Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai

https://vksnd.gialai.gov.vn


Quy định mới về quyền của người bào chữa trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015

Quyền và nghĩa vụ của người bào chữa được quy định rất cụ thể, đầy đủ trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Tuy nhiên, cần lưu ý những điểm quy định mới để áp dụng thực hiện chính xác trong quá trình điều tra truy tố, xét xử các vụ án hình sự.

Theo quy định tại Điểm a, Khoản2, Điều 58, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 chỉ quy định trình tự duy nhất người bào chữa gặp người bị tạm giữ, bị can, bị cáo trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử là: Có mặt khi lấy lời khai của người bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can và đề nghị cơ quan điều tra báo trước về thời gian địa điểm để có mặt khi hỏi cung bị can. Quy định này dẫn đến thực tế việc tham gia trong giai đoạn điều tra của người bào chữa mang tính hình thức bởi cuộc gặp này do Điều tra viên chủ động lên kế hoạch, việc hỏi của người bào chữa chỉ được tiến hành khi Điều tra viên đồng ý, việc báo trước cho người bào chữa thường không bảo đảm thời gian làm việc, hỏi cung.

Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định rõ mở rộng và phân biệt hai trình tự cuộc gặp của người bào chữa với người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo:

         +Trình tự thứ nhất (mới): Cuộc gặp, hỏi người bị buộc tội được quy định tại Điểm a, Khoản 1 Điều 73; Có thể hiểu cuộc gặp này do người báo chữa chủ động tiến hành trong bất cứ giai đoạn tố tụng nào và không hạn chế số lần, thời gian gặp, được hỏi, trao đổi hoàn toàn riêng tư với người bị buộc tội trong điều kiện giám sát của cơ sở giam giữ mà không bắt buộc phải có mặt những người tiến hành tố tụng; để được gặp người bị tạm giữ, bị can, bị cáo đang bị tạm giam người bào chữa phải thực hiện các thủ tục theo quy định tại Điều 80 Bộ luật tố tụng hình sự.
         
          +Trình tự thứ hai: Cuộc gặp do điều tra viên, kiểm sát viên chủ động tiến hành  theo kế hoạch đã được chuẩn bị trước nhằm lấy lời khai của người bị bắt, bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can với sự có mặt của người bào chữa. Do đó trong cuộc gặp này người bào chữa chỉ được hỏi người bị tạm giữ, bị can, khi người có thẩm quyền lấy lời khai, hỏi cung đồng ý. Sau mỗi lần lấy lời khai, hỏi cung của người có thẩm quyền kết thúc thì người bào chữa có thể hỏi người bị bắt, người tạm giữ, bị can; Quy định như vậy là phù hợp vì người bào chữa đã chủ động có các buổi gặp, làm việc riêng với người bị buộc tội. Để chuẩn bị cho cuộc gặp này người bào chữa được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng báo trước về thời gian, địa điểm lấy lời khai, hỏi cung và thời gian địa điểm tiến hành các hoạt động điều tra khác; Người bào chữa có quyền xem các biên bản về hoạt động tố tụng có sự tham gia của mình và các quyết định tố tụng liên quan đến người mà mình bào chữa (Điểm d, đ Khoản 1, Điều 73).

Bên cạnh 14 quyền được quy định tại Khoản 1 Điều 73, thì người bào chữa phải thực hiện nghiêm chỉnh 7 nghĩa vụ của mình được quy định tại Khoản 2, Điều 73. Đồng thời người bào chữa sẽ bị xử lý theo chế tài quy định tại Khoản 3 Điều 73 Bộ luật tố tụng hình sự nếu có vi phạm pháp luật.

Như vậy, so với Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 thì Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định thêm một trình tự mới là người bào chữa được chủ động găp, hỏi riêng người bị buộc tội; Quy định này giúp cho người bào chữa thực hiện quyền chủ động của mình. Khi quyền của người bào chữa được mở rộng thì đòi hỏi người tiến hành tố tụng càng phải nâng cao trách nhiệm, chất lượng hoạt động tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án; đảm bảo tính chặt chẽ, chính xác trong điều tra , truy tố, xét xử.
 

Tác giả bài viết: Trịnh Xuân Thu

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây