Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai

https://vksnd.gialai.gov.vn


Một số kinh nghiệm ban hành văn bản kiến nghị phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm

Qua công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp thời gian qua, Viện kiểm sát nhân dân hai cấp tỉnh Gia Lai đã ban hành 68 Kiến nghị đối với các cơ quan, tổ chức hữu quan về các biện pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm, góp phần làm tốt công tác phòng, chống tội phạm, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước và giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội tại địa phương.

Nội dung kiến nghị tập trung làm rõ nguyên nhân, điều kiện phát sinh vi phạm pháp luật và tội phạm có nguyên nhân từ thiếu sót, sơ hở trong quản lý kinh tế, xã hội để tham mưu cấp ủy Đảng, kiến nghị với chính quyền và cơ quan hữu quan các giải pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm, các lĩnh vực như: Lĩnh vực quản lý đất đai; quản lý thu, chi và sử dụng các loại quỹ, phí, lệ phí nộp vào ngân sách nhà nước; quản lý và bảo vệ rừng; quản lý hộ khẩu, hộ tịch, đăng ký khai sinh; công tác phòng, chống ma túy; phòng ngừa tai nạn giao thông; tội phạm xâm hại trẻ em, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng; tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên và người đồng bào dân tộc thiểu số; giải pháp hạn chế tình trạng ly hôn, phòng, chống bạo lực gia đình; việc quản lý kinh doanh dịch vụ nhà trọ, nhà nghỉ,... Các đơn vị có văn bản kiến nghị điển hình đạt hiệu quả cao như:

- VKSND huyện Đak Đoa: Qua công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát giải quyết vụ án Lê Thị Thanh Tâm về tội: “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Đak Đoa Kiến nghị Thường trực huyện ủy đối với các sai phạm trong giải quyết vụ án trên (Kiến nghị Thường trực Hội đồng nhân dân và UBND huyện Đak Đoa), đề nghị tăng cường hơn nữa công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, công tác thanh tra, kiểm tra đối với Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã trong lĩnh vực quản lý kinh tế; tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ, công chức giữ chức vụ Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp xã; công chức Kế toán – tài chính trong lĩnh vực thu, chi, quản lý và sử dụng quỹ Quốc phòng, an ninh.
Về hiệu quả: Văn bản kiến nghị nêu trên của Viện kiểm sát nhân dân huyện Đak Đoa được cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương đánh giá cao. Chủ tịch UBND huyện Đak Đoa đã ban hành văn bản số 395/UBND-NC về việc tiếp thu, khắc phục những tồn tại, hạn chế như Viện kiểm sát đã nêu, đồng thời chỉ đạo, yêu cầu Phòng Tài chính – Kế hoạch, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn họp rút kinh nghiệm và kiểm điểm những cá nhân có liên quan để xảy ra vi phạm.

- VKSND huyện Kông Chro: Qua công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm đối với vụ khai thác lâm sản trái phép xảy ra tại Tiểu khu 807 thuộc địa bàn xã Đăk Kơ Ning, huyện Kông Chro, Viện kiểm sát nhân dân huyện Kông Chro nhận thấy tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản, lấn chiếm đất rừng và phá rừng làm nương rẫy trái pháp luật trên địa bàn các xã Đăk Kơ Ning, Đăk Tơ Pang, Chơ Long, Chư Krei và Yang Nam vẫn diễn biến phức tạp, có nguyên nhân xuất phát từ công tác quản lý, bảo vệ rừng của lực lượng chức năng còn có sơ hở, thiếu sót (thời gian qua có 23 cây Giổi xanh, đường kính từ 40 cm đến 70 cm – tương đương 45 m3 gỗ bị khai thác trái phép). Viện kiểm sát nhân dân huyện Kông Chro đã ban hành Kiến nghị số 01/KN-VKS đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện cho kiểm tra, có biện pháp chỉ đạo UBND các xã, Hạt Kiểm lâm huyện, các công ty lâm nghiệp và các đơn vị được giao quản lý, bảo vệ rừng thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, Luật bảo vệ và phát triển rừng…; đồng thời xem xét kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của đơn vị, cá nhân để xảy ra vi phạm và xử lý theo quy định của pháp luật; tăng cường vai trò của người đứng đầu; thường xuyên tổ chức lực lượng kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động người dân trên địa bàn huyện thực hiện tốt quy định của Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng…
Về hiệu quả: Văn bản kiến nghị nêu trên của Viện kiểm sát nhân dân huyện Kông Chro được Ủy ban nhân dân huyện tiếp thu và ban hành văn bản số 935/UBND-NL để chỉ đạo các ngành chức năng của huyện áp dụng các biện pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng như Viện kiểm sát đã kiến nghị; đồng thời giao Hạt Kiểm lâm chủ trì làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra vi phạm. Sau đó, Ủy ban nhân dân huyện Kông Chro tiếp tục ban hành các văn bản số 1065/UBND-NL và số 1123/UBND-NL, thông báo đến Viện kiểm sát nhân dân huyện Kông Chro về kết quả chỉ đạo kiểm điểm tập thể, cá nhân để xảy ra vi phạm trong công tác quản lý và bảo vệ rừng trên địa bàn.

(ảnh minh họa)
 
Qua đây, địa phương cũng rút ra một số kinh nghiệm về phương pháp, cách làm cụ thể như sau:

- Một là, nắm vững cơ sở pháp lý, vai trò, trách nhiệm và quyền năng của Viện kiểm sát nhân dân trong công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm
Viện trưởng Viện KSND huyện Đak Đoa và Kông Chro đã quán triệt và chỉ đạo Kiểm sát viên, Kiểm tra viên các bộ phận nghiệp vụ phải nắm vững, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân trong công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm: Thứ nhất, đây là hoạt động nhằm góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất. Thứ hai, Là một trong những nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân thông qua việc thực hiện quyền Kiến nghị được quy định tại Khoản 2, Điều 5 của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014: “......nếu phát hiện sơ hở, thiếu sót trong hoạt động quản lý thì kiến nghị cơ quan, tổ chức hữu quan khắc phục và áp dụng các biện pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm....”. Ngoài ra, còn được quy định tại Khoản 7 Điều 15 và Khoản 2, Điều 17 của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014; Khoản 8, Điều 166; Điểm b, Khoản 1, Điều 237 và Khoản 7, Điều 267 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Thứ ba, Nâng cao vị thế của ngành Kiểm sát nhân dân trước cấp ủy Đảng và các cấp chính quyền ở địa phương, tạo thuận lợi để Ngành thực hiện tốt hơn công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp.

- Hai là, về quy trình thực hiện gồm có 03 bước như sau:

Bước 1: Xác định nguồn để phát hiện vi phạm, sơ hở, thiếu sót trong hoạt động quản lý kinh tế và xã hội, gồm 02 nguồn cơ bản:
Nguồn tổng quát: Qua thực hành quyền công tố, kiểm sát giải quyết các vụ án hình sự cụ thể về các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, các tội phạm về chức vụ, tội phạm về trật tự an toàn xã hội...Trọng tâm là những vụ án điển hình tại địa phương, được đông đảo dư luận quần chúng quan tâm, theo dõi hoặc những vụ án có khách thể tội phạm ảnh hưởng lớn đến lợi ích chung của cộng đồng dân cư tại địa phương...
Nguồn trọng tâm: Qua việc đánh giá khách quan, toàn diện về động cơ, mục đích, phương thức và thủ đoạn phạm tội. Từ đó, xác định nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm hoặc vi phạm pháp luật và những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý kinh tế, xã hội của cơ quan hữu quan.

Bước 2: Về phạm vi, phương pháp và các thao tác nghiệp vụ trọng tâm để phát hiện, tích lũy nguyên nhân, điều kiện phát sinh vi phạm pháp luật và tội phạm:
Về phạm vi: Trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự. Ngoài ra, đối với các lĩnh vực kiểm sát hoạt động tư pháp khác cần lưu ý phát hiện sơ hở, thiếu sót trong quản lý kinh tế, xã hội khi kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự liên quan đến tài chính, ngân hàng, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất, công chứng, chứng thực; vấn đề kết hôn theo hủ tục lạc hậu; về thi hành án, bán đấu giá tài sản... 
Về phương pháp: Kiểm sát viên nắm vững và dựa trên các quy định của Đảng và văn bản quy phạm pháp luật quy định về 02 vấn đề sau: Một là, quy định về tổ chức, hoạt động của các cơ quan hữu quan; Hai là, quy định của pháp luật về chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức hữu quan và của những chủ thể được giao thực hiện công vụ, nhiệm vụ để xem xét, phân tích, đánh giá hành vi của cá nhân, tổ chức hữu quan có tuân thủ đúng quy định của pháp luật trong thực thi công vụ, nhiệm vụ hay không.
Các thao tác nghiệp vụ trọng tâm để phát hiện, tích lũy nguyên nhân, điều kiện phát sinh vi phạm pháp luật và tội phạm: Trong các giai đoạn tố tụng, khi xây dựng các văn bản tố tụng của Viện kiểm sát, cần lưu ý các thao tác nghiệp vụ trọng tâm sau đây để kịp thời phát hiện, xác định, tích lũy nguyên nhân, điều kiện phát sinh vi phạm pháp luật và tội phạm như: Văn bản đề ra yêu cầu kiểm tra, xác minh giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; văn bản đề ra yêu cầu điều tra; cáo trạng và luận tội; đề cương xét hỏi; kết quả tranh tụng; bản án của Tòa án và các tài liệu, chứng cứ có liên quan...

Bước 3: Xây dựng và ban hành văn bản kiến nghị: Kiểm sát viên dự thảo văn bản kiến nghị, báo cáo xin ý kiến Phó Viện trưởng phụ trách, đề xuất Viện trưởng xem xét, quyết định. Trường hợp cần thiết có thể đưa ra tập thể Lãnh đạo đơn vị để bàn và quyết định nhằm tranh thủ tối đa trí tuệ của tập thể.

Quá trình thực hiện cần lưu ý, trường hợp cần thiết, Viện kiểm sát cần có sự trao đổi, thống nhất nhận thức về pháp luật với cơ quan, tổ chức hữu quan gắn với việc thực hiện chủ trương của cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương trong công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của văn bản kiến nghị./.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thành Duy

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây