Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai

https://vksnd.gialai.gov.vn


Trao đổi về cách hiểu và viết tên Viện kiểm sát nhân dân

Hiện nay, việc nhận thức và viết tên Viện kiểm sát nhân dân trong các văn bản, nhất là các văn bản tố tụng đang có sự khác nhau và không thống nhất. Tưởng chừng như chỉ là đơn giản nhưng khi đi vào thực tiễn, ta sẽ thấy đây là một vấn đề cần được thống nhất và thực hiện một cách nhất quán.

Không chỉ riêng cán bộ, Kiểm sát viên, công chức, người lao động trong ngành Kiểm sát mà có rất nhiều cá nhân, cơ quan, tổ chức viết bài, đăng tin hay thực hiện các hoạt động liên quan nhưng khi viết tên ngành Viện kiểm sát nhân dân lại có sự khác nhau. Cách viết này có thể là do nhận thức của từng cá nhân, từng cơ quan hoặc là do vô tình khi viết. Tuy nhiên, có hai cách viết mà hiện nay chúng ta vẫn thường thấy đó là viết “Viện Kiểm sát nhân dân” hay “Viện kiểm sát nhân dân”, hai cách viết này chỉ khác nhau khi viết chữ “Kiểm” thì chữ “K” được viết hoa hay không viết hoa mà thôi.
         
Trong các bản Hiến pháp của Việt Nam cũng như Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân từ khi ra đời cho đến nay đều thể hiện tên của ngành chỉ là Viện kiểm sát nhân dân với chữ “kiểm” được viết kiểu chữ thường. Bản Hiến pháp năm 1959 (được Quốc hội  thông qua ngày 31/12/1959) là bản Hiến pháp đầu tiên có quy định về chế định Viện kiểm sát nhân dân. Theo đó, tại Điều 105 ghi rõ: “Viện kiểm sát nhân dân tối cao nước Việt Nam dân chủ cộng hoà kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan thuộc Hội đồng Chính phủ, cơ quan Nhà nước địa phương, các nhân viên cơ quan Nhà nước và công dân...”. Ngày 15/7/1960, Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà khoá II, kỳ họp thứ nhất đã thông qua Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân. Ngày 26/7/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Lệnh số 20-L/CTN công bố Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1960, đánh dấu sự ra đời của hệ thống cơ quan Viện kiểm sát nhân dân trong hệ thống bộ máy Nhà nước. Lúc này, tên của Ngành vẫn được viết là “Viện kiểm sát nhân dân”. Từ đó cho đến nay, trong các bản Hiến pháp hay Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân thì tên Ngành vẫn không có sự thay đổi.
         
Tuy nhiên, Nghị định số 110/2004/NĐ-CP ngày 08/4/2004 của Chính phủ và Nghị định số 09/2010/NĐ-CP ngày 08//02/2010 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 110/2004/NĐ-CP về công tác văn thư ra đời thì một số cá nhân, đơn vị lấy đây làm căn cứ để viết tên Ngành thành “Viện Kiểm sát nhân dân”. Quy định mới nhất là tại điểm a khoản 1 phần IV của Phụ lục II kèm theo Nghị định số 30/2020/NĐ-CP ngày 05/3/2020 của Chính Phủ hướng dẫn: Viết hoa chữ cái đầu của các từ, cụm từ chỉ loại hình cơ quan, tổ chức; chức năng, lĩnh vực hoạt động của cơ quan, tổ chức. Ví dụ: Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng chống tham nhũng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính,...”. Vì vậy, hiện nay chúng ta vẫn thấy không chỉ trong các bài báo, các văn bản của các cơ quan chức năng mà trong chính các văn bản tố tụng của Ngành ở các đơn vị, địa phương khác nhau cũng có hai cách viết khác nhau. Sự khác nhau này xuất phát từ cách hiểu về tên của ngành Kiểm sát cũng như cách vận dụng Nghị định số 30/2020/NĐ-CP của Chính Phủ khi viết tên Ngành.
         
Để hiểu và viết đúng tên ngành Kiểm sát trong các văn bản pháp lý, chúng ta sẽ phải đi từ khái niệm để tìm ra bản chất của tên Ngành. Vậy Viện kiểm sát là gì? Theo Thư viện Bách khoa toàn thư mở Wikipedia thì Viện kiểm sát được định nghĩa như sau: “Viện kiểm sát có chức năng thực hiện quyền công tố. Viện kiểm sát và Tòa án là hai cơ quan thuộc nhánh tư pháp trong bộ máy nhà nước. Viện kiểm sát nhân dân là Cơ quan làm chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan nhà nước từ cấp bộ trở xuống, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang và công dân, thực hành quyền công tố, điều tra tội phạm trong những trường hợp do luật tố tụng hình sự quy định... ”.
         
Quay về lịch sử hình thành và phát triển thể hiện: Theo Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946 và Sắc lệnh số 131, số 51 thì chức năng công tố được giao cho biện lý, phó biện lý của tòa án đệ nhị cấp, cho chưởng lý, phó chưởng lý, tham lý của tòa thượng thẩm. Các chức danh này được gọi chung là thẩm phán buộc tội. Theo Sắc lệnh số 131, tổ chức Tòa án gồm có: Tòa án sơ cấp, Tòa án đệ nhị cấp và Tòa án thượng thẩm. Viện kiểm sát trở thành độc lập từ ngày 29 tháng 4 năm 1958 khi Viện công tố được tách ra khỏi Tòa án nhưng trực thuộc Chính phủ và lúc này một hệ thống cơ quan Nhà nước độc lập với Tòa án từ trung ương tới địa phương đã được hình thành. Ngày 01 tháng 7 năm 1959 Chính phủ ban hành Nghị định 256 - TTg quy định chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát: “Thực hành quyền công tố; trực tiếp điều tra tội phạm; giám sát việc chấp hành luật pháp trong công tác điều tra của các cơ quan điều tra; giám sát việc chấp hành pháp luật trong hoạt động xét xử của các tòa án; giám sát việc thi hành các bản án; trong một số vụ án dân sự quan trọng, Viện kiểm sát có quyền khởi tố và tham gia tố tụng; giám sát việc chấp hành luật pháp trong hoạt động của các cơ quan giam giữ và cải tạo...”. Viện kiểm sát với nghĩa gần như hiện nay được hình thành từ Hiến pháp năm 1959, từ việc tách chức năng thẩm phán buộc tội khỏi thành phần thẩm phán xét xử của các tòa án của Hiến pháp năm 1946 với tên Ngành được viết là “Viện kiểm sát” hoặc “Viện kiểm sát nhân dân”.
         
Như vậy, Viện kiểm sát nhân dân phải được hiểu là tên của một cơ quan thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nghĩa là chữ “Kiểm” không phải viết hoa chữ “K” mà chữ “kiểm sát” phải đi liền sau chữ “Viện” để thành một cụm danh từ có ý nghĩa chỉ tên của một cơ quan, đó là “Viện kiểm sát”. Chữ “Viện” ở đây không được tách ra để hiểu theo nghĩa đơn thuần của một danh từ chỉ cấp đơn vị của một ngành trực thuộc như Viện Lâm nghiệp, Viện Vắcxin ... Và cũng không thể coi từ “kiểm sát” là một từ, cụm từ chỉ loại hình cơ quan, tổ chức; chức năng, lĩnh vực hoạt động của cơ quan, tổ chức. Do đó, cũng không thể áp dụng quy định tại điểm a khoản 1 phần IV của Phụ lục II kèm theo Nghị định số 30/2020/NĐ-CP ngày 05/3/2020 của Chính Phủ để viết tên của ngành là “Viện Kiểm sát nhân dân” được.
         
Tên đầy đủ của Ngành là vậy, nhưng trên thực tế khi nói hay viết, một số người lại dùng từ ngắn gọn là ngành Kiểm sát, ngành Kiểm sát nhân dân hay Ngành. Lúc này, chúng ta đang nói đến đặc thù chung của ngành Kiểm sát trong hệ thống các cơ quan tố tụng như ngành Công an, ngành Tòa án ... nên từ “kiểm sát” được coi là một từ, cụm từ chỉ chức năng, lĩnh vực hoạt động của một cơ quan, tổ chức. Vì vậy, trong trường hợp này chúng ta phải vận dụng quy định tại Nghị định số 30/2020/NĐ-CP của Chính Phủ để trình bày, nên chữ “K” trong từ “kiểm sát” và chữ “N” trong từ ngành buộc phải viết hoa.
         
Một vấn đề tưởng chừng như đơn giản và nếu không để ý thì chúng ta coi nó là bình thường, vô hại. Tuy nhiên, khi được sử dụng để trình này trong các văn bản tố tụng và được đưa ra để mổ xẻ, phân tích thì sẽ trở thành một vấn đề lớn và nhạy cảm. Để cách hiểu và viết tên ngành một cách thống nhất, tránh tùy tiện, thiết nghĩ cần có một văn bản hướng dẫn mang tính chính thống để cán bộ, Kiểm sát viên, công chức, người lao động trong ngành Kiểm sát nhân dân tại địa phương thực hiện một cách đồng bộ./.

Tác giả bài viết: Nguyễn Xuân Kỳ

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây