Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai

https://vksnd.gialai.gov.vn


Giải pháp nâng cao chất lượng công tác kiểm sát việc tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm tại Công an cấp xã

Thực hiện trong lĩnh vực kiểm sát việc tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm tại Công an cấp xã.

1. Lĩnh vực áp dụng sáng kiến:
Thực hiện trong lĩnh vực kiểm sát việc tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm tại Công an cấp xã.

2. Sự cần thiết phải áp dụng sáng kiến:
Qua công tác kiểm sát việc tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm tại địa phương nhận thấy, đa số các tin báo, tố giác tội phạm phát sinh từ cơ sở thôn, buôn và do Công an cấp xã tiếp nhận, xác minh ban đầu.

3. Mô tả các giải pháp cũ thường làm (nêu rõ những nh­ược điểm cần khắc phục):
Tại Điều 103 Bộ luật Tố tụng hình sự và Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT – BCA – BQP – BTC –BNN &PTNT-VKSNDTC ngày 02/8/2013 của Bộ công an, Bộ quốc phòng, Bộ tài chính, Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thi  hành quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố (sau đây gọi tắt là Thông tư liên tịch số 06/2013) đều quy định Viện kiểm sát có chức năng kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, đảm bảo mọi hành vi phạm tội đều được phát hiện, khởi tố, điều tra và xử lý kịp thời, qua đó góp phần khắc phục việc bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội. Đặc biệt tại điểm m, Khoản 1, Điều 5 Thông tư liên tịch số 06/2013 quy định Công an xã, phường, thị trấn có trách nhiệm tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm. Từ những cơ sở pháp lý nêu trên, chúng ta thấy rằng việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, đặc biệt là ở cấp xã giữ vai trò quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Đây là giai đoạn đầu tiên để các cơ quan có thẩm quyền xác định có tội phạm hay không?, ai là người thực hiện hành vi phạm tội… để làm căn cứ ra các quyết định tố tụng tiếp theo.
Vì vậy ngày 01/7/2015, đơn vị đã chủ trì phối hợp với Chi cục Thuế, Công an, Thanh tra, Hạt kiểm lâm và Đội quản lý thị trường số 8 huyện Krông Pa sửa đổi Quy chế số 01/2012/QC-LN ngày 21/6/2012 về Quy chế phối hợp liên ngành trong việc tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm theo đó bổ sung căn cứ pháp lý là Thông tư liên tịch số 06/2013 vào Quy chế, làm căn cứ pháp lý để Viện kiểm sát trực tiếp kiểm sát việc tiếp nhận tố giác, tin báo tội phạm tại Công an cấp xã.

* Những hạn chế, tồn tại:
Tuy nhiên trong thời gian qua, công tác tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm tại Công an cấp xã chưa được quan tâm đúng mức. Trong năm 2015, đơn vị đã trực tiếp kiểm sát tại Công an 02/14 xã, ban hành 02 kiến nghị trong kết luận. Năm 2016, đơn vị đã trực tiếp kiểm sát 11/14 Công an cấp xã, ban hành 11 kiến nghị trong kết luận. Bản thân tôi nhận thấy tại các xã trực tiếp kiểm sát đã để xảy ra tình trạng vi phạm như lập sổ theo dõi không đúng mẫu, giải quyết tin báo không đúng thẩm quyền, vi phạm thủ tục báo tin…theo quy định tại Thông tư liên tịch số 06/2013.

* Nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại:
- Nguyên nhân khách quan: Huyện Krông Pa là huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh, địa bàn rộng lớn, đa số dân cư đều là di cư khắp các tỉnh thành đến sinh sống, đồng thời cũng có dân cư ở các địa bàn lân cận như Phú Yên, Đăk Lăk.. đến sinh sống; Tình hình tội phạm diễn biến ngày càng phức tạp, quy mô, tính chất, mức độ tội phạm, thủ đoạn ngày càng tinh vi, nhiều vụ án có nhiều đồng phạm, phạm tội trên nhiều địa bàn nên việc điều tra, thu thập chứng cứ rất khó khăn; Công an xã là lực lượng bán chuyên trách, chưa được bồi dưỡng, tập huấn chuyên sâu về công tác tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm; Hệ thông sổ sách cập nhật tin báo chưa được cấp trên trang bị nên đa số Công an các xã đều phải tự lập.
- Nguyên nhân chủ quan:
Lãnh đạo Cơ quan cảnh sát điều tra và Công an xã chưa thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo sâu sát đối với công tác tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và chưa thật sự quan tâm đến công tác này.

4. Mô tả nội dung của sáng kiến:
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, chống bỏ lọt tội phạm ngay từ giai đoạn tiếp nhận tin báo của Công an cấp xã, ngay từ đầu năm, bản thân tôi đã tham mưu cho Lãnh đạo đơn vị chọn nội dung “Tăng cường thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, bảo đảm không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội” là khâu đột phá trong kế hoạch công tác năm 2017 của đơn vị và được Lãnh đạo đơn vị nhất trí, đồng thời giao cho bản thân tôi tham mưu cho Lãnh đạo đơn vị khâu công tác này. Từ nhiệm vụ được Lãnh đạo đơn vị phân công, bản thân đã có sáng kiến, xây dựng quy trình, phương pháp và cách thức thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, trực tiếp kiểm sát việc tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm tại Công an cấp xã theo các bước    như sau:

- Bước 1: Xây dựng Kế hoạch, ban hành Quyết định trực tiếp kiểm sát. Trong quyết định mời tham gia cùng với Đoàn kiểm sát có: Đại diện Lãnh đạo Đội Cảnh sát điều tra Công an huyện; đại diện Lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện; đại diện Lãnh đạo Ban pháp chế Hội đồng nhân dân huyện. Việc mời các đơn vị tham gia cùng với đoàn đều có giấy mời riêng và gửi trực tiếp đến đơn vị mời. Các kế hoạch, Quyết định trực tiếp kiểm sát đều gửi trước cho Công an các xã ít nhất 10 ngày để Công an các xã chuẩn bị báo cáo, tài liệu theo yêu cầu trong Kế hoạch.

- Bước 2: Tiến hành trực tiếp kiểm sát theo Kế hoạch. Trong cuộc làm việc đều yêu cầu Công an xã mời đại diện Lãnh đạo Chính quyền địa phương tham gia. Phương pháp tiến hành trực tiếp kiểm sát gồm các bước: Trưởng đoàn kiểm sát thông qua Quyết định, Kế hoạch kiểm sát của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Krông Pa; Đoàn kiểm sát sẽ nghe Thủ trưởng đơn vị được kiểm sát (thông thường là Trưởng Công an cấp xã) báo cáo bằng văn bản theo nội dung đã nêu trong Kế hoạch, nghe ý kiến của Công an cấp xã cũng như Lãnh đạo chính quyền địa phương về những khó khăn, vướng mắc, những ý kiến đề xuất từ cơ sở đối với công tác này và đoàn kiểm sát ghi nhận, giải thích những thắc mắc (nếu có), đồng thời phân công cán bộ cung cấp sổ sách, hồ sơ, tài liệu để Đoàn kiểm tra nghiên cứu; Đoàn kiểm sát trực tiếp nghiên cứu hồ sơ, tài liệu. Khi kết thúc cuộc làm việc Đoàn kiểm sát sẽ thông qua dự thảo biên bản cuộc làm việc để các bên tham gia cùng nghe và đóng góp ý kiến. Sau đó các bên tham gia (bao gồm cả Đại diện Lãnh đạo Chính quyền địa phương) sẽ ký vào biên bản làm việc chính thức.

- Bước 3: Trên cơ sở biên bản làm việc, bản thân tôi đã tham mưu với Lãnh đạo đơn vị ban hành Kết luận, chỉ rõ vi phạm, viện dẫn căn cứ pháp lý; nêu nguyên nhân của vi phạm và kiến nghị yêu cầu Trưởng Công an xã khắc phục vi phạm. Trong Kết luận này Chủ thể mà Viện kiểm sát kiến nghị là Trưởng Công an cấp xã. Đồng thời xác định nguyên nhân để xảy ra những vi phạm của Công an cấp xã một phần do Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện thiếu sự hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra nên Viện kiểm sát nhân dân huyện sẽ tập hợp để ban hành kiến nghị riêng đối với Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Krông Pa trong lĩnh vực này.

- Bước 4: Tổng hợp vi phạm, ban hành Kiến nghị đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, trong đó chỉ rõ vi phạm của Công an cấp xã, viện dẫn căn cứ pháp lý, nguyên nhân và kiến nghị yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm, chỉ đạo chấm dứt, khắc phục ngay vi phạm. Trong kiến nghị riêng này chủ thể mà Viện kiểm sát kiến nghị là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.
Các văn bản Kết luận, Kiến nghị đều được gửi tới: Viện kiểm sát nhân dân tỉnh (Phòng 2 và Văn phòng); Thường trực Huyện ủy; Thường trực Hội đồng nhân dân huyện; Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện; Ủy ban nhân dân huyện; Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.

5. Ngày sáng kiến được áp dụng lần đầu hoặc áp dụng thử:
Ngay từ đầu năm 2017 đơn vị đã áp dụng sáng kiến này vào công tác trực tiếp kiểm sát việc tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm tại Công an cấp xã.
 
6. Các điu kiện cần thiết để áp dụng sáng kiến:
Để áp dụng thành công sáng kiến này, đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên của đơn vị phải tích cực nghiên cứu, học hỏi nâng cao năng lực trình độ chuyên môn nghiệp vụ; Các quy định pháp luật phải có quy định cụ thể, rõ ràng, để việc áp dụng pháp luật được thống nhất; Đội  ngũ Công an cấp xã có sự hiểu biết chuyên sâu về các văn bản trong lĩnh vực này như Bộ luật Tố tụng hình sự, Thông tư liên tịch số 06/2013, Quyết định số 1319/QĐ-BCA-C41 ngày 20/3/2015 của Bộ trưởng Bộ Công an về Quy trình tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố trong Công an nhân dân…
 
7. Đánh giá lợi ích thu được hoặc dự ki
ến có thể thu được do áp dụng sáng kiến theo ý kiến của tác giả:
Với cách làm mới như trên, trong 09 tháng năm 2017, đơn vị đã trực tiếp kiểm sát việc tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm tại 09/14 xã, thị trấn. Qua đó đã phát hiện nhiều vi phạm như Công an xã đã thụ lý, giải quyết tin báo không đúng thẩm quyền, tin báo có dấu hiệu tội phạm nhưng không chuyển hoặc chuyển chậm cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện để thụ lý giải quyết dẫn đến một số trường hợp bỏ lọt tội phạm; sổ sách thụ lý ghi chép thiếu cột mục, vi phạm thủ tục báo tin...Ngoài việc ban hành vản bản kết luận, kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm, bản thân tôi đã tham mưu với Lãnh đạo đơn vị ban hành yêu cầu chuyển ngay những tin báo về tội phạm đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện để giải quyết theo thẩm quyền, đồng thời có văn bản yêu cầu Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện khởi tố 01 vụ án để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật và được Cơ quan Cảnh sát điều tra chấp nhận, khởi tố. Hiện tại vụ án đã xét xử xong.
Các văn bản kiến nghị của Viện kiểm sát đều được Chủ tịch Ủy ban nhân dân và Công an các xã, thị trấn có văn bản tiếp thu, trả lời chấp nhận kiến nghị và có biện pháp khắc phục kịp thời.

Về phạm vi, hiệu lực, hiệu quả của các kiến nghị  trên nhận thấy đã có sức lan toả rộng lớn tới cấp uỷ đảng, chính quyền trong hệ thống chính trị của huyện và của cấp xã góp phần quan trọng trong việc đấu tranh, phòng và chống tội phạm, nhất là việc chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm tại cấp cơ sở, nâng cao vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm tại địa phương.
 

Tác giả bài viết: Huỳnh Thị Liệu

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây