Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai

https://vksnd.gialai.gov.vn


Kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng công tác kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm trong công tác kiểm sát hoạt động tư pháp

Viện kiểm sát nhân dân thị xã An Khê xác định để các bản kiến nghị phát huy được hiệu lực, hiệu quả thì phải đảm bảo quy tắc “chất lượng”, nội dung các vi phạm được nêu trong kiến nghị phải là các dạng vi phạm mới, không lặp lại nội dung các bản kiến nghị trước đó.

Kháng nghị, kiến nghị là quyền năng pháp lý của Viện Kiểm sát được quy định trong Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) năm 2014. Thực hiện tốt nhiệm vụ này, nhằm khắc phục những vi phạm trong hoạt động tư pháp, bảo đảm cho hoạt động tư pháp được thực hiện nghiêm minh, công bằng, dân chủ và khách quan, bảo vệ quyền con người, các quyền và lợi ích chính đáng của Nhà nước, của các tổ chức và công dân đã được Hiến pháp và pháp luật ghi nhận; góp phần quan trọng trong việc khẳng định và nâng cao vị thế của ngành Kiểm sát trong hệ thống các cơ quan tư pháp.

Thực hiện Nghị quyết số 37, số 63 của Quốc hội về công tác phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm, VKSND tối cao xác định một trong những nhiệm vụ của ngành Kiểm sát là: “Chú trọng làm rõ nguyên nhân, điều kiện phát sinh vi phạm pháp luật, tội phạm để kiến nghị với cơ quan hữu quan và tham mưu cho Đảng, Nhà nước các giải pháp phòng ngừa, tăng cường pháp chế trong hoạt động tư pháp, góp phần thiết thực nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước. Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác kiến nghị, trong năm qua VKSND thị xã An Khê luôn xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Để có thực hiện tốt có hiệu quả, đạt chất lượng công tác kiến nghị, VKSND thị xã An Khê đã đề ra các giải pháp để thực hiện tốt cả về số lượng, chất lượng các bản kiến nghị cũng như tăng cường hiệu lực, hiệu quả của các bản kiến nghị của VKSND trong hoạt động tư pháp.

1. Tình hình ban hành kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm trong công tác kiểm sát hoạt động tư pháp tại VKSND thị xã An Khê

VKSND thị xã An Khê đã áp dụng phương pháp tăng cường số lượng kiến nghị thông qua việc đề ra chỉ tiêu yêu cầu về số lượng cao hơn so với chỉ tiêu yêu cầu của VKSND cấp trên vì đơn vị xác định hiệu lực hiệu quả của các kiến nghị chính là sự tác động của chúng đối với các cơ quan tư pháp bị kiến nghị.

Đơn vị xác định để các bản kiến nghị phát huy được hiệu lực, hiệu quả thì phải đảm bảo quy tắc “chất lượng”, nội dung các vi phạm được nêu trong kiến nghị phải là các dạng vi phạm mới, không lặp lại nội dung các bản kiến nghị trước đó (những vi phạm có tính chất nhỏ lẻ, lặp đi lặp lại chỉ nên ban hành kiến nghị tổng hợp chung).

Năm 2019, VKSND thị xã An Khê tập trung phát hiện vi phạm theo dõi, tổng hợp và ban hành 12 Kiến nghị tổng hợp (tăng 02 kiến nghị so với năm 2018) và 13 kết luận có kèm theo nội dung kiến nghị (tăng 07 kiến nghị so với năm 2018) yêu cầu khắc phục vi phạm trong trên tất cả các lĩnh vực và đều được các cơ quan chức năng chấp nhận, tiếp thu (đạt 100%). Qua đó, đã có nhiều tác động tích cực, phát huy hiệu quả trong việc thúc đẩy tiến độ giải quyết án của các cơ quan tiến hành tố tụng; chấn chỉnh, khắc phục kịp thời những sai sót, vi phạm pháp luật của các cơ quan tư pháp trên địa bàn thị xã An Khê, cụ thể như sau:

Trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, đơn vị đã tiến hành kiểm sát trữ tiếp 07 lần, ban hành 03 kiến nghị tổng hợp (văn bản riêng) - vượt 01 kiến nghị so với kế hoạch và 03 kiến nghị trong kết luận, với một số vi phạm điển hình như: Sau khi tiếp nhận tin báo tội phạm, Cơ quan điều tra (CQĐT) đã tiến hành khám nghiệm hiện trường, nhưng sau đó không thụ lý tin báo về tội phạm, không phân công Điều tra viên giải quyết tin báo; hồ sơ tố giác, tin báo về tội phạm đã chuyển CQĐT không có biên bản giao nhận giữa Công an xã và CQĐT; Hồ sơ tố giác về tội phạm chuyển đến CQĐT còn chậm ...
Trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ án hình sự, VKSND thị xã An Khê đã ban hành 01 kiến nghị vi phạm với nội dung vi phạm: Không cho bị can gặp gỡ người thân mà không nêu lý do, thời hạn không cho thăm gặp và 01 kiến nghị đối với Trưởng Ban an toàn giao thông thị xã về các giải pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật lĩnh vực an toàn giao thông đường bộ.

Trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử vụ án hình sự đã ban hành 01 kiến nghị yêu cầu Tòa án khắc phục một số vi phạm, cụ thể: Việc không gửi Quyết định phân công Hội thẩm xét xử vụ án hình sự cho Viện kiểm sát cùng cấp; vi phạm trong việc phối hợp quản lý người bị tạm giam khi trích xuất phục vụ xét xử tại phiên tòa; Vi phạm trong việc gửi chậm bản án hình sự cho Viện kiểm sát.
         
Trong công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự đơn vị ban hành 02 kiến nghị tổng hợp (văn bản riêng) – vượt 01 kiến nghị so với kế hoạch và 07 kiến nghị trong kết luận, với một số vi phạm điển hình như: Vi phạm trong việc ghi các thông tin, số liệu trong biểu mẫu; vi phạm về thực hiện chế độ nhận quà của người bị tạm giữ, người bị tạm giam; vi phạm trong việc thực hiện chế độ sinh hoạt tinh thần đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam; khi giáo dục người chấp hành án không yêu cầu người chấp hành án chấp hành nghĩa vụ thi hành án, cụ thể ba tháng một lần có mặt tại Ủy ban nhân dân xã nộp bản tự nhận xét; Người chấp hành án chưa nộp án phí (không có biên lai nộp án phí tại hồ sơ) nhưng cán bộ được phân công giám sát, giáo dục, Chủ tịch UBND xã nhận xét người chấp hành án thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thi hành án...
Trong công tác kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật đã ban hành 02 kiến nghị, vượt 01 kiến nghị so với kế hoạch; nội dung như: Thời hạn chuẩn bị xét xử, chuẩn bị xét đơn yêu cầu; thời hạn chuyển thông báo thụ lý vụ án cho Viện kiểm sát; thời hạn gửi quyết định đình chỉ; chậm gửi quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử cho Viện kiểm sát; vi phạm về việc nhận, xử lý đơn khởi kiện và thụ lý vụ án ...
Trong công tác kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính: đơn vị đã tiến hành trực tiếp kiểm sát 02 lần tại Chi cục thi hành án dân sự, ban hành 02 kiến nghị, vượt 01 kiến nghị so với kế hoạch và 02 kiến nghị trong kết luận, với một số vi phạm như: Vi phạm về lập biên bản xác minh điều kiện thi hành án không đảm bảo; hồ sơ đủ điều kiện xác định việc chưa có điều kiện thi hành án nhưng không ra Quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án; vi phạm trong việc thu tiền của người phải thi hành án đang do người thứ ba giữ; vi phạm về việc đơn yêu cầu thi hành án không phù hợp với Quyết định thi hành án …
           
Trong công tác giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp đã ban hành 01 kiến nghị trong kết luận.
Ngoài các kiến nghị đối với cơ quan tư pháp, Viện kiểm sát thị xã đã tăng cường ban hành các kiến nghị xử lý, phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm, chú trọng làm rõ nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm và những thiếu sót, sơ hở trong quản lý kinh tế - xã hội để kiến nghị với cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan hữu quan về các biện pháp, giải pháp để khắc phục, phòng ngừa. Bên cạnh việc tích cực ban hành kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm; đơn vị chú trọng tăng cường công tác phúc tra việc thực hiện các nội dung kiến nghị của Viện kiểm sát, đảm bảo nội dung kiến nghị được thực hiện có chất lượng. Kết quả, năm 2019, các bản kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm trong công tác kiểm sát hoạt động tư pháp của VKSND thị xã An Khê được các cơ quan hữu quan tiếp thu và có biện pháp khắc phục tồn tại ngay do ban hành kịp thời và có chất lượng. 
Để thực hiện tốt công tác kiến nghị, Lãnh đạo đơn vị luôn nhắc nhở mỗi Kiểm sát viên cần nắm vững quy định pháp luật; nghiên cứu, tập hợp các kiến nghị, thông báo rút kinh nghiệm của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, của các Viện kiểm sát nhân dân cấp cao thành cuốn “cẩm nang” để tích luỹ kinh nghiệm và là tài liệu tham khảo trong việc phát hiện vi phạm. Cán bộ, Kiểm sát viên được phân công kiểm sát ở từng lĩnh vực đã mở sổ theo dõi, tổng hợp vi phạm và thường xuyên cập nhật, phản ánh đầy đủ, chính xác các vi phạm đã phát hiện để thuận tiện cho việc tổng hợp, xây dựng các kiến nghị.

Qua theo dõi cho thấy việc ban hành kiến nghị tại VKSND thị xã chủ yếu thông qua công tác trực tiếp kiểm sát hoạt động tư pháp, có thể nói đây là hoạt động kiểm sát phát hiện ra nhiều vi phạm nhất; vì vậy Lãnh đạo đơn vị luôn chú trọng các cuộc kiểm sát trực tiếp, vừa kịp thời phát hiện vi phạm để ban hành kiến nghị đồng thời kết hợp lồng ghép hướng dẫn, giải đáp những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện cho cán bộ cấp xã . Chính từ sự phát hiện uốn nắn kịp thời như vậy, hoạt động của các cơ quan tư pháp ngày càng tuân thủ các quy định của pháp luật, chất lượng giải quyết án ngày càng cao, không xảy ra oan sai lọt tội, quan điểm giữa Viện kiểm sát và Tòa án cơ bản phù hợp về tội danh, điều luật áp dụng. Góp phần giữ vững ổn định, trật tự xã hội ở địa phương, vai trò, vị thế của ngành kiểm sát ở địa phương được nâng lên.

2. Giải pháp nâng cao chất lượng công tác kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm trong công tác kiểm sát hoạt động tư pháp

Để tăng cường chất lượng công tác kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm trong công tác kiểm sát hoạt động tư pháp, VKSND thị xã An Khê đề xuất một số giải pháp như sau:
Một là, về công tác cán bộ: Kiện toàn đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên đủ về số lượng và có trình độ, không chỉ am hiểu sâu về pháp luật mà còn linh hoạt trong vận dụng thực tiễn. Lãnh đạo Viện kiểm sát phụ trách quan tâm chỉ đạo thực hiện chặt chẽ về hoạt động kiểm sát. Trong đó, chú trọng công tác kiến nghị để kịp thời khắc phục các vi phạm trong hoạt động tư pháp, bảo đảm chất lượng, hiệu quả và hiệu lực các bản kiến nghị của VKSND đúng quy định của pháp luật, kịp thời, nhằm hạn chế các vi phạm của cơ quan tư pháp. Phải tăng cường công tác đào tạo đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên, trong đó từng lĩnh vực công tác kiểm sát hoạt động tư pháp đều phải chú trọng đào tạo các “chuyên gia” có năng lực, trình độ nghiệp vụ cao, có kinh nghiệm để nhận diện được vi phạm và kịp thời phát hiện vi phạm pháp luật của các cơ quan tư pháp, những tồn tại thiếu sót trong công tác quản lý kinh tế - xã hội của Nhà nước để ban hành kiến nghị phòng ngừa.
Hai là, các cán bộ, Kiểm sát viên cần nắm chắc các quy định của pháp luật, bám sát nội dung quy chế, hướng dẫn,… của Viện trưởng VKSND tối cao về lĩnh vực công tác được phân công để thực hiện tốt nhiệm vụ. Đáng chú ý là phải áp dụng căn cứ pháp luật thật chính xác, phải xác định rõ những hành vi, quyết định đã vi phạm vào điều luật nào, điều kiện, nguyên nhân dẫn đến vi phạm, biện pháp, giải pháp khắc phục vi phạm,…
Ba là, kiểm sát chặt chẽ các quyết định, bản án về lĩnh vực công tác được phân công. Khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm, cần phải được xác minh, làm rõ. Trước khi ban hành kiến nghị cần thu thập đầy đủ, chính xác các thông tin ý kiến giải trình để xem xét, cân nhắc, chỉ kiến nghị, kháng nghị đối với những vi phạm pháp luật đã rõ về căn cứ pháp luật; nội dung kiến nghị, kháng nghị cần ngắn gọn, rõ ràng, đề ra các biện pháp thực hiện.
Bốn là, các bản kiến nghị phải đảm bảo đúng quy định của Ngành về hình thức. Nội dung phải chặt chẽ, chính xác, có căn cứ, mang tính thuyết phục cao, đề ra được các biện pháp để cơ quan bị kiến nghị thực hiện, vì đó là cơ sở để cơ quan bị kiến nghị chấp nhận, khắc phục. Chấp hành đúng quy chế về việc gửi các bản kiến nghị, kháng nghị, nhất là việc gửi cho cơ quan chủ quản cấp trên của đơn vị bị kiến nghị. Tăng cường phúc tra việc thực hiện kiến nghị vì thông qua các hoạt động này là những kênh quan trọng nhất để đánh giá và nâng cao chất lượng về kiến nghị, kháng nghị của Viện kiểm sát.
Đối với những vấn đề còn nhận thức khác nhau thì Viện kiểm sát chưa ban hành kháng nghị, kiến nghị mà nên báo cáo thỉnh thị Viện kiểm sát cấp trên để được hướng dẫn.
Năm là, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị nghiệp vụ khác để nắm bắt các thông tin về nội dung bản án, quyết định, bản chất của sự việc. Điều này rất có ý nghĩa trong công tác kiểm sát đối với những trường hợp có khó khăn, phức tạp và thường xảy ra vi phạm.
Sáu là, để làm tốt chức năng nhiệm vụ trong công tác kiểm sát, đảm bảo các kiến nghị của Viện kiểm sát được thực hiện nghiêm chỉnh, cần tranh thủ sự ủng hộ của Viện kiểm sát cấp trên và cấp ủy địa phương; phối hợp có hiệu quả với các cơ quan hữu quan và cấp ủy địa phương, HĐND, UBND, các ngành liên quan ở địa phương. Kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc, những vụ việc có vi phạm pháp luật nghiêm trọng để có sự chỉ đạo giải quyết kịp thời, đảm bảo tính thống nhất trong thực hiện nhiệm vụ của ngành Kiểm sát nhân dân.
         
Ngoài các giải pháp cơ bản nêu trên, trong quá trình tổng hợp, xác định nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh tội phạm và vi phạm pháp luật để kiến nghị cơ quan, tổ chức áp dụng biện pháp phòng ngừa, cần phải có sự nỗ lực, quyết tâm cao hơn nữa từ lãnh đạo đơn vị đến từng cán bộ, Kiểm sát viên khi thực hiện nhiệm vụ; tích cực phát huy trách nhiệm, đổi mới phương pháp tư duy, tác phong, lề lối làm việc.

Tác giả bài viết: Diệp Công Trường

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây