thi hành án.
Quá trình xác minh, xác định:Ông Nguyễn Văn Ngọc có 03 thửa đất sản xuất nông nghiệp, gồm: Thửa đất số 2, tờ bản đồ số 8, diện tích 2.736m2; thửa đất số 8, tờ bản đồ số 8, diện tích 5.228m2 và thửa đất số 58, tờ bản đồ số 8, diện tích 1.012m2 theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 690/2001/QĐ-UB(H) ngày 19/10/2001. Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay, Chi cục thi hành án dân sự huyện nhiều lần tiến hành xác minh tại Văn phòng đăng ký đất đai huyện Kông Chro và UBND xã Chơ Long, huyện Kông Chro đều xác định ông Nguyễn Văn Ngọc không có tài sản hoặc có đất đai nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Việc các cơ quan, tổ chức, cá nhân đang nắm giữ thông tin hoặc quản lý tài khoản, tài sản của người phải thi hành án cung cấp thông tin không chính xác về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án cho Chi cục thi hành án dân sự là chưa thực hiện đúng quy định tại Điều 11, tại khoản 6, 7 Điều 44 của Luật thi hành án dân sự năm 2014. Sau khi phát hiện vi phạm trên Viện kiểm sát nhân dân huyện Kông Chro đã tiến hành ban hành kiến nghị phòng ngừa số 03/KN-VKS ngày 10/8/2021 đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện. Kiến nghị trên được Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện chấp nhận, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện nghiêm.
Thứ tư: Theo quy định tại khoản 2 Điều 110 Luật thi hành án dân sự thì các trường hợp đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn tiến hành kê biên, xử lý được. Tuy nhiên, việc cưỡng chế chế, kê biên đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gặp khó khăn trong việc thẩm định giá, bán đấu giá do không tiến hành công chứng được (điểm d, đ khoản 1 Điều 40 Luật Công chứng). Vì vậy, việc kê biên, xử lý tài sản là đất đai chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là không khả thi nên Chi cục Thi hành án đưa các trường hợp trên vào diện chưa có điều kiện thi hành án.
Thứ  năm: Theo quy định tại khoản 6 Điều 1 Nghị định 33/2020/NĐ-CP ngày 17/3/2020 thì các vụ việc thi hành án chưa có điều kiện thi hành án đưa vào sổ theo dõi riêng thì không tiến hành hoạt động xác minh, khi có thông tin mới về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án thì Chấp hành viên tiến hành xác minh và tổ chức thi hành án. Quy định này mâu thuẫn với khoản 2 Điều 44 Luật thi hành án dân sự năm 2014, hoạt động xác minh là hoạt động có định kỳ để kiểm tra điều kiện thi hành án của người phải thi hành án. Nếu người được thi hành án, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác không cung cấp thông tin mới về điều kiện của người phải thi hành án (Khoản 4 Điều 9 Nghị định 62/2015/NĐ-CP) thì căn cứ vào đâu mà có thông tin mới về điều kiện của người phải thi hành án.
Một số giải pháp nâng cao công tác trực tiếp xác minh điều kiện thi hành án
Một là, Kiểm sát viên khi được phân công trực tiếp xác minh điều kiện thi hành án ngoài việc nắm chắc các quy định của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 (Điều 28); Quy chế công tác kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính ban hành kèm theo Quyết định số 810/QĐ-VKSTC ngày 20/12/2016 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Điều 10); Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014 (Điều 44, 44a, 45) thì kiểm sát viên còn phải nắm chắc các quy định pháp luật tại Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 và Nghị 33/2020/NĐ-CP ngày 17/3/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự, quy định về xác minh điều kiện thi hành án; Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC- VKSNDTC ngày 01/8/2016 của liên ngành Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự, quy định về xác minh điều kiện thi hành án (Điều 3)....
Hai là, ngay từ khi tiếp nhận Quyết định thi hành án (chủ động hoặc theo yêu cầu), Kiểm sát viên chủ động tính thời hạn tự nguyện của người phải thi hành án; giám sát chặt chẽ các hoạt động giải quyết việc của Chấp hành viên trong đó có hoạt động về xác minh điều kiện thi hành án (Điều 44, 45 Luật Thi hành án dân sự), để nắm chắc tình hình kết quả thi hành vụ việc, kịp thời phát hiện vi phạm yêu cầu khắc phục (nếu có), đồng thời có kế hoạch kiểm sát xác minh việc thi hành án, nhằm đảm bảo không bị thụ động trong công việc.
Ba là, Khi Kiểm sát việc xác minh điều kiện thi hành án đối với các hồ sơ xếp việc chưa có điều kiện thi hành án (Khoản 2 Điều 44 Luật Thi hành án dân sự) thì Kiểm sát viên phải thường xuyên và định kỳ hàng tháng thông qua công tác phối hợp với Chấp hành viên tiếp nhận tài liệu phân loại việc để nắm các trường hợp chưa có điều kiện thuộc diện nào: Thuộc diện chủ động hay đơn yêu cầu; đang chấp hành hình phạt tù; không có mặt tại địa phương; trường hợp không có tài sản; trường hợp tài sản không được kê biên … qua đó đánh giá tình trạng hiện nay về nhân thân, hoàn cảnh và điều kiện kinh tế của từng đương sự có thay đổi gì không hay vẫn thuộc trường hợp chưa có điều kiện, để làm căn cứ cơ sở cho kiểm sát trực tiếp xác minh điều kiện thi hành án hằng năm.
Bốn là, khi Kiểm sát tài liệu xác minh điều kiện thi hành án phải kiểm sát rõ các nội dung quy định tại Điều 9 Nghị định 62 năm 2015 như: về thái độ chấp hành án của người phải thi hành án hay chưa; thông tin về tài sản, thu nhập, số lượng tiền, tài sản hoặc quyền tài sản; tiền mặt, tiền trong tài khoản, tiền đang cho vay, mượn; giá trị ước tính và tình trạng của từng loại tài sản; mức thu nhập định kỳ, không định kỳ, nơi trả thu nhập; địa chỉ, nơi cư trú của người chưa thành niên được giao cho người khác nuôi dưỡng; khả năng và điều kiện thực hiện nghĩa vụ thi hành án như thế nào; xác định về tài sản chung, riêng trong hộ gia đình; vấn đề ủy quyền xác minh điều kiện thi hành án; Trường hợp chưa xác định được địa chỉ và tài sản của người phải thi hành án hoặc chưa xác định được địa chỉ của người phải thi hành án; về việc chuyển việc chưa có điều kiện sang sổ theo dõi riêng…
Năm là, khi Trực tiếp kiểm sát việc xác minh điều kiện thi hành án ngoài việc Kiểm sát viên phải xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện việc phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến vụ việc, thì trong quá trình xác minh Kiểm sát viên phải làm rõ các nội dung sau:
Xác minh đầy đủ chi tiết về tài sản nhất là các trường hợp người phải thi hành án có tài sản chung với các thành viên trong gia đình; vi phạm của Chấp hành viên trong xác minh điều kiện thi hành án thường thể hiện: Xác minh không rõ hiện trạng tài sản của người phải thi hành hành án nhất là xác minh về tài sản chung, tài sản đang có tranh chấp không chi tiết, không rõ ràng làm cho quá trình tổ chức cưỡng chế kê biên tài sản gặp không ít khó khăn. Một số việc thi hành án, mặc dù Chấp hành viên đã tiến hành xác minh cụ thể, các nội dung cần thiết được làm rõ và đúng hướng nhằm tổ chức thi hành án kịp thời, đúng pháp luật song việc thông báo, xác minh về thi hành án và các thủ tục khác thực hiện chưa đầy đủ, do đó việc thi hành án bị kéo dài hoặc bị đương sự khiếu nại, tố cáo.
Quá trình xác minh phải làm rõ nhân thân, lý lịch từng người trong gia đình để xác định phần tài sản chung trên cơ sở mức độ đóng góp công sức vào khối tài sản chung của từng thành viên, để việc phân chia tài sản chung đảm bảo thi hành án đối với người phải thi hành án có hiệu quả.

Tác giả bài viết: Phạm Quốc Bình - Bùi Văn Tài

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây