Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai

https://vksnd.gialai.gov.vn


Bàn về “Trích cứu hồ sơ điện tử”

Trích cứu hồ sơ vụ án hình sự, là thao tác nghiệp vụ của Kiểm sát viên, mục đích nhằm trích ra, viện dẫn những tài liệu, chứng cứ được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật Tố tụng hình sự quy định đã được thu thập trong quá trình điều tra vụ án. Việc trích ghi này có tác dụng làm cho Kiểm sát viên nắm chắc các tình tiết thuộc nội dung vụ án, đồng thời làm gọn hồ sơ, thuận lợi cho Kiểm sát viên trong khai thác, tra cứu, sử dụng trong quá trình thực hành quyền công tố.
Theo quy định về lập hồ sơ kiểm sát án hình sự (ban hành kèm theo Quyết định số 590/QĐ-VKSTC-V3, ngày 5/12/2014 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao) tại điểm 3.1 mục 3, điều 4 quy định: “Bản nghiên cứu tổng hợp chứng cứ của Kiểm sát viên, Kiểm tra viên: yêu cầu phải phản ánh được tính xác thực và hợp pháp của các tài liệu điều tra; hệ thống các tài liệu chứng cứ buộc tội và chứng cứ gỡ tội cho bị can; trích ghi lời khai của các bị can và những người tham gia tố tụng”. Đây có thể được coi là “một dạng” của bản trích cứu trong nghiên cứu vụ án hình sự.
Mặc dù chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể về phương pháp trích cứu và tính pháp lý của bản trích cứu trong các tài liệu tố tụng hình sự được thu thập khi xây dựng hồ sơ kiểm sát nhưng bản nghiên cứu tổng hợp chứng cứ là một trong những tài liệu phải có trong hồ sơ kiểm sát án hình sự, có thể coi việc trích cứu hồ sơ trong quá trình giải quyết vụ án hình sự là một quy định bắt buộc phải có trong quá trình thực hành quyền công tố hoạt động kiểm sát điều tra truy tố, xét sử sơ thẩm hình sự. Vì vậy trong số hóa hồ sơ thì bản trích cứu hồ sơ điện tử (gọi tắt là trích cứu điện tử) là một vấn đề cần thiết. Trong phạm vi bài viết tác giả nêu ra những khó khăn trong trích cứu hồ sơ theo cách thông thường, đề xuất việc ứng dụng công nghệ thông tin trong trích cứu hồ sơ vụ án.
Những khó khăn khi trích cứu, theo dõi bản trích cứu theo cách thông thường
Theo cách thông thường, KSV thường trích cứu hồ sơ vụ án từ khi cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố vụ án hình sự và chuyển hồ sơ để Viện kiểm sát nghiên cứu phê chuẩn các thủ tục tố tụng theo quy định của pháp luật hoặc là sau khi nhận kết thúc điều tra vụ án hình sự từ cơ quan điều tra các Kiểm sát viên mới nghiên cứu trích cứu hồ sơ và trích cứu theo từng nhóm về tố tụng và chứng cứ; cách trích cứu không theo mẫu thống nhất vì vậy đối với nhiều vụ án có tính chất phức tạp, quy mô lớn, nhiều bị can, giữa các bị can cũng như giữa bị can với những người tham gia tố tụng khác có sự mâu thuẫn về lời khai, có bị can không nhận tội,... nếu sử dụng phương pháp trích cứu thông thường là ghi chép bằng cách trích dẫn sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức, khó phát hiện, giải quyết hết tất cả những mâu thuẫn trong lời khai cũng như vi phạm của cơ quan tư pháp. Ngoài ra, hiện ngành Kiểm sát đang thực hiện chủ trương “Số hóa hồ sơ” các vụ án hình sự, công bố tài liệu, chứng cứ tại phiên tòa vì vậy nếu trích cứu bằng bản giấy rất khó theo dõi, kết hợp chung trong quá trình số hóa; lãnh đạo nghiên cứu trích cứu hồ sơ vụ án gây khó khăn do chữ viết hoặc khi cần xem những lời khai mâu thuẫn phải tìm kiếm tài liệu gây mất thời gian…
Hiệu quả mang lại khi thực hiện “trích cứu điện tử”
Trong quá trình đơn vị thực hiện “Số hóa hồ sơ” các vụ án hình sự, công bố tài liệu, chứng cứ tại phiên tòa, tại VKSND huyện Kông Chro (Gia Lai) tôi nhận thấy, nếu chúng ta áp dụng “trích cứu điện tử” vào việc thực hiện “Số hóa hồ sơ” các vụ án hình sự ngay từ đầu thì phương pháp này mang lại hiệu quả rất cao, có nhiều ưu điểm như: thuận lợi cho quá trình nghiên cứu, khai thác hồ sơ của KSV, giúp KSV chủ động và linh hoạt hơn trong quá trình báo cáo án, tham gia thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, truy tố, xét xử, nhất là đối với các vụ án phức tạp, có đông bị cáo, bị cáo có biểu hiện quanh co, chối tội hoặc từ chối khai báo tại phiên tòa,…
Việc báo cáo án điện tử cũng như trích cứu thông thường của KSV trong quá trình giải quyết vụ án hình sự được thực hiện thường xuyên, với phương thức chủ yếu bằng phương pháp trực quan, sinh động bằng hình ảnh (qua hyperlink các bản cung, lời khai..), điểm khác nhau cơ bản với trích cứu thông thường là KSV dễ dàng làm chủ, dễ dàng phát hiện, giải quyết hết tất cả những mâu thuẫn trong lời khai cũng như vi phạm của cơ quan tư pháp, dễ dàng trình chiếu những chứng cứ điện tử trực tiếp cho lãnh đạo Viện xem... Khi trích cứu điện tử, tùy theo tính chất, nội dung vụ án mà KSV có những kỹ năng, thao tác khác nhau, nhưng phải bảo đảm thực hiện các kỹ năng nghiệp vụ cơ bản sau:
Nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ đã số hóa trong hồ sơ vụ án:
Khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ đã số hóa trong hồ sơ vụ án KSV phải sử dụng nhiều phương pháp phân tích, đối chiếu, so sánh, tổng hợp nhằm đánh giá các tài liệu, chứng cứ để xác định sự thật khách quan vụ án.
Trong hoạt động tố tụng hình sự thì các tình tiết trong vụ án luôn có mối quan hệ mật thiết với nhau. Vì vậy, để nắm được nội dung vụ án một cách chắc chắn cũng như chủ động trong quá trình xét hỏi đòi hỏi kiểm sát viên khi trích cứu điện tử phải nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, có hệ thống và khoa học toàn bộ các tài liệu, chứng cứ được thu thập trong quá trình điều tra đã có trong hồ sơ. Trước hết, Kiểm sát viên cần nghiên cứu từng tài liệu riêng lẻ kết hợp so sánh chúng với các tài liệu, chứng cứ khác để tìm ra mâu thuẫn hoặc mối liên hệ giữa chúng. Từ đó, tổng hợp lại để phát hiện sự hợp lý hoặc những điểm mâu thuẫn giữa các tài liệu, chứng cứ rồi bắt đầu trích cứu điện tử để nhằm đánh giá sự tin cậy của các tài liệu, chứng cứ đã được thu thập.
Lưu ý để đảm bảo trích cứu điện tử giúp Kiểm sát viên nắm chắc các tình tiết thuộc nội dung vụ án, đồng thời làm gọn hồ sơ, thuận lợi cho Kiểm sát viên trong khai thác, tra cứu, sử dụng trong quá trình thực hành quyền công tố, thì trong quá trình trích cứu kiểm sát viên phải song song làm sáng tỏ những vấn đề sau:
- Các văn bản quy phạm pháp luật mà Cơ quan điều tra áp dụng để xử lý hành vi phạm tội của bị can là gì ? Việc áp dụng các quy định về tội danh, điều khoản, khung hình phạt trong kết luận điều tra đã phù hợp với những tình tiết của vụ án hay không? Thời hiệu, hiệu lực của các văn bản đó? Có tình tiết nào để loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt cho bị can không?
- Kiểm sát viên luôn luôn phải thực hiện “kiểm sát điều tra từ đầu”, nêu yêu cầu điều tra (yêu cầu đặt ra là phải truy tìm, củng cố, đánh giá chứng cứ cả trên chiều rộng và chiều sâu, bảo đảm đạt được bản chất thật, tính thống nhất, liên quan của các chứng cứ, đề phòng tình huống chối tội, phản cung, kêu oan sau này), dự nghe cung để góp ý với Điều tra viên, hỏi cung cùng Điều tra viên, trực tiếp hỏi cung, lấy lời khai để phát hiện vi phạm trong quá trình giải quyết vụ án và đề xuất áp dụng các biện pháp đảm bảo tất cả các vấn đề cần phải chứng minh trong vụ án hình sự quy định tại Điều 85 BLTTHS phải được giải quyết một cách triệt để. Khi thu thập chứng cứ đến đâu thì nên số hóa đến đó, khi đó việc trích cứu điện tử sẽ dàng cho việc nhận định củng cố thu thập chứng cứ.
Tác giả xin giới thiệu một vài cách trích cứu điện tử như sau:
Trích cứu điện tử theo kiểu phân tích chứng cứ
Phương pháp này thường là sau khi nhận kết thúc điều tra vụ án hình sự từ cơ quan điều tra các Kiểm sát viên mới nghiên cứu trích cứu hồ sơ và trích cứu theo từng nhóm về tố tụng và chứng cứ.
Đối với phương pháp trích cứu theo kiểu phân tích chứng cứ: Bản trích cứu thường được trích cứu theo nhóm chứng cứ, nghiên cứu đến đâu trích cứu vào hồ sơ kiểm sát đến đó. Dạng trích cứu này Kiểm sát viên chủ động và làm chủ được các tài liệu trích cứu. Nội dung bản cứu thường ngắn gọn dễ hiểu. Phần tố tụng là để kiểm tra xem thủ tục tố tụng cái gì có, cái gì chưa có và tính hợp pháp của các văn bản đó. Tìm ra những tồn tại thiếu sót để yêu cầu cơ quan Điều tra bổ sung. Về phần chứng cứ: Thường được trích cứu theo hướng các chứng cứ chứng minh tội phạm. các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ (về nhân thân) và một số các tài liệu khác về bồi thường dân sự và xử lý vật chứng. Bản trích cứu này chủ yếu được sử dụng đảm bảo phục vụ cho việc truy tố, thực hành quyền công tố trong hoạt động xét xử vụ án hình sự. Vì nội dung bản cứu được xây dựng trích cứu trên nền của hồ sơ vụ án đã kết thúc điều tra.
Việc hướng dẫn trích cứu, cách thức truy xuất dữ liệu sau khi trích cứu được thực hiện như sau:
Bước 1: Nhập nội dung dữ liệu vào biểu mẫu excel đã thiết kế sẵn (cách nhập đã hướng dẫn trong mẫu trích cứu điện tử):
Mẫu trích cứu hồ sơ điện tử theo kiểu phân tích chứng cứ.
Bước 2: Tiến hành Hyperlink các tài liệu vào ô nội dung (chú ý khi tài liệu mâu thuẫn chỗ nào nên Highlight màu vào chỗ đó). Sau đó chọn dòng dữ liệu để lọc. Thông thường ta chọn dòng tiêu đề, ta có thể click chuột vào chọn cả dòng hoặc 1 dãy ô trong một dòng chứa dữ liệu cần lọc. Tiếp tục Chọn Tab Data=> chọn biểu tượng cái phểu để gán bộ lọc vào dòng tiêu đề. Sau đó tiến hành lọc dữ liệu (kết quả như hình):


Tại đây ta có lọc về phần tố tụng và nội dung, Ví dụ như phần nội dung có thể lọc nhiều lời khai của lời khai của nhân chứng, của người liên quan, của người bị hại, của bị can, bị cáo cùng một lúc khi đó chúng ta sẽ biết được mẫu thuẫn ở nội dung gì? Những lời khai nào mâu thuẫn với nhau, những mâu thuẫn đó đã được giải quyết hay chưa, Kết luận điều tra đã làm rõ được những vấn đề mâu thuẫn trên hay chưa. Giúp hệ thống các chứng cứ buộc tội và chứng cứ gỡ tội một cách đầy đủ từ đó viện dẫn tài liệu phục vụ để tranh luận và bảo vệ cáo trạng đã truy tố, chứng minh hành vi phạm tội, làm cơ sở đấu tranh với bị cáo khai báo quanh co tại phiên tòa.
Trích cứu điện tử theo trình tự tố tụng
Phương pháp trích cứu điện tử này thường tiến hành từ khi cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố vụ án hình sự và chuyển hồ sơ để Viện kiểm sát nghiên cứu phê chuẩn các thủ tục tố tụng theo quy định của pháp luật.
Đối với phương pháp trích cứu theo trình tự tố tụng:Trích cứu theo phương pháp này Kiểm sát viên trong quá trình xây dựng bản cứu phải thường xuyên phối hợp với Cơ quan điều tra trong quá trình cập nhật thông tin về vụ án để có dữ liệu đưa vào bản trích cứu. Thường bản trích cứu được xây dựng song hành cùng với việc cơ quan điều tra tiến hành các hoạt động tố tụng đối với vụ án (như phê chuẩn các quyết định bắt khẩn cấp, khởi tố bị can, bắt tạm giam.v.v). Việc tiếp cận hồ sơ và trích cứu ngay từ đầu có ưu điểm qua công tác trích cứu Kiểm sát viên định hướng và có dữ liệu một cách chuẩn xác trong thực hành quyền công tố trong hoạt động điều tra như qua việc trích cứu phát hiện những mâu thuẫn trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội (phát hiện ra lời khai có mâu thuẫn, tang vật vụ án không phù hợp với dấu vết tội phạm để lại ở hiện trường...) làm cơ sở để đề ra yêu cầu điều tra.
Đây là một dạng “bản cứu động” có giá trị trong suốt quá trình thực hành quyền công tố trong các giai đoạn từ hoạt động điều tra, truy tố đến giai đoạn xét xử và đáp ứng được yêu cầu tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra.
Việc hướng dẫn trích cứu, cách thức truy xuất dữ liệu sau khi trích cứu được thực hiện như đã hướng dẫn ở phần trên.
Mẫu trích cứu hồ sơ điện tử theo trình tự tố tụng
Lưu ý: Các tài liệu trên đều được trích cứu theo trình tự thời gian và xắp xếp theo đúng với các Quy định về xây dựng hồ sơ kiểm sát án hình sự (ban hành theo Quyết định số 590/QĐ-VKSTC-V3, ngày 5/12/2015 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao)
Với phương thức, cách làm như trên chúng ta có thể nhận thấy, khi mỗi giai đoạn tố tụng mà VKS tham gia đều trích cứu điện tử thì sẽ có sự tương trợ, bổ sung lẫn nhau rất hiệu quả, cùng hướng đến mục đích chung là không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, cũng như không làm oan người vô tội. Giai đoạn khởi tố, điều tra mà VKS thực hiện tốt sẽ là tiền đề cho giai đoạn truy tố được củng cố và chắc chắn, là cơ sở để có đủ căn cứ, lập luận khi thực hiện hoạt động xét xử, đặc biệt là giải quyết toàn bộ các vấn đề đảm bảo việc tranh tụng, luận tội, chứng minh quan điểm buộc tội tại phiên tòa được đảm bảo. Như vậy, mỗi giai đoạn tố tụng mà VKS thực hiện trích cứu điện tử đều là một mắt xích trong chuỗi tố tụng hình sự, nếu xây dựng được trích cứu điện tử trong mỗi giai đoạn tố tụng thì quá trình (chuỗi) tố tụng hình sự sẽ được củng cố, nâng cao, cho “Số hóa hồ sơ”, công bố chứng cứ, hình ảnh tại phiên tòa, đảm bảo cho VKSND thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố trong tố tụng hình sự. Chẳng hạn như, khi nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa sơ thẩm sẽ có tác động tích cực đến hoạt động của VKS trong giai đoạn điều tra ở chỗ, nó trở thành mục đích hoạt động của VKS trong giai đoạn này. Để có thể tự tin tranh tụng một cách bình đẳng với bên bào chữa, VKS không thể dễ dàng, qua loa với Cơ quan điều tra (CQĐT) về kết quả của hoạt động điều tra. Bởi nếu thiếu tinh thần trách nhiệm hay dễ dãi, qua loa đối với việc tuân thủ nghiêm quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) trong quá trình điều tra của CQĐT, tại phiên tòa sơ thẩm đại diện VKS sẽ không thể tranh tụng hiệu quả và khi đó, sẽ có nguy cơ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của ngành Kiểm sát và uy tín của chính cá nhân KSV thụ lý vụ án.
Từ những phân tích trên, có thể thấy: Việc trích cứ điện tử là một phần rất qua trọng trong Số hóa hồ sơ vụ án hình sự, công bố tài liệu chứng cứ hình ảnh tại phiên tòa.  Như vậy, nếu áp dụng trích cứu điện tử chúng ta sẽ tăng cường vai trò công tố trong giai đoạn tin báo, khởi tố, tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, thực hiện cơ chế công tố gắn với hoạt động điều tra; nâng cao chất lượng hoạt động truy tố, đảm bảo tính chính xác của việc truy tố hay không truy tố, nâng cao chất lượng hoạt động chứng minh sự thật khách quan của vụ án, chứng minh quan điểm buộc tội; tăng cường năng lực, khả năng ứng biến của KSV tại phiên tòa hình sự trong quá trình thực hiện hoạt động xét hỏi, tranh tụng, luận tội… Qua đó, góp phần tạo bước chuyển biến tích cực trong việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong Ngành kiểm sát nhân dân, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển, hội nhập quốc tế, theo lộ trình tiếp cận với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mà Viện trưởng VKSND tối cao yêu cầu tại Chỉ thị số 03/CT-VKSTC ngày 17/5/2021về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong ngành Kiểm sát nhân dân.

Tác giả bài viết: Lê Xuân Quang

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây