Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai

https://vksnd.gialai.gov.vn


Những vướng mắc về thẩm quyền điều tra của cơ quan Kiểm lâm theo quy định của bộ luật TTHS và luật tổ chức điều tra hình sự

1. Quy định của pháp luật về thẩm quyền điều tra vụ án hình sự của Cơ quan Kiểm lâm:
Theo từ điển tiếng Việt thì “Thẩm quyền” là quyền xem xét để kết luận và định đoạt một vấn đề. Như vậy hiểu theo nghĩa rộng thì thẩm quyền là quyền được thực hiện những hành vi và ra quyết định pháp lý nhất định của chủ thể theo quy định của pháp luật. Nói cách khác thẩm quyền là quyền hạn của một cơ quan, một tổ chức hoặc một cá nhân được làm một việc hoặc một công việc trong phạm vi pháp luật cho phép, phạm vi đó là giới hạn của thẩm quyền.
 
Trong lĩnh vực tố tụng hình sự, sự phân định thẩm quyền được thiết lập giữa các cơ quan tố tụng và người tiến hành tố tụng. Từ góc độ tố tụng hình sự thì thẩm quyền được hiểu là tổng hợp các quyền và nghĩa vụ để thực hiện các hoạt động tố tụng và ra các quyết định tố tụng của cơ quan, tổ chức, cá nhân được luật tố tụng hình sự quy định.

Theo từ điển tiếng Việt thì “Điều tra” là những hành động “tìm tòi, xem xét để biết rõ sự thật”. Như vậy thẩm quyền điều tra trong tố tụng hình sự là tổng hợp các quyền và nghĩa vụ tìm hiểu hành vi phạm tội, làm rõ những chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo, xác định hậu quả của tội phạm để thực hiện các biện pháp đảm bảo bồi thường, tìm ra nguyên nhân và điều kiện phạm tội, lập hồ sơ đề nghị truy tố, yêu cầu các cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp phòng ngừa.

Thẩm quyền điều tra vụ án hình sự của Cơ quan Kiểm lâm là hoạt động mà pháp luật cho phép Cơ quan Kiểm lâm thực hiện khi tiến hành điều tra và xử lý các tội phạm xảy ra trong lĩnh vực Quản lý và Bảo vệ rừng.

Pháp luật tố tụng hình sự giao cho Cơ quan Kiểm lâm có thẩm quyền điều tra các vụ án hình sự trong lĩnh vực Quản lý và bảo vệ rừng, đây là lĩnh vực do Cơ quan Kiểm lâm quản lý và là lĩnh vực có tính chất đặc thù (Quản lý và Bảo vệ rừng). Do vậy mọi hành vi phạm tội xảy ra trong lĩnh vực này Cơ quan Kiểm lâm sẽ chủ động nắm bắt thông tin về tội phạm một cách nhanh chóng, kịp thời và tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật nhằm lập lại trật tự trong lĩnh vực Quản lý và bảo vệ rừng. Bên cạnh đó khi giao thẩm quyền điều tra cho Cơ quan Kiểm lâm tiến hành điều tra tội phạm liên quan đến lĩnh vực Quản lý bảo vệ rừng là tránh sự chồng chéo về thẩm quyền điều tra sẽ đem lại hiệu quả và tiết kiệm được thời gian và các chi phí cần thiết cho công tác điều tra. Ngoài ra việc giao cho Cơ quan Kiểm lâm có thẩm quyền điều tra các vụ án hình sự trong lĩnh vực Quản lý và bảo vệ rừng là thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo của Đảng theo Kết luận 79-KL/TW ngày 12/3/2014 của Bộ chính trị đó là giữ nguyên quyền hạn và quy định rõ hơn nhiệm vụ thực hiện một số hoạt động điều tra của cơ quan Kiểm lâm đảm bảo tính hiệu quả, tiết kiệm, tránh chồng chéo.

2. Thẩm quyền điều tra vụ án hình sự của Cơ quan Kiểm lâm theo quy định của Bộ luật TTHS 2015.

Tại điều 164 Bộ luật TTHS 2015 quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn của các Cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra ( Trong đó có Cơ quan Kiểm lâm). Cụ thể : “1. Khi phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm trong lĩnh vực và địa bàn quản lý của mình thì các cơ quan của… Kiểm lâm… được giao tiến hành một số hoạt động điều tra có nhiệm vụ, quyền hạn…
Như vậy dấu hiệu bắt buộc để nhận biết đâu là thẩm quyền điều tra của Cơ quan Kiểm lâm đó là: “Khi phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm trong lĩnh vực và địa bàn quản lý của mình” thì Cơ quan Kiểm lâm có thẩm quyền điều tra, xử lý vụ án hình sự.

Căn cứ Nghị định 119/2006/NĐ-CP ngày 16/10/2006 của Chính Phủ quy định về tổ chức và hoạt động của Kiểm lâm thì nhiệm vụ, hoạt động của Kiểm lâm là công tác Quản lý và Bảo vệ rừng. Vì vậy lĩnh vực mà Cơ quan Kiểm lâm quản lý đó là lĩnh vực Quản lý và Bảo vệ rừng theo quy định của pháp luật.

Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì khi phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm trong lĩnh vực Quản lý và Bảo vệ rừng và thuộc địa bàn mình quản lý thì Cơ quan Kiểm lâm có thẩm quyền điều tra đối với tất cả các tội phạm xảy ra trong lĩnh vực này.

3. Thẩm quyền điều tra vụ án hình sự của Cơ quan Kiểm lâm theo quy định của Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự 2015
 
Tại Điều 34 Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự 2015 quy định:
1. Cơ quan Kiểm lâm khi thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực quản lý của mình mà phát hiện tội phạm quy định tại các Điều 232, 243, 244, 245, 313 và 345 của Bộ luật hình sự thì Cục trưởng Cục Kiểm lâm, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm vùng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây..”.

Qua nghiên cứu thấy rằng Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015 đã quy định cụ thể thẩm quyền điều tra các vụ án hình sự đối với Cơ quan Kiểm lâm. Cụ thể khi “Thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực quản lý của mình mà phát hiện tội phạm”; Cơ quan Kiểm lâm có quyền điều tra các tội quy định tại các điều 232 (tội vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản), điều 243 (Tội hủy hoại rừng), điều 244 (Tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm); điều 245 (Tội vi phạm các quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên), điều 313 (Tội vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy) và điều 345 (Tội vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh gây hậu quả nghiêm trọng)… 
So với Pháp lệnh điều tra hình sự 2004 thì Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự đã hạn chế thẩm quyền của Cơ quan Kiểm lâm trong việc xử lý các tội theo điều 233 (Tội vi phạm các quy định về quản lý rừng), điều 234 (Tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã). Bởi lẽ tội phạm vi phạm các quy định về Quản lý rừng cũng như tội phạm vi phạm các quy định về Quản lý bảo vệ động vật hoang dã là lĩnh vực thuộc sự quản lý của lực lượng Kiểm lâm, trong khi đó Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “Khi phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm trong lĩnh vực và địa bàn mình quản lý’’ thì Cơ quan Kiểm lâm có thẩm quyền khởi tố vụ án.

Như vậy căn cứ Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì Cơ quan Kiểm lâm có quyền khởi tố và điều tra tất cả các vụ án trong lĩnh vực và địa bàn quản lý của họ. Nhưng Luật tổ chức điều tra hình sự lại không quy định cho Cơ quan Kiểm lâm khởi tố các tội quy định tại các điều 233,234 (đây là lĩnh vực thuộc sự quản lý của Cơ quan Kiểm lâm) từ đó dẫn đến khó khăn cho Cơ quan Kiểm lâm nói riêng và các Cơ quan tiến hành tố tụng nói chung vì khi phát sinh tội phạm vi phạm quy định về Quản lý rừng và tội phạm vi phạm các quy định về Quản lý bảo vệ động vật hoang dã khó xác định thuộc thẩm quyền xử lý của Cơ quan nào? Bởi lẽ Cơ quan Cảnh sát điều tra trong lực lượng Công an thì cho rằng đây là lĩnh vực đặc thù, lĩnh vực quản lý của Kiểm lâm vì vậy theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự thuộc trách nhiệm xử lý của Cơ quan Kiểm lâm, nhưng Luật tổ chức điều tra hình sự thì lại không quy định cho phép Cơ quan Kiểm lâm điều tra, xử lý đối với tội phạm này. Đây là vấn đề khó khăn, vướng mắc về thẩm quyền điều tra đối với các tội quy đinh tại các điều 233, 234 Bộ luật hình sự 2015.
         
4. Một số kiến nghị, đề xuất

Từ những vướng mắc, bất cập nêu trên, chúng tôi đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật tổ chức điều tra hình sự năm 2015 theo hướng giao cho Cơ quan Kiểm lâm khởi tố thêm các Điều 233 (Tội vi phạm các quy định về quản lý rừng), Điều 234 (Tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã) vì đây là lĩnh vực quản lý của lực lượng Kiểm lâm, nếu không quy định cụ thể trong Luật tổ chức điều tra hình sự sẽ dẫn đến khó khăn trong việc phân định thẩm quyền xử lý. Vì vậy đề xuất sửa Điều 34 Luật tổ chức điều tra hình sự theo hướng:
“1. Cơ quan Kiểm lâm khi thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực quản lý của mình mà phát hiện tội phạm quy định tại các Điều 232, 233, 234, 243, 244, 245, 313 và 345 của Bộ luật hình sự ...” .
Trong khi chờ tiếp tục nghiên cứu sửa đổi bổ sung Luật thì liên ngành trung ương cần có văn bản hướng dẫn cụ thể về thẩm quyền điều tra đối với các tội phạm vi phạm các quy định về quản lý rừng( Điều 233) và tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã(Điều 234).
 

Tác giả bài viết: Trịnh Viết Diệp

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây