Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai

https://vksnd.gialai.gov.vn


Tăng cường công tố thông qua số hóa hồ sơ đối với vụ án cố ý gây thương tích

Qua tham dự các phiên tòa hình sự, nghiên cứu các văn bản rút kinh nghiệm về việc giải quyết vụ án “Cố ý gây thương tích” bị Viện kiểm sát cấp trên hủy, thấy rằng có những vướng mắc, bất cập thường gặp trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra giải quyết vụ án “Cố ý gây thương tích”, đó là: Trong một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, việc xác định hiện trường gặp khó khăn do hiện trường bị xáo trộn hoặc thay đổi, không có nhân chứng hoặc không tìm được nhân chứng, không thu giữ được vật chứng,…

Thực tiễn có vụ quan điểm khác nhau giữa các cơ quan tố tụng, các cấp tố tụng, giữa Điều tra viên và Kiểm sát viên nhất là các vụ án có đông người tham gia, vụ án không có nhân chứng, vụ án có dấu vết ban đầu không rõ ràng, bị xáo trộn không thu thập đầy đủ nên ảnh hưởng việc xử lý dứt điểm vụ án theo đúng quy định pháp luật. Để quá trình tranh tụng vụ án “Cố ý gây thương tích” đúng quy định pháp luật, hạn chế các tình trạng hủy, sửa trong phạm vi bài viết tác giả xin đưa ra một số kỹ năng tăng cường công tố thông qua số hóa hồ sơ đối với các vụ án cố ý gây thương tích, mong rằng sẽ góp một phần nhỏ trong việc thực hiện tốt nguyên tắc công khai chứng cứ tại phiên tòa và tăng cường hoạt động tranh tụng theo yêu cầu của cải cách tư pháp.

Kiểm sát, cách thức số hóa tài liệu trong vụ án cố ý gây thương tích

Các tài liệu về tố tụng:
Các quyết định tố tụng trong hồ sơ có được thiết lập đúng theo các quy định của tố tụng hình sự, đúng mẫu ban hành, đủ căn cứ ban hành quyết định, đã thể hiện rõ nội dung hành vi, điều khoản áp dụng hay chưa; số ngày tháng ban hành đúng không; người ký lệnh, quyết định, người lập biên bản đã ký, đóng dấu chưa, có thẩm quyền ký không; thông tin ghi trong lệnh, quyết định có đúng không; đối với lệnh tạm giam, quyết định gia hạn tạm giữ cần chú ý cách tính ngày giờ tạm giam, tạm giữ của CQĐT; giờ ngày tháng lập biên bản có phù hợp với giờ kết thúc không; biên bản có gạch chéo phần trống không;...
Các biên bản lấy lời khai, biên bản hỏi cung bị can này,  có thực hiện đúng các quy định của Điều 183 và Điều 184 BLTTHS quy định về hỏi cung bị can và biên bản hỏi cung bị can. Để tránh việc “phản cung”, chối tội của bị can trong các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử (nhất là tại phiên toà) thì trong giai đoạn điều tra Kiểm sát viên phải phối hợp cùng cơ quan điều tra thực hiện nghiêm ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh khi hỏi cung bị can, lấy lời khai theo đúng Quyết định số 264/QĐ-VKSTC ngày 21/7/2020 của Viện trưởng VKSND tối cao. Nếu trường hợp ở những nơi chưa đáp ứng đủ điều kiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh khi hỏi cung bị can, lấy lời khai thì KSV yêu cầu Điều tra viên, cán bộ điều tra sau khi hỏi cung bị can xong thì để cho bị can tự đọc và tự viết (nếu bị can biết chữ) vào cuối biên bản bị can tự ghi “tôi đã tự đọc lại biên bản, công nhận đúng nội dung lời khai của mình” hoặc mời người làm chứng, chứng kiến việc Điều tra viên, cán bộ điều tra  đọc lại biên bản (với bị can không biết chữ). Những nội dung biên bản hỏi cung quan trọng cần thiết phải cho bị can viết bản tường trình, bản tự khai kèm theo. Khi nghiên cứu hồ sơ thấy những biên bản ghi lời khai, biên bản hỏi cung còn nhiều chỗ trống thì phải yêu cầu Điều tra viên, cán bộ điều tra gạch chéo để tránh tình trạng ghi thêm; nếu có tẩy xoá phải có xác nhận của bị can, người đã khai báo; các trang biên bản phải có đầy đủ chữ ký của người khai báo…
Trong trường hợp này, trước khi số hóa hồ sơ Kiểm sát viên nên ban hành yêu cầu điều tra đồng thời nêu rõ thiếu hoặc chưa thực hiện đầy đủ thủ tục tố tụng nào, ở trang tài liệu nào, phương pháp và cách thức khắc phục ra sao. Yêu cầu đặt ra là lập biên bản mới; nếu sửa chữa thì phải chỉ rõ cụ thể. Nếu có sự mâu thuẫn về không gian, thời gian, địa điểm của các văn bản tố tụng thì nêu đích danh ở biên bản nào, lời khai nào để yêu cầu khắc phục. Đây là thủ tục bắt buộc để Hội đồng xét xử đánh giá khi tuyên án có hay không vi phạm hoặc vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự.
Sau khi khắc phục, hoàn thiện đầy đủ thủ tục tố tụng thì KSV tiến hành số hóa. Quá trình số hóa hồ sơ vụ án đối với thủ tục tố tụng trên thực tế thường số hóa theo trình tự thủ tục tố tụng (Số hóa theo thứ tự thời gian) để dễ dàng truy xuất khi cần thiết.
         
Các tài liệu liệu về chứng cứ chứng minh.
Trước khi số hóa hồ sơ đối với vụ án “Cố ý gây thương tích” kiểm sát viên phải tổng hợp, phân tích, đánh giá chứng cứ, tài liệu trong hồ sơ vụ án một cách toàn diện, khách quan, đánh giá từng tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ (đã đảm bảo giá trị chứng minh của chứng cứ hay chưa) nhất là trong các vụ án phức tạp, có nhiều bị can, trường hợp bị hại chết… thì kiểm sát viên phải làm rõ được các vấn đề sau:
– Các lời khai, căn cứ xác định thủ phạm, người phạm tội, đã được làm rõ hay chưa; Việc làm rõ thủ phạm thường thông qua các dữ liệu điện tử (camera an ninh…) và các chứng cứ khác, lời khai của người bị tình nghi, của nhân chứng, các dấu vết, vật chứng còn để lại ở hiện trường, thu được qua khám xét hoặc thu giữ được mà có dấu vết hoặc có liên quan đến thủ phạm. Các kết luận giám định, các biên bản thu giữ vật chứng, nhận dạng,…
- Tại các lời khai, bản tự khai, bản cung của mình, bị can có thừa nhận hành vi “Cố ý gây thương tích” hay không? Lời khai nhận tội này có khách quan và có phù hợp với các chứng cứ khác hay không? phù hợp với hiện trường, dấu vết, vật chứng, kết luận giám định, với các bị can khác, nhân chứng khác… hay không?
– Hiện trường thể hiện vị trí tấn công ở đâu? Các dấu vết cơ học, sinh học để lại là gì? Thân thể bị hại và trên cơ thể bị can có các dấu vết gì? Vụ án có một hiện trường hay nhiều hiện trường, có hiện trường vụ tấn công hay chỉ là hiện trường giả? Cho bị can vẽ lại hiện trường, vẽ lại quá trình di chuyển của từng bị can đến hiện trường, ở lại hiện trường và tẩu thoát, thời gian tiêu thụ cho quá trình này? (đối với những vụ án có nhiều bị can, cố ý gây thương tích nhiều lần cho bị hại)
– Vật chứng thu được là gì? Thủ phạm “thừa nhận” đã dùng hung khí, vũ khí, loại vật chất nào là để cố ý gây thương tích cho bị hại? Bị can có vẽ lại được các hung khí, vũ khí này không? Bản ảnh tại hiện trường có thể hiện được các vật chứng này không? Nguồn gốc các vật chứng đó? Nếu bị mất thì phải làm rõ lý do mất, hủy, nơi bị mất, bị hủy vật chứng, yêu cầu bị can vẽ lại sơ đồ nơi cất giấu, tiêu thụ, hủy vật chứng…
Phải lấy lời khai làm rõ được hành vi tấn công, tác động qua lại của bị can và bị hại đồng thời cho thực nghiệm điều tra, để bị can diễn lại, thể hiện lại tư thế tấn công bị hại, ví dụ, nếu bị hại bị tấn công bằng 3 nhát dao ở các vị trí khác nhau trên cơ thể, thì các nhát dao này được thực hiện ở các tư thế nào? (tư thế của bị hại và bị can), ở các vị trí nào trên hiện trường? Thời gian diễn ra việc tấn công? Thời gian di chuyển của bị can từ điểm xuất phát đến nơi tấn công và tẩu thoát, từ đó xác định có thời gian tiêu thụ vào vụ gây án? Vị trí, hành vi của các bị can đồng phạm? Thời tiết, ánh sáng tại hiện trường lúc xảy ra vụ án?
– Vụ án do một hay nhiều người gây ra? các hành vi thuê, giúp sức, che giấu tội phạm (nếu có) là gì?
– Lời khai của nhân chứng, của người bị hại có phù hợp với các chứng cứ khác không? Có chi tiết nào cường điệu hoặc không logic?
– Kiểm sát kết luận giám định phải làm rõ cơ chế hình thành vết thương, vết thương ở vị trí nào; các vật, hung khí, vũ khí nào, một hay nhiều loại gây ra thương tích này, tỉ lệ tổn thương cơ thể là bao nhiêu % (nếu bị hại chưa chết)
– Khi giữa lời khai của bị can, nhân chứng, bị hại có mâu thuẫn, phải thực hiện đối chất. Trong trường hợp xuất hiện các yếu tố khác hỗ trợ thì cần cho nhận dạng hình ảnh, âm thanh. Cũng có thể yêu cầu bị can nhận dạng người, vật chứng và có thể nhận dạng qua ảnh…
– Động cơ gây án, nguyên nhân, điều kiện phạm tội là gì? Mối quan hệ giữa bị can và nạn nhân? Có dự mưu hay chỉ do mâu thuẫn nhất thời.
– Tính khách quan, đúng đắn của quá trình điều tra như hỏi cung và các hoạt động điều tra khác? Có biểu hiện mớm cung, dụ cung, nhục hình, truy bức… buộc bị can khai sai sự thật hay không? động cơ nhận tội của bị can là gì?...
Sau khi tổng hợp, phân tích, đánh giá chứng cứ, tài liệu trong hồ sơ vụ án một cách toàn diện, khách quan đảm bảo đầy đủ các thuộc tính của chứng cứ Kiểm sát viên phải phân loại các loại chứng cứ trước khi đưa vào số hóa cụ thể như: Các chứng cứ nào thuộc nhóm chứng cứ trực tiếp, chứng cứ gián tiếp, chứng cứ buộc tội, chứng cứ gỡ tội, chứng cứ gốc, chứng cứ sao chép lại, thuật lại… Việc kiểm sát viên phân loại theo từng nhóm chứng cứ sẽ giúp kiểm sát viên làm chủ giá trị chứng minh, giúp cho việc giải quyết vụ án được nhanh chóng, dễ dàng trình chiếu những chứng cứ điện tử để giải quyết được những mâu thuẫn, bảo vệ được cáo trạng của VKS tại tòa.

Một số lưu ý để đảm bảo giá trị chứng minh của chứng cứ trong số hóa hồ sơ.
-Kiểm sát viên phải làm rõ được các văn bản quy phạm pháp luật mà Cơ quan điều tra áp dụng để xử lý hành vi phạm tội của bị can là gì ? Việc áp dụng các quy định về tội danh, điều khoản, khung hình phạt trong kết luận điều tra đã phù hợp với những tình tiết của vụ án hay không? Thời hiệu, hiệu lực của các văn bản đó? Có tình tiết nào để loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt cho bị can, bị cáo không?
- Kiểm sát viên luôn luôn phải thực hiện “kiểm sát điều tra từ đầu”, nêu yêu cầu điều tra (yêu cầu đặt ra là phải truy tìm, củng cố, đánh giá chứng cứ cả trên chiều rộng và chiều sâu, bảo đảm đạt được bản chất thật, tính thống nhất, liên quan của các chứng cứ, đề phòng tình huống chối tội, phản cung, kêu oan sau này), dự nghe cung để góp ý với Điều tra viên, hỏi cung cùng Điều tra viên, trực tiếp hỏi cung, lấy lời khai để phát hiện vi phạm trong quá trình giải quyết vụ án và đề xuất áp dụng các biện pháp đảm bảo tất cả các vấn đề cần phải chứng minh trong vụ án hình sự quy định tại Điều 85 BLTTHS phải được giải quyết một cách triệt để. Khi thu thập chứng cứ đến đâu thì nên số hóa đến đó, nên số hóa theo hình thức cây thư mục sẽ dàng cho việc nhận định củng cố thu thập chứng cứ. Ví dụ như cây thư mục sẽ có các mục: nhóm hành vi phạm tội cụ thể của từng bị cáo mà Viện kiểm sát đã xác định (kể cả hành vi không truy tố); Nhóm các chứng cứ mà Viện kiểm sát dùng làm căn cứ xác định tội phạm và người phạm tội; Nhóm những tình tiết định khung hình phạt, tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với bị can, Nhóm chứng cứ xác định Tội danh và điều khoản …
Kỹ năng sử dụng “Số hóa hồ sơ vụ án hình sự, công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa đối với các vụ án Cố ý gây thương tích” của KSV.
Khi thấy các tài liệu, chứng cứ đã số hóa được thu thập khách quan, toàn diện và đầy đủ, hành vi đủ yếu tố cấu thành tội phạm, các thủ tục tố tụng được thực hiện đúng quy định của pháp luật thì KSV đề xuất lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện về việc truy tố bị can và xây dựng cáo trạng. Kiểm sát viên xây dựng cáo trạng phải bảo đảm logic về hình thức, chặt chẽ về nội dung. Cáo trạng nêu ngắn gọn về hành vi phạm tội, thể hiện tính khái quát cao và nêu bật được toàn bộ hành vi phạm tội của các bị can, có viện dẫn chứng cứ trọng yếu và căn cứ pháp luật (lưu ý cáo trạng khi số hóa trên máy thì sử dụng chức năng Hyperlink để liên kết các chứng cứ tài liệu kèm theo). Đối với vụ án phức tạp thì không nhất thiết phải đánh số bút lục cũng như chỉ rõ hết các chứng cứ, căn cứ pháp luật để chứng minh mà để dành những nội dung này khi đối đáp, tranh luận, bảo vệ quan điểm truy tố của VKS tại phiên tòa chúng ta sẽ công bố tài liệu chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa bằng chức năng Hyperlink đã nêu trên.

Khi xây dựng đề cương xét hỏi thông qua hồ sơ số hóa, KSV phải bám sát vào nội dung vụ án, vào tài liệu hồ sơ đã số hóa, nên chia tài liệu số hóa thành từng mục khác nhau để làm rõ vai trò của từng bị cáo; câu hỏi ngắn gọn, dễ hiểu, đi vào trọng tâm từng vấn đề, không đặt câu hỏi mang tính tổng hợp, dàn trải nhằm hạn chế việc bị cáo lợi dụng để trả lời dài dòng, vòng vo, không tập trung vào trả lời câu hỏi. Đối với những vấn đề còn có mâu thuẫn, bị cáo không nhận tội, KSV công bố trình chiếu, bút lục, các tài liệu liên quan đến việc buộc tội làm cơ sở đấu tranh tại phiên tòa, dự kiến hết các tình huống phát sinh tại phiên tòa để bảo đảm tính chủ động của KSV trong quá trình tranh luận (lưu ý khi dự kiến tình huống phát sinh KSV nên kèm theo dự kiến các tài liệu đã được số hóa để chứng minh).

Trước khi đưa vụ án ra xét xử Kiểm sát viên phải làm chủ được hồ sơ số hóa của mình, tại phiên tòa Kiểm sát viên phải bình tĩnh, tự tin khi tranh luận, bởi các quan điểm, lập luận, nhận định của KSV đều được Luật sư, bị cáo, người tham gia tố tụng khác phân tích, mổ xẻ, bắt bẻ, dễ làm cho KSV lúng túng tại phiên tòa. Do vậy, nếu KSV hoàn toàn làm chủ hồ sơ số hóa, bình tĩnh, tự tin thì trước những luận cứ mà Luật sư, bị cáo, người tham gia tố tụng khác đưa ra KSV sẽ hiểu được nội hàm của luận cứ, từ đó đưa ra các lập luận, kèm theo công bố tài liệu chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa (các chứng cứ trực tiếp vững chắc, mang tính khoa học như kết luận giám định, lời khai của bị cáo có sự tham gia của luật sư, người trợ giúp pháp lý,..) Thực tế cho thấy hầu hết các vụ án nếu sử dụng các chứng cứ trực tiếp trong công bố tài liệu chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa sẽ mang lại hiệu ứng cao trong tranh luận và đảm bảo tính có căn cứ trong quyết định truy tố.

Tác giả bài viết: Lê Xuân Quang

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây