Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai

https://vksnd.gialai.gov.vn


Kiến nghị phòng chồng tội phạm xâm phạm tình dục trẻ em

Thông qua công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm; kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự.
Viện kiểm sát nhân dân huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai nhận thấy trong những năm gần đây trên địa bàn huyện Đak Pơ loại tội phạm xâm hại tình dục trẻ em có chiều hướng diễn biến phức tạp, nạn nhân trong các vụ án này đều ở độ tuổi dưới 16 tuổi và là học sinh. Đây là hồi chuông báo động cho sự suy đồi đạo đức, sự xuống cấp của xã hội, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự, an toàn xã hội. Các đối tượng phạm tội thường lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin, thiếu hiểu biết của nạn nhân để thực hiện hành vi xâm hại tình dục.
Nguyên nhân làm phát sinh loại tội phạm xâm hại tình dục trẻ em:

+ Thứ nhất: Các đối tượng thường sử dụng mạng xã hội Facebook, Zalo, … để làm quen rồi rủ đi chơi, lợi dụng sự ngây thơ, nhẹ dạ của các cháu gái để dụ dỗ yêu đương và thực hiện hành vi giao cấu.
+ Thứ hai: Gia đình bị hại có hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ ly hôn hoặc là người dân tộc thiểu số nên không quan tâm chăm sóc, quản lý, giám sát, giáo dục con cái.
+ Thứ ba: Sự phát triển chung của xã hội kéo theo sự xâm nhập của nhiều tệ nạn khác; công tác quản lý nhà nước về văn hóa, thông tin còn chưa sát sao; sự gia tăng của mạng xã hội và Internet làm xuất hiện nhiều thông tin độc hại, ảnh hưởng đến sự phát triển tâm sinh lý bình thường của các cháu. Bên cạnh đó là tình trạng một bộ phận thanh thiếu niên sống buông thả, đua đòi, xuống cấp về đạo đức, sử dụng ma túy và các chất kích thích khác dẫn đến mất kiểm soát lý trí, từ đó dễ sa ngã vào con đường phạm tội.
+ Thứ tư: Công tác tuyên truyền, phổ biến Luật bảo vệ chăm sóc trẻ em, Chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016 – 2020 và công tác phòng chống xâm hại tình dục trẻ em chưa được quan tâm đúng mức, có lúc, có nơi còn thực hiện mang tính hình thức, chạy theo phong trào; chưa đi sâu xuống từng địa bàn, thôn, làng, khu dân cư nên hiệu quả chưa cao. Sự kết hợp quản lý giáo dục giữa gia đình– nhà trường và xã hội chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ. Trẻ em chưa được trang bị đầy đủ những kiến thức, kỹ năng cần thiết để phòng tránh bị xâm hại tình dục.
+ Thứ năm: Sự quản lý, giáo dục giữa gia đình, nhà trường cũng như các tổ chức đoàn thể trên địa bàn huyện chưa thực sự chặt chẽ, một số gia đình do tập trung làm ăn, kiếm sống nên thiếu sự quan tâm, giáo dục con cái, nhà trường buông lỏng sự quản lý, không quan tâm đến việc giáo dục trong sinh hoạt của học sinh, từ đó dẫn đến con cái, học sinh thường tụ tập, ăn chơi tham gia vào các tệ nạn xã hội dẫn đến thực hiện hành vi phạm tội.
Việc các đối tượng có hành vi xâm hại tình dục trẻ em xảy ra trên địa bàn huyện đã xâm phạm trực tiếp đến quyền nhân thân của đối tượng là trẻ em được Nhà nước ta có chính sách bảo vệ đặc biệt, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương, gây tâm lý hoang mang cho quần chúng nhân dân.
Để nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước, góp phần giảm thiểu những nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh vi phạm, tội phạm, tạo sự chuyển biến tích cực và nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung, tội phạm về xâm hại tình dục trẻ em nói riêng trên địa bàn huyện Đak Pơ. Viện kiểm sát nhân dân huyện Đak Pơ đã ban hành kiến nghị phòng ngừa số: 07/KN-VKS ngày 20/7/2020 đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đak Pơ để thực hiện các giải pháp cụ thể sau:
         
+ Chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, Uỷ ban nhân dân các xã, thị trấn  trên địa bàn huyện Đak Pơ thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 16/5/2017 của Thủ tướng Chính Phủ về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; Luật Trẻ em (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2017).
         
+ Chỉ đạo Công an huyện Đak Pơ phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các cơ sở kinh doanh có điều kiện đặc biệt là các Nhà nghỉ, quán Karaoke, quán Internet… Thường xuyên thành lập các đoàn Thanh tra liên ngành để kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý các hoạt động văn hóa không lành mạnh.
         
+ Chỉ đạo Phòng LĐTB-XH, Phòng Tư pháp, Phòng Văn hoá thông tin, Đoàn Thanh niên, Hội phụ nữ, các trường học trên địa bàn huyện cần chú trọng hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức pháp luật cũng như kiến thức về giới tính cho trẻ em. Nâng cao hơn nữa trách nhiệm quản lý giữa gia đình và nhà trường, tăng cường giáo dục cho các em kiến thức về giới tính để các em tự bảo vệ mình trước những hành vi dụ dỗ, lôi kéo của các đối tượng xấu. Khi bị xâm hại tình dục, bị hại và gia đình phải trình báo ngay cho cơ quan chức năng để được hỗ trợ tư vấn, giải quyết tránh để lọt tội phạm.

+ Quan tâm và tạo điều kiện hỗ trợ về kinh phí để Viện kiểm sát, Tòa án phối hợp tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động, phiên tòa giả định nhằm góp phần tuyên truyền pháp luật cho nhân dân đồng thời răn đe các đối tượng có ý định phạm tội xâm hại tình dục trẻ em trên địa bàn huyện;

+ Có chính sách hỗ trợ kinh phí cho các Hội, các tổ chức đoà
n thể để thực hiện công tác tuyên truyền phòng, chống loại tội phạm này;

+ Chỉ đạo Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao huyện tăng thời lượng phát thanh, đưa các tin, bài về công tác phòng chống tội phạm nói chung và tội phạm xâm hại tình dục nói riêng, nhất là tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.

Từ thực trạng cho thấy, bảo vệ trẻ em trước vấn nạn xâm hại là việc làm cấp thiết, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, gia đình và toàn xã hội; cần tạo hành lang pháp lý đủ mạnh, cơ chế chặt chẽ để phòng ngừa hiệu quả, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm đối với những hành vi xâm hại trẻ em để đảm bảo tính răn đe, nghiêm minh của pháp luật. Đồng thời, các cấp, các ngành cần tập trung giáo dục, nâng cao ý thức và kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em không chỉ với chính các em mà còn phải với người lớn để xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em.

Tác giả bài viết: Nguyễn Chí Linh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây