Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai

https://vksnd.gialai.gov.vn


Bài học Siết chặt kỷ luật, kỷ cương của Đảng từ mẫu chuyện "Diệt sâu mới cứu được cây"

Cả cuộc đời của Bác là một tấm gương mẫu mực về việc tôn trọng pháp luật. Từ công việc quốc gia đến những việc làm trong cuộc sống hàng ngày Bác luôn coi trọng việc tôn trọng luật lệ, tuân thủ nguyên tắc sống, làm việc theo pháp luật, kiên quyết trước cái xấu, có lần Bác Hồ còn căn dặn “không được bắt luật pháp dành quyền ưu tiên cho mình”. Và mẫu chuyện  “Diệt sâu mới cứu được cây” (Trích từ tác phẩm những mẫu chuyện về tấm gương đạo đức của Hồ Chí Minh) sẽ cho chúng ta hiểu rõ về điều đó.
 

Chủ tịch Hồ Chí Minh với đại biểu trí thức dự Hội nghị Chính trị đặc biệt tháng 3-1964.
Ảnh: sưu tầm internet
 
 “Năm 1950, đại tá Trần Dụ Châu - Cục trưởng Cục Quân nhu bị phát hiện lợi dụng chức quyền tham ô ăn chơi, bị kết án tử hình. Trước ngày thi hành án, Trần Dụ Châu gửi đơn lên Bác xin được khoan hồng. Phút cuối, ông Trần Đăng Ninh đến gặp Bác Hồ xin ý kiến, Bác chỉ cho xem một cây xoan héo lá, úa ngọn và hỏi lý do tại sao cây sắp chết. Ông Ninh trả lời: “Dạ, vì thân cây bị sâu đục một lỗ rất to, chảy hết nhựa!”. “Thế theo chú muốn cứu cây thì phải làm gì?”. “Dạ, phải bắt và giết hết những con sâu ấy đi ạ”. Bác gật đầu: “Chú nói đúng đấy, với loài sâu mọt đục khoét nhân dân cũng vậy. Nếu phải giết đi một con mà cứu được cả rừng cây thì việc đó là cần thiết, hơn nữa là nhân đạo”. Sau một đêm trắng, Hồ Chủ tịch ký bác đơn của Trần Dụ Châu và bản án được thi hành”.
Qua mẫu chuyện, chúng ta thấy: người cán bộ, đảng viên đứng trước cái xấu, trái pháp luật phải kiên quyết đấu tranh, lên án, đặt lợi ích của tập thể, của nhân dân lên trên hết; Phải nghiêm khắc xử lý các hành vi tham nhũng, lãng phí; phải minh bạch, công khai, không bao che, giấu giếm, né tránh trong xử lý các hành vi tham nhũng, lãng phí; người đứng đầu phải kiên quyết, công tâm và đặt lợi ích, lòng tin của nhân dân trong xử lý tham nhũng, lãng phí để xây dựng tổ chức Đảng thật sự trong sạch vững mạnh.
Bác Hồ đã từng coi tham ô, tham nhũng là “giặc nội xâm”, là kẻ thù của nhân dân. Người khẳng định: “Tham ô là trộm cắp. Tội lỗi ấy cũng nặng như tội lỗi của Việt gian, mật thám. Chống tham ô và quan liêu như một “thứ giặc trong lòng”. Nếu chiến sĩ và nhân dân ra sức chống ngoại xâm mà quên chống giặc nội xâm, như thế là chưa làm tròn nhiệm vụ của mình”. Vì thế, chúng ta phải ghi nhớ và làm đúng theo lời dạy của Bác. Tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay đã có 7 Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng phải nhận các hình thức kỷ luật đảng từ cảnh cáo, thôi chức, cách chức và cao nhất là khai trừ ra khỏi Đảng. Cùng với đó, hàng chục cán bộ lãnh đạo các Bộ, ngành, cũng nhận các hình thức kỷ luật nghiêm minh của Đảng và chịu trách nhiệm hình sự.
Để lời dạy của Bác mãi trường tồn và xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, theo di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì mỗi cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng phải đặt biệt chú trọng công tác kiểm tra giám sát, thi hành kỷ luật, giữ gìn kỹ cương chính là sức mạnh của Đảng. Kỷ luật Đảng thể hiện trong Điều lệ Đảng (khoản 1 Điều 35: Tổ chức đảng và đảng viên vi phạm kỷ luật phải xử lý công minh, chính xác, kịp thời) và trong các quy định khác của Đảng. Thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 5 khóa XIII về việc thường xuyên rà soát, sàng lọc, kiên quyết đưa đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng. Và, theo quy định mới nhất của Đảng - Quy định số 69 của Bộ Chính trị khóa XIII “Tất cả tổ chức đảng và đảng viên bình đẳng trước kỷ luật của Đảng. Tổ chức đảng và đảng viên vi phạm chủ trương quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đều phải xem xét thi hành kỷ luật công minh, chính xác, kịp thời".

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Tường Vi

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây