Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai

https://vksnd.gialai.gov.vn


Bài học từ mẩu chuyện: “Tài sản của dân sao tìm cách đút túi”

Bác Hồ là tấm gương đạo đức trong sáng về cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Cả cuộc đời Người vì nước vì dân. Người rất ghét những hành động tham ô, lãng phí, lấy của công làm của tư, dù đó là ai, ở cấp nào.
Bởi nó không chỉ làm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên thoái hóa mà còn sinh ra thứ giặc nội xâm, lãng phí tham ô làm suy giảm bản chất tốt đẹp của bộ máy chính quyền của dân, do dân, vì dân Vì những lẽ đó sinh thời Bác Hồ đã chỉ rõ:“Tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ giặc ở trong lòng” và biện pháp quan trọng hàng đầu để đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí chính là giáo dục tư tưởng cho quần chúng. Người nói: “làm cho quần chúng khinh ghét tệ tham ô, lãng phí, quan liêu; biến hàng trăm, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, ba căn bệnh tham ô, lãng phí, quan liêu “là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ”. Loại kẻ thù này “khá nguy hiểm, vì nó không mang gươm mang súng, mà nó nằm trong các tổ chức của ta, để làm hỏng công việc của ta”. Dù có cố ý hay không, tham ô, lãng phí, quan liêu “cũng là bạn đồng minh của thực dân và phong kiến”. “Nó làm hỏng tinh thần trong sạch và ý chí khắc khổ của cán bộ ta. Nó phá hoại đạo đức cách mạng của ta là cần, kiệm, liêm, chính”. Nó “phá hoại tinh thần, phí phạm sức lực, tiêu hao của cải của Chính phủ và của nhân dân. Tội lỗi ấy cũng nặng như tội lỗi Việt gian, mật thám”.
Tư tưởng chống tham ô, lãng phí, quan liêu được thể hiện qua nhiều mẫu chuyện, nhưng mẫu chuyện “Tài sản của dân sao tìm cách đút túi” được trích trong sách Học tập tấm gương đạo đức Bác Hồ do Nhà xuất bản Thanh Niên, Hà Nội phát hành năm 2006 cũng có ý nghĩa không nhỏ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh sưu tầm internet
 
Câu chuyện kể rằng:
“Có một lần Bác đến thăm và nói chuyện tại buổi lễ tổng kết lớp học chính trị của bộ đội. Vừa bước lên bục, Bác lấy ra một cuốn sổ nhỏ, rồi thong thả đọc rõ những số liệu mà Bác đã tìm hiểu được của nhà trường. Sau khi đọc xong, Bác hỏi:
- Các chú xem, ở đây chỉ có chừng này cán bộ mà đã lãng phí, tham ô như vậy. Thử hỏi nếu cán bộ trong toàn quân mà cũng phạm khuyết điểm như các chú thì thiệt hại cho Nhà nước, cho nhân dân biết bao nhiêu?

 - Dừng lại một lát, như để cho mọi người suy nghĩ, Bác hỏi tiếp: Ở đây những chú nào có vợ rồi, giơ tay?
- Có đến một nửa số học viên giơ tay. Bác lại hỏi tiếp: Những chú nào có con rồi?
- Lần này có khoảng một phần ba giơ tay. Bỗng Bác chỉ một đồng chí cả hai lần đều giơ tay và nói: Bác hỏi thật chú, chú có bao giờ ăn bớt phần cơm của vợ con chú không?
- Đồng chí cán bộ nọ đứng lên cảm động thưa: Dạ, thưa Bác, không ạ!
Không khí hội trường lắng xuống. Bác nhìn cả lớp rồi nói, giọng không vui:  Thế thì tại sao có một số cán bộ thấy tài sản của nhân dân, tiêu chuẩn của chiến sĩ, hễ sểnh ra một chút là tìm cách đút túi”.

Từ mẩu chuyện trên cho thấy không phải ngẫu nhiên mà người đứng đầu Đảng và Chính phủ lại thẳng thắn, quyết liệt như thế. Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu rất rõ rằng, đây là những lỗi lầm đặc biệt nghiêm trọng, có hại cho dân, cho nước, cần phải ra sức kiên trì sửa chữa, để Đảng luôn trong sạch, vững mạnh, xây phải đi liền với chống, phải đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi những nguy cơ dẫn đến sự suy yếu của Đảng, trong đó có nạn tham ô, tham nhũng là thứ giặc nội xâm, giặc ở trong lòng “ngấm ngầm phá hoại sự nghiệp xây dựng của cách mạng”. Tư tưởng đó được Đại hội XIII tiếp tục khẳng định: “Tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta”[1].
Còn nhớ, lúc Bác mới giữ cương vị Chủ tịch nước một thời gian ngắn, song trước những tồn tại, những khuyết điểm của đội ngũ cán bộ đảng viên trong các cơ quan công quyền, trước những thói hư, tật xấu, nạn tham ô, sự lãng phí của công, bệnh quan liêu, cửa quyền, sự lên mặt của những "ông quan cách mạng", Người đã viết bài báo "Tự phê bình" đăng báo Báo Cứu quốc, số 153, ngày 28/1/1946 tự phê bình và nhận trách nhiệm trước quốc dân: "Tuy nhiều người trong ban hành chính làm việc tốt và thanh liêm, song cái tệ tham ô, nhũng lạm chưa quét sạch… Những khuyết điểm kể trên là lỗi tại tôi. Người đời không phải thánh thần, không ai tránh khỏi khuyết điểm. Chúng ta không sợ có khuyết điểm, nhưng chỉ sợ không biết kiên quyết sửa nó đi"[2].
Để ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng tha hóa quyền lực, nhất là lộng quyền, lạm quyền, lợi dụng quyền lực, tham ô, hống hách của cán bộ, đảng viên nói chung, trong công tác cán bộ nói riêng, Người cũng chỉ rõ: “Phong trào chống tham ô, lãng phí, quan liêu ắt phải dựa vào lực lượng quần chúng thì mới thành công”[3]. Quần chúng tham gia tích cực, đông đảo thì cuộc đấu tranh càng mang lại hiệu quả cao. Người khẳng định: “Quần chúng tham gia càng đông, thành công càng đầy đủ, mau chóng”[4]. Vì vậy, để cùng chung sự nghiệp chống tham ô, lãng phí, quan liêu của Đảng và nhà nước thì mỗi cán bộ, đảng viên cần thường xuyên tự tu dưỡng, rèn luyện, có trách nhiệm nêu gương trước Đảng, trước dân, chủ động nâng cao trình độ chuyên môn và thể hiện sự quyết liệt, quyết tâm, quyết làm, quyết hành động trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, cần nêu cao tính tiên phong, gương mẫu, luôn là người đi đầu trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, không ngừng rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng theo Quy định số 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm bao gồm 19 điều, nhằm tăng cường kỷ cương, kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước và giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên; từ đó, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới./.
 

[1] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tr.93.
[2] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, t.4, tr.192-193
[3] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, t.6, tr.495.
[4] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, t.6, tr.495.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Tường Vi

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây