Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai

https://vksnd.gialai.gov.vn


Đổi mới phương thức kiểm sát, tăng cường trách nhiệm công tố thông qua “nhật ký kiểm sát điện tử”

Trước những yêu cầu mới, trong điều kiện Luật Tổ chức VKSND năm 2014, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định nhiệm vụ, thẩm quyền của Viện kiểm sát được mở rộng, tăng thêm. Việc tăng cường trách nhiệm công tố trong suốt quá trình giải quyết vụ án hình sự ngày càng được chú trọng.
Ngày 27/4/2020, Viện trưởng VKSND tối cao ban hành Chỉ thị số 05/CT-VKSTC về tăng cường trách nhiệm công tố trong giải quyết các vụ án hình sự, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm. Để chỉ thị trên đi vào thực tiễn, toàn Ngành phải thực hiện nhiều biện pháp tăng cường trách nhiệm công tố, đề ra các biện pháp phòng, chống oan sai, nâng cao tranh tụng tại phiên tòa, bảo đảm việc truy cứu trách nhiệm hình sự đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Qua đó, thể hiện rõ vai trò quan trọng của Ngành kiểm sát trong tố tụng hình sự, tạo được niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với ngành Kiểm sát.
Trong phạm vi bài viết này tác giả xin nêu ra giải pháp đổi mới phương thức kiểm sát, tăng cường trách nhiệm công tố thông qua “nhật ký kiểm sát điện tử” mong rằng sẽ giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát hoạt động tư pháp trong tình hình mới theo đúng tinh thần, chỉ thị của Ngành kiểm sát trong hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm.
Một số khó khăn khi tăng cường trách nhiệm công tố
Trong tất cả các giai đoạn giải quyết vụ án KSV phải tự kiểm sát chặt chẽ thời hạn giải quyết theo những cách thông thường như: đếm ngày, làm dấu trên các hồ sơ,...
Giám sát những yêu cầu của VKS trong việc cung cấp các tài liệu xét, phê chuẩn áp dụng các biện pháp ngăn chặn, các biện pháp cưỡng chế, các yêu cầu xác minh, yêu cầu điều tra để làm rõ sự việc theo những cách thủ công khó phát hiện ra vi phạm của cơ quan tư pháp để đôn đốc giải quyết kịp thời.
Nhiều vụ án có tính chất phức tạp, quy mô lớn, lời khai của nhiều bị cáo, giữa các bị cáo cũng như giữa bị cáo với những người tham gia tố tụng khác có sự mâu thuẫn, cần phải đề ra nhiều yêu cầu điều tra để làm rõ và kiểm sát chặt chẽ việc thực hiện từng yêu cầu của Cơ quan điều tra theo cách thông thường sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức.
Đổi mới phương thức kiểm sát
Nghiên cứu nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát hoạt động tư pháp đáp ứng tình hình mới theo hướng đổi mới phương thức kiểm sát là một trong các nhu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, việc đổi mới phương thức kiểm sát như thế nào để phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của Ngành là một vấn đề không dễ. Thông qua công tác thực tiễn để khắc phục những khó khăn vướng mắc nêu trên tác giả nhận thấy tăng cường trách nhiệm công tố thông qua “nhật ký kiểm sát điện tử” là một giải pháp hữu hiệu.
1
Mẫu nhật ký kiểm sát điện tử
Việc thực hiện nhật ký kiểm sát điện tử trong số hóa hồ sơ sẽ giúp KSV ghi nhận những phản ánh về mặt thời gian phát sinh các hoạt động nghiệp vụ cụ thể của KSV và những gì chưa được ghi bằng văn bản lưu trong hồ sơ kiểm sát. Thông qua nhật ký kiểm sát điện tử sẽ giúp Kiểm sát viên thể hiện rõ quan điểm của mình trong việc thu thập chứng cứ; thể hiện trình độ, năng lực của KSV. Khi sử dụng nhật ký kiểm sát điện tử sẽ giúp KSV có thể nắm bắt được thời điểm phát sinh, thời hạn giải quyết các hoạt động nghiệp vụ để lựa chọn những vấn đề cơ bản, then chốt, có tính đột phá để định hướng đúng cho hoạt động điều tra; tránh hình sự hóa quan hệ dân sự; bám sát tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ tại thời điểm yêu cầu để đảm bảo yêu cầu điều tra có tính sát thực, cụ thể và trực tiếp giải quyết được các vấn đề của vụ án, vấn đề chứng minh tội phạm trên cơ sở các dấu hiệu pháp lý của cấu thành tội phạm cụ thể quy định tại Bộ luật Hình sự dự kiến hoặc đã khởi tố và đang điều tra; áp dụng nghiêm nguyên tắc suy đoán vô tội theo quy định tại Điều 13 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015, nhất là trong việc giải quyết những vụ án khó, phức tạp, án trọng điểm để điều tra, truy tố, xét xử bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật. Để nâng cao chất lượng trong việc thực hiện quyền yêu cầu của Viện kiểm sát, khắc phục những hạn chế, thiếu sót đã được VKSND tối cao tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự, như trong một số trường hợp, Kiểm sát viên chưa kịp thời yêu cầu Cơ quan điều tra (CQĐT) phải tiến hành một số hoạt động điều tra; nội dung yêu cầu điều tra không đầy đủ, có nội dung chung chung, không cụ thể; yêu cầu những vấn đề đương nhiên phải thực hiện, không cần phải yêu cầu điều tra hoặc vấn đề đã được CQĐT thực hiện, những vấn đề không liên quan đến vụ án…Chính vì vậy khi áp dụng nhật ký kiểm sát điện tử trong số hóa hồ sơ các vụ án hình sự sẽ nhằm góp phần thực hiện nhiệm vụ chống oan sai và bỏ lọt tội phạm, thực hiện có hiệu quả 04 mục tiêu của ngành kiểm sát năm 2021.
Cách thức sử dụng “nhật ký kiểm sát điện tử” của Kiểm sát viên
 Nhật ký kiểm sát điện tử được xây dựng trên phầm mềm Excel, định dạng sẵn các hàm tính toán (như hàm “COUNTIF” để đếm và lấy dữ liệu cần thiết trong vùng dữ liệu), trích lọc dữ liệu các vấn đề chưa làm, đang làm hoặc đã làm trong vụ án, kiểm sát việc thực hiện quyền yêu cầu của Viện kiểm sát để đôn đốc cơ quan điều tra…
2
Thanh “Trạng thái” hiển thị khi nhập nội dung trong nhật ký kiểm sát điện tử
Để sử dụng “nhật ký kiểm sát điện tử” đầu tiên KSV nhập nội dung dữ liệu (gọi tắt nội dung yêu cầu) vào biểu mẫu excel đã thiết kế sẵn. Sau khi nhập nội dung, ngày bắt đầu và ngày kết thúc bảng sẽ tự động hiện ra trạng thái để KSV kiểm sát. Sau khi nội dung yêu cầu đã được CQĐT thực hiện thì KSV chỉ cần nhập ngày kết thúc thì trạng thái sẽ thay đổi và báo là “Hoàn thành”.
Tăng cường trách nhiệm công tố bằng việc đổi mới phương thức kiểm sát thông qua sử dụng “nhật ký kiểm sát điện tử” trong giải quyết các vụ án hình sự là một trong những cách làm hiệu quả để quản lý và bảo đảm việc điều tra thu thập tài liệu, chứng cứ được đúng đắn và đầy đủ, việc giải quyết vụ án được toàn diện, triệt để, kịp thời, tránh oan sai và bỏ lọt tội phạm; góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Kiểm sát nhân dân theo Chỉ thị số 03/CT-VKSTC ngày 17/5/2021 thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất./.

Sổ Nhật ký kiểm sát điện tử đính kèm:
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây