Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai

https://vksnd.gialai.gov.vn


Phương châm “Đoàn kết, đổi mới – Trách nhiệm, kỷ cương – Thực chất, hiệu quả” của ngành Kiểm sát nhân dân và đề xuất giải pháp thực hiện

Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 28 tháng 12 năm 2018 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2019 và Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 17 tháng 12 năm 2019 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2020 xác định: Phương châm công tác của ngành Kiểm sát nhân dân hiện nay là “Đoàn kết, đổi mới – Trách nhiệm, kỷ cương – Thực chất, hiệu quả”.

Đây là tư tưởng chỉ đạo hành động thống nhất trong toàn ngành Kiểm sát nhân dân nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân đã tin cậy giao phó cho Ngành, cụ thể là chức năng “Thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp”“nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất” theo quy định tại Điều 107 Hiến pháp năm 2013.

Để thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của Ngành theo Phương châm đã xác định nêu trên, có thể khẳng định yếu tố tiên quyết vừa là tiền đề, vừa là động lực đó là “yếu tố con người”, công tác cán bộ, phải là một “Khối đoàn kết”, thống nhất về ý chí, tư tưởng hành động, đồng thuận, quyết tâm cao, cùng có chung mục tiêu, phương hướng hành động và cùng chung một lợi ích duy nhất đó là “Phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân”, bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Lịch sử hơn 4.000 năm xây dựng và bảo vệ Đất nước đã chứng minh Đoàn kết thì thành công và đại đoàn kết thì sẽ đại thành công”, đó cũng là tư tưởng quý báu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã đúc kết: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Bởi lẽ đó “Đoàn kết” được ngành Kiểm sát nhân dân đặt lên hàng đầu và là tiền đề, là động lực trong xây dựng và phát triển ngành Kiểm sát nhân dân như Lời Bác dạy cán bộ Kiểm sát: “Công minh, Chính trực, Khách quan, Thận trọng, Khiêm tốn”.

Khi có “Con người tốt”, “Cán bộ tốt” nhưng không có sự đổi mới trong tư duy và hành động thì hiệu quả công việc sẽ không đạt yêu cầu thực tiễn hoặc có thể dẫn đến trì trệ, bảo thủ. Do vậy, “Đổi mới” ở đây chính là phương pháp, cách thức triển khai công việc, là sự vận động, phát triển của tự nhiên và xã hội, là sự tiến bộ và xu thế của thời đại. Đối với ngành Kiểm sát nhân dân trong sự nghiệp đổi mới đất nước và Công cuộc cải cách tư pháp hiện nay thì “Đổi mới” càng là yêu cầu cấp thiết. Điều này thể hiện ở đổi mới tư duy và đổi mới trong hành động. Cụ thể là tất cả các khâu nghiệp vụ trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp cần có sự đổi mới, sáng tạo về phương pháp và cách làm, nhạy bén về tư duy, tích cực ứng dụng các giải pháp, tiện ích của công nghệ tốt hơn để mang lại hiệu quả tối đa trong công tác, rút ngắn thời gian, tiết kiệm sức người, sức của, không những bảo đảm việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật mà đồng thời cần làm tốt công tác chống oan, sai và chống bỏ lọt tội phạm, người phạm tội. Bên cạnh đó, cũng cần có sự đổi mới, phương pháp mới, hiệu quả hơn trong công tác đào tạo cán bộ, để xây dựng đội ngũ cán bộ Kiểm sát đủ phẩm chất, năng lực và trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, gắn với Cuộc vận động xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên: “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”.

“Trách nhiệm, kỷ cương” được hiểu là tác phong, thái độ của “Người kiểm sát nhân dân” với công việc, với nhiệm vụ được giao, với lãnh đạo cấp trên, với đồng nghiệp ngang cấp, đồng nghiệp cấp dưới, đối với các cơ quan tư pháp, đối với các cơ quan hữu quan và đối với Nhân dân. Về cơ bản, “Trách nhiệm” của một Kiểm sát viên trước tiên phải theo quy định của pháp luật, cụ thể là quy định tại Khoản 1 Điều 83 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân: Khi thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, Kiểm sát viên tuân theo pháp luật và chịu sự chỉ đạo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân. Kiểm sát viên tuân theo pháp luật và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi, quyết định của mình trong việc thực hành quyền công tố, tranh tụng tại phiên tòa và kiểm sát hoạt động tư pháp”. Tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, chỉ tuân theo pháp luật, tuân thủ kỷ cương, kỷ luật nghiệp vụ, đạo đức công vụ, công chức, quy chế, quy định của Ngành, sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy, gian khó và sẵn sàng nhận, chịu trách nhiệm, đối mặt với hậu quả (nếu có) để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của Ngành. Trách nhiệm của Kiểm sát viên là không vì lợi ích cá nhân, hay một nhóm lợi ích riêng lẻ mà là vì lợi ích chung của tập thể, của cơ quan, đơn vị và của Ngành; tựu trung lại là vì mục tiêu, mục đích cuối cùng là hoàn thành cho tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành được Đảng và Nhà nước giao phó và vì lợi ích, hạnh phúc của Nhân dân, lợi ích Quốc gia, Dân tộc Việt Nam.

“Thực chất, hiệu quả” được hiểu là cái cốt yếu, cái căn bản và là nội dung thực có và phải đi vào thực tiễn, có sản phẩm thiết thực, cụ thể, đo, đếm được và nhìn thấy được qua việc thực hiện chức năng “Thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp”. Điều này cho thấy sự chuyển biến mạnh mẽ của Ngành trong công tác những năm qua đã đạt được rất nhiều thành tựu quan trọng, được Đảng và Nhà nước ghi nhận, Nhân dân đồng tình, ủng hộ, nhất là trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, cuộc chiến chống tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng. Vai trò, trách nhiệm, uy tín của Ngành trước Đảng, với Nhân dân ngày càng được củng cố và không ngừng tăng cường chính bởi những kết quả mà ngành Kiểm sát nhân dân đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành trong suốt quá trình xây dựng và phát triển 60 năm qua.

 Để góp phần “tô thắm” thêm trang sử vẻ vang của ngành Kiểm sát nhân dân, mỗi Kiểm sát viên, cán bộ, công chức, viên chức càng cần phải thấm nhuần, hiểu sâu sắc và cụ thể hóa “Phương châm” của Ngành thành hành động, việc làm thiết thực, với tinh thần trách nhiệm cao nhất, phấn đấu hoàn thành đạt và vượt 11 chỉ tiêu, nhiệm vụ theo yêu cầu của Quốc hội đã được xác định trong Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án. Tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm và người phạm tội. Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra; nâng cao chất lượng kiểm sát hoạt động tư pháp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành theo “Phương châm” công tác như đã phân tích ở trên, chúng tôi đề xuất 12 nhóm giải pháp cụ thể như sau:

Một là, cần xác định rõ công tác kiểm sát thực chất là nhiệm vụ chính trị; qua đó thực hiện tốt vai trò tham mưu, tranh thủ sự lãnh đạo của Đảng và chính quyền, nhất là công tác tổ chức, phân công nhiệm vụ, tăng cường phối hợp, có cơ chế chỉ đạo, giám sát, kiểm tra và báo cáo kết quả thực hiện. Kịp thời nắm bắt, đánh giá đúng thực trạng và nguyên nhân ưu điểm, khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp để đề ra các giải pháp khắc phục, gắn với công tác xây dựng Đảng, xây dựng Ngành, tránh tình trạng buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng hoặc xa rời thực tiễn khi thi hành pháp luật.
         
Hai là,
ngoài việc thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành, cần chú trọng theo dõi việc thi hành pháp luật, đồng thời căn cứ tình hình thực tiễn tại địa phương, lựa chọn những khâu công tác đột phá, lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm gắn với thực tiễn thi hành pháp luật; từ đó tiến hành kiểm tra, rà soát chuyên sâu, nhằm tìm ra những hạn chế bất cập trong thi hành pháp luật để đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc kịp thời hướng dẫn, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao về mặt nhận thức trong quá trình áp dụng pháp luật.
         
Ba là, trong thi hành pháp luật, nhất là những luật có liên quan trực tiếp đến chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát nhân dân phải gắn liền với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo hướng vừa đa dạng về hình thức, vừa chuyên sâu về nội dung; chú trọng phối hợp, trao đổi, thông tin nhiều chiều giữa cấp trên với cấp dưới và giữa các ngành chức năng có liên quan với nhau để cùng có “tiếng nói chung” trong nhận thức và hành động.
         
Bốn là,
Ủy ban Kiểm sát Viện KSND cấp tỉnh tổ chức họp bàn, cho ý kiến thẩm định toàn diện và quyết định việc đề ra chỉ tiêu nghiệp vụ, lựa chọn công tác đột phá và định hướng, đề ra giải pháp đồng bộ cho Viện kiểm sát hai cấp hằng năm. Đồng thời, tổ chức xét duyệt, thẩm định chương trình, kế hoạch công tác của các phòng trực thuộc và Viện KSND cấp huyện, qua đó, kịp thời yêu cầu bổ sung, khắc phục hạn chế thiếu sót; đặt ra những chỉ tiêu mới, cụ thể, sát với nhiệm vụ trọng tâm và tình hình, kết quả công tác thực tiễn tại địa phương để phấn đấu thực hiện.

Năm là, đối với các địa phương, thành lập đoàn công tác do một đồng chí Lãnh đạo Viện KSND tỉnh làm trưởng đoàn, trực tiếp xuống một số đơn vị cấp huyện dự, chỉ đạo việc triển khai nhiệm vụ công tác đầu năm; trên cơ sở kết hợp ý kiến tham gia của các ban, ngành, sự chỉ đạo của cấp ủy địa phương và ý kiến chỉ đạo của Viện KSND cấp trên để thống nhất đề ra giải pháp thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành.         
Bên cạnh đó, ngay trong Quý I hằng năm, Lãnh đạo Viện KSND tỉnh trực tiếp kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Kế hoạch công tác của tỉnh tại một số đơn vị Viện KSND cấp huyện; qua đó, kịp thời tuyên dương, nhân rộng những đơn vị làm tốt; đồng thời chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục ngay những mặt còn yếu kém, đề ra giải pháp để hoàn tốt kế hoạch công tác đã đề ra trong năm.
Tăng cường công tác kiểm tra nghiệp vụ của cấp tỉnh đối với cấp huyện, đồng thời chú trọng áp dụng biện pháp kiểm tra chéo lẫn nhau giữa các Phòng nghiệp vụ thuộc Viện KSND tỉnh và giữa các đơn vị Viện KSND cấp huyện với nhau để nâng cao trách nhiệm, cùng trao đổi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau, thi đua phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Sáu là, triển khai đồng bộ các giải pháp về nghiệp vụ để nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, chú trọng các biện pháp phòng, chống oan, sai và chống bỏ lọt tội phạm. Tăng cường thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, bảo đảm không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội; Kiểm sát viên trực tiếp tham gia một số hoạt động điều tra trước khi khởi tố vụ án như: Khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, lấy lời khai của người bị hại, người làm chứng, người liên quan, thu thập chứng cứ, khám xét, thu giữ tài liệu, đồ vật... Đề ra chỉ tiêu cao hơn so với chỉ tiêu của ngành để phấn đấu thực hiện, nâng cao chất lượng các cuộc trực tiếp kiểm sát và tiến hành sớm hơn, mở rộng hơn về đối tượng (Viện kiểm sát cấp tỉnh đến Cơ quan điều tra cấp huyện, Viện kiểm sát cấp huyện đến Công an cấp xã và các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra). Tăng cường trách nhiệm công tố trong việc phê chuẩn các lệnh, quyết định và nâng cao chất lượng văn bản đề ra yêu cầu kiểm tra, xác minh giải quyết tin báo, văn bản đề ra yêu cầu điều tra. Kiểm sát viên trực tiếp tham gia đầy đủ các hoạt động điều tra quan trọng như: Thực nghiệm điều tra, đối chất, nhận dạng, khám nghiệm, lấy lời khai... Nâng cao chất lượng công tác kiểm sát, tham gia phiên tòa, phiên họp giải quyết các vụ, việc dân sự, vụ án hành chính, hạn chế thấp nhất việc hủy án, sửa án có trách nhiệm của Viện kiểm sát.

Bảy là, biệt phái Kiểm sát viên trong hệ thống Viện kiểm sát các cấp (từ VKSND tối cao xuống địa phương và ngược lại; từ VKSND cấp cao xuống địa phương và ngược lại; từ VKSND cấp tỉnh xuống VKSND cấp huyện và ngược lại), một mặt để đào tạo, rèn luyện nâng cao trình độ nghiệp vụ, mặt khác nhằm kịp thời bổ sung nhân lực cho những đơn vị có khối lượng công việc tăng cao.

Tám là, thực hiện Quy định nêu gương của Lãnh đạo, đảng viên trong thực hiện công tác nghiệp vụ, như: Lãnh đạo đơn vị trực tiếp tham gia thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp bằng những việc làm cụ thể; trực tiếp tham gia kiểm sát khám nghiệm hiện trường; lấy lời khai, xét xử các phiên tòa rút kinh nghiệm án hình sự, dân sự để Kiểm sát viên, công chức trong đơn vị cùng học tập, trao đổi, rút kinh nghiệm nâng cao kỹ năng nghiệp vụ.

Chín là, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện “Số hóa hồ sơ”, thực hiện công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa xét xử vụ án hình sự, trước mắt phấn đấu mỗi Kiểm sát viên có ít nhất từ 01 đến 02 phiên tòa rút kinh nghiệm thực hiện “Số hóa hồ sơ”/năm; tiến tới thực hiện “Số hóa hồ sơ” 100% các vụ án hình sự, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, hướng tới “nền tư pháp điện tử” trong thời đại công nghệ 4.0.

Mười là, tăng cường xây dựng chuyên đề, tổ chức Hội nghị tập huấn trực tuyến để đào tạo, nâng cao trình độ nghiệp vụ, kỹ năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp cho Kiểm sát viên, Kiểm tra viên và Chuyên viên. Đồng thời tổ chức giao ban trực tuyến định kỳ tháng, quý, sơ kết, tổng kết để kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo toàn ngành thực hiện kế hoạch công tác trong năm và chỉ đạo giải quyết các vụ án, vụ việc phức tạp.

Mười một là, tổ chức có chất lượng các phiên tòa rút kinh nghiệm vụ án hình sự, dân sự, hành chính; nhất là các phiên tòa rút kinh nghiệm theo Cụm (từ 3 đến 5 đơn vị VKS cấp huyện/01 cụm/01 phiên tòa rút kinh nghiệm chung). Theo đó, Kiểm sát viên các đơn vị trong Cụm có điều kiện học tập, trao đổi kinh nghiệm với nhau; Lãnh đạo Viện KSND tỉnh và Lãnh đạo các đơn vị cấp huyện trong Cụm cùng kiểm tra, so sánh và đánh giá chất lượng cán bộ để có chiến lược đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ. Viện KSND tỉnh tăng cường việc dự, chỉ đạo tại các phiên tòa rút kinh nghiệm của cấp dưới; qua đó, kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh những mặt còn hạn chế để nâng cao kỹ năng nghiệp vụ.
 
Mười hai là,
tổ chức các hoạt động thi đua, hình thức thi đua thực chất, hiệu quả; tăng cường nhân rộng những tập thể, cá nhân điển hình, có phương pháp, cách làm hay trong công tác để các đơn vị cùng tham khảo, học tập và vận dụng./.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thành Duy

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây