Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai

https://vksnd.gialai.gov.vn


Một số giải pháp tăng cường trách nhiệm công tố trong giai đoạn tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm

Trước những yêu cầu mới, trong điều kiện Luật Tổ chức VKSND năm 2014, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định nhiệm vụ, thẩm quyền của Viện kiểm sát được mở rộng, tăng thêm.
Việc tăng cường trách nhiệm công tố trong suốt quá trình giải quyết vụ án hình sự ngày càng được chú trọng. Ngày 27/4/2020, Viện trưởng VKSND tối cao ban hành Chỉ thị số 05/CT-VKSTC về tăng cường trách nhiệm công tố trong giải quyết các vụ án hình sự, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm. Để chỉ thị trên đi vào thực tiễn, toàn Ngành phải thực hiện nhiều biện pháp tăng cường trách nhiệm công tố, đề ra các biện pháp phòng, chống oan, sau, nâng cao tranh tụng tại phiên tòa, bảo đảm việc truy cứu trách nhiệm hình sự đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Qua đó, thể hiện rõ vai trò quan trọng của Ngành kiểm sát trong tố tụng hình sự, tạo được niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với ngành Kiểm sát.

Trong phạm vi bài viết này tác giả xin nêu ra một số giải pháp tăng cường trách nhiệm công tố trong giai đoạn tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố (sau đây gọi chung là tin báo về tội phạm)

Thứ nhất, Kiểm sát viên phải nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm, chủ động trong giải quyết tin báo về tội phạm.
Trước tiên, Kiểm sát viên (KSV) được phân công phải kiểm sát chặt chẽ việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố của Cơ quan có thẩm quyền điều tra (CQĐT) theo đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 29/12/2017 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhằm quản lý chặt chẽ và phân loại, xử lý thông tin tội phạm bảo đảm mọi hành vi phạm tội đều phải được phát hiện, điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật, không làm oan, không bỏ lọt tội phạm đó cũng chính là nhiệm vụ quan trọng gắn với chức năng công tố của Viện kiểm sát (VKS).
Khi nhận hồ sơ, KSV phải lập hồ sơ kiểm sát và có phương pháp nghiên cứu khoa học, hợp lý để tổng hợp, phân tích, đánh giá chứng cứ, tài liệu trong hồ sơ vụ án một cách toàn diện, khách quan và trước khi ban hành yêu cầu kiểm tra, xác minh KSV phải nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, đánh giá từng tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ như:  Biên bản khám nghiệm hiện trường, biên bản ghi lời khai bị can và những người tham gia tố tụng khác, các tài liệu về đặc điểm nhân thân của bị can…, đối chiếu với các dấu hiệu cấu thành tội phạm, những vấn đề cần phải chứng minh trong vụ án hình sự được quy định tại Điều 85, Điều 441 của BLTTHS, từ đó xác định các vấn đề còn chưa rõ, chưa đầy đủ, có mâu thuẫn, làm cơ sở cho việc lập bản yêu cầu kiểm tra, xác minh.
Khi đề ra yêu cầu kiểm tra, xác minh KSV cần lưu ý: bản yêu cầu kiểm tra, xác minh phải lựa chọn những điểm cơ bản, then chốt, có tính đột phá định hướng đúng cho hoạt động giải quyết nguồn tin về tội phạm, cho hoạt động điều tra để khởi tố vụ án, bị can; tránh hình sự hóa quan hệ dân sự; bám sát tội danh cần khởi tố để yêu cầu Cơ quan điều tra chứng minh đầy đủ những yếu tố cấu thành tội phạm cụ thể theo quy định của Bộ luật Hình sự và áp dụng nghiêm nguyên tắc suy đoán vô tội theo quy định tại Điều 13 Bộ luật Tố tụng hình sự, nhất là trong việc giải quyết những vụ án khó, phức tạp, án trọng điểm để điều tra, truy tố, xét xử bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật; Không nên yêu cầu những vấn đề đương nhiên CQĐT phải thực hiện, vấn đề đã được Cơ quan điều tra thực hiện, những vấn đề không liên quan đến vụ án…

Thứ hai, VKS các cấp phải có sự phối hợp chặt chẽ với CQĐT và các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, giữa KSV và Điều tra viên (ĐTV) trong hoạt động điều tra
Sự phối hợp trên không có nghĩa là cùng với CQĐT tiến hành điều tra vụ án mà phải có sự bổ trợ cho CQĐT nhằm định hướng kiểm tra, xác minh, những vấn đề cần làm sáng tỏ, những chứng cứ cần thu thập, những vướng mắc trong quá trình giải quyết vụ án. Ví dụ những vấn đề quan trọng trong việc chứng minh và chứng cứ, như thu thập chứng cứ, vật chứng, định giá tài sản, giám định,… trong vụ án xâm phạm sở hữu, xâm phạm tính mạng sức khỏe, nhân phẩn và danh dự của con người là những vấn đề phải đặc biệt quan tâm, ở nội dung này KSV luôn phải phối hợp, trao đổi cùng ĐTV định hướng nội dung giám định cho trúng, đúng, sát với vấn đề cần kết luận ; yêu cầu ĐTV cung cấp đầy đủ tài liệu phục vụ công tác giám định, định giá tài sản; cùng với ĐTV nghiên cứu, đánh giá tài liệu, lựa chọn những tài liệu cần thiết (trong một số vụ án phức tạp thường có rất nhiều tài liệu, chứng cứ liên quan; việc sử dụng tài liệu, chứng cứ như thế nào phải có căn cứ thuyết phục, khách quan, toàn diện, thực chất) nhằm bảo đảm kết luận giám định, kết luận định giá tài sản,… được thực hiện trúng, đúng, khách quan, đầy đủ, kịp thời, phục vụ hiệu quả việc giải quyết vụ án; tránh việc phải yêu cầu trưng cầu giám định, định giá tài sản lại hoặc bổ sung, làm kéo dài thời hạn kiểm tra, xác minh.

Thứ ba, KSV phải tăng cường tính chủ động trong thực hiện quyền yêu cầu.
 KSV có thể đề ra yêu cầu điều tra bằng lời nói trong quá trình trực tiếp kiểm sát các hoạt động khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi,... để ĐTV, Cán bộ điều tra kịp thời thu thập đầy đủ các chứng cứ, tài liệu của vụ án. Trên thực tế, hoạt động kiểm tra, xác minh có đúng hướng, đầy đủ hay không, có kịp thời, hiệu quả hay không một phần rất lớn phụ thuộc vào việc đề ra các yêu cầu điều tra có kịp thời hay không. Để thực hiện tốt vấn đề này đòi hỏi KSV phải có trình độ, năng lực, bám sát tiến độ vụ án,… thì đề ra được yêu cầu kiểm tra, xác minh kịp thời, có chất lượng, giúp ích rất nhiều cho ĐTV nhằm giải quyết vụ án khách quan, toàn diện và triệt để, góp phần hạn chế oan, sai, kéo dài việc giải quyết tin báo.

Thứ tư, VKS nâng cao trách nhiệm trong việc xét, phê chuẩn áp dụng các biện pháp ngăn chặn, các biện pháp cưỡng chế.
Việc CQĐT áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với đối tượng trong vụ việc cần xác minh thì KSV phải xem xét đến tình hình của sự việc, nhân thân đối tượng đó để báo cáo đề xuất lãnh đạo ban hành quyết định phê chuẩn hoặc không phê chuẩn, gia hạn áp dụng biện pháp ngăn chặn, cưỡng chế. Trong trường hợp KSV xét thấy cần phải áp dụng biện pháp ngăn chặn, cưỡng chế đối với đối tượng thì KSV báo cáo lãnh đạo để yêu cầu CQĐT ra quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn, cưỡng chế theo đúng quy định pháp luật tố tụng hình sự và Chương 2 Quy chế công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố ban hành theo Quyết định số 111/QĐ-VKSTC ngày 17/4/2020 của Viện trưởng VKSND tối cao (Quy chế 111). Để thực hiện tốt quyền này đòi hỏi KSV phải thường xuyên cập nhật, nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật về công tác kiểm sát, phối hợp trong việc tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; nắm chắc quy định của pháp luật tố tụng hình sự, quy chế của Ngành về quyền hạn, nhiệm vụ của KSV; nghiên cứu các thông báo rút kinh nghiệm về công tác này.

Thứ năm, kiên quyết yêu cầu hoặc trực tiếp quyết định hủy bỏ các quyết định khởi tố, không khởi tố vụ án hình sự không đúng pháp luật của CQĐT.
Để hoạt động khởi tố, không khởi tố vụ án hình sự bảo đảm tính có căn cứ và hợp pháp, khi nhận được quyết định khởi tố do các cơ quan có thẩm quyền khởi tố, không khởi tố chuyển đến, KSV phải nghiên cứu kỹ lưỡng các tài liệu dùng làm căn cứ để khởi tố, không khởi tố vụ án hình sự như: các tài liệu kèm theo do cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp; các tài liệu kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm của CQĐT và các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; biên bản khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi,... cùng các tài liệu, dấu vết, tang vật đã thu giữ; đơn yêu cầu khởi tố (nếu có của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần theo quy định tại Điều 105 của BLTTHS); ngoài ra còn kiểm tra tính hợp pháp hình thức, thẩm quyền của quyết định khởi tố, không khởi tố vụ án hình sự. Sau khi nghiên cứu tùy từng trường hợp mà báo cáo đề xuất lãnh đạo đơn vị lãnh đạo viện giải quyết theo quy định tại Điều 43, Điều 44 và Điều 45 Quy chế 111.

Thứ sáu, tăng cường trực tiếp xác minh tố giác theo quy định tại khoản 3, Điều 145 Bộ luật Tố tụng hình sự khi phát hiện vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.
Trường hợp phát hiện CQĐT có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm thì KSV báo cáo lãnh đạo đơn vị có văn bản yêu cầu CQĐT khắc phục vi phạm. Trường hợp VKS đã yêu cầu nhưng CQĐT không khắc phục, KSV báo cáo lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện yêu cầu CQĐT chuyển hồ sơ vụ việc cho VKS để giải quyết theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và quy định của pháp luật khác có liên quan. Khi trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, KSV được phân công phải thực hiện các hoạt động theo đúng quy định tại Điều 42 Quy chế 111. Khi thực hiện quyền năng pháp lý này, đòi hỏi trách nhiệm của VKS càng được nâng cao hơn, KSV phải đảm bảo năng lực và trình độ vì vừa phải trực tiếp kiểm tra, xác minh, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm vừa phải tự kiểm soát chính mình đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, quyền năng pháp lý này là những quy định mang tính chịu trách nhiệm và chế ước giữa các cơ quan tiến hành tố tụng. Vì vậy KSV không nên tùy tiện, đề nghị lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện yêu cầu CQĐT chuyển hồ sơ vụ việc cho VKS để giải quyết tránh việc sử dụng quyền năng pháp lý này mang tính thái quá, tất yếu dẫn đến suy giảm quan hệ phối hợp, “quyền anh, quyền tôi”, làm ảnh hưởng đến hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Thứ bảy, tăng cường các hoạt động kiểm sát, nhất là trực tiếp kiểm sát tại CQĐT trong việc tiếp nhận, giải quyết tin báo về tội phạm.
 Trường hợp phát hiện những vi phạm trong việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm thì KSV yêu cầu ĐTV khắc phục. Nếu ĐTV không khắc phục thì phải kịp thời báo cáo lãnh đạo đơn vị ban hành kiến nghị hoặc xem xét hủy các quyết định trái pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm đã yêu cầu bằng văn bản mà CQĐT không khắc phục, thì VKS phải trực tiếp tổ chức xác minh, giải quyết tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố theo đúng quy định tại khoản 3 Điều 145 BLTTHS năm 2015. Đây là hoạt động mang tính “chế ước” nhưng tuyệt đối không được lạm dụng, dẫn đến vi phạm, phá vỡ mối quan hệ phối hợp.
Ngoài ra, Lãnh đạo đơn vị nên phối hợp với CQĐT cùng cấp định kỳ rà soát, đánh giá, kiểm tra xử lý kịp thời, đúng pháp luật các vi phạm, tội phạm trong tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của Công an các xã, thị trấn (vì thẩm quyền VKS kiểm sát trực tiếp công an cấp xã đã bỏ).

Thứ tám, Phải nâng cao chất lượng công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành.
Thực tiễn cho thấy ở đơn vị nào lãnh đạo quan tâm chỉ đạo thường xuyên thì đơn vị đó hoạt động đạt hiệu quả cao hơn. Do vậy công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành phải sát sao, thường xuyên, liên tục giữa Lãnh đạo VKS cấp trên với VKS cấp dưới, giữa Lãnh đạo Viện với KSV trong đơn vị. Phải có sự phân công, phân việc kịp thời đúng năng khiếu, sở trường của từng KSV và tạo điều kiện thuận lợi nhất để KSV thực hiện nhiệm vụ. Phải thường xuyên kiểm tra KSV trong việc thực hiện quy chế nghiệp vụ (Quy chế 111) để kịp thời chỉ đạo giải quyết những khó khăn vướng mắc của KSV và chấn chỉnh khắc phục sai sót nghiệp vụ để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của ngành.

Thứ chín, tăng cường công tác phối hợp, thỉnh thị, trả lời thỉnh thị, hướng dẫn, giải đáp vướng mắc
Lãnh đạo đơn vị chủ động phối hợp với các cơ quan hữu quan ký các Quy chế phối hợp liên ngành. Quy chế này sẽ là cẩm nang cho cán bộ, KSV trong thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao.

Ngoài ra hằng tháng, VKS chủ trì cuộc họp liên ngành nhằm đánh giá hiệu quả công tác, đồng thời giải quyết những  khó khăn vướng mắc trong quá trình giải quyết những tin báo phức tạp, dấu hiệu cấu thành không rõ ràng, dễ tranh chấp tội danh. Trường hợp không thống nhất được thì xin ý kiến chỉ đạo liên ngành tố tụng cấp trên. Qua đó giải đáp những khó khăn vướng mắc của đơn vị, cá nhân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Thực tiễn cho thấy, ở đâu có sự phối hợp tốt giữa các cơ quan tư pháp thì ở đó việc thực hiện chức năng nhiệm vụ của từng ngành được bảo đảm, hạn chế được tình trạng tin báo tạm đình chỉ, tình trạng oan sai, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội. Từ đó bảo đảm việc giải quyết các tin báo về tội phạm được kịp thời, đúng quy định của pháp luật.

Thực tiễn hoạt động tố tụng hình sự cho thấy giai đoạn tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm có ý nghĩa quan trọng; giải quyết tốt giai đoạn này sẽ góp phần chống bỏ lọt tội phạm hoặc làm oan người vô tội. Chính vì vậy KSV nên đề cao tinh thần trách nhiệm, chú trọng việc học tập, rèn luyện để nâng cao chất lượng, hiệu quả gắn công tố trong công tác kiểm sát giải quyết tin báo, góp phần bảo đảm việc giải quyết tin báo kịp thời, đúng pháp luật và đặc biệt nâng cao vị thế của VKS trong kiểm sát tuân theo pháp luật tố tụng hình sự gắn với mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”.

Tác giả bài viết: Lê Xuân Quang

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây