Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai

https://vksnd.gialai.gov.vn


Cần “liều thuốc đặt trị cho rượu, bia” và những giải pháp phòng ngừa

Uống rượu, bia vốn là một nét văn hóa đẹp của người Việt Nam, cũng là phương tiện tốt trong giao tiếp khá phổ biến.
Tuy nhiên, việc sử dụng rượu, bia không đúng cách hoặc lạm dụng đã dần làm cho nét văn hóa này đang trở nên lệch lạc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống, đồng thời, gây ra các hệ lụy về mặt xã hội như tai nạn giao thông, bạo lực gia đình, nghiêm trọng hơn nữa là những vụ phạm pháp hình sự. Có thể lấy ví dụ từ về số ca tử vong liên quan đến rượu bia để thấy rõ hơn: theo công bố của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế trong số 548.000 ca tử vong/năm ở nước ta thì nguyên nhân liên quan đến rượu bia lên tới 40.000 ca (trên 7%)[1]. Hoặc một nghiên cứu của Học viện Cảnh sát nhân dân cho thấy: Tội phạm hình sự liên quan đến rượu, bia trong độ tuổi trước 30 chiếm tới 70%. Một nghiên cứu khác ở Mỹ cho thấy, những người bắt đầu uống rượu, bia trước tuổi 15 thì về sau có thể phát sinh các vấn đề liên quan đến rượu, bia cao gấp 5 lần những người đến 21 tuổi mới uống. Những hậu quả đó là: Khả năng nghiện rượu cao gấp 4 lần; nguy cơ có hành vi bạo lực sau khi uống rượu, bia cao gấp 6 lần; nguy cơ gây tai nạn giao thông cao gấp hơn 6 lần, gây chấn thương cao gấp gần 5 lần.
Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực (từ ngày 1/1/2020) đã được đánh giá với nhiều quy định tiến bộ, thể hiện quyết tâm của các cơ chức năng trong việc kiểm soát rượu, bia và hạn chế tác hại của rượu, bia gây ra đối với đời sống xã hội. Tuy nhiên, câu chuyện uống rượu, bia có trách nhiệm, có văn hóa và phòng chống tác hại của rượu bia vẫn còn là điều đáng bàn khi tình trạng sử dụng rượu, bia quá mức làm cho nhiều người mất khả năng kiểm soát và điều khiển hành vi, gây ra những vụ việc đau lòng, nhất là những dịp cuối năm, lễ, Tết. Dự báo tình hình tai nạn giao thông do sử dụng rượu, bia sẽ tăng cao vào dịp cuối năm, điều này đòi hỏi các cơ quan chức năng cần phải có những giải pháp căn cơ để kiềm hãm.
Thực hiện hành vi vi phạm pháp luật do say rượu, bia có được giảm nhẹ tội?
Thực tế cho thấy, rượu, bia có mặt trong các cuộc vui, cuộc buồn, từ mỗi gia đình đến ngoài xã hội dù nhìn nhận rượu, bia cũng là nguyên nhân gây ra vô vàn tác dụng có hại ảnh hưởng đến sức khỏe, bệnh tật, đặc biệt ở hệ tiêu hóa, hệ thần kinh, tâm thần gây ra các tai nạn giao thông, trật tự, an ninh xã hội bị rối loạn, tổn hại hạnh phúc gia đình. Qua thực tiễn giải quyết một số vụ việc nhận thấy: nhiều đối tượng sau khi sử dụng rượu, bia đã dẫn đến quá khích, mất kiểm soát bản thân, nổi máu côn đồ, chỉ vì mâu thuẫn nhỏ mà gây ra án mạng đau lòng. Đó cũng là lý do một số đối tượng sau khi thực hiện hành vi gây án đã biện minh là do say rượu, bia, không tỉnh táo để được giảm nhẹ tội. Tuy nhiên, theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia, chất kích thích mạnh khác vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Trong một số trường hợp, việc sử dụng rượu, bia khi gây án là tình tiết định khung hoặc tình tiết tăng nặng ở một số tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015.
Đơn cử như theo quy định tại Điều 260 Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ quy định bất kỳ người nào từ đủ 16 tuổi trở lên có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và  không thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự quy định tại Chương IV BLHS mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ, gây hậu quả thuộc một trong các điểm a, b, c, d khoản 1 Điều 260 và có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng, đều có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm b khoản 2 Điều 260 BLHS, với khung hình phạt từ 03 năm đến 10 năm tù.
Giải pháp nào để phòng ngừa?
Để phòng ngừa vi phạm, tội phạm phát sinh từ rượu, bia, trước hết mỗi cá nhân phải tự điều chỉnh hành vi, nâng cao ý thức tự giác. Rượu bia là một nét văn hóa nhưng nó chỉ có văn hóa khi con người ứng xử nhận thức và sử dụng nó một cách có văn hóa. Bản thân mỗi người cần nhận thức đúng đắn về rượu bia, thẳng thắn nhìn nhận tác hại của rượu bia như gây tổn thương đến nhiều cơ quan chức năng của cơ thể, là một trong bốn yếu tố nguy cơ chính gây ra các bệnh không lây nhiễm như gây ung thư gan, ung thư khoang miệng, ung thư họng, ung thư thực quản…sử dụng rượu, bia trong một thời gian dài sẽ dẫn đến mất trí nhớ. Vì vậy, mỗi người cần hình thành và xây dựng văn hóa sử dụng rượu, bia; uống rượu bia có trách nhiệm. Muốn có được điều đó thì văn hóa rượu, bia phải cần được hình thành sớm từ văn hóa mỗi gia đình, loại bỏ dần những thói quen uống rượu, bia không kiểm soát như: một khi đã uống là phải say, “không say không về”, “rượu bất khả ép, ép bất khả từ, từ từ rồi cũng uống”.... Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần truyền thông nâng cao nhận thức và xây dựng phong trào vận động văn hóa uống; xây dựng thói quen sử dụng rượu bia lành mạnh...
“Để uống có văn hóa đảm bảo an toàn giao thông thì ngoài việc tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, còn phải có chế tài đủ mạnh để xử lý những trường hợp vi phạm, đặc biệt cần xây dựng hệ thống cơ chế nghiêm để kiểm soát”[2]. Để góp phần ngăn chặn những hiểm họa do lạm dụng rượu, bia gây ra, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, tăng mức xử phạt, sửa đổi một số quy định pháp luật đối với các trường hợp vi phạm về nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Ngoài phạt tiền, giữ bằng lái, giam xe... cần lưu trữ hồ sơ vi phạm và xử lý lũy tiến khi tái phạm. Nếu mức vi phạm vẫn leo thang sẽ áp dụng biện pháp xử lý hình sự, vừa phạt tiền vừa phạt án tù đối với người vi phạm.
Đồng thời, các cơ quan chức năng, ban, ngành, đoàn thể cần tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền nếp sống lành mạnh, văn minh, tiến bộ cho nhân dân. Việc tuyên truyền phải bằng những hình thức đa dạng, hấp dẫn như thông qua các phiên tòa giả định để có thể truyền tải tác hại của rượu, bia đến người dân. Đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số nên phổ biến tác hại của rượu, bia bằng tiếng địa phương và phối hợp với chính quyền cơ sở, các già làng, người có uy tín lồng ghép vào các cuộc họp của làng, hương ước, quy ước… nhằm nâng cao ý thức của người dân về tác hại, hệ lụy từ rượu, bia. Bên cạnh đó, chính quyền cơ sở cần phát huy hiệu quả hoạt động của các tổ chức đoàn thể, kịp thời phát hiện và hòa giải các mâu thuẫn trong nhân dân, không để xảy ra xô xát, mất an ninh trật tự.
Tết Nguyên đán và mùa lễ hội đang đến gần, mỗi cá nhân phải ý thức trách nhiệm về việc sử dụng rượu, bia, nhắc nhở cộng đồng để cùng nâng cao nhận thức đối với đồ uống có cồn và xây dựng văn hoá uống lành mạnh. Có như thế mới có thể phòng ngừa và ngăn chặn diễn tiến “từ văn hóa đến hệ lụy” do lạm dụng rượu, bia gây ra, giúp mang lại an toàn, hạnh phúc cho chính mình, cho cộng đồng và toàn xã hội./.
 

[1] https://moh.gov.vn/hoat-dong-cua-dia-phuong/-/asset_publisher/gHbla8vOQDuS/content/ruou-bia-la-nguyen-nhan-gay-ra-hon-40-000-ca-tu-vong-moi-nam
[2] Nhà sử học Dương Trung Quốc phát biểu tại hội thảo văn hóa uống lành mạnh, văn minh.
 

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Tường Vi

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây